Ca sĩ giọng nam thiến - bi kịch của những cậu bé bị tịnh thân để giữ chất giọng cao

Skye, Theo Thời Đại 08:00 26/03/2017

Với vai trò lĩnh xướng quan trọng trong các dàn nhạc nhà thờ và các vở opera, những cậu bé bị thiến ngay từ khi còn nhỏ để có được chất giọng cao, lảnh lót và thanh tự nhiên. Tuy nhiên, đi kèm với đó là bi kịch cả cuộc đời.

Vào thế kỷ 17 và 18, Giáo hàng không cho phép những nữ ca sĩ được hát trong dàn hợp xướng nhà thờ hay biểu diễn trên sân khấu. Chính vì vậy, các giọng ca nam phải đảm nhận luôn phần hát của nữ ca sĩ.

Tuy nhiên, với chất giọng tự nhiên cao và thanh mảnh khó bắt chước, việc thay thế giọng nữ trong dàn nhạc gần như là không thể. Để giải quyết vấn đề, họ đã đưa ra cách giải quyết vô cùng tàn khốc: thiến các bé trai để giữ giọng của chúng luôn được cao và trong. 

Ca sĩ giọng nam thiến - bi kịch của những cậu bé bị tịnh thân để giữ chất giọng cao - Ảnh 1.

Dụng cụ thường được sử dụng trong quá trình tịnh thân các bé trai.

Người sở hữu giọng ca như vậy thường được gọi bằng cái tên "Castrato": Những giọng ca nam thiến. 

Thông thường, các bé trai sẽ phải tịnh thân trước khi bước vào tuổi dậy thì, vào khoảng 9 tuổi là hợp lý. Nhờ vậy, chất giọng trẻ trung, trong trẻo của các em khi còn nhỏ sẽ kéo dài đến tận lúc trưởng thành. Sau quá trình tịnh thân, các bé trai sẽ bước vào giai đoạn luyện thanh đầy phức tạp kéo dài cả hơn chục năm. 

Quá trình tịnh thân đầy đau đớn

Vào cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17, nhiều gia đình tại Italy lâm vào cảnh đói nghèo. Để cứu vãn tình thế cho cả gia đình, nhiều ông bố bà mẹ đã tình nguyện "hiến" con mình và chấp nhận cho con tịnh thân để trở thành ca sĩ. 

Tịnh thân là một quá trình đầy đau đớn với trẻ em và nhiều đứa trẻ đã chết vì áp lực hay bị nhiễm trùng trong quá trình hoạn.

Thông thường, những bé trai với giọng ca triển vọng sẽ được đưa tới một tay bác sĩ phẫu thuật nghiệp dư. Tại đây, lũ trẻ sẽ phải ngâm mình vào trong bồn nước rất nóng với các thảo mộc và gia vị đặc biệt. Sau đó, các cậu bé sẽ được cho hít thuốc phiện, như một cách để giảm đau khi thời đấy, khoa học chưa đủ phát triển để sản xuất ra thuốc giảm đau. 

Ca sĩ giọng nam thiến - bi kịch của những cậu bé bị tịnh thân để giữ chất giọng cao - Ảnh 2.

Thông thường, các em nhỏ sẽ bị tịnh thân khi chưa bước vào tuổi dậy thì để giữ được giọng trong và cao.

Quá trình đau đớn bắt đầu diễn ra khi lũ trẻ bị ép vỡ tinh hoàn trước khi bị cắt hoàn toàn những dây thần kinh liên quan tại cơ quan sinh dục. Với phương pháp đau đớn này, lũ trẻ mất hoàn toàn cơ hội có thể kết hôn và lập gia đình sau đó. 

Kể cả khi bước vào giai đoạn trưởng thành, các castrato thường mắc chứng rối loạn về cảm xúc, dễ cáu gắt và tự cao. Họ luôn dằn vặt về sự bất lực, béo phì và khiếm khuyết của mình. Nhiều castrato trở thành "con mồi" cho các quý bà trung lưu khi họ vẫn có khả năng với các công việc giường chiếu và không để lại hậu quả gì. Chính vì không phải ai cũng thành công nên một số castrato phải chịu kiếp mua vui cho các quý bà. 

Hào quang của các ca sĩ giọng nam thiến

Số lượng các bé trai bị tịnh thân trong thế kỷ 17 và 18 tại châu Âu là khoảng 4.000 em. Tuy nhiên, không phải ai cũng trở thành các ca sĩ opera nổi tiếng. Chỉ một vài trong số đó có thể bước dưới ánh hào quang sân khấu một cách thực sự.

Các castrato thành công có sự nghiệp phát triển rực rỡ như những ngôi sao ca nhạc thời hiện đại. Họ nổi tiếng và đi biểu diễn tại hầu khắp các nhà hát châu Âu. Số khác nếu không có đủ giọng ca và tài năng sẽ phải đi hát trong các dàn hợp xướng nhà thờ. 

Ca sĩ giọng nam thiến - bi kịch của những cậu bé bị tịnh thân để giữ chất giọng cao - Ảnh 3.

Chân dung giọng ca nổi tiếng thời bấy giờ, Farinelli (ở giữa).

Thời bấy giờ, castrato nổi tiếng nhất phải kể tới Farinelli, danh ca với chất giọng trải dài trên hơn 3 quãng. Farinelli có thể giữ các nốt cao trong cả phút đồng hồ mà không phải lấy hơi. 

Farinelli thường được trả rất nhiều tiền để biểu diễn. Ông đã có cơ hội thể hiện các nhạc phẩm Opera đỉnh cao cho rất nhiều hoàng tử tại Italy và các hoàng tộc khác. Người đàn ông tài năng này cũng từng tới Pháp và Hà Lan biểu diễn.

Cuối thế kỷ 18, gu thẩm mỹ âm nhạc đã thay đổi. Những danh ca giọng nam thiến cũng không còn được trọng dụng, ngoại trừ tại Vatican, nơi nhà nguyện Sistine vẫn tiếp tục thuê các giọng ca nam thiến tới biểu diễn cho tới năm 1903. 

Alessandro Moreschi là danh ca bị tịnh thân cuối cùng. Ông qua đời vào năm 1922, thọ 64 tuổi. Trong thời kỳ đỉnh cao của mình, ông được biết đến với cái tên "Thiên thần thành Rome".