Bi kịch tuổi thơ và cuộc đời ly kỳ của cô gái có hình xăm trên mặt từng nổi tiếng khắp nước Mỹ một thời

NEGRONI, Theo HELINO 09:05 03/06/2019

Chỉ mới 13 tuổi, nhưng cô gái bé nhỏ tội nghiệp này đã phải trải qua những câu chuyện tưởng chừng như chỉ có ở trong tiểu thuyết.

Mùa hè cháy bỏng năm 1850, cô bé Olive Ann Oatman bước vào tuổi 13 khi cha cô, ông Royse Oatman quyết định chuyển cả nhà đến California để xây dựng một tương lai mới tươi sáng hơn. Năm đó, cả gia đình Oatman bao gồm ông bà Oatman cùng với 7 người con đã lên một đoàn xe ngựa và bắt đầu một cuộc hành trình dài đầy nguy hiểm để tiếp cận những chân trời mới.

Cô bé Olive lúc đó còn quá ngây thơ và không hề nhận biết được rằng những năm sắp tới của cuộc đời mình lại là một tấn bi kịch. Vào tháng 2/1951, đoàn lữ hành gặp phải một nhóm người Mỹ bản địa, đây là những thành viên của bộ lạc da đỏ Yavapai. Nhóm người này đã chặn đoàn xe ngựa lại để xin thuốc lá và thực phẩm, khi bị ông Oatman từ chối, những người này đã ra tay tàn sát ông bà Oatman và 4 đứa trẻ bằng gậy và rìu.

Bi kịch tuổi thơ và cuộc đời ly kỳ của cô gái có hình xăm trên mặt từng nổi tiếng khắp nước Mỹ một thời - Ảnh 1.

Olive và em gái Mary Ann, 7 tuổi đã may mắn được tha mạng nhưng những kí ức kinh hoàng về cái chết của cả gia đình mình đã khiến hai cô bé vô cùng đau đớn và suy sụp. Tuy được sống, nhưng Olive và Mary đã bị người Yavapai bắt về làm nô lệ. Tại một trang trại chăn nuôi của người Yavapai, hai cô bé mỗi ngày phải đi kiếm củi, đốt lửa, thu thập hạt giống và làm nhiều công việc nặng nhọc khác. Hai cô bé cũng thường xuyên bị ngược đãi, bị bỏ đói và bị đánh đập bởi những người da đỏ tàn độc này.

Một năm sau, người Yavapai đã bán hai chị em Oatman cho một người vùng Mohave. Người này đã đưa hai cô bé trở về làng của mình trú ngụ bên dòng sông Colorado phía bắc Pháo đài Bill Williams. Từ đây, cuộc sống của hai cô gái bé nhỏ cũng trở nên tốt hơn bởi sự đối xử tử tế của những người Mohave. Công việc chính của hai cô bé lúc này là trồng lúa mì, ngô và dưa. Dù vất vả, nhưng hai cô bé đã sớm hòa nhập được với cộng đồng người Mohave.

Một thời gian sau, Olive và Mary Ann được đánh dấu bằng một hình xăm màu xanh trên mặt. Đây là một hình xăm mà tất cả phụ nữ người Mohave đều sở hữu. Hình xăm này là một cách để xác định người bản địa với những người bên ngoài. Người Mohave tin rằng bất kì ai không có hình xăm này sẽ không thể nào bước chân được vào vùng đất của người chết hoặc gặp lại được tổ tiên. Đây cũng là một thông điệp ngầm của người Mohave khi dần coi hai cô gái nhỏ này là một trong những thành viên của bộ tộc.

Năm 1853, một trận hạn hán đã làm cho khu vực của người Mohave bị tàn phá. Mất mùa, nghèo đói đã khiến cho rất nhiều người phải bỏ mạng và Mary Ann bé nhỏ đã không thể tiếp tục ở lại cùng với chị gái mình. Trong vài năm tiếp theo, Olive Oatman chỉ còn lại một mình, nhưng cô cũng đã sớm quen với cuộc sống ở Mohave. Thậm chí, một gia đình Mohave đã nhận cô làm con gái nuôi.

Bi kịch tuổi thơ và cuộc đời ly kỳ của cô gái có hình xăm trên mặt từng nổi tiếng khắp nước Mỹ một thời - Ảnh 2.

Năm Olive bước vào tuổi 19, cuộc sống ẩn dật yên bình của cô bỗng nhiên bị xáo trộn. Đó là Lorenzo Oatman, anh trai của Olive, người đã bị bỏ lại một mình trong cuộc thảm sát gia đình năm 1851. Lorenzo đã may mắn sống sót vì được một người Ấn Độ tên là Maricopa giải cứu và đưa đến Pháo đài Fort Yuma nuôi dưỡng. Trong những năm sau đó, Lorenzo đã bắt đầu cuộc tìm kiếm những người em gái của mình, và nỗ lực này đã thành công vào ngày 22/2/1856.

Một sứ giả Yuma đã đến làng Mohave để gửi đi một tin nhắn từ pháo đài quân sự ở biên giới sông Colorado. Họ yêu cầu những người Mohave phải trả tự do cho một cô gái da trắng hoặc phải đưa ra một lời giải thích hợp lệ cho việc cô gái đang sống cùng họ. Ban đầu, người Mohave đã phớt lờ những tin nhắn từ phía Fort Yuma, và thậm chí còn phủ nhận rằng Olive là người da trắng. Về sau, những lo ngại về chiến tranh gia tăng, người Mohave đã quyết định để Olive được tự do. Olive được trở về và đoàn tụ lại với anh trai của mình. Cuộc gặp gỡ này đã chiếm toàn bộ trang nhất của các mặt báo phương Tây thời điểm bấy giờ và Olive được cả thế giới biết đến là một người phụ nữ da trắng có hình xăm màu xanh trên khuôn mặt.

4 năm sống cùng với người Mohave, Olive đã hòa nhập với văn hóa nơi đây đến mức cô thậm chí gần như quên hết tiếng Anh. Tuy vậy, sau khi trở về miền đông để sống cùng người thân ở Albany, New York và đi học trở lại, cô đã nhanh chóng giao tiếp lại được bằng tiếng mẹ đẻ. Sau này, cô đã phát hành một quyển hồi kí kể về những gì đã trải qua trong cuộc đời mình. Tuy nhiên, phần lớn những gì thực sự đã xảy ra với Olive Oatman trong thời gian cô sống với người Yavapai vẫn chưa được tiết lộ.

Khi cô 28 tuổi, cô gặp và kết hôn với một người chăn nuôi gia súc tên là John B. Fairchild. Cặp đôi chuyển đến Sherman, Texas và nhận nuôi một bé gái tên Mamie. Gia đình cô sống ở Sherman cho đến khi Olive qua đời vào năm 1903, ở tuổi 65, vì một cơn đau tim.

Olive Ann Oatman đã trở thành một người phụ nữ nổi tiếng với hình xăm màu xanh trên khuôn mặt, tuy nhiên, cái giá cho sự nổi tiếng đó lại là một tuổi thơ đầy bất hạnh và đau khổ.

(Tổng hợp)