Bi kịch của Ngao Tây Tạng - từ "thần khuyển" triệu đô thành những con thú bị ruồng bỏ

Oct, Theo Helino 18:45 13/03/2018

Từng một thời là những chú chó sở hữu mức giá đắt nhất thế giới, nhưng hiện tại, ngao Tây Tạng đang phải đối mặt với bi kịch khi chẳng ai còn mặn mà với chúng. Nuôi không được, tiêu hủy cũng không nỡ.

Zhang Lizhi là một người yêu chó, cực kỳ yêu chó. Nhưng rồi, một chuyến đi đến Tây Tạng năm 2017 đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ ấy, khi cô giáp mặt với hai "quái thú" tại đây.

"Cả hai chân của tôi giờ vẫn còn sẹo" - Zhang cho biết.

"Tôi đã rất hoảng sợ, rồi con chó thứ 2 xuất hiện, chúng cùng lúc tấn công."

"Tôi đã phải mất cả chục mũi khâu mới có thể khép miệng vết thương lại."

Những sinh vật tấn công cô chính là chó ngao Tây Tạng - giống chó từng đắt tiền bậc nhất thế giới.

Bi kịch của Ngao Tây Tạng - từ thần khuyển triệu đô thành những con thú bị ruồng bỏ - Ảnh 1.

Từ truyền thống đến xu hướng tiền tỉ

Chó ngao Tây Tạng là giống chó chăn cừu truyền thống của con người sống tại vùng cao nguyên này. Chúng là những chú chó khổng lồ, một số có thể nặng 70kg - 100kg, được mệnh danh là loài chó có dòng máu của sư tử vì vẻ ngoài hung dữ.

Người Tây Tạng nuôi chúng vì khả năng trung thành tuyệt đối với chủ nhân, và để bảo vệ gia súc khỏi những mối đe dọa thường trực từ các sinh vật hoang dã. Có thể nói, ngao Tây Tạng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với họ. Ngay cả ngày nay, vào những ngày tết Losar (dịp năm mới của người Tây Tạng), các gia đình vẫn cho chú ăn một bát đầy zanba (một dạng lúa mạch rang) để thể hiện tình cảm của mình với chúng.

Bi kịch của Ngao Tây Tạng - từ thần khuyển triệu đô thành những con thú bị ruồng bỏ - Ảnh 2.

"Những chú chó được đối xử như những thành viên của gia đình, và chúng tôi chẳng bao giờ bán chúng đi vì tiền," - Tashi Gongbao, một người dân thuộc thị trấn Ngọc Thụ (Thanh Hải, Trung Quốc) cho biết. 

"Chính xác hơn, buôn bán chó là hành động đi ngược lại truyền thống."

Nhưng rồi vào thập niên 90, xu hướng nuôi ngao Tây Tạng quét xuống các khu vực khác tại Trung Quốc, và mọi chuyện thay đổi từ đó. Ngao Tây Tạng khi ấy là vật phẩm thể hiện đẳng cấp của giới nhà giàu Trung Hoa, và giá trị của chúng tăng lên theo cấp số nhân.

Trong những ngày thị trường đảo điên, những con ngao Tạng con thuần chủng, dáng đẹp có thể được bán với giá lên tới $200.000 (4,5 tỉ đồng theo tỉ giá hiện tại). Cá biệt, có những con giúp chủ nhân của chúng thu về tiền tỉ, như chú ngao Tạng lông đỏ dưới đây từng được bán với giá 1,3 triệu USD (khoảng 26 tỉ đồng) vào năm 2011, trở thành chú chó đắt giá nhất trong lịch sử.

Bi kịch của Ngao Tây Tạng - từ thần khuyển triệu đô thành những con thú bị ruồng bỏ - Ảnh 3.

Chú chó ngao Tây Tạng con từng được bán với giá triệu đô

Thời điểm năm 2010, những chiếc chuồng chó ngao Tạng có mặt gần như khắp nơi tại Ngọc Thụ. Trung bình, một con ngao Tạng khi đó được bán với giá gần $30.000 (khoảng 660 triệu đồng theo tỉ giá hiện tại). 

