Bộ Y tế: Việt Nam chưa có ca bệnh mắc virus corona do lây lan trong cộng đồng

Minh Nhân, Theo Trí Thức Trẻ 16:12 31/01/2020

Trước tình hình dịch nCoV (virus corona) diễn biến phức tạp, chiều 31/1, Bộ Y tế đã tiến hành cuộc họp báo cung cấp thông tin về các biện pháp phòng/ chống dịch bệnh. Cuộc họp báo tổ chức tại trụ sở Bộ Y tế, đường Giảng Võ, Hà Nội.

Sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với dịch bệnh do virus Corona, Bộ Y tế Việt Nam đã tiến hành tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các biện pháp phòng, chống dịch trong nước.

Bộ Y tế: Việt Nam chưa có ca bệnh mắc virus corona do lây lan trong cộng đồng - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi họp báo.

Việt Nam hiện nay chưa có ca nào nhiễm Corona do sự lây lan cộng đồng

Tại buổi họp báo, PGS TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết trước tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp quá nhanh, đến nay những hiểu biết về căn bệnh, về nguồn bệnh, về loại virus còn hạn chế, chưa thật rõ ràng. Vì vậy, người dân có sự lo lắng nhất định và đặc biệt các cơ quan báo chí cũng có những điều chưa hiểu cặn kẽ, cho nên thông tin tiếp nhận và cung cấp chưa được tốt. 

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta đã cơ bản nắm được tình hình dịch bệnh. Hiện nay, đã có 9.833 ca bệnh, và tại Trung Quốc lục địa có 9.699 ca, tử vong 213 người. Có 22 quốc gia, vùng lãnh thổ khác đã ghi nhận sự xâm nhập của dịch bệnh này với 133 ca mắc.

Tại Việt Nam, chúng ta mới xác định có 5 trường hợp - là những ca xâm nhập. 3 trường hợp vừa qua, cũng là đi từ Vũ Hán về. 2 trường hợp điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, trong đó, người con trai sống ở Việt Nam và lây bệnh từ bố (từ Hồ Bắc đến Việt Nam du lịch và thăm con). Dù người con trai không từ Trung Quốc trở về nhưng trong vấn đề dịch tễ, chúng tôi cho rằng đây là những ca tiếp xúc rất gần với người bố, nên cũng có thể coi là ca mang tính chất xâm nhập. Nghĩa là ở Việt Nam hiện nay chưa có ca nào do sự lây lan cộng đồng.

Bộ Y tế: Việt Nam chưa có ca bệnh mắc virus corona do lây lan trong cộng đồng - Ảnh 2.

PGS TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phát biểu tại buổi họp báo

Bên cạnh đó, PGS TS Trần Đắc Phu cho biết thêm, ngày hôm qua (30/1), WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp về virus Corona trên thế giới, nhiều người hiện nay hiểu chưa rõ ban bố tình trạng khẩn cấp là như nào, cho rằng đó là sự việc quá khủng khiếp. Vậy thì Việt Nam hiện nay sẽ giải quyết các vấn đề như thế nào?

Trong thời gian qua từ khi có thông tin dịch bệnh từ tổ chức quốc tế, Việt Nam đã rất quyết liệt và phải nói rõ ràng trong lúc này, chúng ta có những cái thuận lợi. Từ Ban Bí thư, Chính Phủ, các bộ ngành, chính quyền địa phương, đều đã vào cuộc. Chúng ta đã tổ chức giám sát trong các cửa khẩu tuy nhiên không phải lúc nào cũng bắt được ca bệnh, có nhiều trường hợp uống thuốc hạ sốt, không phát hiện được mầm bệnh. Chúng ta cũng đã giám sát tại các cơ sở y tế để kiểm soát dịch bệnh. 

Trên cơ sở đó, chúng tôi thấy rằng cần phải phối hợp cơ quan truyền thông đại chúng, làm sao cho người dân hiểu rõ nhất. Bất kể ai từ vùng dịch về phải có khai báo, phải thực hiện cách ly tại nhà, có triệu chứng sốt đến ngay các cơ sở y tế điều trị. 

