Black Panther - Cuộc thảo luận đầy công bằng về nước Mỹ từ góc nhìn Wakanda

Splendid River, Theo Trí Thức Trẻ 13:21 24/02/2018

Câu chuyện về một chiến binh siêu anh hùng da đen Black Panther cùng những đồng bào châu Phi của mình có lẽ đã tìm ra câu trả lời cho những vấn đề chính trị nóng hổi của phương Tây.

(Cảnh báo: Bài viết có tiết lộ nội dung phim, cân nhắc trước khi đọc)

Năm 2017 vừa qua là một năm có bầu không khí chính trị vô cùng căng thẳng, đặc biệt là vấn đề phân biệt chủng tộc ở Mỹ, trong đó nạn nhân chủ yếu là những người có nguồn gốc Phi Châu, da màu. Đây là một vấn đề có cội nguồn lịch sử cực kỳ phức tạp và không hề dễ dàng để thảo luận. Chính vì thế, sự xuất hiện của Black Panther (Chiến Binh Báo Đen), một bom tấn siêu anh hùng với dàn nhân vật chủ yếu là người gốc Phi tới từ "ông lớn" Marvel Studios có ý nghĩa lịch sử và thời sự khó có thể đong đếm.

Black Panther - Cuộc thảo luận đầy công bằng về nước Mỹ từ góc nhìn Wakanda - Ảnh 1.

Lần đầu tiên xuất hiện trong Captain America: Civil War (2015), T’Challa/Black Panther (Chadwick Boseman) đã gây ấn tượng mạnh với người hâm mộ Marvel. Anh mang tới cho đại gia đình Marvel một làn gió mới hết sức thú vị với nguồn gốc bi kịch và tính cách vừa ngầu vừa lạnh, nhưng quan trọng hơn chính là nhờ xuất thân châu Phi.

Black Panther - Cuộc thảo luận đầy công bằng về nước Mỹ từ góc nhìn Wakanda - Ảnh 2.

Tiếp nối câu chuyện từ Civil War, T’Challa đã trở lại đất nước Wakanda của mình sau cái chết của vua cha để làm thủ tục nối ngôi, chính thức trở thành nhà vua mới. Quyền lực mới đương nhiên kéo theo nhiều trách nhiệm. Anh và gia đình, đồng bào của mình phải đối mặt với một bóng ma quá khứ vẫn day dứt từ thế hệ trước.

Chính điều đó là thử thách đầu tiên mà nhà vua – chiến binh Báo Đen phải vượt qua để chứng tỏ được bản thân mình xứng đáng trị vì cả một đất nước. Trong cuộc phiêu lưu này, anh có được sự trợ giúp từ bạn gái cũ Nakia (Lupita Nyong’o), Đại tướng của đội quân Dora Milaje – Okoye (Danai Gugira), cô em gái Shuri thiên tài công nghệ (Letitia Wright), và điệp viên CIA Everett Ross (Martin Freeman).

Black Panther - Cuộc thảo luận đầy công bằng về nước Mỹ từ góc nhìn Wakanda - Ảnh 3.

Câu chuyện của Black Panther lấy cảm hứng khá nhiều từ phong cách điệp viên kiểu James Bond, kết hợp với một chút tinh thần của The Lion King, nhưng vẫn đảm bảo chất siêu anh hùng hành động, viễn tưởng quen thuộc của nhà Marvel. Trường đoạn nhóm của T’Challa phải trà trộn vào sòng bạc ở Hàn Quốc, phối hợp chiến đấu bắt giữ Ulysses Klaue (Andy Serkis) mang đầy những tính chất tiêu biểu nhất của một bộ phim tình báo: những trao đổi hàng hóa bí mật, các nhân vật phải hóa trang trà trộn, kế hoạch bại lộ, rượt đuổi tốc độ cao,v.v.. hồi hộp không kém cạnh gì Casino Royale trước đây.

Black Panther - Cuộc thảo luận đầy công bằng về nước Mỹ từ góc nhìn Wakanda - Ảnh 4.

Đạo diễn Ryan Coogler cũng thể hiện một sự đầu tư khá nghiêm túc về mặt hình ảnh cho bộ phim siêu anh hùng đầu tiên của mình. Các cảnh quay đều được bố cục khá cẩn thận, và có sự dụng công lớn về thẩm mỹ từ màu sắc, ánh sáng, cho đến không gian xa gần. Coogler cũng thể hiện khả năng kiểm soát và xử lý chuyển động máy quay thuộc hàng thượng thừa, đặc biệt là trong pha lia máy dài của màn chiến đấu trong sòng bài.

