Bức tranh biết "tàng hình" này là ảo ảnh thị giác đang gây bão mạng

Oct, Theo Helino 22:03 10/04/2018

Ai cũng có thể nhìn thấy ảo ảnh thị giác này. Còn bạn thì sao?

Một bức hình bạn đang nhìn thấy rõ mồn một, nhưng đột nhiên... mất tích, bạn có tin được không? Đó chính là lý do vì sao bức hình dưới đây được cư dân mạng chia sẻ rất nhiều trong những ngày gần đây.

Bức tranh biết tàng hình này là ảo ảnh thị giác đang gây bão mạng - Ảnh 1.

Tập trung nhìn vào giữa bức hình, chỉ sau vài giây bạn sẽ thấy nó chỉ còn màu trắng đục mà thôi

Được biết, bức hình có màu sắc hơi loang lổ nhợt nhạt này xuất hiện lần đầu trên Reddit. Theo như NightBreeze13 - người đăng tấm hình - thì đây là một ảo ảnh thị giác cực kỳ nổi tiếng mà ai cũng có thể nhìn thấy. 

Cụ thể, chỉ cần tập trung nhìn vào trung tâm bức hình trong vài giây, bạn sẽ thấy toàn bộ khối màu đột nhiên... tàng hình, chỉ còn màu nền trắng trơn.

Nhưng tại sao? Đây là hiện tượng ảo giác Troxler - được đặt tên theo người tìm ra nó là nhà vật lý học Ignaz Paul Vital Troxler. 

Vào năm 1804, Troxler nhận ra rằng nếu tập trung chỉ nhìn vào một vật thể trong tầm nhìn, thì sau một khoảng thời gian, các hình ảnh xung quanh sẽ dần biến mất. Thứ được thay thế sẽ tùy thuộc vào hình nền phía sau vật thể. 

Bức tranh biết tàng hình này là ảo ảnh thị giác đang gây bão mạng - Ảnh 2.

Tương tự nếu nhìn vào dấu X, bạn sẽ thấy màu sắc xung quanh biến mất

Căn nguyên của hiện tượng này là những thụ thể cảm nhận ánh sáng có trong võng mạc. Thông thường, các tế bào này nhận ánh sáng rồi chuyển thành tín hiệu gửi đến não bộ. Não phân tích tín hiệu rồi tạo ra hình ảnh mà chúng ta thấy.

Nhưng khi ép được mắt giữ yên vào một điểm, có nghĩa những tín hiệu ánh sáng mắt thu được là giống nhau. Sau một khoảng thời gian, sự nhạy cảm với tín hiệu này sẽ yếu đi, buộc não phải giảm cường độ các tín hiệu khác để tập trung xử lý. Kết quả, các hình ảnh xung quanh sẽ dần tan biến. 

Hơn nữa, khi tập trung vào vùng trung tâm của bức hình, các chuyển động của mắt cũng bị thu hẹp. Các tín hiệu xung quanh vì thế cũng không đủ sức kích thích các tế bào thần kinh nhằm duy trì hình ảnh nên chúng sẽ dần biến mất. 

Đó chính là căn nguyên của ảo giác Troxler.

Nguồn: Daily Mail