Bắt tay với Hollywood, Netflix, điện ảnh Hàn đã thay đổi thế nào?

Rawegglover, Theo Trí Thức Trẻ 11:10 11/06/2017

Ngày càng có nhiều dự án điện ảnh hợp tác giữa Hàn Quốc và Hollywood hay Netflix. "Warriors of the Dawn" và "Okja" là hai ví dụ mới nhất.

Ngày 31/5, phim điện ảnh cổ trang Warriors of the Dawn đổ bộ phòng vé Hàn, đánh dấu sự hợp tác giữa đạo diễn Jung Yoon Cheol và hãng phim 20th Century Fox Hàn Quốc. Sau đó, ngày 29/6, Okja, phim quái vật của đạo diễn Bong Joon Ho từng nhận 50 triệu đô đầu tư từ Netflix cũng sẽ chính thức phát hành ở các rạp lẫn trực tuyến.

Bắt tay với Hollywood, Netflix, điện ảnh Hàn đã thay đổi thế nào? - Ảnh 1.

Một cảnh trong "Warriors of the Dawn"

Thị trường điện ảnh Hàn đang chứng kiến một sự thay đổi đầy thú vị. Việc các đạo diễn Hàn Quốc hợp tác với các hãng phim Hollywood như trường hợp của Jung Yoon Cheol hay với Netflix như Bong Joon Ho đang diễn ra ngày một phổ biến. Có không ít lí do được đưa ra cho quyết định của họ và chắc chắn một trong số đó là khả năng tự do sáng tạo mà việc hợp tác với các ông lớn trên thế giới có thể đem lại cho những đạo diễn này.

Không hề ngẫu nhiên khi hai trong số những phim Hàn Quốc hay nhất năm ngoái đều là sản phẩm của các hãng phim Hollywood. Đó là The Wailing của đạo diễn Na Hong Jin và The Age of Shadows của đạo diễn Kim Jee Won. Hai hãng phim tham gia sản xuất lần lượt là Fox International Productions (FIP) Hàn Quốc và Warner Bros. Hàn Quốc.

Mặc dù những đạo diễn nổi tiếng như Bong, Kim, Na hay Park Chan Wook đều vẫn có thể tự do làm những gì họ muốn với đứa con của mình, nhưng riêng với The Wailing và The Age of Shadows, hai tác phẩm lại cho thấy sự khác biệt và táo bạo hơn ở cả đề tài lẫn mặt hình ảnh.

Bắt tay với Hollywood, Netflix, điện ảnh Hàn đã thay đổi thế nào? - Ảnh 2.

Một cảnh trong "Okja"

Đạo diễn Bong Joon Ho từng chia sẻ tại buổi họp báo mới đây của Okja rằng một trong những lí do khiến ông lựa chọn Netflix chính là vấn đề kinh phí. Để một bộ phim do Hàn Quốc sản xuất 100% nhận được số tiền đầu tư lên tới 50 triệu USD (khoảng 1136 tỉ VND) từ chính phủ, các dự án điện ảnh khác của đất nước này sẽ bị cắt bớt kinh phí và như vậy sẽ có ít phim được sản xuất hơn.

Quay trở lại với năm 2010, FIP đầu tư 20% kinh phí sản xuất cho The Yellow Sea, tác phẩm từng tham dự LHP Cannes của đạo diễn Na Hong Jin. Sau đó vào năm 2013, hãng phim này hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho Running Man của đạo diễn Jo Dong Ho và nam diễn viên Shin Ha Kyun. Mặc dù không phải là hit phòng vé, bộ phim cũng lôi kéo được tổng cộng 1,4 triệu khán giả tới rạp.

Dự án tiếp theo của FIP tại Hàn Quốc là Slow Video (2014) của đạo diễn Kim Young Tak, quy tụ hai diễn viên Cha Tae Hyun, Nam Sang Mi. Phim thu hút 1,1 triệu khán giả, tuy không phải là một tác phẩm thành công nhưng cũng không đến nỗi quá thất bại. Tuy nhiên tới Intimate Enemies của đạo diễn Im Sang Soo năm 2015, đây lại là một thất bại thực sự của FIP khi phim chỉ bán được 133.533 vé và bị giới phê bình đánh giá thấp.

Bắt tay với Hollywood, Netflix, điện ảnh Hàn đã thay đổi thế nào? - Ảnh 3.