Trong lúc này, tôi hy vọng dịch bệnh không lây lan khi nước mình rất gần Trung Quốc như thế.

Tiếp lời trong buổi họp báo, bà Satoko Otsu – Trưởng nhóm Đáp ứng sự kiện Y tế công cộng khẩn cấp, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam - Trung tâm ứng cứu, cho biết, ngày 30/1, Tổng Giám đốc WHO đã triệu tập cuộc họp thứ 2 do dịch bệnh Corona ở Geneva (Thụy Sĩ). Cuối buổi họp, WHO ban bố "tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu", viết tắt là PHEIC, được dựa trên 1 số yếu tố, bao gồm nguy cơ lây lan dịch bệnh, khả năng cần thiết có sự phối hợp toàn cầu trong nỗ lực đáp ứng dịch. 

Ý nghĩa của việc ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm mục đích khẳng định chúng ta cần có sự phối hợp toàn cầu, sự hỗ trợ làm việc cùng với nhau, để đáp ứng với dịch bệnh. Việc công bố này khẳng định 1 lần nữa đây là thời điểm các bên làm việc với nhau, hỗ trợ với nhau, chuẩn bị đáp ứng với dịch bệnh. 

Bộ Y tế: Việt Nam chưa có ca bệnh mắc virus corona do lây lan trong cộng đồng - Ảnh 3.

Bà Satoko Otsu phát biểu trước báo chí

Chúng tôi rất hiểu sự băn khoăn, thắc mắc, thậm chí những nỗi sợ hãi của công chúng về việc được công bố. Tuy nhiên tôi cũng muốn khẳng định, việc công bố này không có nghĩa rằng chúng tôi nâng cấp độ nguy cơ, đe doạ trên toàn cầu. Chúng ta phải nhìn vào thực tế, phần lớn các ca bệnh được báo cáo tại Trung Quốc và tất nhiên, đã có sự lây lan các ca xâm nhập ra 1 số nước, cụ thể là 22 nước, bao gồm cả Việt Nam. 

Nhưng với WHO, chúng tôi quan ngại hơn việc lây lan tới các quốc gia có hệ thống y tế chưa đủ mạnh. WHO khuyến nghị đối với các quốc gia nếu chúng ta có các công tác chuẩn bị ứng phó tốt rồi, cần phải tiếp tục làm những việc như vậy. Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Chính Phủ, Bộ Y tế, các bộ ngành Việt Nam trong việc phát hiện các ca bệnh, cách ly và điều trị. 

Chúng tôi thấy rất rõ sự cam kết ở mức cao nhất của chính phủ Việt Nam, sự vào cuộc của tất cả ban ngành song hành cùng Bộ Y tế Việt Nam để chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh. WHO hoàn toàn tin tưởng khả năng kiểm soát, ứng phó với dịch bệnh của Ngành Y tế, Chính Phủ Việt Nam. Chúng tôi cam kết làm việc, song hành cùng Chính Phủ Việt Nam.

Có thể sử dụng khẩu trang vải, giặt và đeo thay thế hàng ngày

PV: Có nên hoãn các lễ hội đầu năm ở miền Bắc giữa tình hình dịch bệnh hay không? 

PGS TS Trần Đắc Phu: Trong lúc này chúng tôi nghĩ rằng dịch đang diễn biến phức tạp, còn nhiều thời gian ủ bệnh, về người lành có lây hay không, chúng ta chưa thật rõ ràng lắm. Nhưng chúng tôi khuyến cáo, nếu không có việc thì không nên đến chỗ đông người. Nếu không có gì khẩn cấp, cũng không nên tổ chức hội họp, tổ chức đông người, có thể tổ chức bằng các cách khác. Kể cả những lễ hội nếu không nhất thiết, thì không cần phải đi. Nhưng mà rõ ràng, chưa có lệnh cấm từ Chính Phủ. Dịch đến đâu, Bộ Y tế và bộ ngành sẽ có tham mưu với Chính Phủ, căn cứ vào mức độ lây lan của dịch bệnh.

