Bố mẹ cũng có lúc buồn và gục ngã đấy, chỉ là bạn không tâm sự và lắng nghe thôi

Nam Thi, Theo Trí Thức Trẻ 00:15 21/10/2016

Trong suy nghĩ của nhiều bạn trẻ chúng ta luôn "mặc định" rằng bố mẹ là những "superman" giỏi mọi việc, có thể giải quyết tất cả mọi khó khăn trên đời mà không bao giờ gục ngã. Vậy các bạn sẽ cảm thấy như nào khi thấy bố mẹ khóc?

1. Càng ít chia sẻ, càng hay nghĩ bố mẹ mình là "siêu nhân"

Nhận định này nghe có vẻ…ngược đời, nhưng thực sự là vậy đấy!

Nhớ lại xem cái giai đoạn khi mình bắt đầu ít nói chuyện với bố, hoặc với mẹ, hoặc cả hai là bắt đầu từ lúc nào nhỉ. Có lẽ với đa số mọi người là bắt đầu giai đoạn dậy thì, cái độ nửa vời chẳng lớn chẳng bé, lúc nào cũng muốn khẳng định bản thân, nên là chẳng thể nào chịu nổi sự "bó buộc" của bố mẹ, thành ra cứ xa dần xa dần. Hồi bé thì bố mẹ là "tượng đài to lớn" rồi, lớn lên thì chẳng mấy khi chia sẻ tâm sự với bố mẹ, vẫn cứ thấy bố mẹ mình làm được tất cả mọi thứ trên đời này, từ kiếm tiền cho mình ăn học, cứ xin là có luôn, rồi cho đến việc nhà, việc họ hàng, việc xã hội…thành ra lắm bạn cứ nghĩ bố mẹ mình là "siêu nhân", chẳng bao giờ để ý, thậm chí chẳng có ý niệm phải quan tâm bố mẹ mình vất vả thế nào.

"Chúng ta sẵn sàng mở cửa đi vào thế giới của bạn bè, nhưng chẳng có ý bước chân vào thế giới của bố mẹ".

Bố mẹ cũng có lúc buồn và gục ngã đấy, chỉ là bạn không tâm sự và lắng nghe thôi - Ảnh 1.

Tôi có một người bạn thế này, nhà cậu ấy có hai anh em trai, từ bé đến giờ trong mắt cậu, bố luôn là một "người đàn ông thép" đúng nghĩa trụ cột của gia đình, cũng bởi bố là người làm kinh tế duy nhất trong nhà, lại còn làm trong ngành công an, đôi khi còn cứng rắn hơi quá thành ra anh bạn khá là sợ bố. Cậu hay nói chuyện với mẹ là chính, có ngày nói được với bố vài câu "vâng ạ", "rồi ạ" trong bữa cơm, có ngày còn chẳng nói với nhau câu nào. Cậu chia sẻ rằng nhớ ngày bé bố luôn nói đàn ông phải mạnh mẽ, ngã thì đứng lên không được khóc nên cậu không bao giờ có một chút suy nghĩ là sẽ nhìn thấy bố mình buồn hay lo nghĩ gì, bố lo được hết mọi thứ.

"Vậy mà có một lần ông anh trai mình cãi nhau với bố rồi bỏ nhà đi qua đêm không nói câu nào, lúc đầu bố mình giận dữ lắm rồi nói với mọi người là mặc kệ không cần quan tâm, rồi cấm ai đi tìm. Đấy là đợt mình đang ôn thi nên thức đến hai ba giờ sáng, lúc mình xuống nhà lấy nước uống thì bỗng nghe thấy tiếng khóc, nhận ra là tiếng bố khóc một mình trong bóng tối, mình chưa bao giờ "shock" đến thế, thực sự cảm thấy bất ngờ vì mọi suy nghĩ của mình từ trước đến nay bị phá vỡ hoàn toàn, hóa ra là "người đàn ông thép" ấy cũng có lúc khóc, và sau những giây phút "choáng" thì là cảm xúc thương bố rất nhiều, có lẽ bố đang cảm thấy thực sự bất lực trước vấn đề này".

Sau khi cậu ấy chia sẻ câu chuyện bên trên, cậu ấy cũng thú thật rằng bản thân mình quá ít quan tâm đến "thế giới riêng" của bố. Không phải là một người đàn ông trụ cột thì sẽ gánh được mọi thứ trên đời và bản thân mình chỉ biết trách sao bố khó tính, sao bố ít nói mà không bao giờ hiểu tại sao bố lại như vậy, vì tính chất công việc? Vì áp lực cuộc sống? Vì những lo lắng cho các con, cho gia đình, rồi kinh tế? Và sau khi sự việc kia diễn ra, cậu cảm thấy đã đến lúc "bước chân vào thế giới của bố mình" bằng cách ngồi nói chuyện, tâm sự chia sẻ như những người đàn ông với nhau. Lúc đó cậu mới thấy rằng, thực ra bố mình không "thép" đến vậy.