Black Panther - Cuộc thảo luận đầy công bằng về nước Mỹ từ góc nhìn Wakanda - Ảnh 5.

Quan trọng hơn, Black Panther cho người xem thấy viễn cảnh của một châu Phi cường thịnh khi lục địa già này được tự do phát triển, khai thác tài nguyên mà không phải chịu sự đô hộ của thực dân châu Âu và châu Mỹ. Những tòa nhà cao tầng, thành phố tấp nập, ánh sáng đèn điện rực rỡ, và một nền công nghệ không tưởng khiến cho Iron Man trở nên giống như đồ chơi trẻ em. 

Chúng được pha trộn với các chi tiết văn hóa sâu sắc thấm đẫm tinh thần châu Phi truyền thống. Tất cả những thiết kế từ trang phục tới phương tiện di chuyển, và cả kiến trúc của Wakanda đều được lấy cảm hứng từ những nền văn hóa giàu có và lâu đời ở châu Phi.

Black Panther - Cuộc thảo luận đầy công bằng về nước Mỹ từ góc nhìn Wakanda - Ảnh 6.

Nhưng giá trị thật sự của Black Panther khiến nó hơn hẳn các phim Marvel trước đây chính là tính thời sự nóng hổi trong chủ đề phim. Ryan Coogler mang tới cho người xem hàng loạt những góc nhìn hết sức đa chiều và nhức nhối của nước Mỹ cũng như toàn thế giới, cả ở thời hiện tại lẫn trong quá khứ. Bộ phim chính là một cuộc thảo luận đầy công bằng, nhưng không kém gai góc và phức tạp về phân biệt chủng tộc, nạn nô lệ da đen trong lịch sử châu Phi, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa bành trướng đế quốc, và cả vấn đề người nhập cư.

Black Panther - Cuộc thảo luận đầy công bằng về nước Mỹ từ góc nhìn Wakanda - Ảnh 7.

Nếu như đặt Wakanda vào vai trò của nước Mỹ hiện đại, chúng ta sẽ nhận ra được một luồng quan điểm cực đoan khá quen thuộc về vấn đề đóng cửa hay cởi mở hơn với người nhập cư và cả thế giới, cũng như ảnh hưởng của họ đến sự cường thịnh của một quốc gia. Nhờ nguồn tài nguyên Vibranium vô tận mà họ may mắn có được, cộng thêm chính sách đóng cửa bí mật, Wakanda đã đạt được những thành tựu khoa học công nghệ vượt xa toàn bộ phần còn lại của thế giới.

Thế nhưng, để giữ được bí mật, họ đã nhắm mắt làm ngơ, để cho đồng bào, đồng loại của mình ở các nước láng giềng phải đổ máu trong những thảm kịch đau thương trong lịch sử châu Phi. Như vấn nạn nô lệ bị bắt cóc và bán sang châu Âu, châu Mỹ; sự tàn sát, đô hộ, bòn rút tài nguyên của chủ nghĩa thực dân, đế quốc ngay trên mảnh đất quê hương; và cả những thế hệ thứ 2, thứ 3 của họ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài trong cảnh lầm than, nghèo khó, bị phân biệt đối xử, hoàn toàn mất đi sự kết nối với cội nguồn.

Black Panther - Cuộc thảo luận đầy công bằng về nước Mỹ từ góc nhìn Wakanda - Ảnh 8.

Cùng lúc đó, khán giả tiếp tục phải đối mặt với một cuộc tranh luận giữa 2 luồng tư tưởng khác nhau về sự cởi mở mà Wakanda cần có: Nakia mong muốn đất nước mình chia sẻ tài nguyên và tiến bộ về công nghệ với thế giới, giúp giải quyết những vấn đề và xung đột trên khắp hành tinh trong vai trò là người trợ giúp, bảo vệ, và gìn giữ hòa bình, chấm dứt chiến tranh. 

Trong khi đó, phản diện Erik Killmonger (Michael B. Jordan) đại diện cho đế quốc chủ nghĩa và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, mong muốn lợi dụng sự phát triển để gieo rắc bạo lực, bom đạn, can thiệp, lật đổ các nước khác, và ép họ phải phục tùng mình. Điều này cũng phản ánh chính môi trường ở nơi mà Erik đã phải lớn lên một mình sau khi cha của anh bị vua T’Chaka sát hại trong quá khứ.

Black Panther - Cuộc thảo luận đầy công bằng về nước Mỹ từ góc nhìn Wakanda - Ảnh 9.

