Bi kịch "dở khóc dở cười" khiến chú cá heo này tử nạn là lời cảnh báo hoàn toàn nghiêm túc cho con người

Oct, Theo Helino 14:25 26/01/2018

Khi chú cá heo dạt vào bờ biển, các chuyên gia lập tức đến điều tra và tìm thấy một sự thật bất ngờ.

Khi một sinh vật biển trôi dạt vào bờ, sẽ có một đội ngũ chuyên gia đến thực hiện giải phẫu, nghiên cứu nhằm xác định các mối đe dọa xảy ra với môi trường biển xung quanh.

Thế nên khi Gilligan - chú cá heo mũi chai (bottlenose) dạt vào bờ biển khu vực Tây Nam Australia, các chuyên gia cũng ngay lập tức tiếp cận để tìm hiểu nguyên nhân. Và chỉ ngay từ cái nhìn đầu tiên, họ đã nhìn ra bản chất của vấn đề. Bi kịch, quả nhiên đúng là bi kịch.

Kéo ảnh sang để thấy sự thật xảy ra với chú cá heo

Xác của chú cá heo vẫn còn nguyên những cọng xúc tu bạch tuộc thò ra. Và theo các chuyên gia nhận xét, chú đã bị... chết nghẹn vì ăn phải một con bạch tuộc quá to.

Sự kiện đã xảy ra từ tháng 5/2017, nhưng nó trở thành một "case study" kinh điển, được nhà bệnh lý học Nahiid Stephens - tiến sĩ từ ĐH Murdoch (Úc) đưa ra trong một nghiên cứu thời gian gần đây.

Trên thực tế, các loài thân mềm như sứa, bạch tuộc, mực... là con mồi quen thuộc của cá heo. Tuy nhiên theo Stephens, chú cá heo xấu số (dường như không có bất kỳ vấn đề gì về sức khỏe) đã quên đi nguyên tắc cơ bản nhất của ăn uống, đó là phải nhai thức ăn. Đúng là bạn có thể nuốt chửng đồ ăn mà vẫn có thể tiêu hóa, nhưng không phải là với bữa tối dài đến 2,1m như thế này được.

Bi kịch dở khóc dở cười khiến chú cá heo này tử nạn là lời cảnh báo hoàn toàn nghiêm túc cho con người - Ảnh 2.

Sau khi khám nghiệm, Stephen kết luận rằng đầu và một phần thân bạch tuộc đã được nuốt vào đến dạ dày, nhưng các xúc tu thì mắc lại cuống họng, và bi kịch xảy ra.

Về mặt giải phẫu, cá heo có cấu trúc thượng vị trong cổ họng, có vai trò tiếp nhận và dẫn khí đến đường thở (hay thanh quản) khi thở. Nhưng khi ăn, cấu trúc này sẽ thu hẹp lại, nhằm ngăn không cho thức ăn lọt vào đường thở.

Bằng cách nào đó, cái xúc tu dài tới nửa mét của con bạch tuộc đã dính chặt vào thượng vị, chặn luôn đường thở của cá heo. Nó tạo thành một nút chặn, mạnh đến mức không khí vẫn bị kẹt lại phổi của cá heo cho đến khi các họ gỡ được cái xúc tu đó ra. Nói chung, chú cá heo xấu số đã tử nạn, và lý do được ghi lại trong hồ sơ là... nghẹn.

Bi kịch dở khóc dở cười khiến chú cá heo này tử nạn là lời cảnh báo hoàn toàn nghiêm túc cho con người - Ảnh 3.

"Dù con bạch tuộc đã chết, nhưng khả năng bám dính của xúc tu vẫn có tác dụng. Cú "hồi mã thương" ấy khiến kẻ thù của nó chết theo." - Stephens cho biết.

Nhìn chung, dù thấy thương tiếc cho chú cá heo hay bất kỳ cảm giác gì khác, thì đây cũng là một bài học cho con người, đặc biệt là với những khu vực có văn hóa ăn bạch tuộc sống như Hàn Quốc.

Như đã biết, người Hàn Quốc có nền ẩm thực đa dạng, trong đó có cả niềm đam mê với thực phẩm tươi sống, trong đó nổi bật là món bạch tuộc "còn ngoe nguẩy". Dù món ăn này được đánh giá là ngọt rất tự nhiên, nhưng nó lại ẩn chứa nguy cơ mắc nghẹn khi ăn nếu không nhai cẩn thận.

Dành cho những người chưa biết, cấu trúc cổ họng của người cũng giống như cá heo, còn xúc tu bạch tuộc dính cỡ nào, bạn chắc cũng nắm được rồi. Và sự thật thì mỗi năm, Hàn Quốc đều ghi nhận có trường hợp tử vong vì bị xúc tu bạch tuộc bám chặt vào họng, nhất là khi uống rượu say.

Cũng bởi vậy, món ăn này giờ được khuyến cáo chỉ dành cho những người đang tỉnh táo mà thôi.

Bi kịch dở khóc dở cười khiến chú cá heo này tử nạn là lời cảnh báo hoàn toàn nghiêm túc cho con người - Ảnh 4.
Nguồn: IFL Science