PV: Có nên cho học sinh nghỉ học thời điểm này? 

PGS TS Trần Đắc Phu: Bộ Giáo dục khuyến cáo những học sinh có những triệu chứng bệnh nên đến ngay cơ sở thăm khám. Nếu xác định là nhiễm virus Corona thì sẽ có biện pháp đáp ứng ngay, cách ly học sinh, theo dõi những học sinh tiếp xúc, quy mô cho nghỉ học, theo lớp hay toàn trường. Nhưng hiện nay, chưa có khuyến cáo nào cho rằng học sinh nên nghỉ học thời điểm hiện nay.

PV: Người dân nên đeo loại khẩu trang như thế nào? 

PGS TS Trần Đắc Phu: Đeo khẩu trang phòng chống được bệnh hô hấp rất tốt, thậm chí phòng cả vấn đề ô nhiễm môi trường, khói bụi, phòng được các bệnh khác nữa, như cúm, viêm phổi,... Nhưng chúng ta xác định ở mức độ nào, nguy cơ nào, trường hợp nào, lúc nào thì chúng ta dùng khẩu trang. 

Như hiện nay, dịch chưa lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng, chúng ta có thể sử dụng khẩu trang tại các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao như trên các phương tiện công cộng, bệnh viện. Có thể sử dụng khẩu trang y tế thông thường, không nhất thiết sử dụng loại khẩu trang N95. Thậm chí có thể sử dụng khẩu trang vải. Tất nhiên, khẩu trang không bao giờ dùng lại lần 2, vì có các tác nhân gây bệnh. Vì thế khẩu trang y tế chỉ dùng 1 lần vứt đi, nhưng khẩu trang vải có thể giặt và đeo thay thế hàng ngày. 

Trong lúc này, Bộ Y tế khuyến cáo chỉ những người chăm sóc, điều trị bệnh nhân, người đi vào ổ dịch, thì nên sử dụng N95, thậm chí cả quần áo bảo hộ lao động đặc biệt. Người dân không nên quá hoang mang để không biết cách sử dụng khẩu trang.

Các cơ sở sản xuất thiết bị trong nước đủ năng lực đáp ứng

PV: Thông tin các doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ trang thiết bị y tế cho Trung Quốc và các doanh nghiệp tăng giá trang thiết bị, có đúng hay không?

Ông Nguyễn Tử Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ trang thiết bị và Công trình y tế: Hiện nay có các nhóm thiết bị như máy thở monitor theo dõi bệnh nhân, các thiết bị phòng chống dịch như: khẩu trang, găng tay, kính bảo hộ,... Các doanh nghiệp Việt Nam không hỗ trợ trang thiết bị y tế cho Trung Quốc. 

Chúng tôi đã gửi công văn cho các đơn vị sản xuất trong nước, đánh giá năng lực sản xuất, số lượng hàng tồn kho và đốc thúc báo cáo. Rất nhiều đơn vị sau Tết chưa đi vào sản xuất, chúng tôi yêu cầu:

- Chủ động sản xuất sau Tết.

- Chỉ đạo đơn vị sản xuất chịu trách nhiệm đảm bảo bình ổn giá, liên quan đến khâu bán cho các đối tượng đầu cơ, gom hàng tăng giá, xuất khẩu cho các nước khác.

- Chịu trách nhiệm đảm bảo nguồn cung cho các cơ sở y tế phòng chống dịch, rồi sau đó đáp ứng nhu cầu trong nước.

- Đề nghị đơn vị nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp, đạo đức trong kinh doanh, không nâng giá, đảm bảo bình ổn thị trường.

- Đề nghị cơ quan chức năng đội QLTT các tỉnh, thành phố phối hợp kiểm tra giám sát, xử phạt, tránh tình trạng nâng giá quá cao, đặc biệt mặt hàng khẩu trang thời gian qua.

