Bi kịch của “Nữ thần pháo sáng” Rosenery Mello: Đổi đời và lụn bại vì quả pháo

THANH ĐÌNH, Theo Trí Thức Trẻ 19:03 12/09/2019

Tròn 30 năm trước, tại thánh địa Maracana, một vết nhơ trong lịch sử bóng đá đã được tạo ra, bắt nguồn từ một quả pháo sáng được ném ra bởi cô gái Rosenery Mello.

Vào năm 1989, 141.000 người ngồi chật kín Maracana để chứng kiến cuộc đối đầu giữa chủ nhà Brazil và Chile. Đó là một trận đấu quan trọng mà đội nào giành chiến thắng sẽ lập tức giành vé đến World Cup 1990.

Vì lẽ đó, Chile đã chơi rất kiên cường và thủ môn xuất sắc của họ, Roberto Rojas đã có một loạt pha cứu thua ngoạn mục. Nhưng chừng đó vẫn không đủ. Trước khi bước sang hiệp 2, Careca đã ghi bàn giúp Brazil vươn lên dẫn trước.

Kể từ lúc ấy, bầu không khí lễ hội đã diễn ra trên khán đài Maracana. Và Rosenery Mello, cô gái 24 tuổi người Rio de Janeiro, cũng say sưa nhảy múa bên chồng cùng một người bạn. Mello càng phấn khích hơn khi dõi theo bước chạy của tiền đạo điển trai Bebeto. Đến phút 67, sau khi hò hét khản cổ tên của Bebeto, cô nghĩ rằng phải làm cái gì đó để gây sự chú ý của cầu thủ này. Và một quả pháo sáng được ném xuống sân.

Bi kịch của “Nữ thần pháo sáng” Rosenery Mello: Đổi đời và lụn bại vì quả pháo - Ảnh 1.

Rosenery Mello, tác giả của quả pháo sáng gây nên sự kiện Maracanazo nổi tiếng.

Nguyên quả pháo này không phải của Mello. Trong lần đầu tiên đến Maracana, đang lúc ngơ ngác, bỗng một người lạ nhờ cô cầm hộ cái túi chứa 2 quả pháo sáng nhằm tránh cảnh sát. Mello giấu nó bên trong áo khoác. Nhưng khi vào được bên trong, lại không thể tìm thấy chủ nhân của nó trong số 141.000 khán giả. Sau một hồi tìm hiểu cách sử dụng, cô quyết định đốt một quả.

Nó không tới được vị trí của Bebeto, mà đáp xuống khu cấm địa Chile. Rồi người ta thấy thủ môn Rojas ôm mặt nằm lăn lộn. Máu bắt đầu chảy ra từ trán anh ta, khiến mọi thứ trở nên hỗn loạn. Các cầu thủ Chile hết sức phẫn nộ, chửi rủa CĐV Brazil và yêu cầu trọng tài dừng trận đấu.

Dĩ nhiên là phải thế. Rojas lập tức được đưa đến bệnh viện, trong sự hoang mang của người Brazil. Có thể đội chủ nhà sẽ bị xử thua, và lần đầu tiên trong lịch sử, Brazil sẽ không được tham dự World Cup.

Bi kịch của “Nữ thần pháo sáng” Rosenery Mello: Đổi đời và lụn bại vì quả pháo - Ảnh 2.

Rosenery Mello và Rojas, thủ môn của Chile, bên cạnh quả pháo sáng.

Trước viễn cảnh đen tối ấy, Brazil cần một vật tế thần. Và không ai khác, chính là Mello, người bị bắt giữ ngay sau đó và đưa đến đồn cảnh sát thẩm vấn. Được thả ra vào ngày hôm sau, cô trở thành đối tượng bị công kích của cả xứ sở samba. Cô phải trốn trong nhà để tránh nguy cơ ăn đòn, nhưng vẫn nơm nớp lo sợ vì người hâm mộ luôn vây kín nhà, chửi rủa và đập phá.

Vào thời điểm ấy, Mello không bao giờ có thể tưởng tượng nổi, địa ngục sẽ chấm dứt và cô bước vào thiên đường với tư thế người hùng.

Nó xảy ra khi nhà báo Argentina, Ricardo Alfieri trưng ra bằng chứng Rojas là kẻ lừa đảo trơ trẽn. Chuỗi 15 bức ảnh ông chụp quả pháo sáng cho thấy, nó rơi xuống vị trí cách xa Rojas hơn một mét. Có nghĩa là, quả pháo của Mello không có cơ hội gây ra thương tích.

Bi kịch của “Nữ thần pháo sáng” Rosenery Mello: Đổi đời và lụn bại vì quả pháo - Ảnh 3.

Sự thật là quả pháo sáng rơi cách khá xa Rojas để không thể gây ra thương tích.

Các bác sỹ, khi xem xét vết thương cũng bác bỏ khả năng pháo sáng là nguyên nhân, bởi nó chỉ là một vết cắt sâu và xung quanh không có vết bỏng. Như chúng ta thấy ở vụ pháo sáng ở SVĐ Hàng Đẫy mới đây, nạn nhân, chị Tô Huyền A., đã bị bỏng sâu nghiêm trọng vì sức công phá của quả pháo và tạo nên vết thương có chiều dài 30cm.

Rốt cuộc Rojas buộc phải cúi đầu nhận tội. Nhận thấy Chile khó có thể đánh bại Brazil tại Maracana, Rojas đã nghĩ tới cửa thắng thông qua… ăn vạ, khiến trận đấu phải hủy bỏ vì lý do thiếu an toàn và Brazil bị xử thua.

Nghĩ là làm, Rojas chuẩn bị sẵn một lưỡi dao nhỏ dùng trong phẫu thuật và giấu trong tấm bọc ống đồng, và tranh thủ lúc nào đó chạy ra phía sau cầu môn nhặt bóng, sẽ tự làm tổn thương mình. Đen cho anh ta, khu vực ấy lại quá đông phóng viên tay lăm lăm máy ảnh.

Không thực hiện được ý định, vào giờ nghỉ, Rojas chuyển lưỡi dao lên găng tay, giấu sau lớp băng dính nhám. Và cơ hội tuyệt vời đến khi Mello ném quả pháo xuống sân, lập tức gã nhào đến, ngã lăn ra rồi lén dùng lưỡi dao rạch một đường trên trán.

Bi kịch của “Nữ thần pháo sáng” Rosenery Mello: Đổi đời và lụn bại vì quả pháo - Ảnh 4.

"Tên lửa Maracana" trên trang bìa tạp chí Playboy số ra tháng 11/1989.

Mọi việc được sáng tỏ, FIFA xử Brazil thắng 2-0 còn Rojas bị treo giò vĩnh viễn. Mello lúc này bỗng từ tội đồ, trở thành người hùng trong âm mưu thô thiển của thủ môn Chile. Người ta gọi cô là "Thần pháo sáng", hay biệt danh phổ biến hơn, là "Tên lửa Maracana", và trở nên nổi tiếng.

Mello dĩ nhiên rất biết cách tận dụng điều này. "Tên lửa Maracana" tham gia vào các show trên truyền hình, trả lời phỏng vấn. Thậm chí, tháng 11/1989, vài tháng sau trận đấu ở Maracana, "Tên lửa Maracana" xuất hiện trên trang bìa tạp chí Playboy và chụp hình khỏa thân với mức thù lao 40.000 USD. Cô cũng ly hôn với chồng và chuyển đến thủ đô Brasilia.

Nhưng rồi sự nổi tiếng này trôi quá rất nhanh, bởi Mello không có thêm khả năng gì để tận dụng nó. Cô lại tiêu pha vô độ, để rồi những khoản tiền kiếm được nhanh chóng bốc hơi. Cháy túi, Mello quay lại Rio de Janeiro và sống cùng anh trai. Để sinh nhai, "Tên lửa Maracana" phải làm đủ thứ nghề, từ bán rau quả, xúc xích đến… pháo sáng.

Năm 2011, ở tuổi 45, Mello qua đời vì chứng phình động mạch não, trong cảnh nghèo khổ và để lại 3 đứa con nheo nhóc. Tuy nhiên, tên của cô - "Tên lửa Maracana" - mãi mãi đi vào lịch sử bóng đá.