Bạn sẽ rất sốc nếu biết các trận đá bóng ngày xưa diễn ra bạo lực như thế nào

Minh Khánh, Theo Helino 11:08 05/07/2018

Những trận đấu của bạo lực, của chấn thương, và khiến người chơi phải bỏ mạng.

Một fan trung thành của bộ môn túc cầu hẳn sẽ không lạ gì với những cảnh tranh chấp bóng quyết liệt, những pha phạm lỗi giữa các cầu thủ. Các tình huống như vậy dễ dẫn đến ẩu đả, hoặc thậm chí gây ra chấn thương nặng như đổ máu, gãy xương, đứt dây chằng...

Bạn sẽ rất sốc nếu biết các trận đá bóng ngày xưa diễn ra bạo lực như thế nào - Ảnh 1.

Trong trận đấu giữa Manchester United và PSV Eindhoven vào năm 2015, Luke Shaw đã bị gãy đôi chân phải sau pha truy cản của Hector Moreno

Dù luật bóng đá cũng đã góp phần giảm bớt, nhưng đôi khi các hành vi phi thể thao vẫn xảy ra. Có điều nếu cho rằng như vậy đã là bạo lực không thể chịu nổi, thì có lẽ bạn sẽ shock nếu biết người thời xưa chơi bóng như thế nào.

Đối với các nền văn minh Trung Mỹ thời Tiền Columbus, từ rất lâu họ cũng đã có một môn bóng riêng với nhiều nét tương đồng với bóng đá hiện đại. Chỉ khác ở chỗ, nó được nâng tầm lên thành một hoạt động tôn giáo, và người tham gia có thể trả giá bằng cả mạng sống. 

Pokolpok - môn bóng đá phải trả giá bằng cái chết

Pokolpok (theo cách gọi trong tiếng Anh), hoặc juego de pelota (tiếng Tây Ban Nha) là một môn bóng xuất hiện ở vùng Trung Mỹ từ khoảng năm 1400 TCN, và rất phổ biến ở các nền văn minh cổ đại như Olmec, Maya, Aztec, và Toltec.

Đây là một môn chơi bóng, nên hiển nhiên là phải có bóng. Quả bóng trong pokolpok là một khối cầu đặc được chế tạo từ cao su tự nhiên để khô, có thể nặng tới 4kg. 

Bạn sẽ rất sốc nếu biết các trận đá bóng ngày xưa diễn ra bạo lực như thế nào - Ảnh 2.

Bóng cao su đặc dùng trong pokolpok

Luật chơi pokolpok chưa được hiểu rõ lắm. Nhưng theo hình vẽ trên các di chỉ khảo cổ thì trò chơi được tiến hành giữa 2 đội chơi, mỗi đội gồm từ 2 - 6 người, trên một sân bóng có dạng hình chữ I được bao bởi bức tường đá. Trên hai bức tường dài nhất đối diện nhau được thiết kế một vòng tròn đá gắn trên cao.

Người chơi có thể dùng nhiều bộ phận cơ thể gồm bàn chân, đầu gối, hông, cẳng tay... để đưa bóng qua vòng đá. Đội thắng cuộc là đội giành được nhiều điểm hơn. Một số phiên bản trò chơi còn cho dùng thêm gậy và vợt để đưa quả bóng bay qua lại giữa hai đội và không được để bóng chạm đất.

Bạn sẽ rất sốc nếu biết các trận đá bóng ngày xưa diễn ra bạo lực như thế nào - Ảnh 3.

Sân bóng pokolpok tại di tích Chichen Itza, Mexico

Gần như mọi đối tượng, từ thanh niên trai tráng cho đến trẻ em và phụ nữ đều có thể chơi môn này. Tuy nhiên, có lẽ không phải ai cũng dám chơi, bởi vì trò này có ý nghĩa tôn giáo hết sức to lớn.

Theo các di chỉ khảo cổ, thì trái bóng được ví như chuyển động của các thiên thể trên bầu trời. Trò chơi thể hiện lại trận chiến giữa Mặt trời với Mặt trăng, giữa ánh sáng và bóng tối. Vì thế, polkolpok còn được gắn với các nghi lễ hiến sinh mà ở đó đội trưởng đội thua sẽ bị.... chặt đầu!

Bạn sẽ rất sốc nếu biết các trận đá bóng ngày xưa diễn ra bạo lực như thế nào - Ảnh 4.

Bức tranh tường tại di tích El Tajín thể hiện sự hiến sinh của một người chơi pokolpok

Thậm chí ngay cả khi không phải chơi để hiến tế, thì đây vẫn là một môn thể thao nguy hiểm. Bạn thử tưởng tượng mình co chân sút vào một quả bóng cao su nặng tới 4kg xem ra sao? Chưa kể, một trái bóng như vậy nếu bay với tốc độ cao sẽ gây chấn thương hết sức nghiêm trọng, dù va vào bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể. 

Theo ghi chép của Diego Durán - một nhà thám hiểm người Tây Ban Nha đã đến Mexico vào 500 năm trước và được chứng kiến một trận pokolpok. Nhiều người chơi đã tử nạn vì bị bóng văng trúng miệng và bụng.

Còn việc sở hữu các vết bầm tím hoặc chảy máu là quá bình thường đối với người chơi pokolpok rồi.

Bạn sẽ rất sốc nếu biết các trận đá bóng ngày xưa diễn ra bạo lực như thế nào - Ảnh 5.

Hình ảnh mô phỏng lại một trận đấu pokolpok

Nêu vậy để biết rằng dù bóng đá ngày nay kịch liệt lên án các hành vi bạo lực và phi thể thao, thì ít nhất tất cả cũng nên cảm thấy may mắn vì chưa phải chơi bộ môn bóng đá "sát thủ" kia.

Nguồn: Wikipedia, Culture Trip, Acient Origin