Biểu tình Paris qua lời kể của du học sinh Việt: Cuộc sống ngày thường vẫn rất ổn, bất chấp bạo loạn vào cuối tuần

Duy Vu, Theo Helino 13:00 09/12/2018

Cuộc bạo động tại Paris đã, và đang làm tiêu tốn không ít giấy mực của giới báo chí khi đến cả Khải Hoàn Môn - biểu tượng di sản của nước Pháp - cũng đã bị phá hoại nghiêm trọng. Nhưng có thực sự đúng khi cho rằng cuộc biểu tình này đang "khiến người dân Pháp phải khốn đốn"?

Vào ngày thứ bảy (8/12) vừa qua, những cuộc biểu tình tại các thành phố Paris, Bordeaux, Toulouse đã chính thức bước sang tuần thứ 4. Những con người mặc áo gile vàng, chủ yếu là thường dân thuộc tầng lớp trung lưu, lao động đã đổ ra đường nhằm phản đối việc tăng thuế nhiên liệu nói riêng cũng như các chính sách cải cách kinh tế nói chung của chính quyền Pháp.

Khoảng 1.400 người bị bắt trên toàn nước Pháp. Tại thủ đô Paris, nhiều người biểu tình đã bị bắt giữ trước khi họ có thể tiếp cận khu vực trung tâm của các cuộc biểu tình tại đại lộ Champs Elysees.

Tại nhiều khu vực trên khắp nước Pháp, nhà chức trách đã phải triển khai nhiều biện pháp để giảm thiểu thiệt hại do bạo lực nổ ra. Các bảo tàng tại thành phố Bordeaux đồng loạt đóng cửa, trong khi thành phố Lyon phải triển khai nhiều biện pháp an ninh cho lễ hội Ánh sáng đang diễn ra tại đây.

Biểu tình Paris qua lời kể của du học sinh Việt: Cuộc sống ngày thường vẫn rất ổn, bất chấp bạo loạn vào cuối tuần - Ảnh 1.

Nhưng, liệu có quá lời khi nói cuộc biểu tình đã "đẩy nước Pháp vào cảnh khốn đốn", hay đã "biến Paris thành biển lửa"?

Đồng ý là tính nghiêm trọng của sự việc là không thể chối cãi, song nếu nhận định rằng bạo lực đã bao trùm cả Paris, hay bầu không khí đầy phẫn nộ, oán hờn đã len lỏi khắp cuộc sống người dân nơi đây thì lại không hoàn toàn đúng. Trao đổi với chúng tôi, nhiều bạn tr Việt Nam đang sinh sống tại Paris lại cho thấy những mặt khác của cuộc biểu tình lần này so với những khung cảnh hoang tàn được khắc họa trên báo đài suốt mấy ngày qua. Cụ thể, sau ngày thứ 7 biểu tình, tới chủ nhật mọi sự đã lắng xuống rõ rệt, còn trong tuần thì hoàn toàn không có tình trạng bạo loạn xảy ra.

Chia sẻ của bạn N.B.T, 18 tuổi, du học sinh người Việt Nam ở Paris, Pháp. Hiện đang ở cách Khải Hoàn Môn 3km:

PV: Xin chào T. Được biết, bạo động tại Paris, Pháp đã sang đến tuần thứ 4. Báo đài trong và ngoài nước cũng đã đưa tin rất nhiều về cảnh bạo lực diễn ra ở đây. Là một người sinh sống và học tập tại Paris, cậu có phải chịu ảnh hưởng bởi cuộc biểu tình này hay không?

T: Hiện tại thì những người sinh sống tại Paris như mình đang được khuyến cáo ở trong nhà, các cửa hàng cũng đóng cửa nhằm hạn chế bị ảnh hưởng bởi nhóm người biểu tình. Nhưng để nói về thiệt hại thì cũng chỉ một phần nhỏ thôi! Biểu tình thường chỉ diễn ra vào thứ bảy, cùng lắm kéo sang ngày chủ nhật, còn tới thứ hai là đã kết thúc hẳn rồi. Người dân ở đây vẫn sinh sống hết sức bình thường; từ thứ hai đến thứ sáu họ đi làm, đến thứ 7 xuống đường biểu tình rồi lại về nhà... nấu cơm, không kinh khủng giống như những gì xuất hiện trên mạng xã hội và truyền thông. 

PV: Vậy việc Khải Hoàn Môn đã bị tàn phá nghiêm trọng thì sao? Điều này có chứng tỏ rằng chính quyền đã mất kiểm soát hoàn toàn với nhóm người biểu tình không?

T: Hiện các tuyến đường đi qua Khải Hoàn Môn đã được cơ quan chức năng phong tỏa lại rồi, sự việc lần này cũng một phần là do các cá nhân khác không có ý định biểu tình nhưng vẫn trà trộn vào nhằm gây bạo loạn và phá phách. Nhưng suy cho cùng thì hiện tại chỉ có Khải Hoàn Môn là thiệt hại nặng nề nhất, những khu vực khác như khu tớ sống thì lại chưa có chút dấu hiệu nào của bạo loạn cả.

Trước đây, những cuộc "biểu tình áo vàng" tại Pháp vẫn luôn diễn ra trong sự ôn hòa, với mục đích chính là để nói lên nguyện vọng của người dân và thu hút sự chú ý của truyền thông chứ không phải để gây rối trật tự. Chỉ tới tuần thứ 3 thì diễn biến cuộc biểu tình mới xấu đi khi có những người lợi dụng thời điểm nóng này để đập phá, gây thiệt hại tới các công trình, di tích của thành phố Paris. Nhiều nước châu Âu cũng phải lên tiếng khuyên người dân nước mình không nên di chuyển tới Pháp vào ngày cuối tuần. Tuy nhiên, sau một ngày bạo loạn, mọi con phố sẽ đều được dọn dẹp gọn gàng để người dân lại đi làm, đi học bình thường. 

Ví dụ điển hình nhất là đại lộ Champs Elysees, mới hôm trước vừa diễn ra một "cuộc bạo loạn lớn nhất 5 thập kỷ", nhưng tới nay đã lại tràn ngập không khí mùa lễ hội cuối năm, với hai hàng cây bên đường được trang trí rực rỡ, các cửa hiệu hạng sang vẫn lấp lánh ánh đèn...

Biểu tình Paris qua lời kể của du học sinh Việt: Cuộc sống ngày thường vẫn rất ổn, bất chấp bạo loạn vào cuối tuần - Ảnh 2.

Đại lộ Champs Elysees.

Hay như các bạn du học sinh Việt Nam tại Pháp cũng đã nói, báo chí đôi lúc đã thổi phồng sự việc lên quá đà, còn phần về cuộc sống của dân cư nơi đây vẫn rất yên bình chứ không hề căng thẳng và đáng lo ngại như nhiều người lầm tưởng. 

Mới đây, vào ngày 4/12, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cũng đã tuyên bố hoãn kế hoạch tăng thuế nhiên liệu trong vòng 6 tháng, đồng thời tạm ngưng việc tăng giá khí đốt và điện trong vòng 3 tháng, bắt đầu từ ngày 1/1/2019. Việc thắt chặt các tiêu chuẩn đánh giá ô tô để xử phạt những phương tiện cũ gây ô nhiễm nặng cũng bị hoãn lại trong 6 tháng trước khi thông báo chính thức được đưa ra. Động thái này có thể được cho là cách xoa dịu tình hình của chính phủ Pháp, song phong trào "Áo vàng" - phần nhiều trong số đó là các phần tử cực hữu - vẫn huy động lực lượng biểu tình vào cuối tuần này.