Bao giờ Hollywood mới thôi biến những bà mẹ đau khổ thành quỷ dữ?

Ngọc King, Theo Trí Thức Trẻ 17:34 18/04/2016

Khi điện ảnh tiếp tục biến nỗi đau của những bà mẹ thành động cơ của cái ác, trong khi đó là động lực anh hùng của cánh mày râu.

Những bà mẹ mất con trên màn ảnh: điên cuồng và nguy hiểm

Trong The Huntsman: Winter's War và The Ones Below người ta chứng kiến hàng loạt hành động điên cuồng được thúc đẩy bởi nỗi đau mất mát của những bà mẹ. Nhiều thập kỉ điện ảnh đã xây dựng hình tượng các bà mẹ từ đau đớn trở thành độc ác như thế, đối ngược lại là hình ảnh những ông bố lí trí và anh hùng trước nỗi đau.

Bao giờ Hollywood mới thôi biến những bà mẹ đau khổ thành quỷ dữ? - Ảnh 1.

Emily trong "The Huntsman: Winter's War"

Một ví dụ điển hình là trong Friday the 13th, phản diện không phải là Jason, đứa trẻ 10 tuổi bị chết đuối nay hiện hồn về ám ảnh người sống. Thay vào đó tiếng ác được đổ cho bà Pamela Voorhees, một đầu bếp phát rồ sau cái chết của con trai. Trong khi Jason, cùng với những "đồng nghiệp" như Michael Myers, Freddy Krueger hay Norman Bates được đạo diễn ưu ái dành nhiều thời lượng xây dựng tâm lý phức tạp cho chúng, thì sự độc ác của những bà mẹ như Voorhees lại chỉ được thúc đẩy bởi nỗi đau mất con.

Bao giờ Hollywood mới thôi biến những bà mẹ đau khổ thành quỷ dữ? - Ảnh 2.

Mới đây, The Huntsman: Winter’s War khắc hoạ một Emily Blunt biến thành nữ hoàng băng giá vì mất đi đứa con gái, sau đó huấn luyện những đứa trẻ thành chiến binh và tiêu diệt những ai dám tin vào tình yêu đôi lứa. Năm 2015 bộ phim tâm lý kinh dị Couple in a Hole xoay quanh cặp vợ chồng đau khổ tới mức rủ nhau vào rừng sống. Không khó để đoán ra ai trong số hai kẻ khốn khổ là người bị thôi thúc bởi ý tưởng này nhiều hơn.

Bao giờ Hollywood mới thôi biến những bà mẹ đau khổ thành quỷ dữ? - Ảnh 3.

Thông điệp tới từ phim ảnh rất rõ ràng: phụ nữ mất con rất nguy hiểm, nếu họ không tìm cách đánh cắp trẻ con từ người khác thì cũng khiến những gia đình "mẫu mực" khác phải sống dở chết dở.

Bao giờ Hollywood mới thôi biến những bà mẹ đau khổ thành quỷ dữ? - Ảnh 4.

Martion Cotillard trong "Macbeth"

Thay vì để phụ nữ học được cách vượt qua nỗi đau và sống nghị lực, phim ảnh cứ tiếp tục kéo dài mãi quan điểm về người phụ nữ mất mát là phải biến thành một "kẻ khác", một bóng ma đen tối quét sạch hạnh phúc của những gia đình khác. Trong Young Adult (2011), nhân vật của Charlize Theron cố gắng phá hoại gia đình ấm cúng của bạn trai cũ, trong khi lần sảy thai ngăn cản cô với thiên chức làm mẹ. Còn Jennifer Lawrence đã biến thành một cỗ máy giết người tóc vàng trong Serena vì không chịu nổi sự thiếu vắng đứa con.

Bao giờ Hollywood mới thôi biến những bà mẹ đau khổ thành quỷ dữ? - Ảnh 5.

Hành trình trả thù được tung hô của những ông bố

Trong nhiều trường hợp, cả các ông bố lẫn ông bố hụt cũng rất đau khổ nhưng hành động của họ lại được xây dựng hợp lý, đôi khi còn đại diện cho cả danh dự và công lý. The Outlaw Josey Wales, Gladiator, Edge of Darkness hay gần đây nhất là The Revenant đều lấy cảm hứng từ sự báo thù của người cha mất con. Tất cả đều không rơi vào lố bịch, mà bi tráng và rất lý trí.

Bao giờ Hollywood mới thôi biến những bà mẹ đau khổ thành quỷ dữ? - Ảnh 6.

