Bước chân vào gia đình hoàng tộc, những “bóng hồng” thường dân này đã chứng minh rằng: Đâu cứ phải môn đăng hộ đối mới hạnh phúc viên mãn

Nguyễn Nguyễn, Theo Thời đại 20:30 23/11/2018

Kết hôn có cần môn đăng hộ đối không, đó là câu hỏi chưa bao giờ cũ. Nhưng các trường hợp dưới đây sẽ cho chúng ta một góc nhìn mới.

"Môn đăng hộ đối" là câu thành ngữ chỉ việc 2 gia đình trong quan hệ thông gia, nhà trai và nhà gái là tương xứng với nhau về mặt địa vị xã hội và tài sản, đều là những gia đình quyền quý, giàu có, theo quan niệm hôn nhân thời xưa.

Nhưng, không còn giống ngày trước, thế hệ trẻ trong các gia đình hoàng gia trên thế giới ngày nay thường kết hôn vì lựa chọn tình yêu chứ không bị ảnh hưởng bởi tước vị hay hôn nhân mang màu sắc chính trị. Chính vì lẽ này mà những cô gái thường dân dưới đây vẫn may mắn có một kết thúc viên mãn cùng các Quốc vương, Hoàng tử, và họ đã chứng minh được rằng việc môn đăng hộ đối đôi khi không còn là "chướng ngại vật" cần vượt qua để chứng tỏ tình yêu trong xã hội thời nay.

Jetsun Pema - Hoàng hậu trẻ tuổi nhất của Bhutan

Bước chân vào gia đình hoàng tộc, những “bóng hồng” thường dân này đã chứng minh rằng: Đâu cứ phải môn đăng hộ đối mới hạnh phúc viên mãn - Ảnh 1.

Jetsun Pema xuất thân trong một gia đình thường dân ở Bhutan, đất nước được mệnh danh là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Năm 7 tuổi, cô đã gặp chàng Hoàng tử Jigme Khesar Namgyel Wangchuc,17 tuổi tại một buổi dã ngoại gia đình. Như một cuộc gặp gỡ định mệnh, nó đã khiến cuộc sống cô thay đổi, và 14 năm sau, cô chính thức lên ngôi Hoàng hậu của Bhutan.

Vào thời điểm 10 tuổi, những bàn luận của mọi người khiến Jetsun Pema cảm thấy lo lắng. Cô nghĩ rằng bản thân chỉ là một người dân thường, không có tước hiệu hoàng gia và không có vẻ ngoài khả ái, hút hồn, vậy thì làm sao cô có thể cưới được Hoàng tử. Từ đó, cô cho rằng, để có thể sánh đôi cùng Hoàng tử, cô cần phải học tập chăm chỉ và hết mình với tình yêu này. Trước khi lên ngôi, cô đã theo học Đại học Regent ở London, chuyên ngành quan hệ quốc tế, tâm lý học và lịch sử nghệ thuật còn Quốc vương Jigme Khesar từng theo học tại hai ngôi trường danh tiếng là Đại học Boston (Mỹ) và Oxford (Vương quốc Anh) với kết quả tốt nghiệp tương đối tốt. Họ đều có chung sở thích về nghệ thuật.

Vào năm 2011, cô gái 21 tuổi, Jetsun Pema đã kết hôn cùng Quốc vương Jigme Singye Wangchuck, 31 tuổi. Đám cưới hoàng gia được tổ chức theo phong cách giản dị truyền thống ở Bhutan. Lễ cưới diễn ra trong phạm vi gia đình và khách mời chỉ bao gồm các thành viên trong hoàng thất cùng khoảng vài ngàn người dân địa phương.

Cái nhìn đầu tiên đưa Rania Al Yassin lên ngôi Hoàng hậu của Jordan

Bước chân vào gia đình hoàng tộc, những “bóng hồng” thường dân này đã chứng minh rằng: Đâu cứ phải môn đăng hộ đối mới hạnh phúc viên mãn - Ảnh 2.

Rania Al-Yassin sinh ngày 31/8/1970 tại Kuwait trong một gia đình có nguồn gốc từ Palestine, sau đó chuyển tới sinh sống tại Jordan. Sau khi tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh tại đại học Mỹ ở Cairo (Ai Cập), Rania chuyển về sống cùng gia đình và làm việc tại Apple ở thủ đô Amman.

Một bữa tiệc tại Trường Đại học Oxford (Anh) đã làm thay đổi cuộc sống của bà khi tình cờ gặp Hoàng tử Abdullah của Vương quốc Jordan, họ dường như phải lòng nhau ngay lập tức và đính hôn chỉ sau đó 2 tháng. Năm 1999, Abdullah II lên ngôi Vua Jordan, một tháng sau, vào ngày 22/3, họ đã tổ chức một lễ cưới hoành tráng trước sự chứng kiến của người dân Jordan và cả thế giới. Lần đầu tiên, một cô gái Ả rập xuất thân từ một gia đình thường dân gia nhập Hoàng gia Jordan.

Rania đã chiếm được cảm tình của dân chúng ngay từ những phút đầu tiên bước chân vào Hoàng gia Jordan khi bà đề nghị bỏ bớt vàng và đá quý trên vương miện của mình để gây quỹ giúp đỡ người nghèo. Cưới nhau được một năm, Rania hạ sinh hoàng tử rồi lần lượt sau đó là 3 cô công chúa. Hoàng hậu của Jordan đã từng được Tạp chí Harpers and Queen bình chọn là Đệ nhất phu nhân đẹp nhất năm 2011.

