Bí ẩn sự kiện chụp hố đen: Tiết lộ cách chụp và số ổ cứng khổng lồ để lưu bức ảnh

Hà Thu, Theo Trí Thức Trẻ 16:00 11/04/2019

Đằng sau bức ảnh chụp hố đen nổi lên đình đám trong ngày hôm qua là cả một câu chuyện ít ai biết.

Ngày hôm qua, cả thế giới đã chứng kiến một trong những sự kiện lớn nhất năm của ngành khoa học và thiên văn: Chụp ảnh thành công hố đen vũ trụ đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Chưa hết bàng hoàng và phấn khởi, mới đây, một bức ảnh nữa lại được tiết lộ về quá trình chụp bức ảnh này cũng khiến nhiều người phải giật mình.

Bí ẩn sự kiện chụp hố đen: Tiết lộ cách chụp và số ổ cứng khổng lồ để lưu bức ảnh - Ảnh 1.

Người có mặt trong hình ảnh trên là Katie Bouman - nữ chuyên gia nghiên cứu nổi tiếng tại MIT. Cô là người có công rất lớn trong nhiệm vụ chụp ảnh hố đen vừa qua, và toàn bộ 8 cọc sắt trong ảnh chính là số ổ cứng cần thiết để lưu trữ dữ liệu ảnh đó: Lên tới 5 PB (petabyte), tương đương 5.000.000 GB.

Tại sao một bức ảnh lại có thể chiếm tới tổng dung lượng choáng ngợp đến như vậy? Đáp án cho câu hỏi này thuộc về quá khứ từ 10 năm trước, khi mục tiêu chụp ảnh hố đen lần đầu được đặt ra vào năm 2009. Khi đó, một nhóm các nhà khoa học đã tạm tính toán được thời điểm thuận lợi để chụp ảnh hố đen vào năm 2019 này.

Qua 10 năm, dù các kính viễn vọng ngày nay đã được cải tiến rất nhiều, nhưng chúng vẫn không thể nào có đủ khả năng chụp ảnh hố đen một cách trực tiếp ăn liền như khi đang selfie cả. Về lý thuyết, một chiếc kính đó phải to bằng cả Trái Đất mới có cơ may làm vậy. Tuy nhiên, đó cũng là lúc các nhà khoa học nghĩ ra cách kết hợp cùng lúc nhiều trạm kính viễn vọng với nhau để cho ra kết quả khả thi nhất.

Bí ẩn sự kiện chụp hố đen: Tiết lộ cách chụp và số ổ cứng khổng lồ để lưu bức ảnh - Ảnh 2.

Bức ảnh cho thấy một vòng cung ánh sáng đang bị hút và bẻ cong hướng vào tâm hố đen.

8 trạm đặt kính viễn vọng khác nhau trên toàn thế giới đã được chọn để thực hiện sứ mệnh này. Ngay từ năm 2017, cả 8 trạm viễn vọng đó đều đã được chỉnh sửa chính xác hướng về cùng một tọa độ, chờ đợi thời cơ thích hợp. Trạm ALMA ở Chile được kỳ vọng cao nhất vì nó có thiết kế lòng chảo thu phát tín hiệu to bằng cả một sân vận động.

Dù vậy, xử lý cùng lúc dữ liệu của 8 kính viễn vọng chụp về là điều không hề đơn giản. Họ ước tính nguyên bức ảnh này có thể nặng bằng tất cả những lần selfie của 40.000 người trong suốt cuộc đời. Cuối cùng, may mắn cũng mỉm cười vào năm 2016, khi Bouman viết nên một thuật toán đầy tinh xảo, giúp phát hiện những sự chênh lệch sóng radio giữa các vệ tinh để siêu máy tính ở nhà chuyển hóa thành định dạng ảnh.

Bí ẩn sự kiện chụp hố đen: Tiết lộ cách chụp và số ổ cứng khổng lồ để lưu bức ảnh - Ảnh 3.

Sau khi nhiệm vụ thành công, Bouman mới dám đăng thêm một bức ảnh của mình trong quá trình máy tính đang xử lý ảnh trước khi ra kết quả cuối cùng.

Được biết, Bouman ban đầu tham gia dự án còn chưa có kiến thức gì về hố đen vũ trụ cả. Nhưng dần dần, cô đã trở thành một nhân vật chủ chốt, nắm giữ vai trò quan trọng trong quá trình nghiên cứu cách thức chụp ảnh. Thậm chí, toàn bộ đội ngũ làm việc cùng Bouman phải bắt buộc giữ kín mọi thông tin về thuật toán trong năm vừa rồi, khi mọi thứ dần đi vào chặng cuối.