- Năng lực sản xuất của các đơn vị: Hiện nay cả nước có hơn 30 đơn vị sản xuất, theo đánh giá các đơn vị đều đáp ứng nhu cầu trong nước. Có thời gian, một số doanh nghiệp lợi dụng tình trạng gom hàng, tâm lý người dân, gây nên tình trạng thiếu hụt khẩu trang. Chúng tôi mong thời gian tới, cơ quan truyền thông phối hợp Bộ Y tế tuyên truyền với người dân, giảm tình trạng gom hàng gây thiếu hàng.

Bộ Y tế: Việt Nam chưa có ca bệnh mắc virus corona do lây lan trong cộng đồng - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Tử Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ trang thiết bị và Công trình y tế

PV: WHO công bố tình trạng khẩn cấp, Việt Nam trước tình hình đó đã ứng phó như thế nào?

PGS TS Trần Đắc Phu: Như bà Satoko Otsu đã nói, tình trạng công bố tình trạng khẩn cấp gây quan ngại này, cũng đã có những lần công bố trước, như Ebola. Nhưng Việt Nam chúng ta cũng như nhiều nước chưa bao giờ công bố tình trạng khẩn cấp. 

Công bố chỉ mang tính chất kêu gọi các quốc gia chung tay vào đáp ứng tình hình hiện tại, chứ còn thực tế hiện nay, các biện pháp như hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới,... chưa có trong ban bố. 

Còn với Việt Nam, theo các khuyến cáo của Bộ Y tế, chúng ta đã làm rất nhiều hoạt động đáp ứng trước mắt vấn đề, trước khi có công bố khẩn cấp của WHO, như chia sẻ thông tin, thành lập Ban chỉ đạo, chính quyền các cấp tham gia, chuẩn bị nguồn lực...

Tôi xin khẳng định, Việt Nam đã làm hết sức, đáp ứng mạnh mẽ theo khuyến cáo của WHO.

PV: Điều kiện công bố sự kiện y tế khẩn cấp toàn cầu của quốc tế?

Bà Satoko Otsu: Sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế, viết tắt là PHEIC, được định nghĩa rõ trong điều lệ y tế quốc tế mà WHO đã ban hành. Theo đó, có 3 tiêu chí quyết định một sự kiện y tế công cộng có khẩn cấp và gây quan ngại hay không.

Thứ nhất, sự kiện có đặc biệt bất thường hay không.

Thứ hai, có lây lan quốc tế hay không.

Thứ ba, có đòi hỏi sự đáp ứng toàn cầu hay không. 

Các quốc gia thành viên đều được thông báo rõ về các tiêu chí này. 

Với loại dịch Corona, WHO đã triệu tập 2 cuộc họp khẩn cấp. Trong cuộc họp ngày 22-23/1, Uỷ ban khẩn cấp bao gồm các chuyên gia hàng đầu trên thế giới đến từ các nước khác nhau, với thông tin, bằng chứng có được tại thời điểm đó, chưa kết luận được sự kiện này đạt tiêu chí công bố sự kiện y tế khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu hay không.

Khi chủng virus mới tiến triển nhanh, theo dõi giám sát diễn biến ổ dịch, bắt đầu có sự lây lan, Uỷ ban khẩn cấp họp lại, tới ngày hôm qua (30/1), công bố đây là thời điểm dịch này đạt tiêu chí sự kiện y tế gây quan ngại. 

Người dân không nên quá lo lắng với việc công bố này, dựa trên thực tế và bằng chứng chúng ta có được đến ngày hôm nay (31/1), nó là cơ hội để chúng ta kết hợp cùng nhau trên quy mô toàn cầu để ứng phó với đại dịch. 

Miễn phí cuộc gọi đến đường dây nóng phòng dịch Corona từ 0h ngày 1/2/2020

PV: Xin ông nói rõ về số điện thoại đường dây nóng giải đáp thắc mắc cho người dân và số lượng nhân viên y tế hiện nay của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tham gia vào điều trị đợt dịch lần này?

PGS. TS Nguyễn Vũ Trung - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương: 19003228 là số điện thoại đường dây nóng, cung cấp dịch vụ tư vấn, giải đáp thắc mắc cho người dân. 