Chó càng lớn, càng nặng, càng được giá. Điều này dẫn đến chuyện nhiều thương lái quyết định tiêm steroid (hormone làm tăng cơ) để chúng lớn hơn, khỏe hơn. Một số thậm chí còn bơm silicone hoặc nước để khiến chúng trở nên vạm vỡ hơn, dù sẽ khiến cho sức khỏe của chúng bị tổn hại nghiêm trọng.

Thị trường sụp đổ, chó tiền tỉ chuyển đến... lò mổ

Nhưng cũng giống như mọi thị trường liên quan đến tiền bạc và hàng hóa, thị trường ngao Tạng cũng đến giai đoạn suy thoái. Nền kinh tế đang đình trệ, cộng thêm chính sách chống tham nhũng siết chặt vào năm 2012, những con chó ngao cũng không còn là biểu tượng của quyền lực như trước. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường buôn bán ngao Tạng.

Bong bóng ngao Tạng vỡ vào năm 2013, kéo theo giá trị của chúng sụt thảm hại. Theo tờ New York Times, họ đã chứng kiến 20 con ngao bị nhồi nhét lên xe tải rồi chuyển đến... lò mổ.

"Khoảng $5 cho một cái đầu chó, được dùng làm nguyên liệu nấu lẩu. Những bộ phận khác có thể được dùng làm da thuộc." - New York Times báo cáo.

Bi kịch của Ngao Tây Tạng - từ thần khuyển triệu đô thành những con thú bị ruồng bỏ - Ảnh 4.

Ngao Tạng hoang đã bị nhồi nhét trên những chuyến xe, chuyển đến lò mổ (ảnh minh họa)

Thêm vào đó, nhiều gia đình tại Tây Tạng chuyển xuống thành phố sinh sống, ngao Tạng trở thành những sinh vật bị ruồng bỏ. 

"Trước năm 2010, rất nhiều hộ gia đình bỏ hàng tấn tiền để nuôi dưỡng, nhân giống ngao Tây Tạng. Chỉ một số ít thành công, nhiều người khánh kiệt vì điều đó" - Tashi Gongbao chia sẻ.

"Nhiều người nuôi đã quá khờ khạo khi cho phối ngao Tạng với một số giống khác. Điều này cũng làm giảm giá trị của chó, và người quay lưng chính là khách hàng."

Những cá thể ngao Tạng thuần chủng vẫn có thể bán "được giá". Nhưng về cơ bản, việc lai tạo lung tung đã tạo ra những thế hệ chó con thiếu đi đặc tính quan trọng nhất của ngao Tạng, đó là lòng trung thành. Một số con dù được nuôi từ nhỏ vẫn có thể tấn công chủ nhân. 

Bi kịch của Ngao Tây Tạng - từ thần khuyển triệu đô thành những con thú bị ruồng bỏ - Ảnh 5.

Ngao Tạng hoang

Những sự kiện như vậy đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của ngao Tạng, khiến chúng bị bỏ rơi bởi chính người nuôi, và rồi trở thành những con chó hoang nguy hiểm. Chúng tấn công cả người qua đường, giống như trường hợp của Zhang Lizhi đầu bài.

Người mua không còn, thương lái cũng sớm biến mất. Theo Zhou Yi, chủ tịch Hiệp hội ngao Tây Tạng Thanh Hải thì vào đầu năm 2015, khoảng 1/3 cơ sở kinh doanh đã ngừng hoạt động. 

Tổng doanh số từ kinh doanh ngao Tạng trong tỉnh cũng giảm từ $29 triệu xuống còn $7,2 triệu - tức là hơn 75%.

Phương án giải quyết còn bỏ ngỏ

Để giải quyết vấn đề ngao Tạng hoang quá nhiều và hung dữ, một số quan chức đã đề xuất việc tiêu hủy hàng loạt ngao Tạng hoang. Tuy nhiên, tôn giáo của người Tây Tạng gắn liền với đạo Phật đã góp phần giảm bớt hiện thực tàn nhẫn ấy.