"Chuyện cổ tích giữa đời thường", Mary Elizabeth Donaldson trở thành công nương ở Đan Mạch

Bước chân vào gia đình hoàng tộc, những “bóng hồng” thường dân này đã chứng minh rằng: Đâu cứ phải môn đăng hộ đối mới hạnh phúc viên mãn - Ảnh 3.

Mary Donaldson, người Tasmania sinh ngày 5 tháng 2, 1972, tại Slip Inn. Mary gặp Hoàng tử Frederik tại Slip Inn, một quán rượu ở Sydney, khi Hoàng tử đi thăm nước Úc trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa Hè 2000. Hoàng tử tự giới thiệu mình là Fred, và không nói với Mary xuất thân hoàng tộc của mình cho đến khi tình cảm đã thực sự bền chặt.

Lễ đính hôn chính thức của họ diễn ra vào năm 2003 và cuộc hôn nhân của cả 2 vào 14/5/2004. Câu chuyện tình lãng mạn giữa một Hoàng tử và cô gái bình thường là chủ đề nhận được sự chú ý rộng rãi của phương tiện truyền thông tại Đan Mạch và châu Âu lúc bấy giờ. Nhiều người miêu tả cuộc hôn nhân này là câu chuyện tình lãng mạn ở thời hiện đại giữa một hoàng tử và một thường dân.

Dường như sự xuất hiện của Mary tại Copenhagen càng khiến cho Hoàng gia Đan Mạch ngày càng được ưa chuộng. Một cuộc điều tra mới đây cho thấy 82% dân số Đan Mạch hiện nay ủng hộ nền quân chủ, tăng 77% so với trước khi Công nương Mary trở thành Thái tử phi. Công nương cùng gia đình thường xuyên xuất hiện trên đường phố Copenhagen. Bà xứng đáng là một người mẹ "quốc dân" khi luôn chăm sóc chu đáo 4 đứa con và cùng chúng đạp xe quanh thành phố, đi cưỡi ngựa, đi bơi và tập múa ba lê.

Charlene Wittstock - nàng công chúa thứ hai của Hoàng gia Monaco

Bước chân vào gia đình hoàng tộc, những “bóng hồng” thường dân này đã chứng minh rằng: Đâu cứ phải môn đăng hộ đối mới hạnh phúc viên mãn - Ảnh 4.

Một vị Thái tử và từng là tay chơi có tiếng, con trai duy nhất của ngôi sao Hollywood Grace Kelly và Thái tử Monaco Reinier. Một cô gái kém Thái tử tới 20 tuổi, xuất thân từ tầng lớp lao động ở Nam Phi, cựu vận động viên bơi lội Olympic, con gái của một người bán máy in. Thái tử Albert gặp Wittstock khi cô mới chỉ 22 tuổi và đang tham gia một cuộc thi bơi lội ở Monaco. Thái tử, một cựu thành viên của đội tuyển Olympic Monaco, cho biết thể thao đã kéo hai người lại gần nhau hơn. Khi sự nghiệp bơi lội của Wittstock đột ngột chấm dứt cách đây 5 năm do chấn thương, Wittstock đã chuyển đến Monaco. Tuy lo ngại trước việc phải làm quen với cách ứng xử trong Hoàng tộc và việc học tiếng Pháp, những cô đã được báo chí Monaco xem như một hiện tượng thời trang.

Họ kết hôn vào ngày 23/6/2010, đám cưới đã thu hút hàng chục nghìn người về để chứng kiến hôn lễ của Thái tử và một cô gái thường dân, hơn như thế, sự kiện này còn nắm vai trò chủ chốt trong việc kéo dài sự thịnh vượng của quốc gia nhỏ nhất thế giới chỉ sau Thánh địa Vatican này.

Meghan Markle - Công nương xứ Sussex sau buổi hẹn hò giấu mặt

Bước chân vào gia đình hoàng tộc, những “bóng hồng” thường dân này đã chứng minh rằng: Đâu cứ phải môn đăng hộ đối mới hạnh phúc viên mãn - Ảnh 5.

Markle sinh ngày 4/8/1981 tại Mỹ, là một nữ diễn viên, nhà hoạt động xã hội, nhà thiết kế thời trang và và còn là một doanh nhân. Trước khi gia nhập Hoàng gia Anh, cô được biết đến là diễn viên da màu, từng kết hôn một lần và hơn Hoàng tử Harry 3 tuổi. "Phải lòng" nhau ngay từ lần gặp đầu tiên tại một buổi hẹn hò do một người bạn chung làm mai hồi tháng 7/2016.

Chuyện tình cảm của hai người vẫn nằm trong vòng bí mật tới tận 6 tháng sau đó cho tới khi được Hoàng tử Harry tiết lộ với báo giới qua những hình ảnh du lịch, check-in địa điểm giống nhau và cặp vòng tay đôi. Ngay lập tức, rất nhiều người Anh rộ lên phản đối chuyện tình này khi thân thế của Meghan Markle được tiết lộ. Trước tâm bão dư luận, Harry phải yêu cầu truyền thông ngừng công kích người mình yêu.

Nữ diễn viên người Mỹ Meghan Markle đã chính thức trở thành thành viên của gia đình Hoàng gia Anh khi cô và Hoàng tử Harry kết hôn vào ngày 19/5/2018 vừa qua tại nhà nguyện St George, Windsor. Meghan trở thành Công nương đầu tiên của xứ Sussex sau khi kết hôn với Hoàng tử Harry – người thứ 5 trong danh sách thừa kế ngai vàng. Vào ngày 15/10, điện Kensington, Vương quốc Anh thông báo Công nương Meghan Markle mang thai đứa con đầu lòng.