Bóng đá lúc rất thương mại, lúc cũng rất tình

Minh Tuấn, Theo Trí Thức Trẻ 14:18 30/05/2017

Bóng đá là một phép màu. Bằng sự lạnh lùng và sức hút đáng sợ của đồng tiền, bóng đá đã từng lột trần nhiều bộ mặt thật. Nhưng khi cần tới cái tình thì cũng hiếm môn thể thao nào tạo ra nhiều giây phút đi vào lòng người như bóng đá.

Bóng đá là một sân khấu muôn mặt. Thường thì chúng ta dễ dàng nhìn thấy mặt thương mại của nó khủng khiếp tới nhường nào. Đồng tiền có thể biến những lời hứa hẹn thành dối trá, biến những mối tình từng rất đẹp thành phản bội.

Trung Quốc đang dùng tiền lôi kéo được rất nhiều ngôi sao lớn phản bội lý tưởng, từ bỏ cơ hội được chơi bóng đỉnh cao để đến với mảnh đất "việc nhẹ, lương cao". Carlos Tevez từng hứa hẹn sẽ kết thúc sự nghiệp ở tổ ấm Boca Junior, nhưng rốt cuộc lại phản bội chính lời nói của mình, chạy sang Trung Quốc hưởng mức lương 1 bảng Anh/1… giây thi đấu.

Bóng đá lúc rất thương mại, lúc cũng rất tình - Ảnh 1.

Carlos Tevez gia nhập CLB Thân Hoa Thượng Hải với mức lương cao nhất thế giới.

Tính thương mại đã tạo ra một trận đấu có giá trị lên tới 170 triệu bảng: Trận chung kết play-off thăng hạng Premier League. Đồng tiền có thể mua chuộc cả lòng tự tôn của những đội bóng ở La Liga, thao túng nhiều giải đấu có quy mô nhỏ, giải thưởng thấp. Đôi khi bên cạnh những giây phút tận hưởng bóng đá đỉnh cao, người ta cảm thấy môn thể thao vua này thật lạnh lùng, bạc bẽo.

Tuy nhiên, khi chạm tới cái tình trong bóng đá, chúng ta đôi khi sẽ được chứng kiến những hình ảnh mà bất kể bạn có liên quan tới nó hay không, trái tim bạn cũng sẽ phải rung động. Mới đây, thế giới bóng đá chứng kiến 2 cuộc chia tay đẫm nước mắt: John Terry tạm biệt Chelsea và Francesco Totti đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp lừng lẫy của mình với AS Roma.

Bóng đá lúc rất thương mại, lúc cũng rất tình - Ảnh 2.

Khoảnh khắc Francesco Totti vẫy tay tạm biệt khán giả và giã từ sự nghiệp lẫy lừng.

Thật khó để so sánh cách người Anh tạm biệt Terry xúc động hơn hay màn tiễn biệt của các Romanista dành cho Totti ấn tượng hơn. Trong trận đấu vòng cuối Premier League mùa này giữa Chelsea và Sunderland, đúng phút 26, cả SVĐ Stamford Bridge đứng dậy chứng kiến thời khắc Terry được thay khỏi sân.

Tại sao lại là phút 26? Vì Terry mang áo số 26 ở Chelsea. Người Anh quả rất đầu tư tặng cho Terry cái kết đáng nhớ đến vậy trong sự nghiệp.

Bóng đá lúc rất thương mại, lúc cũng rất tình - Ảnh 3.

Đồng đội và những CĐV Chelsea giành những tràng pháo tay cho John Terry trong trận đấu cuối cùng của anh cùng đội chủ sân Stamford Bridge.

Còn hôm qua, làng bóng đá Ý cũng đã lắng lại trong thời khắc Totti kết thúc sự nghiệp. Buổi lễ tiễn biệt Totti đã chứng kiến rất nhiều nước mắt rơi xuống, từ chính Totti, từ những CĐV.

Trong thời khắc chàng Hoàng tử thành Rome ôm chầm lấy các con của mình, cơ thể anh run lên, không còn ai nhận ra người chiến binh bất khuất thành Rome nữa. Có lẽ chỉ bóng đá mới khiến một người như Totti tự thả trôi mình trong cảm xúc đến vậy. Trên các khán đài, những cô gái trẻ, những anh chàng râu ria xồm xoàn, xăm trổ đầy mình cũng đã bật khóc.

Bóng đá lúc rất thương mại, lúc cũng rất tình - Ảnh 4.

Giây phút chia tay, Hoàng tử thành Rome khóc và những CĐV dù là "đầu gấu" cũng bật khóc cho một tượng đài.

Đó là thời khắc tất cả chúng ta nhận ra, vẫn có những ngóc ngách trong làng túc cầu mà đồng tiền không thể chạm tới. Không có tính thương mại nào tồn tại được trong những thời khắc đầy tình như thế. Liệu một nhà tài trợ khủng nào đó có thể trả cho Totti 1 triệu euro và yêu cầu anh không được khóc trong thời khắc xúc động đó hay không? Chắc chắn là không. Khi bóng đá chạm tới cái tình thì đó cũng chính là những khoảnh khắc tình nhất trong cuộc đời này.

Những giọt nước mắt của chiến binh luôn có quyền lực của riêng nó. Năm 2015, sau trận chung kết Champions League giữa Juventus và Barcelona, hình ảnh Andrea Pirlo rưng rưng nước mắt bỗng dưng khiến người ta nhớ về kẻ thất bại còn hơn cả người chiến thắng.

Bóng đá lúc rất thương mại, lúc cũng rất tình - Ảnh 5.

Andrea Pirlo và những giọt nước mắt sau trận thua Barcelona ở trận chung kết Champions League năm 2015.

Tại EURO 2012, trong thời khắc ĐT Italia bước lên bục nhận huy chương Bạc, ống kính máy quay đã zoom cận Mario Balotelli. Thật bất ngờ khi một cầu thủ nổi tiếng ngỗ nghịch, ngổ ngáo, ngang tàng như Super Mario lại mếu máo trong 2 hàng nước mắt chảy dài trên mặt.

Trận chung kết Champions League ở Moscos giữa Man Utd và Chelsea sẽ được nhớ mãi không phải vì màn ăn mừng của Man Utd, mà chính nhờ thời khắc John Terry ngồi ôm gối bật khóc nức nở dưới cơn mưa.

Bóng đá lúc rất thương mại, lúc cũng rất tình - Ảnh 6.

Ít ai nghĩ rằng một "chiến binh" máu lửa như John Terry lại òa khóc trong đêm Moscow năm 2008.

Đồng tiền có thể thay đổi một cuộc chơi, thay đổi số phận những CLB, thay đổi bản chất của một con người, nhưng sẽ không bao giờ có thể thay đổi được giá trị cảm xúc mà bóng đá mang lại. Trong bóng đá, người ta không khóc vì quá giàu, càng không rơi nước mắt vì quá nghèo. Những chiến binh bật khóc vì họ không thể tiếp tục chiến đấu được nữa. Cái tình của bóng đá chính là vẻ đẹp bất tận mà môn thể thao vua này mang lại và đó cũng là chất keo khiến chúng ta không nỡ xa rời những trận cầu đỉnh cao.

Chung kết Champions League sắp tới và chúng ta lại sắp được chứng kiến những thời khắc vĩ đại mà túc cầu giáo mang lại.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày