Biên kịch MV của Hòa Minzy: “Bị sốc vì đọc bình luận, không lẽ phải làm MV dở hơn để khán giả tập trung vào âm nhạc?”

Hạnh Moon | Ảnh: Hòa Trần | Thiết kế: Jordy, Theo Tổ Quốc 23:59 23/05/2020

Là một trong những người quan trọng tạo nên thành công của MV “Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp”, biên kịch Minh Châu không ngần ngại bày tỏ quan điểm về hàng loạt ý kiến trái chiều nói sản phẩm Top 1 Trending Youtube Việt Nam của Hòa Minzy bị mờ nhạt về mặt âm nhạc.

Sinh năm 1993, nhưng Minh Châu đã sở hữu cả một “gia tài” đáng nể những kịch bản Music Video từng giữ vị trí Top 1 Trending Youtube Việt Nam như series MV “Anh Đang Ở Đâu Đấy Anh” (Hương Giang), “Sao Anh Chưa Về Nhà” (AMEE), "Đừng Hỏi Em" (Mỹ Tâm), "Để Mị Nói Cho Mà Nghe" (Hoàng Thuỳ Linh), "Em Gái Mưa" (Hương Tràm)… và mới nhất chính là MV “Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp” (Hòa Minzy). Cho đến nay, Minh Châu đã theo nghề biên kịch gần 8 năm và sản xuất ra hàng trăm kịch bản cho các nghệ sĩ nổi tiếng và cả video quảng cáo, cộng tác cùng những đạo diễn đình đám nhất nhì showbiz Việt như Kawaii Tuấn Anh, Đinh Hà Uyên Thư và Nhu Đặng.

Khác với những câu chuyện drama buồn bã, đầy bi luỵ trong các MV, ở bên ngoài, Minh Châu gây ấn tượng bởi sự vui vẻ, hài hước và giàu năng lượng. Khó có thể tin một 9x học ngành thiết kế tại một trường đại học quốc tế như Minh Châu lại dành rất nhiều tâm huyết để “lội ngược dòng” quay trở về quá khứ, tìm kiếm những giá trị lịch sử và văn hoá Việt Nam đang dần mai một trước thời gian để gửi gắm chúng vào các sản phẩm giải trí. Trong buổi phỏng vấn, nữ biên kịch còn không ngần ngại… lướt điện thoại liên tục để đọc những bình luận trái chiều về MV “Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp” và thẳng thắn chia sẻ đã phải đối diện với sự hoang mang vì “nghi ngờ việc mình tạo ra một câu chuyện quá hay là điều sai trái đối với âm nhạc”.

Biên kịch MV của Hòa Minzy: “Bị sốc vì đọc bình luận, không lẽ phải làm MV dở hơn để khán giả tập trung vào âm nhạc?” - Ảnh 1.

Minh Châu

Sinh Năm 1993

  • Nơi ở: TP.HCM

  • Học vấn: Chuyên ngành Thiết kế, Đại học RMIT

  • Từ năm 2012 đến nay: Đảm nhận vai trò biên kịch cho các sản phẩm giải trí và video quảng cáo

  • Một số sản phẩm từng thực hiện: Có Tất Cả Nhưng Thiếu Anh (Erik), Duyên Mình Lỡ (Hương Tràm), Rời Bỏ (Hòa Minzy), Kẻ Cắp Gặp Bà Già (Hoàng Thuỳ Linh), Anh Thanh Niên (HuyR)..., phim điện ảnh Em Gái Mưa

- “Không lẽ giờ phải làm câu chuyện MV dở hơn để khán giả tập trung vào âm nhạc?” -

MV “Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp” là sản phẩm giải trí đầu tiên xoay quanh một câu chuyện lịch sử có thật và cũng sát với lịch sử đến như vậy. Ý tưởng thú vị này đến với bạn như thế nào?

Từ thời còn đi học, tôi đã quan tâm đến những môn học như văn học, địa lý, lịch sử. Tôi muốn đưa vào MV những câu chuyện và kiến thức mà mọi người không thực sự để ý. Nếu sau này có thể, tôi còn muốn đưa toán lý hoá vào kịch bản.

