Cả Châu Á đang chung tay chống lại túi nylon, rác thải nhựa như thế nào?

Nam Thanh, Theo Helino 07:00 01/07/2018

Trong khi nhiều quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ đang dần cấm sử dụng túi nylon để chuyển sang các vật liệu thân thiện với môi trường thì nhiều nơi khác cũng đang bước đầu có các động thái tích cực trong việc dọn dẹp và bảo vệ môi trường biển - vốn đang bị vây hãm bởi hàng triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm.

Ngày 3/6/2018, một con cá voi được người dân địa phương tìm thấy trôi dạt trên bờ biển Thái Lan trong tình trạng suy nhược, không thể dung nạp được chất dinh dưỡng. Ngay lập tức, các nhân viên của Cơ quan hàng hải và Tài nguyên biển Thái Lan đã có mặt kịp thời và nỗ lực tìm cách cứu sống chú cá voi này. 

5 ngày đêm ròng rã cùng nhiều nỗ lực bỏ ra của người Thái đã không làm nên kỳ tích, khi chú cá voi nọ đã không thể qua khỏi. 

Cả Châu Á đang chung tay chống lại túi nylon, rác thải nhựa như thế nào? - Ảnh 1.

Con cá voi đáng thương đã chết sau khi nuốt phải hơn 80 chiếc túi nhựa.

Người ta tìm thấy trong dạ dày con cá voi hàng đống túi nhựa không phân huỷ. Và chính đống túi này đã làm ảnh hưởng nặng nề tới quá trình tiêu hoá của con vật, từ từ làm nó chết đói rồi theo những con sóng đánh dạt vào bờ biển. 

Thái Lan lại là một trong những quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng túi nylon cao nhất thế giới. 

Cả Châu Á đang chung tay chống lại túi nylon, rác thải nhựa như thế nào? - Ảnh 2.

Những hình ảnh ô nhiễm môi trường biển nhức nhối gây ra bởi rác thải nhựa của con người.

Không chỉ con cá voi kể trên, hình ảnh những loài động vật biển (và cả ở mọi môi trường sinh sống khác) đang chết dần chết mòn trong môi trường tràn ngập túi nylon, đồ nhựa và các rác thải không phân hủy đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong các thước phim về vấn nạn toàn cầu. 

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc được đưa ra hồi tháng 12/2017, hiện mỗi năm toàn cầu có thêm khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa không phân hủy, phần lớn là các chai nhựa, túi và rác thải sinh hoạt được thải ra đại dương, trực tiếp giết chết nhiều sinh vật biển và gián tiếp xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người. 

Trước tình hình đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã đồng loạt hành động để giải quyết vấn nạn nhức nhối này.

Từ việc phạt tù khi dùng túi nylon ở Ấn Độ...

Dùng túi nylon, xông ngay nhà đá - chuyện nghe có vẻ hoang đường này đang thực sự diễn ra ở Ấn Độ. 

Theo Chính quyền bang Maharashtra, địa phương này hiện đang ban hành lệnh cấm sản xuất, sử dụng, mua bán hay phân phối các vật liệu, đồ tiêu dùng được làm từ nhựa, đặc biệt là các món hàng hóa sinh hoạt như túi nylon, thìa, bát đĩa nhựa loại dùng một lần. Hình phạt từ giới chức địa phương được quy định là 5.000 INR (khoảng 74 USD - hơn 1,5 triệu đồng) cho lần vi phạm đầu, tiên, lần thứ hai phạt gấp đôi (10.000 INR - khoảng hơn 3 triệu đồng) và lần thứ ba lên tới 25.000 INR (khoảng 7,5 triệu đồng) cộng thêm một án tù 3 tháng. Điều này có nghĩa là nếu bạn ăn 3 cốc mì ly ở Ấn Độ và để cơ quan hành pháp địa phương nhìn thấy cốc nhựa trên tay, bạn sẽ phải nộp phạt một khoản kha khá và có 3 tháng ngồi trong tù, suy ngẫm về hành động gián tiếp tán phá môi trường của mình.

Cả Châu Á đang chung tay chống lại túi nylon, rác thải nhựa như thế nào? - Ảnh 4.

Một số vùng ở Ấn Độ đã hoàn toàn cấm sử dụng túi nhựa.

Trái ngược với động thái cứng rắn này, các nhà hoạt động môi trường ở Ấn Độ cũng như người dân lại rất hoan nghênh quyết định kể trên. Trên thực tế, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tuyên bố nước này đang đặt ra tham vọng dài hạn chấm dứt sử dụng và xả rác thải nhựa vào năm 2022, khai tử các sản phẩm nhựa dùng một lần. Quyết định này đã thu hút sự tham gia của hơn 60 quốc gia trên toàn thế giới, đồng thời gợi mở một tương lai tươi sáng cho môi trường khi 1,3 tỷ dân Ấn Độ sẽ chung tay giải quyến vấn nạn môi trường của quốc gia này.

Hàng năm thế giới sử dụng tới 5.000 tỷ túi nhựa dùng một lần, trong đó ở Ấn Độ mỗi ngày đào thải ra khoảng 25.940 tấn nhựa và hơn 97.000 tấn chất thải rắn. 

