Bọc giun nhầy nhụa trông như não bị sán ăn khiến cư dân mạng hoảng sợ này thực chất là gì?

J.D, Theo Helino 14:02 21/11/2018

Một người dân tại Houston, Texas (Mỹ) đã nhìn thấy một bọc nhầy nhụa toàn giun sán dưới cống sau nhà. Chúng là gì vậy?

Internet là một thế giới có thể cho bạn thấy bất kỳ điều gì, miễn là có người đăng lên. Và mới đây, nhiều cư dân mạng đã phải giật mình vì một đoạn video đến từ nước Mỹ xa xôi, trong đó mô tả một sinh vật hết sức kỳ dị.

Bọc giun nhầy nhụa trông như não bị sán ăn khiến cư dân mạng hoảng sợ này thực chất là gì? - Ảnh 1.

Bọc giun trông như não bị sán ăn đang gây sốt

Chính xác hơn, đó là một khối sinh vật, trông rất giống một cục não... bọc giun, do một người dân tại Houston, Texas đăng tải. Người này cho biết anh ta đã tìm thấy "cục não" phía sau nhà, chỉ vài ngày sau khi một trận mưa lớn bất ngờ đổ xuống tại khu vực Houston.

Cục giun trông như não gây sốt cư dân mạng

Theo Science Alert, thông tin này ban đầu được một trang web không mấy tin cậy đăng tải, nhưng sau khi tìm hiểu thì hóa ra đây là một hiện tượng có thật, và đã từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ. Như vào năm 2009, người ta đã từng ghi nhận trường hợp như vậy dưới một cái cống thoát nước tại tiểu bang North Carolina.

Nhưng rốt cục, bọc giun này thực chất là gì? 

Chẳng phải quái vật ngoài hành tinh hay con gì quá đáng sợ đâu. Đây thực chất là giun Tubifex - một nhánh họ hàng của loài giun đất mà chúng ta đã quá quen thuộc bấy lâu nay. Chỉ là giun Tubifex có tập tính tương đối khác biệt. Thay vì chui rúc ở vườn nhà, chúng thích các vùng đất ven đường nước, hoặc ven sông, ven hồ... 

Loài giun này cũng sống nhờ các chất dinh dưỡng vụn vặt có trong đất. Nhưng vì sống ở các vùng có nước, chúng còn được gọi là giun bùn, hoặc giun... cống.

Về cơ bản, Tubifex chỉ là tên gọi chung cho nhiều loài giun khác nhau. Với đám giun trên, rất khó để xác định có bao nhiêu loài trong đó, nhưng đánh giá sơ bộ của các chuyên gia thì ít nhất phải lên đến 16 loài.

Giun Tubifex tụ tập trong đường ống cống năm 2009

Giun Tubifex khi sống trong đất thì không sao. Nhưng chúng có tập tính là tụ tập thành đám khi ra khỏi đất, và có vẻ như đám giun này đã bị trận mưa bất thường tại Houston cuốn trôi ra đường cống nước. 

"Thông thường, chúng sống trong đất bùn, đặc biệt là trong các vùng nước bị ô nhiễm." - Timothy Wood, nhà sinh vật học từ ĐH Wright chia sẻ vào năm 2009.

"Khi ra khỏi đất, vì không còn đất nữa nên chúng sẽ tập hợp lại, tự tiết cả các chất lỏng để tạo ra môi trường thoải nhất cho chúng."

Vậy là chúng ta có câu trả lời rồi. Cái bọc màu đỏ ấy thực chất là do lũ giun này tiết ra thôi, dù có hơi... ghê một tí.

Tham khảo: Science Alert