Nói về MV “Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp”, tôi đã mất nhiều thời gian để nghiền ngẫm ca khúc này khi Hòa Minzy nhờ viết kịch bản. Từ câu hát “Nhiều người vội vã cho em là người may mắn”, tôi đã hình thành ý tưởng ban đầu là cô gái trong MV phải trở thành hoàng hậu hay đại loại như vậy, vì đến với người đàn ông này thì người ngoài thấy đó là may mắn của cô ấy. Khi nghe bài hát kĩ hơn nữa, tôi nhận ra câu hát “Hôm ấy là thứ ba” với mấy câu hát tiếng Anh nên quyết định sẽ làm MV kết hợp cổ trang và hiện đại. Câu chuyện tình yêu của hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại chính xác là câu chuyện tốt nhất để làm MV cho sáng tác của Mr. Siro.

Nói như vậy, tức là khi bạn bắt đầu viết bất kỳ kịch bản MV nào thì câu chuyện trong đó cũng luôn bắt nguồn từ âm nhạc?

Đúng vậy. Tôi luôn luôn nghe kĩ ca khúc trước, cảm nhận giai điệu và xoáy sâu vào lời bài hát để hiểu câu chuyện của nhạc sĩ rồi mới bắt đầu viết kịch bản. Nếu tôi viết ra một câu chuyện không liên quan gì đến bài hát thì dù nó hay đến mấy, nghệ sĩ cũng không đồng ý quay MV đâu! Ít nhất kịch bản phải đúng với bài hát trước đã.

Biên kịch MV của Hòa Minzy: “Bị sốc vì đọc bình luận, không lẽ phải làm MV dở hơn để khán giả tập trung vào âm nhạc?” - Ảnh 3.

Nhưng có rất nhiều ý kiến cho rằng MV “Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp” của Hòa Minzy có phần nội dung quá ấn tượng và lấn át toàn bộ phần âm nhạc. Trong video reaction của mình, Viruss cũng bình luận giá trị của bản audio trong sản phẩm này bị thấp. Còn bạn nghĩ như thế nào?

Tôi hiểu mọi người lo lắng cho con đường âm nhạc của Hòa Minzy bởi vì bạn ấy chưa có những sản phẩm định hình màu sắc âm nhạc của mình, như Viruss nói là thể loại nào Hòa cũng hát hết, mà hát cái nào cũng tốt nữa. Nhưng nếu chúng tôi cùng nhau làm ra một sản phẩm có giá trị về văn hoá và lịch sử, bên cạnh giá trị giải trí như MV “Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp” thì tại sao lại chỉ trích nó? Mấy ngày gần đây, tôi cũng buồn khi đọc bình luận, còn sốc vì một bài báo nói MV này lấn át bài hát.

Tôi không thể góp ý cho nghệ sĩ về âm nhạc được. Họ đưa bài hát như thế nào thì biên kịch và đạo diễn luôn cố gắng làm ra câu chuyện tốt nhất, có sức lan tỏa rộng rãi nhất. Không lẽ giờ phải làm câu chuyện MV dở hơn để khán giả tập trung vào âm nhạc? Nếu sau này, những MV tôi làm còn vấp phải tranh cãi “dìm nhạc” như thế này chắc tôi nghỉ viết kịch bản MV luôn quá.

Biên kịch MV của Hòa Minzy: “Bị sốc vì đọc bình luận, không lẽ phải làm MV dở hơn để khán giả tập trung vào âm nhạc?” - Ảnh 4.

Câu chuyện tình yêu của hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại chính xác là câu chuyện tốt nhất để làm MV cho sáng tác của Mr. Siro.

Biên kịch Minh Châu

Không phải trước đó, nguyên một series MV về người thứ 3 “Anh Đang Ở Đâu Đấy Anh?” mà bạn từng cộng tác cùng Hương Giang cũng vấp phải những tranh cãi rằng câu chuyện lấn át âm nhạc đấy thôi?