... Cho tới ngày Môi trường thế giới 2018: khi những chiếc túi nhựa trở thành vấn nạn chung của nhân loại

Trong suốt 130 năm, National Geographic đã ghi lại câu chuyện về hành tinh xanh của chúng ta, đem đến cho mọi người những hình ảnh tuyệt đẹp của Trái Đất cũng như những mối đe dọa hiểm nghèo mà nó đang phải đối mặt hàng ngày. mỗi ngày trôi qua, các nhà thám hiểm, nghiên cứu cùng các nhiếp ảnh gia lại cùng chứng kiến tận mắt những tác động tiêu cực, tàn phá khủng khiếp của rác thải nhựa lên đại dương và khiến tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn." - trích lời ông Gary E. knell, giám đốc điều hành National Geographic Partners trong một cuộc phỏng vấn với Daily Mail. 

Cả Châu Á đang chung tay chống lại túi nylon, rác thải nhựa như thế nào? - Ảnh 5.

Một hình ảnh ấn tượng trên bìa tạp chí NatGeo: "18 tỷ pound nhựa trôi dạt trên đại dương mỗi năm, và đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm".

Ngày Môi trường thế giới năm 2018 do đó đã chọn chủ đề "Giải quyết chất thải nhựa và nylon" dưới cái tên ấn tượng "PLANET OR PLASTIC?", nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về vấn nạn môi trường này, đồng thời hạn chế tối đa lượng rác thải nhựa xả ra môi trường mỗi năm.

Trong khuôn khổ của sự kiện này, các Đại sứ hàng đầu tới từ Mỹ và Liên minh Châu Âu cũng như Châu Úc đã đưa ra những cảnh báo về hàng triệu tấn rác thải nhựa bị thải ra môi trường do ý thức bảo vệ môi trường chưa cao cũng như tập quán "tiện đâu xả đó" của một bộ phận lớn người dân trên toàn thế giới. Họ đồng thời kêu gọi mỗi người dần thay đổi các thói quen tiêu dùng, hạn chế tối đa các đồ nhựa dùng một lần như bát, túi, cốc nhựa hay ống hút.

Có ít nhất 50 quốc gia trên thế giới hiện đã bắt tay vào chống lại rác thải và tình trạng ô nhiễm nhựa, theo các báo cáo của Liên Hợp Quốc, trong đó có Anh và Liên minh Châu Âu. Đất nước tỷ dân Trung Quốc đã cấm hoàn toàn việc sử dụng túi nylon, thay vào đó là các loại túi sử dụng chất liệu có thể phân hủy được. Điều tương tự đang được triển khai ở Châu Phi và nhiều vùng lãnh thổ ở Ấn Độ, Australia và Canada. Một số quốc gia chưa thể triệt để giải quyết thói quen sử dụng túi nylon của người dân đã bắt đầu có các biện pháp phòng chống, hạn chế như trả tiền cho người dân để tái chế, thu thập chất thải nhựa tại Cameroon; thay dần túi nylon bằng túi vải ở Morocco. 

Cả Châu Á đang chung tay chống lại túi nylon, rác thải nhựa như thế nào? - Ảnh 6.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã cùng cam kết dọn sạch môi trường biển và chung tay chống lại vấn nạn rác thải nhựa toàn cầu.

Ít nhất 50 quốc gia trên toàn thế giới hiện đang có những biện pháp thiết thực nhằm giảm tình trạng ô nhiễm nhựa, theo báo cáo của Liên hợp quốc. Tháng 4 năm nay, Anh tuyên bố sẽ cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần như bông ngoáy tai, ống hút nhựa… với hy vọng sẽ thuyết phục các nước cùng tham gia cuộc chiến chống rác thải nhựa. 

Trước đó, với việc tính phí sử dụng túi nilon, Anh đã giảm được 9 tỷ chiếc túi nilon. Liên minh Châu Âu hiện đang nghiên cứu đề xuất cấm sử dụng ống hút nhựa, dao kéo nhựa. 

Còn tại Trung Quốc, túi nilon đã bị cấm hoàn toàn, thay vào đó là các loại túi phân hủy sinh học. Rất nhiều quốc gia Châu Phi đã cấm sử dụng hoàn toàn túi nilon hoặc đang xem xét cấm. Tại Kenya, sử dụng và sản xuất túi nilon có thể bị phạt đến 4 năm tù giam hoặc phải nộp tiền phạt. Ấn Độ, Canada và Australia đều đã cấm sử dụng túi nilon ở nhiều nơi trên toàn quốc. Tại Cameroon, túi nilon bị cấm và các hộ gia đình được trả tiền để thu thập chất thải nhựa. Maroc đã thay túi nilon bằng túi vải. Chính phủ Thái Lan - nơi chú cá voi khốn khổ chết vì tắc nhựa trong ruột - đã đề xuất một kế hoạch dài hơi kéo dài 20 năm nhằm thay thế túi nhựa bằng các vật liệu thân thiện với môi trường, dần dần từng bước giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường biển đã nhức nhối từ nhiều năm nay.

Trái Đất là ngôi nhà duy nhất mà chúng ta có, đồng thời cũng là hành tinh xinh đẹp nhất trong vũ trụ. Mỗi hành động - dù lớn hay nhỏ, mềm mỏng hay quyết liệt - đều sẽ góp phần thay đổi môi trường sống quanh chúng ta từng chút một. Rác thải nhựa tuy là một vấn nạn nhức nhối toàn cầu nhưng tin rằng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các nước trên thế giới cũng như trong hành động và nhận thức của mỗi người dân, môi trường biển nói riêng và Trái Đất nói chung sẽ có một cơ hội để tươi đẹp trở lại.

Nguồn: Tổng hợp