Người dân đuổi đánh ngao Tạng hoang nguy hiểm

Một số hộ gia đình đã tìm cách dựng chuồng cho chó hoang, nhằm giúp chúng thoát khỏi việc bị đưa vào lò mổ. Như tại một ngôi làng thuộc huyện Nang Khiêm, người ta đã dựng lên một khu vực rộng tới 13 mẫu đất để làm nơi ở cho ngao Tạng hoang, nhờ sự tài trợ của hội đồng làng và một ngôi chùa tại địa phương. Theo báo cáo đến cuối tháng 8/2016, có khoảng 1000 chó hoang đang sống tại đây. 

Cairen Yongzang, một người dân địa phương chia sẻ rằng trước khi trại được lập ra, chó hoang xuất hiện ở khắp mọi nơi. Chúng hung dữ, nguy hiểm, khiến trẻ con và người già chẳng dám ra ngoài một mình. Chất thải của chúng chất đống ở nhiều khu vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

"Có quá nhiều chó bị bỏ rơi tại chùa Sumang, có lẽ họ muốn nhà chùa chăm sóc chúng. Nhà chùa phải đưa ra giải pháp cứu vãn tình thế." - Cairen cho biết.

Nhà chùa đã gây quỹ khoảng $58.000, trong đó phân nửa là do chính phủ bảo trợ để dựng lên trại chó. Cộng đồng hỗ trợ bằng cách bắt chó và đưa vào đây.

Bi kịch của Ngao Tây Tạng - từ thần khuyển triệu đô thành những con thú bị ruồng bỏ - Ảnh 7.

Trại nuôi nhốt chó hoang

"Chúng tôi dựng hàng rào, bên trong có 3 ngôi nhà cho chó, và một số phương tiện khác dành cho chúng." - Tashi từ chùa Sumang cho biết. Nhà chùa để ra 3 ngày, yêu cầu người dân mang chó đến. "Sau đó, chúng tôi không nhận thêm chó nữa, đề phòng chó mới bị tấn công."

Tiếp theo, nhà chùa sẽ chi trả một khoản tiền để triệt sản chó cái, một khoản khác để nấu ăn cho chúng. Nguồn thực phẩm được lấy từ thức ăn thừa của dân làng và một số khu vực lân cận. 

Tuy nhiên, dù là một nghĩa cử cao đẹp, nhưng đây không phải cách giải quyết triệt để vấn đề. Mỗi ngày, chi phí để duy trì trại chó là $145. Và toàn bộ những gì phải chi trả đều "dồn lên vai nhà chùa" - Yong Qiang, một dân làng chia sẻ.

Bên cạnh chi phí, còn nhiều vấn đề khác nữa. Đầu tiên là thức ăn - thực phẩm thừa của dân làng không thể đủ. Tiếp theo, khi tập trung quá nhiều chó vào cùng một khu vực, xung đột sẽ xảy ra. Đồng thời, một số căn bệnh cũng có nguy cơ bùng phát.

Bi kịch của Ngao Tây Tạng - từ thần khuyển triệu đô thành những con thú bị ruồng bỏ - Ảnh 8.

"Tôi yêu chó, và thấy tội nghiệp chúng." - Zhang Lizhi, nạn nhân bị ngao Tạng tấn công chúng ta đã nhắc đến đầu bài chia sẻ.

"Nhưng giờ đây, tình hình đang trở nên nguy hiểm, vì chó hoang bắt đầu tấn công con người theo nhóm, đặc biệt là trẻ em."

Hơn nữa, các trại chó cũng không thể nuôi quá nhiều, trong khi lượng chó hoang vẫn còn rất nhiều. Các số liệu cho thấy có tới hơn 10.000 chó hoang ở riêng Guoluo - một châu tự trị của người Tây Tạng. Một cơ sở chăm sóc ngao Tạng khác giờ cũng phải nuôi tới 7.000 con, trong khi sức chứa chỉ là 2.000.

Tiêu hủy không nỡ, nuôi thì quá tải, đó là những gì người dân và loài "thần khuyển" một thời phải chịu đựng. Các hình thức triệt sản để ngao Tây Tạng không sinh sản thêm cũng chỉ là giải pháp tình thế.

Số phận của ngao Tây Tạng sẽ ra sao, tương lai sẽ trả lời.

Nguồn tham khảo: Great Poll, Scroll in, The Third Pole...