Chị Hương Giang vừa là ca sĩ, hoa hậu và diễn viên. Chị ấy hướng mình tới hình ảnh về một nghệ sĩ đa năng thì cách làm sản phẩm âm nhạc của chị ấy cần phải như vậy. Mọi người có thể lo lắng cho Hòa, nhưng đừng chê MV “Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp”. Những lời chê bai ấy khiến tôi cảm giác hoang mang không biết 6 năm qua mình có đi sai hướng? Biên kịch cố gắng làm ra một kịch bản chất lượng, đầy cảm xúc và đưa nhiều giá trị khác vào MV là chuyện sai trái? Đối với tôi, MV nghĩa là Music Video – âm nhạc và hình ảnh ngang bằng nhau, cộng hưởng với nhau để làm nên một sản phẩm hoàn chỉnh.

Biên kịch MV của Hòa Minzy: “Bị sốc vì đọc bình luận, không lẽ phải làm MV dở hơn để khán giả tập trung vào âm nhạc?” - Ảnh 6.

Cũng không thể phủ nhận thị trường nhạc Việt hiện tại đang có quá nhiều MV tựa như một bộ phim ngắn, chứ không còn là một sản phẩm âm nhạc đơn thuần. Nhiều người nói đó là sự bất công đối với âm nhạc?

Tôi quan niệm MV và bài hát có đời sống riêng. Tôi cố gắng làm tốt nhất phần việc của mình để người xem được trải nghiệm âm thanh và hình ảnh chất lượng nhất. Họ xem MV nhiều lần thì họ cũng thấy được cái hay của bài hát để tìm đến nghe bản audio. Nếu nghệ sĩ chỉ tập trung vào ca khúc, họ việc gì phải làm một MV hoành tráng cho tốn tiền, thà ra một album hay làm lyrics video còn hơn.

Mỗi lần một MV được ra mắt, sẽ còn một nghìn câu chuyện phía sau để khai thác như chế ảnh, chế clip hay chiêm nghiệm về những thông điệp, bài học trong MV.

Ví dụ như MV “Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp” mang đến những giá trị về lịch sử, còn MV “Để Mị Nói Cho Mà Nghe” hay MV “Kẻ Cắp Gặp Bà Già” lại mang đến những giá trị về giáo dục và văn hoá truyền thống. Ngoài chuyện quảng bá cho ca khúc, nghệ sĩ có thể “mượn” MV để làm nhiều chuyện khác. Họ không những làm giải trí mà còn làm văn hoá, còn góp công sức để giới trẻ hiểu thêm về những giá trị tốt đẹp đang dần bị mai một theo thời gian.

Một MV cũng như một sản phẩm quảng cáo. Ví dụ các MV Kpop, tuy không có câu chuyện drama nhưng ở trong đó, họ thể hiện được thời trang, vũ đạo hoặc kỹ thuật quay dựng hoành tráng. Họ vẫn thể hiện được rất nhiều thứ trong một MV chứ không chỉ tôn vinh ca khúc.

Biên kịch MV của Hòa Minzy: “Bị sốc vì đọc bình luận, không lẽ phải làm MV dở hơn để khán giả tập trung vào âm nhạc?” - Ảnh 7.

“Khán giả có quyền từ chối xem những sản phẩm chất lượng kém. Không phải làm MV đắt hay rẻ mới truyền tải được nhiều giá trị và lọt Top Trending”

Vậy có phải nghệ sĩ càng muốn truyền tải nhiều giá trị và lọt Top Trending thì sẽ càng phải tiêu tốn nhiều tiền hơn? Chính Hòa Minzy cũng từng chia sẻ MV “Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp” có giá trị bằng cả một căn nhà hoặc một chiếc xe ô tô xịn.

Câu chuyện của MV thì không liên quan tới vấn đề tiền bạc nhiều hay ít. Nhưng hình ảnh, bối cảnh, phục trang, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng và kỹ xảo để triển khai được câu chuyện sao cho chất lượng nhất, đẹp mắt nhất thì lại phụ thuộc vào kinh phí. Thị trường làm phim điện ảnh hay MV, quảng cáo của nước ngoài đã đạt tới tầm tiêu tốn hàng tỷ đồng để có được những thước phim đẹp đẽ, trau chuốt.

Nếu ở Việt Nam, nghệ sĩ không đầu tư thì khán giả cũng sẽ nhận ra ngay. Họ có quyền từ chối xem những sản phẩm chất lượng kém vì có rất nhiều sự lựa chọn khác. Không phải làm MV đắt hay rẻ mới truyền tải được nhiều giá trị và lọt Top Trending, mà chúng ta đang phát triển theo xu hướng chung của thị trường quốc tế.

Bạn có từng phải thay đổi kịch bản của mình vì nghệ sĩ không đủ kinh phí để "hiện thực hóa" câu chuyện ấy?

Tôi gặp hoài luôn. (cười)

MV “Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp” của Hòa Minzy đã bị cắt bớt khá nhiều. Thật ra câu chuyện khiến tôi cảm động nhất và đau đớn nhất về bà Nam Phương là giai đoạn năm 1947, hoàng hậu Nam Phương phải ra quyết định đưa 5 đứa con rời khỏi Việt Nam. Đó mới là phần cao trào nhất của MV, chứ không chỉ dừng lại ở cảnh Hòa Minzy ngồi trong xe khóc nức nở khi phát hiện ra mình bị phản bội. Nhưng nếu làm thêm cảnh này, chi phí sẽ phải tăng cao hơn nữa.

Biên kịch MV của Hòa Minzy: “Bị sốc vì đọc bình luận, không lẽ phải làm MV dở hơn để khán giả tập trung vào âm nhạc?” - Ảnh 8.

Để san sẻ bớt gánh nặng về kinh phí khi đầu tư làm MV, nghệ sĩ cũng bắt tay với các nhà tài trợ. Bạn có gặp khó khăn trong quá trình đưa yếu tố tài trợ vào kịch bản của mình?

Tôi thường hỏi kinh phí sản xuất MV này là bao nhiêu trước khi bắt tay vào viết kịch bản. Có hai trường hợp xảy ra: Ca sĩ tìm đến tôi khi đã có tài trợ rồi và tôi sẽ viết kịch bản bao gồm các tình tiết về tài trợ; hoặc sau khi mọi thứ hoàn thiện thì nghệ sĩ mới xin tài trợ, lúc đó tôi sẽ sửa lại kịch bản. Đối với tôi, yếu tố tài trợ phải là một phần của câu chuyện chứ không thể tách rời nó khỏi MV.

Đối với một MV lịch sử như “Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp”, nhà tài trợ cũng nhìn được sức lan tỏa của sản phẩm trong tương lai. Tuy nhiên, họ đã bỏ tiền ra thì phải được xuất hiện trong MV, có ai chấp nhận đứng sau âm thầm không đòi hỏi một quyền lợi gì đâu? Vậy nên, ca sĩ cũng phải cân nhắc xem có muốn nhà tài trợ xuất hiện trong MV hay không, xuất hiện như thế nào là hợp lý với mạch câu chuyện và bối cảnh. Những MV có bối cảnh, câu chuyện hiện đại và sát với đời sống của chúng ta sẽ dễ đưa yếu tố tài trợ vào hơn.

Biên kịch MV của Hòa Minzy: “Bị sốc vì đọc bình luận, không lẽ phải làm MV dở hơn để khán giả tập trung vào âm nhạc?” - Ảnh 9.

Ngoài chuyện quảng bá cho ca khúc, nghệ sĩ có thể “mượn” MV để làm nhiều chuyện khác. Họ không những làm giải trí mà còn làm văn hoá, còn góp công sức để giới trẻ hiểu thêm về những giá trị tốt đẹp đang dần bị mai một theo thời gian.

Biên kịch Minh Châu

Vừa làm biên kịch trong cả hai lĩnh vực giải trí và quảng cáo, chi phí mà bạn nhận được khi viết một kịch bản như thế nào?

Viết kịch bản cho MV âm nhạc thì chắc chắn chi phí thấp hơn làm quảng cáo. Vì làm MV thì cá nhân nghệ sĩ phải chi trả hết cho các khâu từ biên kịch, đạo diễn, âm thanh, ánh sáng, hậu kỳ. Nhưng chi phí tôi nhận được từ nghệ sĩ cũng là hợp lý rồi. Thật ra tôi cũng không biết thêm một biên kịch MV nào để so sánh về mức chi phí là ít hay nhiều.

