Bóng cười: Tại sao lại bị cấm ở Anh?

Skye (Theo BBC), Theo Trí Thức Trẻ 01:39 28/10/2016

Tháng 7/2015, chính phủ Anh đã xem xét việc cấm bán bóng cười (chứa khí Nitrous Oxide - N2O) và chính thức cấm vào hồi tháng 5 vừa qua. Dưới đây là phân tích của hãng thông tấn BBC về thú chơi mới này của giới trẻ, thứ vẫn đang ngày càng gây sốt khắp thế giới.

Dạo qua những quán bar, pub và thậm chí là nhiều quán cafe tại các thành phố lớn, bạn có thể nhận ra những tấm biển như "có bán bóng cười". Nghe chừng có vẻ rất đơn giản: bạn mua bóng, hít hơi trong đó và tự dưng sẽ cảm thấy vui vẻ, phấn chấn kèm theo những tràng cười thả ga.

Tuy nhiên, có vẻ chẳng ai quan tâm tới thành phần trong những quả bóng cười đó: khí N2O. Loại khí này đã được sử dụng từ rất lâu để giảm đau khi chữa răng, trong các ca sinh nở nhưng với dân chơi trẻ và sành điệu, họ không cần nhổ răng để dùng tới loại khí này. Dù tại nhiều nước, việc bán cho trẻ em dưới 18 tuổi bóng cười là phạm pháp nhưng người ta vẫn có thể mua nó dễ dàng.

Bóng cười: Tại sao lại bị cấm ở Anh? - Ảnh 1.

Bóng cười đã trở thành một trào lưu mà giới trẻ khắp thế giới ưa chuộng.

Bạn muốn mua trực tiếp? Đơn giản chỉ cần tìm đến những quán bar hay pub, với một chút khéo léo hỏi han là sẽ có. Bạn muốn mua về nhà dùng? cũng chỉ cần vài từ khóa là bạn có thể tìm thấy chúng rất nhiều trên mạng Internet, đủ cho mọi cuộc vui chơi tại gia của mình. Thượng vàng hạ cám, giá nào cũng có.

Người ta dùng hơn 300 năm, sao cấm dễ được?

"Những người trẻ sử dụng loại khí này không hề biết tới những nguy hiểm có thể xảy ra và các tay buôn dường như cũng không ngờ tới hậu quả tiềm tàng của nó", bộ trưởng các vấn đề tội phạm và an ninh Anh, Mike Penning cho biết.

Tuy nhiên, việc cấm bóng cười được coi là không công bằng khi từ lâu, nó đã một ngành công nghiệp và kinh doanh thực sự, chứ không phải chỉ để thỏa mãn nhu cầu của giới trẻ. Từ các phòng khám cho tới bệnh viện, bóng cười vẫn được sử dụng như một loại thuốc gây tê/giảm đau hiệu quả. 

Khí cười được phát hiện từ năm 1772 bởi một nhà khoa học người Anh Joseph Priestley và trong vòng 30 năm sau đó, nhà hóa học Humphry Davy đã sử dụng nó cho mục đích giải trí.

Bóng cười: Tại sao lại bị cấm ở Anh? - Ảnh 2.

Người dùng không phải mất quá nhiều thời gian và công sức để có thể tìm mua bóng cười.

Davy đã mời bạn bè mình tới nhà để hít loại khí được đựng trong một túi lụa. Sau khi những quý ông lịch lãm hít loại khí này vào, nhiều người bắt đầu cười khúc khích và tưởng tượng như mình đang lơ lửng trong không trung. Tuy nhiên vào những năm đó, việc sử dụng khí N2O để giải trí không thực sự phổ biến. Theo các chuyên gia, bóng cười bắt đầu thịnh hành khắp thế giới trong 5 năm trở lại đây, tức là 300 năm kể từ ngày nó được tìm ra.

Những con số thương vong do lạm dụng khí N2O

Bóng cười hiện tại là chất kích thích phổ biến thứ 4 tại Anh, theo nghiên cứu đánh giá toàn cầu vào năm 2015. Năm 2013-14, có khoảng 470,000 người Anh đã sử dụng khí N2O. Nó được giới trẻ rất ưa chuộng khi có khoảng 7,6% người với độ tuổi từ 16-24 đã sử dụng bóng cười. Con số này còn lớn hơn tỷ lệ sử dụng cocaine (4,2%) và thuốc lắc (3,9%).

Tuy nhiên, nhìn vào những con số tử vong và các câu chuyện đau thương của người dùng bóng cười, có lẽ nhiều người sẽ phải nghĩ lại:

- Từ năm 2006 đến 2012, đã có 17 ca tử vong liên quan tới việc sử dụng bóng cười tại Anh

- Năm 2010, có 5 người đã thiệt mạng và 1 người thiệt mạng năm 2011. Kỷ lục tại Anh về số người thiệt mạng do bóng cười là 15 người/1 năm.

- Năm 2007, một thanh niên 23 tuổi tử vong tại nhà với những bình đựng bóng cười xung quanh thi thể anh. Các chuyên gia pháp y cho biết anh tử vong do bị ngạt khi hít bóng cười.

Bên cạnh nguy cơ bị ngạt do sử dụng bóng cười, người dùng có thể bị bỏng khí ga hoặc bị giảm nhịp tim đột ngột, thiếu hụt vitamin B12, bệnh thiếu máu...

Bóng cười: Tại sao lại bị cấm ở Anh? - Ảnh 3.

Đã có nhiều trường hợp tử vong vì bóng cười.

Và những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe

Dường như những con số kia vẫn chưa làm người ta thuyết phục khi đem so sánh với tỷ lệ tử vong do các loại chất gây nghiện khác gây nên khi trong năm 2011, có 2,652 người chết vì heroin, 112 người chết vì cocain, 13 người tử vong vì thuốc lắc và 7 người thiệt mạng vì cần sa.

Tuy nhiên, nguy hiểm từ bóng cười vẫn tồn tại và trên thực tế, những vụ việc xảy ra sau khi sử dụng các loại chất kích thích còn nguy hiểm hơn hiểm họa trực tiếp từ bóng cười. Việc hít bóng cười nồng độ cao có thể dẫn tới giảm lượng oxy trong máu.

Tháng 3 năm ngoái, các bác sỹ từ bệnh viện nhi Royal Alexandra, Brighton, Anh đã ra cảnh báo về bóng cười sau khi một thiếu niên nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Cô đã hít một lượng lớn bóng cười tại lễ hội và không khí đã bị tràn giữa phổi và ngực, khiến phổi của cô không hoạt động bình thường.

Việc sử dụng bóng cười nhiều sẽ khiến giảm lượng vitamin B12 trong cơ thể, dẫn tới thiếu máu và tổn thương thần kinh. Dù không thiệt mạng nhưng có khoảng 4% người sử dụng bóng cười có các triệu chứng như tê liệt, đau nhói thần kinh và cảm thấy các vết đau trên cơ thể.

Mà rõ ràng, giới trẻ không chỉ sử dụng bóng cười một mình khi thường đi kèm với cần sa và rượu. Những thứ đó kết hợp sẽ thực sự đem lại nguy hiểm cho người dùng. Thông thường, việc sử dụng bóng cười "ở một nồng độ nhất định" vẫn sẽ an toàn nhưng không có mấy người trẻ thực sự quan tâm về việc này.

Bóng cười: Tại sao lại bị cấm ở Anh? - Ảnh 4.

Ngoài ra, ẩn đằng sau nó là nhiều hiểm họa khôn lường khác.

"Không thể phủ nhận về tác hại của nó. Cũng như các loại thuốc kích thích khác, tần suất bạn sử dụng ra sao sẽ quyết định đến mức độ thương tổn của bạn", một chuyên gia cho biết.

Trong nhiều trường hợp, người dùng tưởng như họ đang hít bóng cười nhưng lại là một chất kích thích 'nặng đô' khác. Khi cậu thanh niên 17 tuổi Joseph Benett qua đời vào năm 2012, các báo cáo đã chỉ ra rằng Joseph thiệt mạng vì sử dụng bóng cười. 

Những vụ thương vong do bóng cười đa số đều là tai nạn ngẫu nhiên và có thể không 'dọa nạtđược các thanh niên ham vui khắp thế giới. Nhưng những ảnh hưởng lớn tới sức khỏe khi lạm dụng một loại khí giảm đau thì là điều hoàn toàn logic và rất rõ ràng.