Blood Father - "Bố ơi! Mình đi đâu thế" theo phong cách Quentin Tarantino

Ngọc King, Theo Trí Thức Trẻ 11:50 03/09/2016

"Blood Father" là phiên bản Mỹ của câu thành ngữ "con dại cái mang".

Blood Father giống như một bộ phim hạng B thường thấy khi có một ngân sách đầu tư nhỏ cùng sự góp mặt của một cựu ngôi sao lớn tuổi và những gương mặt trẻ vô danh, thêm nữa, thông điệp của phim cũng không phải quá đao to búa lớn.

Mel Gibson với râu ria hoang dại, cơ bắp vạm vỡ bất chấp tuổi tác dù ăn mì gói hằng ngày, sống bằng nghề đi xăm trong một cái xe cũ, với bạn hàng là những cư dân quanh quẩn tại nơi hoang mạc với súng đạn, tội phạm và những chuyến xe bụi mù. Đọng lại ở bộ phim sau khi credit kết thúc, là một giấc mơ về miền Tây đã tàn lụi đi rất nhanh trong lòng người Mỹ, đặc biệt trên màn ảnh rộng nó càng được khắc họa một cách tàn bạo và chân thực.

Blood Father - Bố ơi! Mình đi đâu thế theo phong cách Quentin Tarantino - Ảnh 1.

Nội dung quen thuộc

Được đạo diễn bởi Jean-François Richet, Blood Father lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của Peter Craig, đồng biên kịch Andrea Berloff. Về cơ bản, nội dung phim là chiến dịch giải cứu kết thúc bằng việc hai bố con tự cứu lẫn nhau: John Link (Mel Gibson) và Lydia (Erin Moriarty). Cô con gái rượu sau nhiều năm bặt vô âm tín hưởng thụ với bạn trai giàu kếch sù đã dính vào một loạt rắc rối khiến cô nàng phải ngoan ngoãn chạy về cầu cứu ông bố thợ xăm người đang cố gắng đạt tiêu chuẩn đi thi Vui – Khỏe – Có ích.

Blood Father - Bố ơi! Mình đi đâu thế theo phong cách Quentin Tarantino - Ảnh 2.

Chương trình của ông lão bị biến thành phiên bản kết hợp giữa Cuộc đua kì thú và Bố ơi! Mình đi đâu thế. Link phải tạm biệt tình trai với ông hàng xóm kiêm bảo mẫu của mình, để bảo vệ cho cô con gái 17 tuổi với ngoại hình nảy nở của một phụ nữ 20 trở ra. Nội dung của 88 phút phim hành động và đối thoại đốp chát được xây dựng trên những chất liệu rất thô mà đạo diễn Richet từng ưa thích sử dụng trong các phim trước của mình như Assault on Precinct 13 hay Mesrine.

Tình cha con đặt trong vòng lao lý

Nổi bật giữa bộ phim chính là Mel Gibson trong vai John Link. Dù rằng râu tóc đã che nửa khuôn mặt, dù rằng nửa còn lại nhăn nheo như bản đồ sa mạc California nơi nhân vật này ở, Mel Gibson vẫn cho ta thấy tầm của một anh hùng trên xa lộ như Mad Max ngày nào. John trong Blood Father là hiện thân của một linh hồn tù tội nay đã mệt mỏi muốn hướng thiện, một con người có thể miêu tả bằng một câu nói: "So what?". Phong cách tưng tửng, chất hiện thực thô ráp được khắc họa trong cách Link buộc phải đối mặt với quá khứ tội phạm xưa cũ và đứng trước nỗi sợ hãi mang tên "Không biết dạy con".

Blood Father - Bố ơi! Mình đi đâu thế theo phong cách Quentin Tarantino - Ảnh 3.

Cô con gái của John, Lydia thuộc tuýp nhân vật tóc vàng hoe mà đợi gần hết phim mới chịu nhuộm đúng màu tóc, dính vào rắc rối với tay buôn thuốc Mexico mà vẫn hớn hở tưởng là nhà buôn bất động sản. Nếu như nhân vật Lydia được xây dựng một cách gai góc hơn, hoặc ngốc nghếch hẳn đi, có lẽ Blood Father sẽ càng hấp dẫn.

Tuy nhiên, bộ phim vẫn còn đó những chiêu trò khác thu hút người xem. Những cuộc đụng độ tóe lửa, các cuộc thanh trừng sau song sắt nhà tù và các mối liên hệ xưa cũ đặc trưng của phong cách hoài cổ viễn Tây được Blood Father xây dựng có bài bản và cực kì lôi cuốn khán giả. Không quá cầu kì như Taken 3, tình cha con trong Blood Father thực tế đến phũ phàng. Những màn đối thoại ngắn ngủi giữa hai cha con liên tục bị gián đoạn bởi tiếng súng đạn, những khoảnh khắc bày tỏ tình yêu thương bị ngắt quãng bởi trốn chạy. Thông điệp về tình phụ tử trong phim không đặt nặng tính giáo điều và càng không rơi vào cảnh sến súa do được thêm thắt những chi tiết hài hước có duyên.

Blood Father - Bố ơi! Mình đi đâu thế theo phong cách Quentin Tarantino - Ảnh 4.

Dòng phim trả thù được tiên phong bởi Charles Bronson vào thập niên 70, 80 và được Liam Neeson đưa lên một đỉnh cao mới trong những năm gần đây. Với thể loại phim này, ông bố có quyền sử dụng vũ lực để cứu con và tiêu diệt kẻ thù trong khi người xem hoàn toàn đồng ý với quyết định trên.

Blood Father mà cụ thể là nhân vật John Link rất gần với suy nghĩ của người Mỹ, khi thường trực trên môi là những lời châm biếm hài hước pha lẫn chua xót, thậm chí đôi lúc phân biệt chủng tộc. Tác phẩm không thể đạt tới tầm bom tấn, nhưng với nội dung chặt chẽ, thực tế và tính hài hước sâu cay, Blood Father vẫn xứng đáng là một bộ phim hành động đáng "đồng tiền bát gạo", là bài học cho những ông bố có con gái mới lớn.