Tôi thích viết kịch bản cho MV hơn viết kịch bản cho video quảng cáo. Khi làm việc với nghệ sĩ, tôi được sáng tạo thỏa thích hơn. Khi làm việc với các thương hiệu, họ thường đưa ra những yêu cầu rất cụ thể về kịch bản và mình buộc phải đi theo để đảm bảo hiệu quả quảng cáo cho sản phẩm.

Biên kịch MV của Hòa Minzy: “Bị sốc vì đọc bình luận, không lẽ phải làm MV dở hơn để khán giả tập trung vào âm nhạc?” - Ảnh 11.

- “Khán giả Việt Nam đa phần cảm được nhạc buồn và những câu chuyện buồn” -

Một trong những dự án dài hơi và ấn tượng nhất trong sự nghiệp biên kịch của bạn có lẽ là “vũ trụ tiểu tam” của Hương Giang. Cảm hứng từ đâu để bạn tạo nên những kịch bản với loạt twist “mệt tim” khán giả đến như vậy?

Chị Giang chơi chung với Hòa nên chắc giống nhau ở chỗ dám “chơi tới bến”. Ban đầu chị Giang không có ý định làm đến 4 phần cho MV “Anh Đang Ở Đâu Đấy Anh”. Mỗi lần sản phẩm ra mắt, tôi sẽ đọc bình luận của khán giả xem họ muốn câu chuyện tiếp theo như thế nào và… viết kịch bản ngược lại. Đến phần cuối của series #ADODDA, tôi, chị Giang và đạo diễn Kawaii Tuấn Anh phải họp tới 10 lần để tranh cãi về cái kết. Cuối cùng, mọi người thống nhất đi theo hướng của tôi. Đó chính là những gì khán giả thấy trong MV “Tặng Anh Cho Cô Ấy”.

Nhưng câu chuyện người thứ ba có phải là trải nghiệm thật của bạn trong cuộc sống? Bởi vì không chỉ có series #ADODDA của Hương Giang mà hầu hết những kịch bản MV bạn viết đều có sự xuất hiện của người thứ ba.

Tất cả không phải là trải nghiệm thật của tôi. Bây giờ tôi vẫn “ế” mà. (cười)

Đối với tôi, có muôn vàn lý do để một chuyện tình đổ vỡ. Ví dụ như mối quan hệ của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương trong MV “Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp” còn có cả người thứ tư, thứ năm chứ đâu phải mỗi người thứ ba? Và dù sao, người có lỗi trong mối quan hệ không phải là tiểu tam như mọi người vẫn tưởng mà chính là người đàn ông mới đúng.

Biên kịch MV của Hòa Minzy: “Bị sốc vì đọc bình luận, không lẽ phải làm MV dở hơn để khán giả tập trung vào âm nhạc?” - Ảnh 12.

Không thể phủ nhận Vpop đang tràn ngập những MV drama về người thứ ba, chuyện bị phản bội, tổn thương. Bạn có sợ mình cũng đang đi vào “lối mòn” ấy trong việc sáng tạo kịch bản?

Không đâu. Do nghệ sĩ đưa nhạc vui thì viết chuyện vui, còn đưa nhạc buồn thì phải viết chuyện buồn thôi. Làm sao tôi viết ngược lại với cảm xúc của bài hát được? Khán giả Việt Nam đa phần cảm được nhạc buồn và những câu chuyện buồn. Họ nghe nhạc vì họ thấy đồng cảm. Tôi nghĩ khán giả Việt chuộng nghe ballad vì gốc gác âm nhạc của chúng ta là từ hát ru, dân ca. Đó đều là những giai điệu buồn, du dương, da diết - nó đã ăn vào máu của người Việt, trở thành một phần văn hoá không thể chối bỏ và thay thế hoàn toàn.

Hồi mới vào nghề, tôi cũng đã làm những MV sôi động và có nhiều yếu tố trình diễn thì rất ít được đón nhận. Đến lúc làm MV “Ngốc” của Hương Tràm, tôi nhận ra khán giả thích những câu chuyện cảm xúc và buồn bã như vậy hơn.

