Bắt cua hoàng đế Alaska nguy hiểm chết người nhưng còn 1 việc đáng sợ không kém: quay phim... nghề đánh bắt đó!

Đạt Lê, Theo Helino 00:33 09/05/2018

Cứ vào thu đông, các đội tàu ở Alaska lại ra khơi đánh bắt cua hoàng đế - món ăn cực phẩm mà nhiều ngư dân đã phải trả giá bằng cả sinh mạng. Cùng lúc đó, các nhà làm phim cũng có mặt trên boong tàu, đánh vật với sóng to gió lớn để ghi lại những thước phim quý về nghề đánh bắt này.

Nghề nguy hiểm nhất nước Mỹ

Từ lâu, tạp chí Forbes và nhiều báo khác luôn cho rằng đánh bắt cua hoàng đế Alaska chính là nghề nguy hiểm nhất nước Mỹ. Kết luận này căn cứ vào số người tử vong khi hành nghề mỗi năm, cũng như điều kiện làm việc vô cùng khó khăn của ngư dân vùng biển Alaska.

Nhưng món ăn này có gì đặc biệt mà khiến người ta muốn săn đuổi đến thế? Cua hoàng đế Alaska có phần thịt được cho là "tinh khiết bậc nhất, trắng ngọt, dai, ẩn sau lớp vỏ hồng hào, thoảng hương biển mặn mòi".

Loài cua này có thể dài đến 2m, tuổi thọ lên đến 20 năm, phần càng to và dài để thích nghi với môi trường sống khắc nghiệt. Đặc biệt, nó chỉ sống tại vùng biển Alaska và vịnh biển Bering băng giá.

Giống cua đỏ thuộc loài cua hoàng đế Alaska (trái) và địa bàn phân bố của nó (phải)

Đặc điểm đó càng làm tăng sự quý giá của cua hoàng đế nhưng lại là thách thức cho đội tàu đánh bắt. Thời tiết khó đoán của vùng biển Alaska luôn là mối đe dọa lớn. Hơn nữa, mùa đánh bắt sinh lời nhất lại diễn ra vào thu đông, cũng là lúc những cơn bão và cái lạnh trở nên khắc nghiệt hơn bao giờ hết.

Bất chấp điều kiện tự nhiên tàn khốc, đội tàu 80 chiếc của ngư dân vùng Alaska vẫn đều đặn ra khơi, mỗi chiếc tàu bằng thép dài khoảng 39m.

Xung quanh tàu, sóng đánh liên tục, cao đến 9m, sức gió giật 111km/h và bốn bề là bóng tối. Thế nhưng các ngư dân vẫn ẩn mình trong bộ đồ bảo hộ và các dụng cụ ướt nhẹp, cố thủ nơi boong tàu, giữ chặt chiếc lồng thép nặng đến 318kg. Bởi vì, bên trong đó là những con cua hoàng đế Alaska quý giá bậc nhất!

Chưa kịp vui vì lồng đầy cua, nếu không giữ kỹ, chiếc lồng sắt lớn đung đưa theo trận cuồng phong rất có thể sẽ kéo theo cả người xuống biển. Trên thực tế, mỗi năm có khoảng 12 ngư dân chuyên nghiệp đã chết theo cách đó!

Bên cạnh sóng dữ thì nhiệt độ quá lạnh ở mức -7 độ C cũng là yếu tố rất đáng sợ. Nó gây hạ thấp thân nhiệt và có thể dẫn tới tử vong. 

Ngoài ra, sóng đánh lên mạn thuyền đều bị đóng băng, khiến thuyền trươn tuột và nghiêng ngả. Lớp băng tuy mới hình thành nhưng cũng rất nặng và làm thuyền chìm xuống. Để ngăn chặn việc này, các thủy thủ đã phải dùng búa đập tan băng.

Bắt cua hoàng đế Alaska nguy hiểm chết người nhưng còn 1 việc đáng sợ không kém: quay phim... nghề đánh bắt đó! - Ảnh 5.

Ngoài điều kiện tự nhiên, các ngư dân còn phải làm việc vất vả nhiều giờ liền vì mùa đánh bắt chỉ kéo dài chưa tới 4 tuần. Nhiều khi cứ 50 giờ thì họ làm hết 40 giờ và chỉ nghỉ 10 giờ mà thôi.

