Bùi Tiến Dũng sẽ mở đường cho việc chuyên nghiệp hóa nghề cầu thủ bóng đá?

Bảo Bảo, Theo Trí Thức Trẻ 12:42 03/02/2018

Sau vụ lùm xùm của Bùi Tiến Dũng gần đây, có ý kiến cho rằng nghề cầu thủ trong tương lai sẽ được hoàn thiện hơn, khi các ngôi sao sẽ có người đại diện chuyên nghiệp như ở nước ngoài.

Tối hôm trước bật TV xem trực tiếp Ronaldo chạy hùng hục trên sân cỏ tại Tây Ban Nha, đến hôm sau lướt điện thoại xem tin tức bạn có thể thấy tiền đạo 32 tuổi này đã ở Paris để dự sự kiện thời trang. 

Nếu giữa tuần Messi phải chơi trận đấu quan trọng ở Champions League, thì không có nghĩa 24 tiếng sau siêu sao người Argentina không thể có mặt ở Trung Quốc để thao thao bất tuyệt về dự án công viên thể thao mang tên anh.

Trong vòng quay của bóng đá chuyên nghiệp, chuyên môn và thương mại là hai yếu tố đi liền và vô cùng quan trọng. Không ai cấm cầu thủ kinh doanh, đi event hay sử dụng giá trị hình ảnh của bản thân, một cách hợp pháp.

Bùi Tiến Dũng sẽ mở đường cho việc chuyên nghiệp hóa nghề cầu thủ bóng đá? - Ảnh 1.

Chuyện Ronaldo đăng ảnh quảng cáo trên trang cá nhân thế này đã quá quen thuộc.

Các nhãn hàng có nhu cầu sử dụng hình ảnh của cầu thủ và ngược lại, cầu thủ có quyền kiếm tiền bằng hình ảnh của bản thân. Chưa nói đến các ngôi sao hàng đầu như Ronaldo hay Messi, một cầu thủ trẻ mới nổi ở Ngoại hạng Anh có thể đã được Nike hay Adidas đặt vấn đề tài trợ độc quyền, trong nhiều năm.

Trên thế giới, việc các cầu thủ có người đại diện riêng hay một công ty truyền thông đứng sau là rất phổ biến. 

Khi "siêu cò" Mino Raiola chỉ đạo, thủ môn Gianluigi Donnarumma của AC Milan sẽ  bỏ tập, đánh tiếng muốn ra đi để gây sức ép với CLB. Và cuối cùng AC Milan phải mời anh ký một bản hợp đồng mới với mức lương cao ngất ngưởng cho thủ môn mới 18 tuổi.

Khi Ronaldo "buồn", anh lại nói nhớ Man Utd, nhớ về giải Ngoại hạng Anh. Và thế là ít tuần sau Real Madrid phải chấp nhận việc tăng lương cho CR7 cùng nhiều đãi ngộ khác trong hợp đồng. Những việc thế này không thể không có bàn tay can dự của Jorge Mendes, đại diện của Ronaldo.

Người đại diện là ai?

Những người đại diện này sẽ giúp các cầu thủ xử lý mọi vấn đề về bản quyền hình ảnh, pháp lý, tất tần tật những thứ ngoài vấn đề chuyên môn. Nói cho dễ hiểu, cầu thủ chỉ lo việc đá bóng, còn lại người đại diện sẽ lo tất cả.

Bùi Tiến Dũng sẽ mở đường cho việc chuyên nghiệp hóa nghề cầu thủ bóng đá? - Ảnh 2.

Mendes (giữa), người đại diện của Ronaldo và Mourinho.

Người ta có thể nhìn những "siêu cò" như thế bằng con mắt thiếu thiện chí, cho rằng họ chỉ là những doanh nhân làm giàu trên công sức của cầu thủ. Nhưng thực tế, việc họ làm chỉ là có lợi cho thân chủ, cho cầu thủ của mình. Ai không biết Ronaldo xem Mendes như người cha thứ hai, đến mức đã tặng cả một hòn đảo ở Hy Lạp làm quà cưới cho Mendes.

