Vi vu Thái Lan sống ảo bằng iPhone thay vì máy ảnh: Mách bạn 4 mẹo chụp ảnh "căng đét" không lo lỗ vốn!

Hà Thu, Theo Trí Thức Trẻ 11:18 16/08/2019

Không cần tới máy ảnh cục mịch nặng nề, liệu một chiếc iPhone có đủ để làm hài lòng nhu cầu của các tín đồ du lịch?

Những năm gần đây, cuộc cạnh tranh giữa chất lượng và trải nghiệm chụp ảnh của smartphone so với máy ảnh vẫn chưa thể kết thúc, mặc cho cả 2 bên đều đã có những thăng trầm lên xuống khôn lường theo thời đại. Thành thực mà nói, chắc chắn smartphone hiện nay không thể nào "có cửa" đọ với những bộ máy ảnh dành cho lĩnh vực hoạt động chuyên sâu - vốn đã và đang là quan điểm được thừa nhận bởi rất nhiều chuyên gia trên thế giới. 

Tuy nhiên, nếu mục đích sử dụng xoay quanh nhu cầu sống ảo đời thường hàng ngày, liệu smartphone giờ đã đủ tầm thốt ra những lời nói có trọng lượng hay chưa? Suốt vài tháng liền suy nghĩ đắn đo, cuối cùng tôi cũng quyết định nói lời tạm biệt với chiếc máy ảnh quen thuộc, chọn một chiếc iPhone X làm người bạn mới để đi tìm lời giải đáp trong chuyến du lịch tới Chiang Mai (Thái Lan) trong hè này.

Vi vu Thái Lan sống ảo bằng iPhone thay vì máy ảnh: Mách bạn 4 mẹo chụp ảnh căng đét không lo lỗ vốn! - Ảnh 1.

Tại sao lại bán máy ảnh, tại sao lại là iPhone X?

"Đầu tiên là tiền đâu", đó hẳn là phương châm ưa thích dành cho bất kỳ ai túi tiền không mấy dư dả nhưng vẫn muốn mua sắm và thử nghiệm những thứ mới mẻ - và dĩ nhiên là không hề rẻ rúng một chút nào. Máy ảnh tuy có những ưu điểm không thể chối cãi, nhưng riêng trọng lượng, độ lỉnh kỉnh cũng như công sức bảo quản (nhạy cảm với độ ẩm, nhiệt độ...) lại tốn gấp nhiều lần so với một chiếc smartphone nhỏ bằng bàn tay. Thứ đầu tiên cần tính toán ở trường hợp này là làm sao để bán máy ảnh với giá "hời" nhất, đồng thời chọn mua một chiếc smartphone hợp lý không kém đối với số vốn hiện tại. 

Nửa tháng rao vặt phá giá cực hấp dẫn cùng hàng tá những lời mời chào mặc cả, cuối cùng tôi cũng đẩy đi được một chiếc thân máy ảnh Nikon bán chuyên cùng cặp lens (ống kính), tổng trị giá 12 triệu đồng. Về phần smartphone, iPhone là lựa chọn hàng đầu của tôi cũng như nhiều bạn trẻ khác. Đó thật sự là một lời khẳng định không nói quá, cũng không văn vẻ theo cách mà fan hâm mộ hay làm, chỉ đơn giản là trình độ tối ưu của Apple cho camera và tốc độ chung đã đạt tầm lý tưởng, bền bỉ và lâu dài theo thời gian.

Trong hàng ngũ sản phẩm hiện tại, iPhone X sẽ là ứng cử viên sáng giá nhất khi mang camera kép (bước nâng cấp đột phá cần phải có so với camera đơn), sức mạnh gần như không thua kém so với iPhone XS/XS Max, chỉ khác biệt chút về tiêu cự camera (chênh lệch 2mm) và vài tính năng phụ trong khi giá thành lại giảm đáng kể. Với mức tiền 12 triệu có sẵn nhờ bán máy ảnh, chỉ cần bỏ thêm 2-3 triệu nữa đã có thể mang về một chiếc iPhone X quốc tế mới 100%, thậm chí thấp hơn nếu bạn tự tin vào kinh nghiệm check máy để mạo hiểm mua hàng "second-hand".

