Bò sẽ là loài thú lớn nhất thế giới nếu các sinh vật cứ tiếp tục tuyệt chủng nhanh như hiện tại

Hài Yến, Theo Helino 12:12 28/04/2018

Khi tốc độ tuyệt chủng quá nhanh, chẳng sớm thì muộn các loài vật sẽ biến mất hết. Khi ấy, có thể loài thú lớn duy nhất trên thế giới sẽ là bò.

Ảnh hưởng của con người đối với sự tồn tại của động vật và sinh quyển ngày càng trầm trọng, đặc biệt là các loài động vật có vú, khiến nhiều loài rơi vào thảm cảnh tuyệt chủng. Và theo như các nhà khoa học cảnh báo, nếu như tốc độ tuyệt chủng tiếp tục diễn ra như hiện tại, thì e rằng loài thú lớn nhất còn sót lại trên đời này sẽ là... bò.

Cụ thể, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science, các loài động vật nặng tới cả tấn trọng lượng có thể sẽ biến mất hoàn toàn trong một vài thế kỷ tới.

Bò sẽ là loài thú lớn nhất thế giới nếu các sinh vật cứ tiếp tục tuyệt chủng nhanh như hiện tại - Ảnh 1.

Bò sẽ là loài thú có kích cỡ lớn nhất thế giới

Nghiên cứu cho biết khi quá trình di dân của loài người từ châu Phi hàng ngàn năm trước bắt đầu, cũng là lúc các loài thú lớn suy giảm số lượng với tốc độ báo động.

Giáo sư Felisa Smith từ ĐH New Mexico, nhận xét: "Mọi thứ trở nên tồi tệ khi con người bắt đầu can thiệp vào tự nhiên." 

"Con người đã luôn là những kẻ săn mồi hiệu quả từ xa xưa. Và vì các loài đã tuyệt chủng có kích thước lớn hơn từ 2 đến 3 lần những loài vẫn đang còn tồn tại, thì rõ ràng đây là một xu hướng cho thấy kích cỡ có liên quan đến sinh tồn."

Giáo sư cũng cho rằng lời khẳng định biến đổi khí hậu có thể đã gây ra sự biến mất của các sinh vật là không chính xác. Thực tế lịch sử chứng minh, động vật đã thay đổi để thích ứng với những tác động từ thiên nhiên. Trong khi đó, quá trình di dân của người tiền sử thì gắn liền với sự tuyệt chủng của các loài động vật lớn, như voi mammoth, hổ răng kiếm... 

Vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng không phải biến đổi khí hậu mà chính ảnh hưởng của con người mới là nguyên nhân chính gây ra sự tuyệt chủng của các loài kích cỡ lớn này.

Bên cạnh đó, nghiên cứu còn phát hiện ra rằng 125.000 năm trước, kích thước các loài thú ở vùng có con người đã nhỏ bằng phân nửa so với các lục địa khác, nơi con người chưa kịp đến. 

"Điều này có nghĩa là con người đã gây ảnh hưởng đến sự đa dạng và kích thước cơ thể của động vật có vú." - đồng tác giả Kate Lyons thuộc ĐH Nebraska-Lincoln chia sẻ. 

Lý do có thể là vì người tiền sử đã săn bắt các loài thú lớn này để lấy thịt, trong khi những loài có kích thước nhỏ hơn thì được "tha", hoặc chưa đụng đến thôi. 

Ngày nay, con người đã và đang châm ngòi cho thời kỳ tuyệt chủng mới. Chúng ta liên tục phá hủy môi trường, săn bắt, giết thịt động vật quý hiếm, gây ô nhiễm bầu khí quyển. Và thực tế đáng buồn là các loài vật không thể trốn đi đâu được, vì con người đã sử dụng tới 50% diện tích đất liền. 

Chúng cũng không thể tiến hóa đủ nhanh để theo kịp những thay đổi do con người gây ra.

Vì vậy, tuyệt chủng là điều khó tránh khỏi. Nếu nhân loại vẫn chưa thức tỉnh, hành động kịp thời thì xu hướng trọng lượng trung bình của động vật có vú cũng sẽ giảm xuống không có dấu hiệu ngừng lại.

Cuối cùng, chỉ còn bò là loài thú lớn duy nhất còn sót lại mà thôi.

Nguồn: Independent