Biên kịch MV của Hòa Minzy: “Bị sốc vì đọc bình luận, không lẽ phải làm MV dở hơn để khán giả tập trung vào âm nhạc?” - Ảnh 13.

MV nghĩa là Music Video – âm nhạc và hình ảnh ngang bằng nhau, cộng hưởng với nhau để làm nên một sản phẩm hoàn chỉnh.

Biên kịch Minh Châu

Nhờ thành công của loạt MV về văn hóa truyền thống, lịch sử như sản phẩm của Hòa Minzy và Hoàng Thuỳ Linh, bạn có nghĩ những đề tài này sẽ trở thành xu hướng trên thị trường âm nhạc?

Rất khó để đề tài này trở thành xu hướng. Bối cảnh và tư liệu vẫn là một thách thức quá lớn. Càng làm về lịch sử, văn hoá truyền thống thì càng phải chính xác nhất có thể, từ bối cảnh đến trang phục. Ví dụ nếu làm về thời Trần hay Lý thì bối cảnh gần như không còn nữa. Hoàng thành Thăng Long hiện tại chỉ còn tường bao bên ngoài, bên trong đã hỏng hết rồi. Nếu muốn làm một MV về thời đại này thì phải xây dựng lại bối cảnh ngày xưa hoặc vẽ 3D toàn bộ. Tôi nghĩ ai cũng muốn làm hết, nhưng nó không hề dễ dàng.

Biên kịch MV của Hòa Minzy: “Bị sốc vì đọc bình luận, không lẽ phải làm MV dở hơn để khán giả tập trung vào âm nhạc?” - Ảnh 15.

Vì sao một người trẻ tuổi như bạn lại có thể dành nhiều tâm huyết cho các giá trị văn hóa truyền thống và câu chuyện lịch sử đến vậy? Bạn còn từng học Đại học RMIT, một môi trường cởi mở và hướng ra quốc tế rất nhiều.

Hơi không liên quan nhưng gần đây, tôi có đọc những bình luận chê nhạc của Mr. Siro và so sánh với nhạc của Đạt G. Điều đó khiến tôi cảm thấy chuyện “sóng sau xô sóng trước”, “tre già măng mọc” là một quy luật khủng khiếp. Nó làm tôi nhớ mình đã từng chê nhạc của ba mẹ thường nghe như thế nào. Tôi không muốn những giá trị cũ bị mai một dần theo thời gian như vậy. Tôi đi du lịch rất nhiều và thường xuyên tiếp xúc, trò chuyện với người nước ngoài. Nhưng càng ra ngoài, tôi lại càng muốn quay về Việt Nam và làm ra những sản phẩm để thế giới hiểu hơn về nước mình.

Có một điều khiến tôi hạnh phúc sau khi MV “Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp” ra mắt chính là ba tôi - một người trước đây không quan tâm đến những sản phẩm do tôi làm ra thì nay đã xem MV này. Nếu làm được những sản phẩm giải trí mang giá trị lịch sử, truyền thống thì biết đâu nó có thể đến được với nhiều thế hệ lớn tuổi hơn, thay vì chỉ được giới trẻ và cộng đồng mạng đón nhận.

Biên kịch MV của Hòa Minzy: “Bị sốc vì đọc bình luận, không lẽ phải làm MV dở hơn để khán giả tập trung vào âm nhạc?” - Ảnh 16.

- “Muốn hợp tác với Sơn Tùng M-TP, nhưng chắc Tùng sẽ không làm MV drama đâu” -

Trước khi viết một kịch bản, bạn có thử tìm hiểu về tính cách, con người thật và trải nghiệm cá nhân của nghệ sĩ để làm nên một kịch bản đúng với họ nhất hay không?

