BTS thành công giải bài toán cân bằng thị trường Hàn – Mỹ ra sao trong khi BLACKPINK ngậm ngùi ôm thất bại?

KLinh, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 14/04/2019

Việc ca khúc “Boy with Luv” hiện đang làm mưa làm gió ở cả BXH nội địa lẫn quốc tế cho thấy BTS đã có chiến lược khôn khéo hơn so với 4 cô gái đến từ YG Entertainment.

"Boy with Luv" ra mắt chưa tròn 24 giờ nhưng thành tích trên các BXH âm nhạc thật "không phải dạng vừa". Tại Hàn Quốc, ca khúc liên tiếp đạt chứng nhận all-kill với 7 lần "chạm nóc" Melon, lượng unique listener (tài khoản có trả phí và chỉ tính một lần nghe duy nhất trong ngày) hiện hơn 900 nghìn. Tại quốc tế, "Boy with Luv" cũng dễ dàng đạt no.1 iTunes US chỉ sau vài tiếng và chễm chệ ngôi đầu iTunes hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những ca khúc khác trong album "Map of the Soul: Persona" cũng nằm trong top 10 các BXH uy tín.

BTS thành công giải bài toán cân bằng thị trường Hàn – Mỹ ra sao trong khi BLACKPINK ngậm ngùi ôm thất bại? - Ảnh 1.

BTS đang càn quét các BXH trong và ngoài nước với "Boy with Luv"

Điều này trái ngược hẳn với tình cảnh của BLACKPINK khi tung "Kill This Love" vào ngày 5/4 vừa qua. Ca khúc gặp bất lợi về thời gian phát hành trên BXH nhạc số Hàn Quốc nên không đạt no.1 nào khi ra mắt, sau đó cũng chẳng thể giành được all-kill. Các bài còn lại trong album cũng không đạt hạng cao. Ở quốc tế, dù "Kill This Love" đứng đầu iTunes US, giúp BLACKPINK trở thành nhóm nữ Kpop đầu tiên đạt được vị trí này nhưng ca khúc chỉ chạm nóc 37 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bù lại, nhóm là nghệ sĩ Kpop có thứ hạng cao nhất ở BXH Global Top 50 của Spotify với hạng 4.

BTS thành công giải bài toán cân bằng thị trường Hàn – Mỹ ra sao trong khi BLACKPINK ngậm ngùi ôm thất bại? - Ảnh 2.

BLACKPINK ghi dấu ấn tại quốc tế nhưng lại hụt hơi ở quê nhà

Có thể thấy trước bài toán cân bằng giữa thị trường nội địa và quốc tế, BTS đang làm tốt hơn BLACKPINK khi "Boy with Luv" có đầy đủ các yếu tố thỏa mãn được khán giả Hàn Quốc và nước ngoài. Còn BLACKPINK, với sự nóng vội trước mục tiêu Mỹ tiến nên đã phần nào lơ là quê nhà để rồi thua đau trước đối thủ.

"Boy with Luv" thuộc thể loại Funk Pop với giai điệu nhẹ nhàng, tươi sáng. So với "IDOL" mạnh mẽ và có phần "nặng đô" thì sản phẩm âm nhạc lần này của BTS thay đổi một trời một vực, được đánh giá là dễ nghe dễ thấm hơn nhiều, qua đó đánh trúng gu thưởng thức của công chúng Hàn Quốc – những người thích những bản nhạc êm ái và không quá ưa chuộng yếu tố thử nghiệm. Những thành tích trên BXH nhạc số nội địa đã chứng minh BTS thành công với chiến lược của mình.

BTS thành công giải bài toán cân bằng thị trường Hàn – Mỹ ra sao trong khi BLACKPINK ngậm ngùi ôm thất bại? - Ảnh 3.

"Boy with Luv" được nhận xét hợp gu người Hàn

"Ve vuốt" người Hàn chưa đủ, BTS và Big Hit Entertainment cũng vô cùng thông minh trong tiến trình chinh phục công chúng quốc tế, thể hiện qua cái bắt tay với ngôi sao người Mỹ Halsey. Nữ ca sĩ có lượng fan đông đảo, sở hữu nhiều bản hit và có lượng phát radio vô cùng lớn – yếu tố vô cùng quan trọng để đạt hạng cao trên 2 BXH lớn nhất của Billboard.

