Bi kịch tình yêu của lịch sử: Có những mối tình đồng tính chỉ gói gọn trong hai chữ khổ đau

Skye - Design: Linh Phương, Theo Thời Đại 08:00 22/09/2017

Có những tình yêu bị ngăn cấm khiến con người ta vùi sâu trong nỗi đau và khổ tận. Nhưng khi bị chính người mình yêu chối bỏ, như mối tình đồng tính nổi tiếng nhất lịch sử của thi hào Oscar Wilde và Lord Alfred Douglas, ta biết rằng trái tim mình đã hóa đá và vỡ ra hàng trăm mảnh.

Bạn tôi thích xem phim Trung Quốc và đọc ngôn tình. Cô ấy từng dấm dứt mấy ngày và sụt sùi nước mắt vì những mối tình mà vượt nghìn trùng xa cách, đôi lứa vẫn chia lìa đôi ngả. Đưa miếng giấy ăn cuối cùng cho bạn, tôi vỗ về an ủi, còn bạn hỏi tôi:

"Có mối tình nào đau đớn, thê lương hơn mối tình Trương Quốc Vinh - Đường Hạc Đức?"

Tôi nghĩ một lúc rồi trầm ngâm. Có đấy, tình yêu đồng tính, vui như được vài trống canh còn buồn thì thiên thu vạn cổ. Phương Đông có Trương Quốc Vinh - Đường Hạc Đức còn bên trời Tây, người ta sẽ nhắc tới mối tình Oscar Wilde - Lord Alfred Douglas mãi đến vạn năm sau. Một mối tình hiện đại, một cuộc đời xưa cũ, sống cách nhau đến gần 200 năm nhưng tựu chung lại ở một điểm: bi kịch.

Bi kịch tình yêu của lịch sử: Có những mối tình đồng tính chỉ gói gọn trong hai chữ khổ đau - Ảnh 1.

Người ta nhắc tới cuộc đời của nhà văn, nhà biên kịch, thi sĩ nổi tiếng người Ireland Oscar Wilde với nhiều sắc thái: tài hoa, bạc mệnh, thăng trầm, bi ai... nhưng thời bấy giờ, mối "tình trai" của Oscar và Douglas dường như bị ngó lơ, bị vùi dập bằng những tư tưởng cũ kỹ, giáo điều và cổ hủ. Một người chết thể xác vì cuồng si tình yêu, một người gục rũ tâm hồn vì không dám chấp nhận bản thân và chối bỏ tình yêu; ai sai ai đúng chỉ người trong cuộc mới biết. Kỳ thực, chính định kiến xã hội đã chôn vùi cuộc tình đồng tính đẹp nhất lịch sử này.

Vậy nhưng, năm tháng qua đi cũng chẳng thể đốt đi những lá thư tình mà 200 năm sau, người ta vẫn buồn đến rơi lệ cho một mối tình hóa thi ca bi tráng. 

Nghiệp tài hoa, tình tăm tối

Cuộc đời hai nhà thơ, nhà văn đã bước sang một trang mới khi họ tình cờ gặp nhau vào năm 1891. Lúc bấy giờ, Oscar đã kết hôn và có hai con trai nhưng chuyện tình với Lord Douglas đã đưa ông sang một chương mới cuộc đời. Đến năm 1894, tác giả Robert Hichens có ra đời cuốn tiểu thuyết mang tên "cẩm chướng xanh" với câu chuyện tình được cho là của Oscar Wilde và Douglas. Tuy nhiên, người ngoài nhìn vào, thấy tình yêu của Oscar dành cho Douglas chẳng khác chi một bi kịch.

Trong mắt của nhiều người, Douglas là một chàng trai hư hỏng, ăn chơi lêu lổng. Ông thường quăng tiền cho những cuộc vui chơi hay cờ bạc. Có nhiều người cho rằng Oscar Wilde cũng chỉ là một trong số những cuộc vui ngắn hạn của Douglas. Họ thường cãi vã rồi chia tay, nhưng cuối cùng vẫn về với nhau. Với Oscar, Douglas vẫn là chàng thơ cho bao tác phẩm của ông. 

Để có được tình yêu với Douglas, Oscar đã hy sinh rất nhiều và chịu thiệt thòi. Một lần Douglas đổ bệnh, Oscar đã chăm sóc cho người yêu hết sức tận tình. Nhưng rồi đổi lại được gì khi sau lần đó, Oscar ốm nằm liệt giường mà Douglas vẫn chẳng đoái hoài gì. Thay vào đó, Douglas chuyển đến khách sạn Grand Hotel và trong dịp sinh nhật lần thứ 40 của Oscar, Douglas gửi một lá thư tới cho Oscar yêu cầu ông trả tiền hóa đơn. Sự ngược đãi trong tình yêu, tưởng như thế là quá đủ mà vẫn chưa dừng lại. Một lần khác, Douglas cho những gã trai gọi quần áo cũ của Oscar mà không biết rằng, trong đó có những lá thư tình của hai người. Để rồi sau đó, chúng bị đem ra làm thứ để tống tiền Oscar.

Bi kịch tình yêu của lịch sử: Có những mối tình đồng tính chỉ gói gọn trong hai chữ khổ đau - Ảnh 2.

Cha của Douglas, hầu tước xứ Queensberry nghi ngờ mối quan hệ của hai người còn trên bạn bè. Ông đã gửi cho con trai mình một lá thư, mắng mỏ Douglas vì đã bỏ học Oxford và không có được công việc phù hợp. Ông đe dọa sẽ "cắt quyền thừa kế và không chu cấp tiền cho Douglas". Tuy nhiên, Douglas chỉ nhắn lại một câu: "Bố thật là trẻ con".

Trước sự phản kháng của con trai mình, hầu tước xứ Queensberry đã đe dọa sẽ làm lớn vụ việc lên nếu Douglas tiếp tục mối quan hệ với Oscar Wilde. Vốn tính bướng bỉnh, cứng đầu, Douglas lẳng lặng gửi một lá thư về cho bố mình: "Con ghét bố". Cậu chấp nhận sẽ đứng về phía Oscar Wilde và chống lại cha mình.

Trước đó, người anh trai của Douglas - Francis Viscount Drumlanrig đã qua đời trong một tai nạn đầy đáng ngờ vào tháng 10/1894. Dân chúng đồn đại rằng Francis cũng vướng vào một mối quan hệ đồng tính với một người nổi tiếng lúc bấy giờ và anh đã tự tử. Hầu tước Queensberry nghĩ rằng mình phải làm gì đó để "cứu" con trai mình nên đã khởi kiện Oscar Wilde ra tòa. 

Phiên tòa xử "tội đồng tính"

Hầu tước Queensberry đã khởi kiện Oscar ra tòa với tội danh đồng tính. Thời bấy giờ, đồng tính vẫn bị coi là một dạng tội phạm. Edward Carson, luật sư của Hầu tước Queensberry đã miêu tả Oscar như một kẻ bệnh hoạn, tội đồ: một gã trai già thường chọn các chàng trai trẻ làm con mồi và ép buộc họ vào những cuộc tình đồng tính bằng lời nói ngon ngọt, những món quà và một cuộc sống thượng lưu. 

Người ta đưa những lá thư tình mà Oscar từng viết cho Douglas ra làm bằng chứng để chống lại ông. Dù ông nói rằng, đó chỉ là những tác phẩm nghệ thuật, Wilde vẫn bị tình nghi khi có nhiều hơn những bằng chứng về "tội đồng tính" của ông: chủ đề đồng tính trong tác phẩm The Picture of Dorian Gray và The Chameleon - một cuốn tạp chí được Douglas xuất bản mà trong đó có 1 tác phẩm ngắn của Oscar.

Chưa dừng lại ở đó, cha của Douglas còn nhờ những trai mại dâm ra làm chứng giả rằng họ đã có quan hệ với Oscar. Do không thể làm gì để chống lại được định kiến đương thời, sự dồn nén từ phía cha của Douglas, theo Đạo luật Chống đồng tính luyến ái năm 1885, Oscar Wilde bị tuyên án 2 năm lao động khổ sai.

Trong thời gian ở tù, Oscar đã viết cho Douglas một lá thư dài với tựa đề De Profundis; trong thư đã miêu tả lại đúng chính xác những gì anh suy nghĩ về Douglas. Tuy nhiên, lá thư đó không được phép gửi đi. Có người nói, chúng có thể đã được gửi đi sau khi Oscar Wilde được thả. Tuy nhiên, Douglas cho biết anh chưa bao giờ nhận được bản hoàn chỉnh của lá thư đấy, chỉ là vài dòng trích dẫn từ lá thư mà một người bạn của Oscar đã trao lại. Những lá thư chưa gửi ấy, ấp ủ cả một chuyện tình và những gì đau khổ Oscar Wilde đã trải qua để rồi cuối cùng cuộc tình dang dở.

Sau khi được ra khỏi tù vào ngày 19/5/1897, hai người gặp lại nhau và sống chung một thời gian. Nhưng lúc này, tình cảm của Douglas dành cho Oscar có phần đã nhạt phai. Những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống đã khiến họ phải chia lìa; Oscar trở lại Paris sống nốt phần đời của mình còn Douglas trở lại Anh vào năm 1898. 2 năm sau, Oscar qua đời trong cô đơn, nợ nần và tuyệt vọng. 