Một cảnh trong "The Wailing"

Câu chuyện về FIP và điện ảnh Hàn đã thay đổi vào năm 2016 khi The Wailing, một trong ba đại diện Hàn Quốc tham dự LHP Cannes lần thứ 69, gây bão phòng vé với 6,8 triệu khán giả và càn quét hàng loạt giải thưởng điện ảnh uy tín trong suốt thời gian vừa qua.

Trong khi đó, phim tiếng Hàn đầu tiên của Warner Bros. là The Age of Shadows ra mắt cùng năm và nối tiếp thành công của The Wailing khi bán được 7,5 triệu vé ở thị trường nội địa. Phim được mời tới tham dự Liên hoan phim Venice và sau đó là Toronto. Bộ phim kinh phí thấp Single Rider của Lee Byung Hun và Gong Hyo Jin cũng là một sản phẩm của Warner Bros. được ra mắt vào đầu năm nay.

Các hãng phim Hollywood có lí do để đầu tư vào phim ảnh Hàn Quốc. Trung bình một người Hàn xem 4 phim điện ảnh mỗi năm, 2 trong số đó là phim nội địa. Số lượt khán giả đến rạp trong vòng 4 năm qua lên tới 200 triệu/năm. Có thể thấy, phòng vé Hàn giờ đây không chỉ là cuộc chơi của các phim ngoại tới từ Hollywood, Trung Quốc, Nhật Bản hay châu Âu, mà còn là nơi "hốt bạc" của các hãng phim nội địa.

Một động lực khác để khiến các nhà làm phim của kinh đô điện ảnh thế giới quan tâm tới nền điện ảnh hàng đầu châu Á này chính là những tài năng được sản sinh ở đây. Không chỉ có đạo diễn, rất nhiều diễn viên, quay phim, viết kịch, giám đốc sản xuất, nhà soạn nhạc, biên tập viên,… người Hàn Quốc đều đang góp phần không nhỏ vào thành công của các tác phẩm.

Bắt tay với Hollywood, Netflix, điện ảnh Hàn đã thay đổi thế nào? - Ảnh 4.

Một cảnh trong "The Age of Shadows"

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất ở đây vẫn là việc các hãng phim nước ngoài hiểu được thị trường mà họ đang đầu tư. Đó là lí do vì sao mà người đứng đầu FIP Hàn Quốc lại là nhà sản xuất tài năng Kim Ho Sung (Masquerade) và của Warner Bros. Hàn Quốc là Jay Choi (The Attorney), một nhân vật rất có ảnh hưởng trong nền công nghiệp điện ảnh nước này. Sự kết hợp giữa Hollywood và các nhà sản xuất phim hàng đầu xứ kimchi đã tạo nên những bộ phim nói tiếng Hàn chất lượng.

Dịch vụ xem phim trực tuyến Netflix đã có mặt ở Hàn Quốc từ lâu. Để tạo ra Okja, đơn vị này đã bắt tay cùng Lewis Pictures. Sắp tới, Lewis Pictures cũng đang hợp tác cùng đạo diễn Kim Jee Woon trong dự án mới nhất của ông mang tên Jin Roh, một bộ phim do Warner Bros. Hàn Quốc rót vốn đầu tư.

Một điểm đáng chú ý nữa đó là tốc độ sản xuất của các dự án hợp tác này. Trong khi The Wailing mất hơn một năm cho hậu kì thì Jin Roh sẽ bắt đầu ghi hình vào tháng Bảy, chưa đầy một năm sau khi The Age of Shadows công chiếu. Một sản phẩm khác của Warner Bros., V.I.P., dự kiến ra rạp vào cuối năm nay. Hãng phim cũng sắp sửa bắt tay vào sản xuất Bad Lieutenant của đạo diễn Lee Jung Bum.

Quay trở lại với hiện tại, liệu FIP có thể tiếp nối thành công của The Wailing với tác phẩm mới nhất của họ, Warriors of the Dawn, cũng là phim cổ trang Hàn Quốc đầu tiên do một hãng phim Hollywood sản xuất? Với sự tham gia của tài tử nổi tiếng Lee Jung Jae, bộ phim xoay quanh một nhóm binh sĩ ra sức bảo vệ vị Thế tử mới của nhà Joseon. Câu hỏi khó hơn lúc này dành cho Okja, rằng liệu các khán giả có chấp nhận tới rạp khi mà họ có thể xem phim trực tuyến?

(Nguồn: Koreatimes)