Tuy nhiên nhóm nhạc 7 người rất khôn khéo khi phần lời chủ đạo của "Boy with Luv" vẫn là tiếng Hàn, thậm chí ở 1 số đoạn còn để Halsey hòa âm bằng ngôn ngữ này, vừa tạo hiệu ứng bất ngờ cho khán giả, lại không mang tiếng "mất chất". Đây chính là tuyên ngôn của BTS: họ vẫn giữ vững tôn chỉ không chuyển sang hát tiếng Anh để tăng cơ hội giành no.1 mà cũng chả chính thức tham gia cuộc đua Mỹ tiến.

Mặt khác, thể loại Funk Pop của "Boy with Luv" cũng được đánh giá là trendy, hợp với mùa hè theo gu của công chúng Âu Mỹ. Những thứ hạng ban đầu của ca khúc ở BXH quốc tế cho thấy đây là bước đi đúng đắn.

BTS thành công giải bài toán cân bằng thị trường Hàn – Mỹ ra sao trong khi BLACKPINK ngậm ngùi ôm thất bại? - Ảnh 4.

Kết hợp với Halsey ở mức độ vừa đủ, BTS được đánh giá là khôn khéo khi làm công chúng Âu Mỹ chú ý mà không mang tiếng "đánh mất mình"

Ngược lại, BLACKPINK có màn comeback gấp gáp, thể hiện rõ tham vọng Mỹ tiến với "Kill This Love". Bài hát thuộc thể loại Rap/Hip Hop, được sản xuất bởi "phù thủy âm nhạc" Teddy, gây ấn tượng ở phần beat bắt tai, phần lời tiếng Anh chiếm đến phần nửa – được coi là bước dạo đầu để thử phản ứng công chúng Âu Mỹ. Thời gian phát hành album cũng thể hiện rõ sự ưu ái thị trường quốc tế nói chung và Mỹ nói riêng dù ekip của BLACKPINK biết rằng chiến lược này sẽ làm ảnh hưởng tới thành tích nội địa của nhóm.

BTS thành công giải bài toán cân bằng thị trường Hàn – Mỹ ra sao trong khi BLACKPINK ngậm ngùi ôm thất bại? - Ảnh 5.

BLACKPINK "hi sinh" thị trường nội địa vì mục tiêu Mỹ tiến

Và kết quả của BLACKPINK trên BXH nhạc số Hàn đã chứng tỏ lần comeback này YG và BLACKPINK đã quyết tâm bỏ qua thị trường Hàn Quốc. Thành tích của "Kill This Love" kém hơn "DDU-DU DDU-DU" (2018), ca khúc bị chê không hợp gu người Hàn khi cấu trúc rời rạc, lộn xộn, 1 nửa phần lời được viết bằng tiếng Anh.

Đây được coi là bước đi mạo hiểm của công ty và 4 cô gái khi nhóm vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc ở thị trường Âu Mỹ nhưng đã vội buông lơi quê nhà. Nếu mai này chẳng may Mỹ tiến không thành, lại rời xa đất nước quá lâu, lấy gì đảm bảo rằng khi quay trở lại họ vẫn còn sức hút?

Còn với BTS, họ biết cách cân bằng độ phủ sóng của mình ở Hàn Quốc và quốc tế vì nhóm hiểu rằng gốc rễ của họ vẫn là ở Hàn, mai này độ nổi tiếng ở trời Tây mất đi thì 7 chàng trai vẫn còn công chúng nội địa đón nhận. Trong cuộc đua này, bước đầu "nhóm nhạc toàn cầu" đã chứng tỏ mình chiếm thế thượng phong so với người đồng nghiệp từ YG Entertainment.

BTS thành công giải bài toán cân bằng thị trường Hàn – Mỹ ra sao trong khi BLACKPINK ngậm ngùi ôm thất bại? - Ảnh 6.

Trước bài toán cân bằng thành công giữa thị trường nội địa và quốc tế, BTS đã tỏ rõ sự thắng thế trước BLACKPINK

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày