>Những đôi giày lẫy lừng
đứng bên lề lịch sử
shoegame Việt

>Bạn có còn nhớ lần đầu tiên Việt Nam xuất hiện trên bản đồ shoegame thế giới? Bạn có còn nhớ âm hưởng hào hùng, nồng nhiệt tại Sneaker Step 1, 2 và 3?

Bạn có biết những đôi giày nào đã khai sinh ra văn hóa camp giày tại Việt Nam không? Nếu có thì bạn hẳn đã đi một quãng đường rất dài cùng shoegame Việt rồi đấy!

  • >Bài viết: Nam Thanh
  • >Đồ họa: nhatanhngx
  • >Hiệu ứng: Manh.Nguyennn
Yeezy 2 Pure Platinum Yeezy 2 Pure Platium

>6.10
2018

Vào những ngày này, khi gõ cụm từ sneaker lên thanh công cụ tìm kiếm của Google, bạn sẽ nhận về 431 triệu kết quả sau 0,49 giây, với ít nhất là hàng trăm cho tới hàng nghìn bài viết bằng tiếng Việt.

Ước tính nho nhỏ trên cho thấy, sneaker, hay văn hóa chơi giày đã trở thành một phần không thể thiếu đối với các bạn trẻ Việt Nam, khi mà giờ đây đôi giày đã không còn đơn giản là món đồ che chân, đi cho khỏi dặm.

Vậy nhưng, bạn có biết shoegame ở Việt Nam bắt đầu như thế nào không?

Người ta nói rằng, ở mỗi cú bẻ lái của lịch sử luôn xuất hiện một nhân vật đặc biệt. Shoegame cũng vậy. Nền văn hóa sát mặt đất ở Việt Nam đã chứng kiến những bước chuyển mình kỳ lạ mà nơi mỗi góc khuất đều tồn tại những đôi giày làm nên lịch sử, và có lẽ chỉ những người đã đem lòng yêu những đôi giày trên dưới 10 năm mới có thể nhớ tên, chỉ mặt bằng hết những đôi sneaker xuất hiện trong bài viết này - một bài viết về những đôi giày lừng lẫy một thời của Shoegame Việt Nam.

>2008-2009

Thời đại của
tribal, ecko, dc và những
đôi giày fake huyền thoại

Bộ môn chơi giày xuất phát trước tiên từ nền văn hóa đường phố Mỹ quốc và những góc đường bụi bặm mà dây trường xuân không che kín hết được những hình vẽ Graffiti. Theo dòng văn hóa ấy, người Việt trẻ những năm 2008-2009 du nhập văn hóa đường phố qua nhạc hip-hop, các bước nhảy breakdance, Popping và trượt ván, do đó những đôi sneaker đầu tiên gia nhập tủ đồ của các bạn trẻ 8X - 9X thời ấy chính là Ecko, DC và Tribal.

Về cơ bản, lúc này giới trẻ Việt Nam chưa hề có khái niệm shoegame; những gì họ có thể mua là những đôi giày fake được tiểu thương nhanh nhạy nhập vào thị trường, sau đó vui lắm thì chỉ biết đem khoe lẫn nhau trên forum Viethiphop - forum đầu tiên về thời trang và văn hóa đường phố Việt Nam. Tuy nhiên, cũng chính từ cái nôi này mà thú chơi sneaker ở Việt Nam đã bắt đầu ra đời và được từ từ dung dưỡng.

DC SHOES CO USA

>2010-2011

Thời đại hoàng kim
của supra

Nếu còn nhớ tới cái tên Terry Kenedy thì chắc hẳn bạn là một tay chơi ván trượt hừng hực đam mê, hoặc bạn là một gã nghiện giày Supra TK đã sống giữa nhưng năm tháng 2010-2011 rực lửa hoài niệm ấy. Supra đến với Việt Nam ban đầu qua những đôi giày fake, sau đó dần dần xuất hiện hàng thật do các bạn trẻ có điều kiện mua sắm về từ nước ngoài. Với mức giá bán lẻ khoảng 100-130USD, tương đương từ 2 tới 3 triệu đồng (khoản tiền khá lớn đối với hầu hết học sinh, sinh viên vào thời điểm bấy giờ) thì Supra nghiễm nhiên được coi là một đôi giày hạng sang mà hầu hết chỉ biết ước mơ hoặc ngậm ngùi mua hàng nhái mà mang.

Supra Skytop, một trong những đôi sneaker mà các đầu giày Việt
Nam cháy bỏng khát khao thèm muốn. Supra Skytop, một trong những đôi sneaker mà các đầu giày Việt Nam cháy bỏng khát khao thèm muốn.

Dòng giày Supra được anh em Việt Nam và cả thế giới yêu thích nhất vào những năm xưa cũ ấy là Skytop, với thiết kế đơn giản và dễ mặc. Những đôi Skytop 1 luôn nằm trong diện cháy hàng, trong khi Skytop 2 và 3 do thiết kế kén người mặc thì kém đắt khách hơn. Tuy nhiên, thời điểm mà Supra thực sự lên nắm ngôi bá vương ở Việt Nam là vào giai đoạn cuối 2011, khi mà Justin Bieber trở thành một hiện tượng, và không lúc nào trên chân cậu ca sĩ mặt búng ra sữa ấy không có một đôi Supra.

Supra TK Society Rising Sun, một trong những siêu phẩm tiền
                         triệu từng được cộng đồng hiphop những năm xưa cũ... Supra TK Society Rising Sun, một trong những siêu phẩm "tiền triệu" từng được cộng đồng hiphop những năm xưa cũ chuyền tay nhau với niềm mơ ước ngưỡng vọng chân thành. Vào thời ấy, một đôi Supra TK thường có giá khoảng gần 3 triệu đồng, một con số không tưởng vào 7, 8 năm về trước.

Mọi thiết kế của Supra đều được JB yêu thích và mang trên chân, từ Skytop 1, 2 tới 3, và bùng nổ nhất chính là Supra TK. Để nhắc bạn nhớ thêm thì MV một thời có lượng xem khủng nhất thế giới chính là Baby của Justin Bieber, và đôi giày mà cậu mang trong MV đó chính là Supra TK.

Tới tận năm 2012, Justin Bieber vẫn yêu thích những đôi Supra Skytop trong MV của mình, với Boyfriend hay Mistletoe là ví dụ.

Supra được coi là của hiếm tại Việt Nam và tạo thành một nghịch lý nực cười tại thị trường giao dịch giày dép ở Việt Nam ở thời điểm đó, ấy là "Supra giá hạng một, Jordan giá hạng hai". Một đôi Air Jordan thường có giá dao động từ 4 tới 6 triệu đồng, thế nhưng ở Việt Nam lại có giá rẻ hơn Supra, lý do đơn giản là thời ấy thì đào đâu ra Air Jordan hàng thật của Nike?

Ở mọi nơi chốn Việt Nam vào thời điểm đó chỉ có những đôi Air Jordan hàng nhái với giá trong khoảng 500 - 800 ngàn đồng, thế nhưng cũng đã kịp để lại ấn tượng trong lòng các đầu giày Việt, chuẩn bị cho cuộc soán ngôi ngoạn mục trong những năm tiếp theo.

Viethiphop - forum đầu tiên của văn hóa đường phố Việt Nam - tiếc thay cũng lụi tàn dần trong thời kỳ này, cũng như số phận của những đôi Supra ở Việt Nam vậy.

>2012 - 2014
Jordan là chân ái

Kể từ năm 2012 trở đi, các đầu giày Việt Nam đã bước chân vào chung một chiến hào với các đầu giày trên toàn thế giới. Air Jordan trở thành cái tên được các đầu giày Việt đam mê và chia sẻ lẫn nhau trên các hội nhóm chơi giày sơ khai, mà group Thần Kinh Giày là cái nôi đầu tiên, trong khi Supra chết ngắc ngứ với những thiết kế đời sau xấu đau xấu đớn.

Theo dòng dịch chuyển văn hóa, những đôi giày bóng rổ của Air
Jordan lên ngôi ở thế giới và Việt Nam... Theo dòng dịch chuyển văn hóa, những đôi giày bóng rổ của Air Jordan lên ngôi ở thế giới và Việt Nam, trong đó 12 dòng đầu được ưa chuộng hơn cả.

Vào thời điểm đó, Air Jordan với mức giá bán lẻ vào khoảng 5 đến 6 triệu đồng như đã kể trên cũng là một loại ước mơ xa tầm tay với. Anh em đầu giày vào thời điểm này bắt đầu có ý thức sử dụng hàng thật nhằm bảo vệ lợi ích thương hiệu và chính bản thân, thế nhưng thường cũng chỉ chọn các phát hành giá rẻ và hàng VNXK như Converse hay cao giá hơn chút là Vans. Văn hóa Air Jordan hơn 25 năm tuổi đời được phổ cập về Việt Nam chủ yếu qua forum Clothing Freakers (một thời được gọi tắt thân thương là CFSVN) với các du học sinh trời Tây xếp hàng đi camp giày và đem về làm review cho mọi người cùng xem. Những cái tên nổi bật thời kỳ này có thể kể tới Bảo Paul hay So Cool, những người đã thực hiện các review giày đầu tiên bằng tiếng Việt.

Air Jordan 3 Black Cement và 4 White Cement, những đôi Jordan hàng thật, giá thật đầu tiên được giới thiệu tới cộng đồng yêu giày ở Việt Nam.

Vào thời kỳ này thì một lễ hội giày dép và thời trang chắc chẳng còn gì là xa lạ, thế nhưng cách đây 6, 7 năm thì đó là hàng hiếm. Những sự kiện offline giày đầu tiên được người Việt thực hiện lấy nguyên tác Sneaker Con ở nước ngoài chính là Sneaker Step; và tin hay không tùy bạn, ngày đó Sneaker Step được tổ chức lần lượt ở cả Hà Nội lần Sài Gòn, cùng với đó là những người sẵn sàng vượt hàng chục cây số từ tỉnh lẻ lên thành phố để chiêm ngưỡng những đôi giày đầu tiên về Việt Nam có giá chục triệu đồng.

Đây chính là hai thỏi nam châm thu hút các đầu giày Việt ngày ấy tới Sneaker Step 1 và 2: Air Jordan 5 "Tokyo" với mức giá chợ đen đã có lúc lên tới hơn 1000 USD, và Air Jordan 4 Doernbecher với giá bán lại tương đương.

Vào thời kỳ này, các đầu giày Việt Nam bắt đầu tìm mọi cách để có những đôi Air Jordan với giá "rẻ" hơn hàng chính hãng mà lại phải là hàng thật. Vậy là, một lượng hàng chính hãng bị nhà máy loại bỏ do có lỗi sản xuất cũng như hàng fake chất lượng cao bắt đầu được tuồn vào bán ở Việt Nam.

Những đôi giày này gây tranh cãi khủng khiếp trong cộng đồng và khởi nguồn nhiều vụ lừa đào tiền triệu, thế nhưng cũng tạo nên một kỹ năng mới giúp hoàn thiện shoegame Việt - "legit check" (Kiểm tra hàng thật, giả.)

>Air Jordan 11 Concord >Air Jordan 11 Concord >Air Jordan 11 Concord >Air Jordan 11 Concord

>Air Jordan 11 Concord >Air Jordan 11 Concord >Air Jordan 11 Concord >Air Jordan 11 Concord

>Air Jordan 11 Concord >Air Jordan 11 Concord >Air Jordan 11 Concord >Air Jordan 11 Concord

>2015 - 2018
Rick Owens, Yeezy và NMD
xuất hiện, shoegame Việt chuyển mình
thành fashion game đắt đỏ

Vào khoảng năm 2015 trở về trước, đầu giày ở Việt Nam được định nghĩa đơn giản vô cùng - bạn mang một đôi Air Jordan là được, còn lại thì mặc gì bên trên cũng okay. Thực trạng này làm giới sneakerhead Việt ăn mặc không thực sự khá khẩm vào thời điểm đó, những người có đầu tư ăn mặc hầu hết chỉ sử dụng các thương hiệu bình dân như Diamond Supply hay Stussy mà thôi. Thế nhưng, đó cũng là bước chuyển mình đầu tiên, khi mà các sneakerhead Việt bắt đầu biết ăn mặc sao cho tương xứng với đôi giày.

Thế rồi, một làn sóng khác tràn vào Việt Nam và thay đổi bộ mặt shoegame Việt - làn sóng đó mang tên Dark wear.

Rick Owens xuất hiện tại Việt Nam, lập tức tái định nghĩa chuẩn mực "chịu chơi" của người Việt, khi mà giá của các phát hành này thường rơi vào mức 15 - 20 triệu đồng một đôi, tùy dòng. Kéo theo đó là một loạt các sản phẩm khác

Trong khi đó, một dòng sản phẩm chủ lực khác của adidas - những đôi NMD cũng được ra mắt. Sau đó, dưới bàn tay của Pharrell Williams, những đôi NMD thuộc dòng Human Race liên tiếp được ra đời, tranh hùng, tranh bá ở thị trường giày những năm gần đây. Dòng dịch chuyển xu hướng khiến adidas nhanh chóng vươn lên nắm giữ cuộc chơi, trở thành đối trọng với Nike ngay cả ở Việt Nam - những tín đồ một thời điên đảo vì dấu swoosh giờ đây dần ngã sang đam mê ba sọc.

Khoảng thời gian này, Air Jordan trở nên thất thế hơn, các phát hành của dòng sản phẩm này không còn được đầu giày Việt Nam hay thế giới quá săn đón; một số ngoại lệ hiếm hoi tới từ các pack sản phẩm nổi tiếng như phiên bản hợp tác "The Ten" giữa ông trùm Off-White Virgil Abloh và Nike vẫn giữ được độ hot và mức giá bán lại cao ngất ngưởng trên thị trường chợ đen.

Vào những năm 2014, Dark wear du nhập vào Việt Nam, với vật phẩm mang tính biểu tượng là những đôi Rick Owens. Vào giai đoạn 2009-2010, bạn khó mà tưởng tượng được việc một ai đó mua đôi giày 1-2 triệu đồng; vào thời kỳ 2011 - 2014, bỏ 5, 6 triệu mua đôi Air Jordan đã khiến nhiều người cho rằng bạn thật đại gia. Thế nhưng, khi những đôi Rick Owens lần đầu xuất hiện tại Việt Nam với mức giá đôi khi lên tới hơn 20 triệu đồng (với các phát hành thông thường) hay thậm chí vượt quá đầu 3x triệu (một số đôi Geo Dunk hàng cổ là ví dụ) thì định nghĩa "đại gia" đã thay đổi.

Một trong những đôi sneaker đắt giá nhất của Rick Owens từng xuất hiện ở Việt Nam. Rick Owens x Chrome Hearts, với giá khoảng 100 triệu đồng. Thế nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn sau đó, đây không còn là đôi Rick Owens x Chrome Hearts duy nhất ở Việt Nam,

Làn sóng Dark wear nhanh chóng biến bộ mặt shoegame Việt Nam thành sàn diễn thời trang khổng lồ do bản chất kén người mặc. Cùng lúc Rick Owens xuất hiện thì adidas cũng vươn mình và giáng trả Nike những đòn đầu tiên sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng với sự ra mắt của hai ông lớn NMD và Yeezy.

Năm 2015, Kanye West về với adidas sau cuộc chia tay lùm xùm với Nike. Tại Nike, gã rapper ngạo nghễ bị trói buộc sức sáng tạo và chỉ thể hiện mình được qua hai mẫu Air Yeezy với 6 phát hành phổ thông thì khi sang với adidas, với sự ra mắt của dòng giày adidas Yeezy, Kanye West gần như vực hẳn tên tuổi của adidas trong mảng thời trang với liên tục các mẫu 750 - 350 - 950.

Thiết kế đầu tiên được ra mắt bởi adidas và Yeezy - Yeezy 750.

Tuy nhiên, một điều không thể chối cãi, đó là giới trẻ Việt Nam ngày càng chi bạo tay cho giày dép. Chỉ trong vòng gần 10 năm, giới trẻ Việt Nam đã đi từ mức chỉ dám nhịn ăn, nhịn tiêu mua giày fake thì giờ đã bạo chi hơn rất nhiều. Giờ đây, không khó để bắt gặp những đôi sneaker có giá hàng chục triệu đồng trên các hội nhóm đam mê giày, và phần chung chủ nhân của những đôi giày đó đều là những bạn còn rất trẻ.

Bỏ qua những đàm tiếu, dị nghị và đôi khi là cả ganh tức, việc những đôi giày như vậy xuất hiện tại Việt Nam khiến bản đồ shoegame thế giới phải công nhận những đầu giày Việt với con mắt thán phục và tôn trọng hơn bao giờ hết.

>Và những đôi giày
đi cùng lịch sử

Trên đây chỉ là một lược sử ngắn gọn và còn nhiều thiếu sót, bởi shoegame Việt Nam vẫn còn những đôi giày cực kỳ nổi tiếng. Có thể kể tới những ví dụ nổi bật như:

1. Dunk SB concord

Phát hành này được ra mắt vào năm 2013, vào thời điểm mà đôi Air Jordan 11 Concord vẫn còn chưa hề hạ nhiệt. Dân chơi giày quốc tế từng đếm từng ngày để sở hữu siêu phẩm này, thế nhưng chính các đầu giày Việt Nam mới là những người đầu tiên sở hữu được nó bằng cách không chính thống. Do Dunk SB Concord được sản xuất tại Việt Nam nên một lượng hàng VNXK đã tuồn ra ở thị trường Việt Nam. Các tạp chí giày lớn trên thế giới như Sneakerfile hay Hypebeast Magazine vào thời điểm đó đã sử dụng hình chụp của các shop bán hàng VNXK Việt Nam để thông báo về phát hành này. Dunk SB Concord về cơ bản chính là đôi giày khiến sneakerhead thế giới phải chú ý tới Việt Nam.

Tới tận thời điểm này, khi Google cụm từ "Dunk SB Concord", những hình ảnh hàng đầu của mẫu giày này vẫn là sản phẩm của team Thần Kinh Giày lừng lẫy một thời - những người đầu tiên đưa Việt Nam lên bản đồ sneaker thế giới.

2. Nike air yeezy

Không có gì nhiều để nói về đôi giày từng một thời được coi là tượng đài của sự xa xỉ này. Air Yeezy là dòng sản phẩm đầu tiên và gần như là duy nhất của dòng Air được chính Nike khuyến cáo là nên sử dụng với mục đích "phi thể thao"; và với cái tên Yeezy của Kanye West, các mẫu giày này đều có mức giá ra mắt cũng như bán lại cao ngất ngưởng trên thị trường chợ đen. Hiếm có, khó tìm, thế nhưng cũng chính những người trẻ Việt Nam lại sở hữu một số lượng kha khá những đôi Air Yeezy ngay sau khi nó được ra mắt.

Nếu như Adidas Yeezy được tuyên bố là sản xuất không giới hạn thì ngược lại, Nike Air Yeezy được sản xuất với số lượng nhỏ giọt và thực sự hiếm có, khó tìm tới mức bất cứ đầu giày nào cũng có thể phổng mũi tự hào nếu trong tủ giày của họ có phát hành này.

3. Converse Chuck II

Converse Chuck II là cái tên quen mà lạ, một cách tình cờ lại góp mặt trong biên niên sử của đầu giày Việt. Ra mắt vào năm 2015, Converse Chuck II đánh vào tâm lý yêu thích authentic sneaker của các bạn trẻ Việt Nam bằng giá khá rẻ cùng một chiến lược marketing bài bản, khiến nhiều đầu giày Việt đã phải xếp hàng để chờ mua các phát hành này. Về cơ bản mà nói, Converse Chuck II là một đôi giày thành công khi mà ngay sau đó, các hội nhóm sneakerhead đều tràn ngập những hình ảnh về đôi giày này, thậm chí nhiều tới phát bực khi mà nhiều người sau đó đã than thở rằng sneakerhead Việt Nam hình như chỉ biết đi mỗi Converse.

4. Air Jordan IV ‘Oreo’ và
‘Columbia’, X ‘Double Nickel’ và XX ‘Stealth’

Đối với những đầu giày sinh sau đẻ muộn, đây có lẽ chỉ là những đôi Air Jordan khá tầm thường, có thể mua lại ở bất cứ diễn đàn nào với cái giá phải chăng, nếu không muốn nói là rẻ mạt vào thời điểm này. Vậy nhưng, với những kẻ yêu giày ở Việt Nam, đã từng sống qua cái năm 2015 ngọt ngào ấy thì dư âm về những đôi Air Jordan chính hãng đầu tiên được chính Nike bày bán tại cửa hàng số 187 Hàng Bông vẫn là một kỷ niệm tuyệt vời.

Đây chính là những đôi Air Jordan đầu tiên mà sneakerhead được mua trực tiếp tại cửa hàng Nike Việt Nam.

Điều làm nên sự đặc biệt của 4 đôi giày không hề đặc biệt này, đó là chúng gắn liền với buổi camp giày đầu tiên của sneakerhead Việt Nam. Camp giày - cũng như camp iPhone hay các sản phẩm công nghệ khác - từ nhiều năm qua đã trở thành một nét văn hóa cũng như hoạt động lâu đời của sneakerhead thế giới, vậy nhưng mãi cho tới năm 2015m đầu giày Việt Nam mới thực sự có một buổi xếp hàng chỉn chu, tự giác để cùng nhau mua những phát hành này theo đúng cách truyền thống.

Kể từ sau bộ tứ phát hành này, sneakerhead Việt Nam đã có một chặng đường dài, có thêm nhiều buổi camp giày khác, khi mà adidas NMD, Yeezy 350 hay Vans Gogh đã có nhiều phát hành với số lượng có hạn ở các store Việt Nam. Vậy nhưng, sẽ không có nhiều người nhớ về nguồn cội đầu tiên của văn hóa camp giày ở Việt Nam - được bắt đầu vào năm 2015 với bốn đôi giày tưởng chừng chẳng có gì đặc biệt kể trên.

>Shoegame Việt
đã đi được một chặng
đường dài

Có thể nói rằng, đây là một bài viết thiếu sót tới thảm thương vì không thể lột tả được toàn bộ những đôi giày nổi bật bên lề quãng đường hào hùng, có lên có xuống của sneakerhead Việt Nam suốt 10 năm qua. Chỉ biết rằng, cái đam mê ngọt ngào nơi sát mặt đất ngày ấy giờ đây tuy đã nguội lạnh trong lòng nhiều người xưa cũ, thế nhưng đã kịp nhen lên những ngọn lửa tươi mới trong tim những kẻ theo sau.

Bỏ qua những drama, những tranh cãi bất tận hay những mặt xấu còn tồn tại lẩn khuất trong shoegame Việt thì các bạn trẻ Việt Nam rốt cục đã cùng nhau đi qua một chặng đường rất dài để cùng chia sẻ đam mê. Có lẽ, vào cái ngày này 10 năm sau, cũng sẽ lại có một ký giả khác lẩn mẩn ngồi tổng hợp lại những đôi giày khác - những đôi giày đã đồng hành trong một chặng đường 10 năm lần thứ 2 của sneakerhead Việt Nam. Tới lúc đó, hy vọng sẽ có nhiều người vẫn nhớ được tới những dấu mốc đầu tiên của shoegame Việt, những bước chân chập chững của một cộng đồng chung đam mê và tiếng nói qua những đôi giày trân quý.

  • >Bài viết
    Nam Thanh
  • >Design
    nhatanhngx
  • >Interaction
    manh.nguyennn
  • >06.10.18
    THEO TRÍ THỨC TRẺ