Điều kiện đánh bắt nghe như 1 cơn ác mộng nhưng hoàn toàn có thật đối với đội tàu Alaska suốt nhiều năm qua. Họ chấp nhận hiểm nguy để đối lấy phần thưởng xứng đáng - nếu thuận lợi sẽ kiếm được tới 100.000 USD (gần 2,3 tỷ đồng) chỉ trong vòng vài tháng.

"Deadliest Catch" và chuyện ít ai biết về công việc quay phim "tử thần"

Trên đời, cái gì càng hiếm có thì càng gây nhiều sự tò mò muốn khám phá. Cua hoàng đế cũng vậy mà nghề đánh bắt chúng ở Alaska cũng không khác gì.

Chính "sự cám dỗ nguy hiểm" này đã khiến nhóm làm phim của kênh Discovery quyết định mò tới ghi hình, sản xuất chương trình dài kỳ mang tên "Deadliest Catch" (Nghề đánh bắt chết chóc).

Chương trình này hóa ra cũng sinh lời không kém gì cua hoàng đế, đem lại cho Discovery 3 triệu lượt xem hàng tuần ở Mỹ và phát sóng tới 150 quốc gia.

Phần mở đầu, và khung cảnh tuyệt đẹp của Alaska trước khi bão tới

Thế nhưng để có những thước phim đặc sắc, chân thật tại vùng biển hung bạo Alaska không phải chuyện dễ dàng. 

Chỉ những nhà làm phim dày dặn kinh nghiệm nhất mới được chọn đến Alaska. Họ chia nhau ra các trực thăng và tàu nhỏ để ghi hình đội đánh bắt khi đoàn thuyền vừa rời khỏi bến.

Trên mỗi tàu sẽ có 1 người quay phim và 1 nhà sản xuất. Họ chịu trách nhiệm chính trong toàn bộ ekip và cũng đối mặt cận kề nhất với hiểm nguy.

Không khí ẩm và nhiệt độ ở mức âm đã phá hủy nghiêm trọng các thiết bị điện tử. Bất chấp mọi nỗ lực chống nước cho chiếc camera Sony HDV, nước biển vẫn thẩm thấu và ăn mòn nó. 

Vào cuối mùa đánh bắt, chỉ số ít trong hơn 50 chiếc camara còn có thể hoạt động. Và dù nhóm làm phim cố gắng tránh tiếp xúc với nước, ống kính vẫn bị nhòe và đóng băng.

Bắt cua hoàng đế Alaska nguy hiểm chết người nhưng còn 1 việc đáng sợ không kém: quay phim... nghề đánh bắt đó! - Ảnh 7.

Một anh camera chấp nhận "đu người" với phao để có góc máy đẹp (ảnh phải)

Thời tiết băng giá cùng những đợt sóng dữ khiến thuyền chao đảo lại là 1 thử thách khác, vì người quay phim phải nhìn vào camera để kiểm soát khung hình. 

Dĩ nhiên màn hình LCD được trang bị nhưng vẫn không thể tránh khỏi những tai nạn khi thuyền bị sóng "quăng quật" mạnh, ví dụ như bong gân, rạn mắt cá chân, thậm chí gãy xương sườn...

Hơn nữa, cũng như các ngư dân thì đoàn làm phim phải ghi hình vất vả suốt 40 tiếng đồng hồ liên tục, thậm chí trước khi các ngư dân thức dậy và sau khi họ đã ngủ để phản ánh trọn vẹn 1 ngày trên con tàu đánh bắt.

Bắt cua hoàng đế Alaska nguy hiểm chết người nhưng còn 1 việc đáng sợ không kém: quay phim... nghề đánh bắt đó! - Ảnh 8.

Đoàn phim không ít lần... say sóng (phải)

Công việc có muôn vàn khó khăn như vậy nên nhiều khán giả trung thành của Discovery đã tự hỏi rằng: Liệu đánh bắt cua hoàng đế hay công việc quay phim nghề đánh bắt ấy – cái nào nguy hiểm hơn?

Điều đó thật khó trả lời vì đến nay (thật may là) vẫn chưa có thành viên nào trong đoàn làm phim thiệt mạng. 

Chỉ 1 điều chắc chắn: bất kỳ thứ gì "dính" tới các con thuyền đánh bắt tại vùng biển dữ Alaska đều rình rập nguy hiểm chết người!

Nguồn: Howstuffworks