Chúng tôi đã huy động tất cả bác sĩ có chuyên môn tốt tham gia trả lời đường dây nóng này, làm việc 24/24h nhiều ngày qua. Mọi câu hỏi đều được giải đáp, chúng tôi đang nỗ lực hết sức. Thực sự chúng tôi đã bị quá tải, mỗi ngày 100-200 cuộc gọi, kéo dài mỗi lần vài phút. Qua đó, tôi thấy người dân và cộng đồng thực sự quan tâm đến đại dịch lần này. 

Chúng tôi cảm động trước sự quan tâm của cộng đồng. Mọi người cảm ơn, chia sẻ vất vả của  nhân viên y tế. Chúng tôi đã xin ý kiến, cố gắng thời gian tới, ngoài số điện thoại này, có thể kết nối với các đường dây nóng khác nữa, đặc biệt tại các trung tâm phòng chống dịch tễ, hỗ trợ trả lời thắc mắc của người dân, đáp ứng nhu cầu người bệnh, cộng đồng. 

Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Viễn thông, đồng chí Hoàng Minh Cường, cũng cho biết để hỗ trợ người dân tiếp cận đường dây nóng một cách tốt nhất, phía Bộ đã chỉ đạo nhà mạng miễn phí cuộc gọi đến đường dây nóng từ 0h ngày 1/2/2020. 

Sắp tới chúng tôi sẽ nâng cấp số điện thoại này lên, để nhiều bệnh viện cùng tham gia phân luồng, giải đáp người dân. 

Bộ Y tế: Việt Nam chưa có ca bệnh mắc virus corona do lây lan trong cộng đồng - Ảnh 5.

PGS. TS Nguyễn Vũ Trung - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

PV: Liệu có thể tiến hành xét nghiệm virus Corona tại nhà hay không? Có an toàn hay không? Xét nghiệm corona tại các bệnh viện có bị chồng chéo?

Bà Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: Đến giờ phút này, không có sinh phẩm, xét nghiệm virus Corona nào chẩn đoán tại nhà. 

PGS TS Trần Đắc Phu: Hiện nay các bệnh viện đều có khả năng xét nghiệm chủng virus Corona. Những ca nghi ngờ, có triệu chứng sốt đi từ vùng dịch về, đều đã được xét nghiệm tại các bệnh viện lớn, như Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. 

Chúng tôi cũng có hệ thống giám sát viêm phổi cấp, yêu cầu hệ thống các bệnh viện lấy các mẫu của những bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus Corona, đưa về Viện vệ sinh dịch tễ TW xét nghiệm. Việc này đã được tiến hành từ lâu, không phải bây giờ mới làm.

Trong xét nghiệm, cũng phải có những chỉ định, ca nào xét nghiệm, ca nào không, căn cứ vào triệu chứng bệnh tật, đặc biệt căn cứ vào đặc điểm dịch tễ. 

Qua đó phương thức - cách thức tiến hành giám sát dịch tễ nói chung bằng phương pháp xét nghiệm, tìm nguồn lây, tìm virus đã được hoàn thiện, đáp ứng trong tình hình dịch bệnh hiện nay. 

Bộ Y tế: Việt Nam chưa có ca bệnh mắc virus corona do lây lan trong cộng đồng - Ảnh 6.

Bà Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

"Không riêng virus Corona, tất cả trường hợp thổi máy đo nồng độ cồn đều dùng ống một lần để tránh lây nhiễm"

PV: Loại thuốc nào hiện nay ở Việt Nam được sử dụng để điều trị các bệnh nhân bị lây nhiễm chủng virus Corona?

ThS. Nguyễn Thành Lâm - Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược: Từ ngày 16/1, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán việc viêm phổi. Hiện nay trên thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vacxin tiêm phòng cho chủng virus này. 