Leonardo DiCaprio đã giành được 1 tượng vàng Oscar cho vai diễn trong "The Revenant"

Thế nhưng khi sự trả thù rơi vào tay người phụ nữ, nó lại biến thành thứ gì đó rất khát máu và mù quáng. Leonardo DiCaprio chỉ truy đuổi kẻ duy nhất giết hại con trai mình, chứ không xui khiến chồng giết họ hàng như nhân vật của Marion Cotillard trong Macbeth. Thay vì tìm kiếm sự giải thoát và cân bằng như những người đàn ông, cơn thù của các bà mẹ mất con thường rơi vào hỗn loạn. Trong bộ phim đầy tranh cãi Antichrist, vai người cha do Willem Dafoe thủ vai lòng đầy đau đớn vì tai nạn của đứa con nhưng điều đó không là gì so với cơn suy sụp tới mức điên dại của người vợ (Charlotte Gainsbourg).

Bao giờ Hollywood mới thôi biến những bà mẹ đau khổ thành quỷ dữ? - Ảnh 7.

Một cảnh trong phim "Antichrist"

Khi người phụ nữ xứng đáng được cảm thông

Vậy điều gì đã khiến những bà mẹ đau khổ trên phim luôn bị bóp méo trong tạo hình quỷ dữ như thế? Denise Turner, giảng viên về công tác xã hội tại Đại học Sussex từng có những nghiên cứu về các cặp cha mẹ mất con cho rằng khái niệm tình mẫu tử trong văn hoá đại chúng hiện vẫn đang bị lãng mạn hóa. Người ta cho rằng để là một bà mẹ mẫu mực, bạn phải yêu thương đứa con hết lòng và không được để lộ những cảm xúc tiêu cực. Để là người mẹ tốt, tức là phải nuôi dưỡng đứa trẻ và chắc chắn là phải giữ an toàn cho chúng. Những kì vọng đặt ra cho người mẹ càng ngày càng lớn tới mức gần như bất khả thi với một cá nhân không hoàn hảo. Cái chết của một đứa con được coi là thất bại lớn nhất của một người làm mẹ.

Bao giờ Hollywood mới thôi biến những bà mẹ đau khổ thành quỷ dữ? - Ảnh 8.

Cảnh trong phim "The Ones Below"

Việc điện ảnh chỉ dành ra những lựa chọn ít ỏi cho người phụ nữ mất con vô hình chung đã gây ra sự bất bình đẳng đã hiện diện quá lâu trên màn ảnh. Còn hơn thế, thật nguy hiểm khi điện ảnh là một trong những phương tiện mà nhân loại tiếp nhận thông tin. Gán cho người phụ nữ đau khổ một bản chất ác ma đã thành một đề tài cố hữu nhưng thật vô lý. Nhìn lại bộ phim The Ones Below, cùng những "anh chị em" như Visions (2015) hay bộ phim Pháp Inside năm 2007 đều hù doạ người xem bằng các bà mẹ mất con nhắm tới những phụ nữ mang thai. Mặc dù trong thực tế một số phụ nữ, cả các ông bố sau khi mất con thường có cảm giác ghen tị với những phụ nữ mang thai; tuy nhiên vẫn có một khoảng cách lớn giữa việc "muốn có" và "chiếm đoạt lấy". Thế nhưng truyền thông và phim ảnh đôi khi đã phóng đại điều đó lên để gây sốc.

Điện ảnh và nhiệm vụ thay đổi văn hoá nhìn nhận

Đã đến lúc văn hoá đại chúng nên có cái nhìn cởi mở với những người phụ nữ vốn đã đầy mất mát. Chúng ta có thể dễ dàng chấp nhận nhìn người đàn ông mất con trở nên bất lực, giận dữ, yếu đuối và chúng ta sẵn sàng thông cảm với họ. Thế nhưng vẫn có một quan niệm văn hoá tồn tại như một cố hữu, được thúc đẩy bởi phim ảnh, cho rằng những phụ nữ mất con đều trở nên xấu xa. Cuối cùng thì, đau buồn là một quá trình cảm xúc phức tạp, các bà mẹ mất con cũng là cá nhân trong xã hội xứng đáng được trao cái nhìn thiện cảm và gửi gắm niềm tin để vượt qua được nỗi đau.

Đồng thời, phim ảnh nên tiên phong với vai trò là người gợi mở những lối đi có hậu cho những người phụ nữ đáng thương như thế. Giống như Before I Wake, một bộ phim kinh dị mới được ra mắt, lặng lẽ nhưng đầy cao thượng như tấm lòng của Jessie khi trao tình thương cho cậu bé Cody khi chấp nhận sự thật là con trai Sean của mình đã ra đi mãi mãi.