Giấc mơ du học không phải luôn màu hồng

Saga, Theo Trí Thức Trẻ 15:00 28/11/2012

Kỳ 1: Những chuyến du học không thành. Phía sau con số lớn về lượng học sinh Việt Nam du học nước ngoài là những câu chuyện đắng lòng khiến các em và cả phụ huynh cần nhìn lại.

Theo con số thống kê của Bộ Giáo dục và  Đào tạo (GD-ĐT), có xấp xỉ 100.000 du học sinh Việt Nam theo học tại các cơ sở đào tạo nước ngoài. Trong đó, có đến 90% du học tự túc. Ngày càng có nhiều người nộp đơn xin theo học tại các trường đại học ở Mỹ, Australia, New Zealand, Anh, Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ...

Thế nhưng, đằng sau những con số hào nhoáng ấy, liệu có tổ chức nào thống kê được có bao nhiêu du học sinh vì những lý do khác nhau mà bỏ ngang việc học hành và quay về Việt Nam với hai bàn tay trắng?

Giấc mơ du học không phải luôn màu hồng 1
Du học – từ khóa của thành công trong suy nghĩ của rất nhiều phụ huynh

Những câu chuyện có thật…
 
Trong một đợt kiểm tra của cơ quan xuất nhập cảnh vào cuối tháng 8/2012 vừa qua, trường Đại học London Metropolitan (MLU) tại Vương quốc Anh đã bị rút giấy phép tiếp nhận sinh viên nước ngoài (trừ các nước thuộc Liên minh châu Âu - EU). Nguyên nhân do khoảng 61% hồ sơ của sinh viên trường này bị phát hiện có vấn đề.

Theo các báo cáo tổng kết, sinh viên không đến lớp đầy đủ, thậm chí là trình độ tiếng Anh cũng không được kiểm tra theo đúng tiêu chuẩn trước khi trường cho nhập học. Ngoài ra, việc quản lý sinh viên quốc tế của trường này không đạt chuẩn. Trong số đó, có hơn 170 du học sinh Việt Nam.

Theo những thông tin từ báo chí, các bạn có hồ sơ đạt chuẩn đã được các trường đai học khác chấp thuận khi nộp lại hồ sơ. Còn với những hồ-sơ-không-đạt-chuẩn thì sao? Cho đến hiện tại, vẫn không một thông tin nào cho biết thêm những hồ sơ này sẽ đi đâu về đâu - khi gia đình họ đã bỏ ra một số tiền không hề nhỏ cho con em đi du học?

Trường hợp đắng lòng thứ hai là câu chuyện của một du học sinh Úc tên T.V.L (Hà Nội). Đã từng được đăng trên các mặt báo, câu chuyện của em khiến cho không ít những bậc phụ huynh có con em đi du học phải giật mình.

Là một cô gái ngoan ngoãn, học giỏi, gia đình có điều kiện nên L. được gia đình cho đi Úc du học sau khi học xong cấp III. Thế nhưng, không ai ngờ được rằng, một thời gian sau, gia đình phải hốt hoảng đưa cô bé về nhà và đi gặp các bác sĩ ở Phòng khám Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Sau khi trò chuyện với cô gái khá lâu, bác sĩ chuyên khoa Nguyễn Văn Dũng cho biết, đây là trường hợp bị rối loạn cảm xúc. Rất may là cô bé đã đến viện khi chưa quá muộn.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng cũng nhận định, việc cho con đi du học sớm khi chưa chuẩn bị tâm lý vững vàng chính là một sai lầm bởi khi đi du học, con phải chịu rất nhiều vấn đề áp lực tâm lý như nhớ nhà, phải giao tiếp bằng ngôn ngữ khác, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau… nên dễ sốc và rơi vào trạng thái rối loạn cảm xúc.

Một câu chuyện khác cho thấy du học không chỉ là giấc mơ màu hồng là của một học sinh cấp III tên Th (TP.Hồ Chí Minh). Đặt chân xuống đất Mỹ chưa được một tháng, gia đình em đã một phen lao đao khi nhận được điện thoại cầu cứu của cô con gái. Chẳng là, do gặp vấn đề với trường đã đăng ký từ trước nên trung tâm du học đã gợi ý chuyển qua một trường khác “tốt hơn”. Không ngờ rằng ngôi trường đó lại hoàn toàn không như những lời “tư vấn”.
 
Nằm ở một thị trấn nhỏ xíu chỉ có 20.000 dân cách San Francisco gần 300km, với con đường đi qua một vùng rừng núi heo hút, ngôi trường chỉ với 200 học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 của cô bé hoàn toàn là một vùng biệt lập. Lớn lên giữa TP.HCM sôi động, Th. đã vô cùng sợ hãi khi thử đi bộ ra đường trong một buổi chiều và bị một người đàn ông lạ mặt bám theo. Sau đó, cô bé gần như ở lì trong trường và không giao tiếp với ai. (Một phần do phát âm địa phương quá khó nghe nên Th. không có cách nào giao tiếp được).

Sau một tháng với những lá thư kêu cứu và đòi về của cô con gái thì gia đình đã quyết định mua vé máy bay cho cô bé trở về. “Tiền mất tật mang, nhưng ít nhất còn người mà quay về là tốt rồi!” – Bố mẹ cô bé buồn rầu nói.
 
Giấc mơ du học không phải luôn màu hồng 2
Những chuyến du học thất bại, những câu chuyện đau lòng đã không còn là chuyện“hiếm”

Trên đây chỉ là một vài trường hợp tiêu biểu mà báo chí đề cập đến gần đây như là mặt trái của ước mơ du học.
 
Còn  nhiều khó khăn mà các em lựa chọn con đường này sẽ phải trải qua. Không có một con số thống kê nào chính xác được đưa ra, nhưng hiện tượng du học sinh phải bỏ ngang học hành về nước là một hiện tượng có thật, đang diễn ra và ngày càng trở nên phổ biến đến mức độ đáng báo động trong xã hội. Trong số hơn 100.000 du học sinh Việt Nam tại nước ngoài kia, liệu sẽ còn bao nhiêu câu chuyện buồn về những chuyến du học thất bại?
 
Việt Nam là một đất nước hiếu học. Cùng với sự phát triển của xã hội, nhiều gia đình kinh tế khá giả không ngần ngại bỏ rất nhiều tiền cho con em đi du học, với khát vọng các em sẽ giành được thành công trong cuộc sống. Thế nhưng, đã đến lúc chính các em và các bậc phụ huynh phải nhìn nhận sự việc một cách kỹ lưỡng hơn, bởi những giấc mơ du học không mang màu hồng.

Kỳ tới: Tương lai nào cho em?