Hiện nay ở Việt Nam, các bác sĩ điều trị tích cực chủ yếu các triệu chứng, phát hiện xử lý kịp thời tình trạng do bệnh gây ra như suy hô hấp, suy thận. Các loại thuốc điều trị hỗ trợ trong xử lý bệnh nhân bị nhiễm, trong những trường hợp cụ thể như sau:

- Nếu bệnh nhân ho nặng, sẽ dùng thuốc giảm ho.

- Nếu bệnh nhân bị sốt, nhiễm cúm trên 38,5 độ, dùng thuốc hạ sốt như dịch truyền Paracetamol.

- Trong truòng hợp bệnh nhân bị rối loạn nước điện giải, rối loạn dinh dưỡng, sử dụng dịch truyền tương ứng. 

 - Nếu bệnh nhân bị nhiễm khuẩn viêm phổi, sử dụng kháng sinh phổi.

- Các bệnh lý khác như tiểu đường, huyết áp, sử dụng thuốc tình trạng bệnh tương ứng.

Các loại thuốc này được các cơ sở y tế sử dụng hàng ngày. Cục Quản lý Dược cũng đã liên hệ nguồn cung ứng, đảm bảo cung ứng đầy đủ. 

Bộ Y tế có chỉ đạo cơ sở y tế phải thực hiện việc đảm bảo nguồn cung ứng, sẵn sàng thuốc đáp ứng dịch lần này, đặc biệt trong trường hợp mua sắm theo luật đấu thầu, nếu thiếu phải mua ngay lập tức, không được phép để xảy ra thiếu thuốc.

Việc quan trọng ngay lúc này là phải áp dụng hướng dẫn theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cũng như WHO trong việc phòng chống lây nhiễm cho bản thân và gia đình, sử dụng khẩu trang đúng cách, cấm nhập khẩu động vật hoang dã, không tiêu thụ động vật hoang dã trong bữa ăn.

Ths.BS. Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục khám chữa bệnh: Hiện nay các cơ sở y tế đã cách ly bệnh nhân, đã kết nối trực tuyến trao đổi chuyên môn để thực hiện tốt việc điều trị.

Bộ Y tế quyết định thành lập 45 đội ứng phó nhanh, cơ động, trong trường hợp cần huy động lực lượng, hỗ trợ cơ sở điều trị. Trong yêu cầu, tất cả các tỉnh phải thành lập đội cơ động. 

Những trường hợp nghi ngờ nhiễm Corona như sốt, suy hô hấp, đi từ vùng dịch về,... cần phải được xét nghiệm. Không phải tất cả các trường hợp có triệu chứng hô hấp đều cần xét nghiệm. Chúng ta phải dành nguồn lực để chẩn đoán, phát hiện các trường hợp nghi ngờ sớm.

PV: Thiết bị đo nồng độ cồn hiện nay có ảnh hưởng tới việc lây lan virus Corona hay không?

Ths.BS. Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục khám chữa bệnh: Chúng ta không nên quá lăn tăn vấn đề này, bởi vì không riêng virus Corona, tất cả trường hợp thổi máy đo nồng độ cồn đều dùng ống một lần để tránh lây nhiễm. 

Trước đó, vào 3h sáng 31/1 (theo giờ Việt Nam), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu do sự bùng phát và lây lan của virus corona (2019nCoV - virus corona Vũ Hán).

Quyết định này được WHO đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp về điều lệ y tế quốc tế (IHR) ngày 30/1 (giờ Gênva, Thuỵ Sĩ).

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến 11h ngày 31/1, thế giới đã ghi nhận 9.832 trường hợp nhiễm virus corona, 213 trường hợp tử vong, 115 trường hợp mắc bệnh ngoài Trung Quốc.

Tại Việt Nam có 5 người nhiễm virus corona, trong đó có 2 bệnh nhân người Trung Quốc (1 người đã khỏi) và 3 người Việt Nam đang điều trị tại bệnh viện tỉnh Thanh Hóa và bệnh viện Nhiệt đới TƯ ở Đông Anh, Hà Nội.

Bộ Y tế: Việt Nam chưa có ca bệnh mắc virus corona do lây lan trong cộng đồng - Ảnh 8.