“Bỏ đại học danh giá đi học nghề tôi đã kiếm 35 triệu mỗi tháng”

Hoàng Thanh, Theo Infonet 20:44 18/07/2019

"Do có văn bằng đã được đào tạo lại có tay nghề cao nên ngay từ tháng đầu tiên sang Nhật tôi đã nhận mức lương 35 triệu/tháng chưa kể tăng ca. Trong khi đó nhiều bạn bè cùng trang lứa với tôi đã tốt nghiệp đại học nhưng đa số còn đang thất nghiệp”, Linh cho hay.

Việc thi đại học, lấy bằng đại học gần như được các phụ huynh “lập trình sẵn” trên con đường tương lai của con mình.

Rất nhiều người quan niệm muốn xin được việc làm cần phải có bằng đại học và chắc chắn phải tìm trường đại học phù hợp được cho bản thân. Và nhiều người khác lại cho rằng việc có tấm bằng đại học như một “lá bùa” sẽ giúp khẳng định trình độ của bản thân trong xã hội bất kể năng lực, kỹ năng thật sự của họ ở mức độ nào.

Thế nhưng, tình trạng thất nghiệp của các “cử nhân” hay thậm chí là thạc sĩ vẫn đang diễn ra hằng ngày với tỉ lệ ngày một tăng cao. Thực trạng này đã làm dấy lên nhiều thắc mắc liệu tấm bằng đại học còn có đủ “uy quyền” và lợi thế cho chúng ta khi xin việc làm nữa hay không?

Chính vì thế nên có nhiều bạn trẻ dù đậu vào các trường đại học hàng đầu nhưng đã quyết định chuyển sang học nghề, nhằm tìm được việc làm ổn định ngay sau khi tốt nghiệp.

Nguyễn Hoàng Linh (28 tuổi, Thái Bình) cho hay: “Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo khó, tôi cũng mơ ước sau này đỗ vào một trường đại học danh giá và có một công việc ổn định có thể lo cho bố mẹ, vợ con.

Năm 2010 tôi là đứa con trai duy nhất trong họ đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội trước sự thán phục của nhiều người nhưng tôi lai không quá vui mừng trước việc này. Bởi lẽ, trước đó, nhiều anh chị trong làng tôi cũng tốt nghiệp đại học xong ra trường thất nghiệp rồi đi lấy chồng, lấy vợ, cấy vài ba sào ruộng, sinh vài đứa con là hết nghĩa vụ.

Họ hàng nhà tôi sống chủ yếu bằng nghề nông, quanh năm đầu tắt mặt tối nên tôi xác định mọi việc phải tự thân vận động. Trước tình hình nhiều người cầm trong tay tấm bằng đại học mà vẫn thất nghiệp tôi đã xin bố cho đi…học nghề.

Bởi tôi nghĩ “điều quan trọng nhất không phải là học để có được bằng cấp thật cao mà phải học để có việc làm ổn định ngay sau khi ra trường. Để đưa ra quyết định bỏ đại học đi học nghề, tôi đã suy nghĩ rất kỹ và tham khảo những người đi trước và tôi chọn nghề gia công cơ khí hàn.

“Bỏ đại học danh giá đi học nghề tôi đã kiếm 35 triệu mỗi tháng” - Ảnh 1.

Nghề hàn kỹ thuật cao tại Nhật Bản với mức lương khá cao (Ảnh minh họa)


Ngay từ khi tôi còn đang học đã có rất nhiều công ty về tuyển lao động ngành gia công cơ khí hàn- tiện với mức lương khởi điểm hấp dẫn là 8-9 triệu/tháng. Sau khi tốt nghiệp tôi đi làm cho một doanh nghiệp Việt Nam khoảng 1,5 năm.

Sau đó tôi được biết thị trường lao động Nhật Bản đang rất cần nhân công nghề hàn và tiện nên tôi đăng ký đi xuất khẩu lao động. Do có văn bằng đã được đào tạo lại có tay nghề cao nên ngay từ tháng đầu tiên sang Nhật tôi đã nhận mức lương 35 triệu/tháng chưa kể tăng ca. Trong khi đó nhiều bạn bè cùng trang lứa với tôi đã tốt nghiệp đại học nhưng đa số còn đang thất nghiệp”.

Chia sẻ về vấn đề định hướng nghề nghiệp, TS. Hoàng Anh Ngân - Trung tâm nghiên cứu môi trường và điều kiện lao động (Bộ Lao động Thương binh & Xã hội) cho hay: “Như chúng ta biết, Nhật Bản là cường quốc đứng thứ 3 trên thế giới về công nghiệp. Bản thân Nhật Bản cũng là một nước công nghiệp phát triển. Và cơ khí là một trong những ngành mũi nhọn của kinh tế Nhật Bản vì thế mà lao động Việt Nam với tay nghề cao kiếm vài chục triệu một tháng tại Nhật Bản là rất bình thường.

Cơ khí là một trong những ngành nghề “hot” mà khá nhiều lao động Việt Nam mong muốn được làm khi đi xuất khẩu lao động Nhật Bản. Bởi đây là ngành không chỉ mang đến tay nghề và chuyên môn cao cho người lao động mà tỷ lệ tuyển dụng khi về nước làm việc tại các công ty liên doanh Việt - Nhật là cực cao.

Các ngành công nghiệp tại Nhật có rất nhiều, chẳng hạn: Đúc, uốn, đột, ép dập kim loại, gia công cơ khí: tiện, phay, bào, hàn, lắp ráp linh kiện máy móc, điện tử…Trong những ngành này thì hàn và tiện là 2 ngành cơ khí cần nhiều lao động nhất.

Thực ra, không chỉ Nhật Bản mà kể cả các doanh nghiệp trong nước hiện nay cũng rất “khát” nhân công kỹ thuật cao.

Đơn giản như trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động đang làm việc trong ngành điện tử tại các doanh nghiệp Việt hiện nay không cao, có đến 68,75% chưa có bằng cấp, chứng chỉ. Trong đó, ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tỷ lệ này cao hơn. Đáng chú ý, có đến 80% doanh nghiệp điện tử gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động kỹ thuật. Vì thế, nếu lao động có kỹ thuật thì không bao giờ lo thất nghiệp thậm chí còn có một mức lương rất hấp dẫn.

Học đại học và thất nghiệp với việc học nghề kỹ thuật cao mà có mức lương hấp dẫn thì tôi tin các bạn trẻ sẽ biết mình nên làm gì để không đi vào vết xe đổ mang tên “thất nghiệp” mà hàng nghìn sinh viên khác đã vấp phải”.