Bố mẹ cũng có lúc buồn và gục ngã đấy, chỉ là bạn không tâm sự và lắng nghe thôi - Ảnh 2.

2. Bố mẹ cũng dễ "tổn thương" từ những điều bình thường nhất

Thử nghĩ xem nào, từ bé đến giờ đã bao nhiêu lần mình thấy bố mẹ mình rơi nước mắt nhỉ, có vẻ rất là ít thì phải. Đơn giản bố mẹ chẳng bao giờ muốn con mình cảm thấy mình cũng dễ "tổn thương" từ những điều bình thường nhất. Phải chăng vì thế mà nhiều bạn nghĩ chỉ có con cái mới là những người cần sự quan tâm nâng niu thật nhiều, còn bố mẹ thì chắc… không cần lắm.

Dưới đây là chia sẻ của hai người bạn khi tôi hỏi về việc: "Lần thấy bố mẹ khóc mà bạn nhớ nhất".

Bạn L.C (21 tuổi, Hà Nội): "Mẹ độc lập nuôi mình từ bé, mẹ vừa là mẹ vừa thay thế cả vị trí của ba nên trong mắt mình mẹ luôn là một người phụ nữ mạnh mẽ, dường như chẳng có gì khiến mẹ chịu khuất phục. Bình thường khi có chuyện gì xảy ra trong cuộc sống mình đều về khóc lóc ôm mẹ, ấy vậy mà có một lần khi đi học về mình chạy vào ôm mẹ thì thấy mẹ đang khóc, thật sự bất ngờ, chỗ dựa về tinh thần duy nhất của mình, người mà mình chưa một lần nhìn thấy khuôn mặt buồn, người mà mình luôn cho rằng vững trãi nhất, đang khóc. Mẹ khóc là do cuộc tranh cãi to tiếng với các cô bác trong nhà, vấn đề cũng chỉ là cuộc sống đơn thân của hai mẹ con, mẹ mình quyết không màng đến bất cứ loại tình cảm nào khác chỉ để dành hết tình thương cho mình. Khi nghe vậy xong mình thấy thương mẹ lắm, vậy là hai mẹ con ôm nhau cùng khóc".

Bạn T.T (20 tuổi, Hà Nội): "Bố mẹ mình không còn sống với nhau từ lúc mình còn nhỏ, mình thì luôn ủng hộ bố mẹ có tình yêu mới, vì còn trẻ mà. Lần đầu tiên mình nhìn thấy bố mình khóc là trong một lần bố mình bị... thất tình. Thấy bố khóc mình đã "shock" rồi nhưng khi biết chuyện mình còn "shock" hơn nữa, cứ nghĩ là chỉ có teen như chúng mình mới hay vật vã, buồn bã vì bị thất tình hóa ra bố mẹ cũng có lúc như thế này. Và thế là một đứa con 19 tuổi an ủi ông bố 43 tuổi về chuyện tình cảm. Dù bố mẹ từng trải nhiều hơn mình, có thể đã yêu nhiều hơn mình nhiều nhưng khi buồn ai cũng cần chia sẻ, tâm sự và nhận được những lời an ủi. Mình vừa bất ngờ, vừa thương bố, vừa cảm thấy cuộc sống đôi khi cũng thật thú vị."

Bố mẹ cũng có lúc buồn và gục ngã đấy, chỉ là bạn không tâm sự và lắng nghe thôi - Ảnh 3.

Đấy nhé, đừng tưởng chỉ có chúng mình buồn bã vì chuyện tình cảm, bố mẹ cũng vật vã lắm đấy. Thế mới thấy, mình buồn vì chuyện gì thì bố mẹ cũng có thể buồn vì việc đó, chỉ là họ không nói ra thôi. Ông bà ta có câu "khi có con thì mới hiểu lòng cha mẹ", mình thì nghĩ là đợi đến lúc có con thì mình đã làm tổn thương bố mẹ nhiều quá bởi sự ít thấu hiểu lẫn nhau rồi. Đã đến lúc "phá vỡ" khoảng cách, "phá vỡ" tư tưởng "bố mẹ siêu nhân" để kéo suy nghĩ, cảm xúc của mình với bố mẹ gần nhau hơn.

Còn nếu bạn nghĩ rằng bố mẹ mình chẳng nghe đâu thì bạn nhầm to rồi, bố mẹ luôn sẵn sàng lắm đấy, chỉ cần mình nói ra suy nghĩ của mình, bố mẹ hẳn sẽ bất ngờ bởi những suy nghĩ trưởng thành lắm cho xem. Vừa là con, nhưng cũng vừa là những người bạn thì sẽ tuyệt vời biết bao, giống như mình lắng nghe tâm sự của những người bạn xung quanh vậy đó. Mình hiểu bạn mình thì chẳng có lý do nào mình lại thờ ơ với việc hiểu lòng bố mẹ.