Bóng đá chuyên nghiệp rất cần những người đại diện và các công ty truyền thông như thế để giúp đỡ các cầu thủ. Ở thế giới việc này đã diễn ra từ lâu nhưng tại Việt Nam vẫn khá mới mẻ. Phải hơn 95% cầu thủ bóng đá Việt Nam không có người đại diện. Thế nên khi Bùi Tiến Dũng có một người đại diện riêng gần đây và xảy ra mâu thuẫn lợi ích với CLB chủ quản, những lời qua tiếng lại đáng tiếc đã xảy ra.

Trước đây cầu thủ Việt Nam không quá nổi tiếng và gây hiệu ứng truyền thông tốt như dàn cầu thủ U23 vừa qua. Nhưng khi các cầu thủ đã có giá trị hình ảnh một phần nào đó, giá trị thương mại sẽ kéo đến và khi đó cầu thủ rất cần một người đứng ra để bảo vệ quyền lợi cho họ. 

Đơn cử như trường hợp của Bùi Tiến Dũng, liệu thủ môn này có còn chuyên tâm vào tập luyện nữa không khi có quá nhiều vấn đề gần đây xảy ra, từ dư luận, từ truyền thông và cả sự liên hệ của các doanh nghiệp. Nếu có một người đại diện đứng sau hỗ trợ, Tiến Dũng chỉ tập trung vào bóng đá thôi.

Đó là lý do mà mỗi khi thị trường chuyển nhượng mở cửa trên thế giới, các cầu thủ vẫn chú tâm vào tập luyện và khẳng định 10 câu như 1: "Mọi việc tôi sẽ để người đại diện giải quyết".

Cần sớm chuyên nghiệp hóa người đại diện cầu thủ

"Thời gian qua, chúng ta vẫn chưa có những người đại diện pháp lý cho các cầu thủ. Là cầu thủ trẻ nên tôi cũng muốn có người quản lý đại diện cho mình trong việc xử lý các vấn đề ngoài chuyên môn, đồng thời cũng bảo vệ quyền lợi trong vấn đề khai thác hình ảnh", trung vệ Bùi Tiến Dũng từng chia sẻ.

Rõ ràng nhu cầu có người đại diện là có thật. Các cầu thủ không thể hiểu hết những lắt léo trong vấn đề pháp lý, truyền thông và kinh doanh bởi đã dành hết thời gian trong ngày cho bóng đá. Thế nên, thay vì chỉ trích cầu thủ không nên dính vào truyền thông hay kinh doanh, thì hãy công nhận người đại diện để cầu thủ có thể chuyên tâm hơn vào chuyên môn.

"Hãy để các em được sống hồn nhiên, không bị truyền thông tác động, chỉ tập trung cho bóng đá" - những bình luận như thế này có thực sự giúp ích các cầu thủ trẻ? Bóng đá hay thể thao đỉnh cao chỉ kéo dài khoảng 15 năm, khác hẳn với người lao động bình thường. Họ chỉ có 15 năm chơi bóng và tận dụng để kiếm tiền trong khoảng thời gian đó. Đừng cấm cản họ làm những việc chính đáng.

Bùi Tiến Dũng sẽ mở đường cho việc chuyên nghiệp hóa nghề cầu thủ bóng đá? - Ảnh 3.

Bùi Tiến Dũng hay bất cứ ngôi sao thể thao nào cũng có quyền kiếm tiền từ hình ảnh của mình một cách hợp pháp.

Vấn đề tiếp theo là chuyên nghiệp hóa người đại diện, mà trước tiên là nghề này cần được đăng ký trước pháp luật và các quy chế bóng đá Việt Nam cần có những quy định cho nhóm nghề nghiệp này, như cách FIFA đã làm.

Quá trình này sẽ mất một thời gian dài, nhưng sự việc của Bùi Tiến Dũng vừa qua đã khiến những người làm bóng đá chuyên nghiệp có cái nhìn đúng đắn và công bằng hơn với người đại diện. Đó sẽ là người bảo vệ lợi ích cho cầu thủ và góp phần chuyên nghiệp hóa nền bóng đá Việt Nam, vốn cần rất nhiều cú hích về cả chuyên môn lẫn truyền thông như kỳ tích U23 Việt Nam vừa qua.