Nhưng đau đớn nhất với Oscar Wilde chính là việc người yêu, người tình lâu lắm của anh, Alfred Douglas đã chối bỏ, thậm chí buông những lời nói xấu Oscar Wilde. Anh phủ nhận tất cả những câu chuyện tình từng có với Oscar, ruồng rẫy quá khứ của mình như một cách để che giấu đi nỗi sợ hãi xã hội đương thời. Douglas đã thành một người khác sau cái chết của Oscar, một phần khiến cho mối tình vốn đã bị xã hội không công nhận trở thành bi kịch thảm sầu. 

Người ta tự hỏi, có chăng tình yêu Douglas dành cho Oscar đã kết thúc? Ngần đó năm tháng sống với nhau, dù bao lần hục hặc, bao lần cách xa nhưng Douglas vẫn về bên Oscar; Oscar như một mái ấm bình yên, vẫn chờ, chấp nhận và rộng lượng đón Douglas trở về bên mình. Có những thứ tình yêu, người ngoài nhìn vào thấy nó vá víu, chẳng vẹn toàn nhưng với những người trong cuộc, nó ấm áp và hạnh phúc lạ thường.

Bi kịch tình yêu của lịch sử: Có những mối tình đồng tính chỉ gói gọn trong hai chữ khổ đau - Ảnh 3.

Những dòng thư tình của thế kỷ

"Chàng trai của tôi, 

Bài thơ Xô-nết của em thật tuyệt. Và tuyệt vời hơn cả là đôi môi như những cánh hồng đỏ của em, không chỉ được sinh ra để hát mà cũng rất tuyệt khi hôn. Tâm hồn như mạ vàng của em dạo bước giữa đam mê và thi ca. Tôi biết hoàng tử Hyacinthus, người mà thần Apollo yêu thương hết mực, chính là hiện thân kiếp trước của em. 

Sao em lại cô đơn tại London? và khi nào em sẽ đến Salisbury? Em sẽ đến đó để đôi bàn tay lạnh ngắt trong ánh hoàng hôn màu xám của những công trình mang kiến trúc Gothic và cứ đến đây bất cứ khi nào em thích. Nó là một nơi tuyệt vời nhưng chỉ thiếu mỗi em mà thôi.

Tình yêu tôi dành cho em sẽ không bao giờ chết.

Người thương em,

Oscar Wilde"

Bi kịch tình yêu của lịch sử: Có những mối tình đồng tính chỉ gói gọn trong hai chữ khổ đau - Ảnh 4.

Một bức thư khác được Oscar gửi cho Douglas vào năm 1894.

"Chàng trai của tôi,

Tôi hy vọng những điếu thuốc lá đã đến chỗ em. Tôi đã dùng bữa trưa với Gladys de Grey, Reggie và Aleck York. Họ muốn tôi đi tới Paris vào thứ năm này. Nhưng mà tôi chẳng có tiền, như mọi lần nên chẳng đi được. Hơn nữa, tôi muốn gặp em. Tôi biết là nghe thật kỳ cục nhưng tôi không thể sống thiếu em. Em là điều mà tôi thương mến nhất, một điều tuyệt vời. Tôi nghĩ về em cả ngày dài, tôi nhớ dáng hình, vẻ đẹp trẻ trung, sự thông minh, trí tuệ - và hơn cả, tôi nhớ em....

London như một hoang mạc cằn cỗi khi không có dấu chân em... Hãy viết cho tôi vài dòng và nhận lấy tình yêu này - bây giờ và mãi mãi.

Mãi mãi và tôn sùng - tôi không biết phải dùng từ gì để miêu tả tình yêu của mình dành cho em cả.

Oscar"

Lá thư Oscar gửi cho Douglas trước khi vào tù

"Chàng trai của tôi,

Tôi muốn em biết rằng, tình yêu tôi dành cho em là mãi mãi và bất tử. Ngày mai, mọi thứ sẽ kết thúc. Nếu phòng giam và sự tước mất danh dự là số phận dành cho tôi, hãy cứ nhớ rằng tình yêu dành cho em và suy nghĩ rằng em cũng yêu tôi, sẽ khiến tôi hạnh phúc và có thể gặm nhấm, chịu đựng nỗi đau này. Vì tôi có hy vọng rằng sẽ được gặp lại em trên cuộc đời.

Tôi phải tiếp tục sống trên cõi đời này vì biết rằng, một ngày, tôi sẽ được gặp lại em".

Bi kịch tình yêu của lịch sử: Có những mối tình đồng tính chỉ gói gọn trong hai chữ khổ đau - Ảnh 5.