Không chỉ thế, bộ phim còn có hàng loạt những nhân vật có sự phức tạp nội tâm cực kỳ thú vị, hiếm thấy trong một bộ phim siêu anh hùng của Marvel. T’Chaka (John Kani) – vị vua quá cố của Wakanda, và cả tổ tiên của họ hoàn toàn có lý do chính đáng khi bưng bít bí mật về Tổ quốc mình bằng mọi giá. 

Nhưng khi cái giá đó là hàng trăm năm máu và nước mắt của đồng loại đổ ra trên khắp đại dương, cũng như chính anh em của ông, nó đã trở nên quá đắt. T’Challa nhận trọng trách lãnh đạo cả một vương quốc có lịch sử lâu đời và phức tạp, nhưng quá nôn nóng trong hành động, đưa cả đất nước vào cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn. Nhưng anh đã chứng tỏ được bản thân mình với ngai vàng khi đưa ra quyết định khó khăn về số phận đất nước mình trong hành trình tiến tới tương lai đầy ẩn số.

Ngay cả những nhân vật khác như W’Kabi (Daniel Kaluuya), Okoye, hay M’Baku cũng không hề đơn giản, một chiều. Họ đóng vai trò quan trọng trong cốt truyện, gây ra những bất ngờ thú vị cho phim một cách liên tục.

Black Panther - Cuộc thảo luận đầy công bằng về nước Mỹ từ góc nhìn Wakanda - Ảnh 10.

Nhưng hơn hết, Erik Killmonger thực sự đã hoàn toàn chiếm được cảm tình của khán giả trong một vai phản diện xuất sắc nhất của Marvel kể từ sau khi Loki xuất hiện. Không cần quá màu mè và ồn ào, Killmonger chứng tỏ giá trị của bản thân ngay trong từng hành động của hắn: hết sức gọn gàng, dứt khoát, đầy uy quyền mỗi khi xuất hiện trên màn hình.

Black Panther - Cuộc thảo luận đầy công bằng về nước Mỹ từ góc nhìn Wakanda - Ảnh 11.

Michael B. Jordan đã có một vai diễn để đời khi diễn đạt những lớp tính cách phức tạp của Killmonger. Trường đoạn hắn đối mặt với người cha quá cố trong giấc mơ về quá khứ của mình đã giúp cởi thắt cho sự đa chiều và sâu sắc trong nhân vật. Sự giằng xé nội tâm của hắn tới từ khao khát tìm lại cội nguồn, lòng hận thù với gia tộc của T’Challa, sự tức giận với cách mà cả thế giới đối xử với người gốc Phi, sự tức giận chính bản thân mình vì đã từng xuống tay hạ sát người châu Phi, tham vọng quyền lực và bành trướng đúng kiểu "Mỹ" mà hắn đã học được suốt cả cuộc đời trong quân ngũ.

Black Panther - Cuộc thảo luận đầy công bằng về nước Mỹ từ góc nhìn Wakanda - Ảnh 12.

Nhưng dù nói nhiều về mối thù chủng tộc, Killmonger không hề nhận ra rằng hắn đã trở nên giống hệt như chính những kẻ thù mà hắn căm ghét. Một mặt, hắn hoàn toàn có cơ sở trong lý luận của mình về những sai lầm mà người Wakanda đã phạm phải như bỏ rơi các nước láng giềng trong cơn hoạn nạn hàng trăm năm, và những người con châu Phi lưu lạc khắp phương trời. Mặt khác, quan điểm về sự "mở cửa" của hắn dựa quá nhiều vào thù hận, định kiến, và quá "diều hâu", bạo lực khi chỉ quan tâm đến việc tấn công xâm lược và thống trị thế giới.

Black Panther - Cuộc thảo luận đầy công bằng về nước Mỹ từ góc nhìn Wakanda - Ảnh 13.

Black Panther qua bàn tay của Ryan Coogler, đã mang tới cho khán giả đại chúng những cái nhìn đa chiều của mình về những vấn đề thời sự, lịch sử, chính trị, nhưng không hề bỏ quên tính giải trí, kịch tính của một bộ phim hành động đầy hấp dẫn. Trong một bộ phim ít tấu hài, lại mang những thông điệp quan trọng giữa bối cảnh thế giới ngày nay, có thể nói Black Panther của Marvel chắc chắn sẽ có tầm ảnh hưởng vô cùng lớn tới các phim trong tương lai của hãng nói riêng, và cả dòng phim siêu anh hùng nói chung.