Bốc thăm chia bảng VCK U23 châu Á 2020: Cả châu Á muốn "né" Việt Nam?

HIẾU LƯƠNG, Theo Trí Thức Trẻ 10:12 26/09/2019

Kỳ tích Thường Châu đầu năm 2018 là cột mốc không thể quên đối với bóng đá Việt Nam. Sau hai năm, U23 Việt Nam cũng mang một dáng hình khác, mạnh hơn và được nể trọng hơn.

Báo Hàn: U22 Việt Nam thắng dễ Trung Quốc, đến ghi bàn cũng không ăn mừng. Nguồn: MUTEX.

Trước lễ bốc thăm VCK U23 châu Á 2020, đội tuyển U23 Việt Nam vượt qua vòng loại bảng K với thành tích thắng tuyệt đối 3 trận, ghi 11 bàn và không để thủng lưới một lần nào. Trong đó, chiến thắng 4-0 trước U23 Thái Lan là cách biệt lớn nhất mà một đội tuyển Việt Nam tạo được trước người Thái.

Gần hơn, U23 Việt Nam lần lượt đánh bại Myanmar 1-0, hạ Trung Quốc 2-0 ngay trên sân đối phương. Chính trận thua U23 Việt Nam là một phần nguyên nhân khiến HLV Guus Hiddink, sếp cũ của HLV Park Hang-seo tại đội tuyển Hàn Quốc thế hệ 2002, bị Liên đoàn bóng đá Trung Quốc sa thải. Cần nhớ rằng, đấy chưa phải đội tuyển U23 Việt Nam mạnh nhất khi còn thiếu một loạt trụ cột như Quang Hải, Văn Hậu,…

Sắp tới, U23 Việt Nam chạm trán một đối thủ khác đến từ Tây Á mang tên U23 UAE. Những đối thủ của U23 Việt Nam rải đều khắp châu lục và điều ấy có lợi cho các cầu thủ khi được cọ xát. Bên cạnh đó, khác với nhiều đội tuyển ở châu Á, U23 Việt Nam có một cữ dượt quan trọng là SEA Games 2019.

Bốc thăm chia bảng VCK U23 châu Á 2020: Cả châu Á muốn né Việt Nam? - Ảnh 2.

U23 Việt Nam hướng tới VCK U23 châu Á 2020 là một đội tuyển vô cùng mới mẻ. Ảnh: Hiếu Lương.

Lứa U23 Việt Nam hiện tại nếu so sánh với thế hệ giành HCB U23 châu Á 2018 thì không có những nhân tố nổi trội hơn. Thế nhưng, họ nắm vững tinh thần không sợ thất bại từ thế hệ đàn anh. Thế hệ 1997 cũng ngày càng tiến bộ với Quang Hải là người đi tiên phong. Sau trận thắng U23 Trung Quốc và trước đó là thành tích tốt ở U23 châu Á, ASIAD 2018, các đối thủ bắt đầu kiêng nể, người hâm mộ thì được dịp tung hô "cả châu Á muốn né Việt Nam".

Một điểm nữa khiến U23 Việt Nam được đối thủ dè chừng nằm ở hệ thống chiến thuật mà HLV Park Hang-seo xây dựng. Sơ đồ 5 hậu vệ kín kẽ, các đối thủ lứa U23 lại không giỏi trong việc phá vỡ hệ thống này. U23 Việt Nam không dễ chiến thắng nhưng cũng rất khó thua là vì vậy. Không phải lúc nào, một đội tuyển của Việt Nam lại được xếp ngang mâm với những Nhật Bản, Hàn Quốc,… nhưng VCK U23 châu Á lần này cũng nhiều khác biệt.

U23 Việt Nam đối mặt với những khó khăn nào?

Thứ nhất, các đối thủ đã hiểu rõ lối chơi của U23 Việt Nam. Lúc này, thầy trò HLV Park Hang-seo là đối thủ phải dè chừng, không còn tâm thế cửa dưới và nhận được sự chủ quan từ đối phương như trước.

Thứ hai, VCK U23 châu Á 2020 cũng chính là vòng loại Olympic Tokyo diễn ra vào giữa năm sau. Những gì tinh tuý nhất của bóng đá trẻ các nước sẽ được tung hết vào giải lần này. Họ coi trọng giải lần này hơn hẳn cách đây 2 năm.

Bốc thăm chia bảng VCK U23 châu Á 2020: Cả châu Á muốn né Việt Nam? - Ảnh 3.

Thế hệ U23 Việt Nam ở Trung Quốc đã làm nên bất ngờ lớn với cả châu lục. Ảnh: Anh Khoa

Thứ ba, vị trí hạt giống số 1 không giúp U23 Việt Nam tránh được các nền bóng đá lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản (nhóm 2), Australia, Saudi Arabia (nhóm 3) và Iran, UAE (nhóm 4). Bảng tử thần với thầy trò HLV Park Hang-seo là điều hiển hiện trước mắt.

Thứ tư, U23 Việt Nam hiện tại chỉ có 3 cái tên thường xuyên đá chính ở VCK U23 châu Á 2018 là thủ môn Bùi Tiến Dũng, Quang Hải và Văn Hậu. Thế nhưng, Văn Hậu đang thi đấu cho SC Heerenveen của Hà Lan và không chắc được dự giải vì nằm ngoài "FIFA days". Một trụ cột khác ở hàng phòng ngự là Đình Trọng cũng bỏ ngỏ cơ hội góp mặt khi chấn thương dài hạn. Những cái tên trẻ thay thế lứa 1995 – 1996 vẫn là những dấu hỏi.

Lễ bốc thăm VCK U23 châu Á 2020 sẽ diễn ra vào lúc 14h30, ngày 26/9 tại khách sạn Rama Gardens (Thái Lan).

VCK U23 châu Á đầu năm sau cũng là vòng loại Olympic Tokyo 2020, chọn ra 3 đội tuyển có thứ hạng cao nhất cùng chủ nhà Nhật Bản tham dự Thế vận hội mùa hè của thế giới.

Phân loại hạt giống VCK U23 châu Á 2020:

Nhóm 1: Thái Lan, Việt Nam, Uzbekistan, Qatar

Nhóm 2: Hàn Quốc, Nhật Bản, Iraq, CHDCND Triều Tiên

Nhóm 3: Trung Quốc, Australia, Jordan, Saudi Arabia

Nhóm 4: Syria, Iran, UAE, Bahrain.