Không, làm như vậy tôi sẽ bị chủ quan. Ví dụ như nếu tôi thân thiết với chị Hoàng Thuỳ Linh và biết được chị ấy hay buồn, hay suy nghĩ thì làm sao tôi làm những câu chuyện vui vui tưng tửng trong “Để Mị Nói Cho Mà Nghe”? Nếu như biết đến những góc khuất, chuyện buồn của một ai đó quá nhiều thì mình sẽ không dám làm những gì trái ngược lại với họ hay áp đặt cảm xúc lên họ. Sự mới lạ, thú vị và lột xác trong hình ảnh, câu chuyện luôn là điều một nghệ sĩ cần nhất khi trở lại với sản phẩm âm nhạc mới.

Làm nghề này ai cũng tưởng sẽ chơi thân với nghệ sĩ lắm nhưng không phải đâu. Mọi kịch bản của tôi đều đến từ ca khúc trước tiên, sau đó là yêu cầu và ý tưởng của nghệ sĩ nếu có, cộng thêm trải nghiệm của tôi và thị trường thời điểm ấy đang có gì nổi bật, mọi người đang quan tâm cái gì và đang thiếu cái gì.

Đã có tới 6 năm sự nghiệp làm biên kịch, bạn có mục tiêu gì tiếp theo trong sự nghiệp hay không?

Tôi muốn làm những câu chuyện về Tây Nam Bộ, đây là hướng chưa ai làm và nghĩ tới. Miền Tây có rất nhiều bối cảnh đẹp, câu chuyện hay nhưng lại đang bị bỏ quên.

Tôi cũng rất muốn thử viết kịch bản cho phim điện ảnh nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm và cũng không học chuyên về biên kịch. Một sản phẩm nghệ thuật ngắn như MV thì tôi có thể kiểm soát tốt câu chuyện cũng như tình tiết, nhưng nếu là một sản phẩm dài như phim điện ảnh, tôi cần nhiều thời gian hơn để trau dồi. Điện ảnh là một lĩnh vực mà tôi đang ráng chạm tới. Nếu cơ hội tới và thích hợp thì mình làm, không thì thôi không sao.

Biên kịch MV của Hòa Minzy: “Bị sốc vì đọc bình luận, không lẽ phải làm MV dở hơn để khán giả tập trung vào âm nhạc?” - Ảnh 17.

Có vẻ bạn là một người không quá áp lực về việc đặt ra mục tiêu và phải hoàn thành nó bằng được?

Đúng vậy. Ngay cả việc làm biên kịch cũng không phải điều tôi muốn và mơ ước. Trước khi lên Sài Gòn, tôi còn không có khái niệm biên kịch là gì. Đây cũng có thể là một cái duyên, vì ban đầu tôi định vào Đại học luôn nhưng lại phải ôn thi IELTS nên còn nhiều thời gian rảnh và quyết định học thêm một khóa về thiết kế. Tôi gặp anh Kawaii Tuấn Anh ở đó và khi có đồ án thì tôi sẽ tìm ý tưởng và viết kịch bản còn Kawaii và các bạn khác thực hiện.

Tôi không phải một người sẽ lên kế hoạch kĩ càng cho cuộc đời và công việc của mình. Cái gì tôi lập kế hoạch là nó đổ bể. (cười)

Vậy bạn có mong muốn mình sẽ hợp tác với nghệ sĩ nào trong tương lai?

Sơn Tùng M-TP.

Tôi đã từng làm việc với Sơn Tùng trong một video quảng cáo và MV “Sống Như Những Đóa Hoa”, nhưng chưa có cơ hội viết kịch bản cho MV riêng. Lúc quay MV “Sống Như Những Đóa Hoa”, tôi nhớ là Tùng vừa ra MV “Em Của Ngày Hôm Qua”. Tùng rất vui vẻ và còn hát cho mọi người nghe. Sau này gặp lại nhau, Tùng vẫn chào hỏi rất dễ thương. Trong khi bây giờ cậu ấy đã đến vị trí này rồi mà vẫn giữ được cách đối nhân xử thế như vậy. Nếu có cơ hội hợp tác thì vui, nhưng chắc Tùng sẽ không làm MV drama đâu.

Biên kịch MV của Hòa Minzy: “Bị sốc vì đọc bình luận, không lẽ phải làm MV dở hơn để khán giả tập trung vào âm nhạc?” - Ảnh 18.

Cám ơn những chia sẻ của biên kịch Minh Châu!