Vi vu Thái Lan sống ảo bằng iPhone thay vì máy ảnh: Mách bạn 4 mẹo chụp ảnh căng đét không lo lỗ vốn! - Ảnh 2.

Vậy còn iPhone 7 Plus, 8 Plus thì sao, chẳng phải chúng cũng có camera kép? Thực chất, cảm biến trên iPhone X vẫn có phần nhỉnh hơn về kích cỡ điểm ảnh xử lý, giúp đem lại kết quả khả quan hơn với những ai kỹ tính. Hơn nữa, iPhone X đem lại cảm giác hợp mốt hơn về thiết kế, đáp ứng được cả nhu cầu cá nhân về thời trang công nghệ nếu bạn thật sự quan tâm để vẻ ngoài thiết bị.

Lên đường và trải nghiệm

Trước tiên, hãy cùng điểm qua 3 khác biệt cơ bản nhưng lại vô cùng quan trọng và chính yếu cho thấy sự thiệt thòi của một chiếc iPhone X so với máy ảnh và ý nghĩa của từng khía cạnh.

- Cảm biến smartphone nhỏ hơn máy ảnh nhiều lần: Cảm biến là bộ phận quan trọng nhất đối với bất kỳ thiết bị chụp ảnh nào, bởi nó phụ trách việc tiếp nhận ánh sáng làm nên kết quả ảnh chụp. Chưa nói tới chênh lệch công nghệ, kích cỡ cảm biến của smartphone luôn lép vế nhiều lần so với máy ảnh, tác động khác nhiều tới hiệu ứng ảnh chụp trong các hoàn cảnh cụ thể.

- Smartphone không có ống kính rời như phần lớn máy ảnh: Tương tự như cảm biến, ống kính cũng là bộ phận yếu điểm giúp tạo nên nhiều hiệu ứng ảnh quang học phức tạp và đặc biệt, thường chỉ được thể hiện rõ nhất trên máy ảnh thay vì smartphone. Chỉ tính riêng việc thay đổi tiêu cự, độ zoom thu phóng đã quá đủ để smartphone vẫy tay xin hàng ngay từ đầu.

- Smartphone không thể thay đổi các thông số chuyên sâu toàn diện như máy ảnh: Mặc dù vẫn có những ứng dụng bên ngoài giúp can thiệp sâu vào hệ thống để thay đổi cài đặt chi tiết, nhưng bấy nhiêu đó là chưa đủ. Khả năng thay đổi khẩu độ nay chỉ có mình Samsung làm được, nhưng cũng chỉ giới hạn ở 2 mức gần nhau, không quá đáng kể so với những gì có trên một chiếc máy ảnh thực thụ.

Tuy nhiên, bấy nhiêu đó không có nghĩa smartphone sẽ vô phương cứu chữa trong khoản sống ảo khi đi du lịch. Sau đây là một vài ví dụ và các "mánh khóe" mách nước cho bạn đối phó với từng điều kiện và môi trường chụp ảnh thường thấy dành cho smartphone.

1. Ngoại cảnh và chủ thể tối giản

Lợi thế của smartphone với độ mở góc rộng có sẵn sẽ rất thích hợp với những bức ảnh cận cảnh, ít chiều sâu hoặc flatlay. Vì vậy, những đối tượng đặt trên một phông nền mặt phẳng sẽ rất dễ tận dụng cho một tấm ảnh đẹp mà không mất quá nhiều công căn chỉnh. Ngoài ra, điều này cũng giúp hạn chế yếu điểm và thiếu sót về hiệu ứng tiêu cự vốn chỉ được thể hiện rõ trên máy ảnh, khó mà tái hiện trên smartphone.


2. Ngoại cảnh rộng, phức tạp, có chiều sâu

Vi vu Thái Lan sống ảo bằng iPhone thay vì máy ảnh: Mách bạn 4 mẹo chụp ảnh căng đét không lo lỗ vốn! - Ảnh 6.

Đối với điều kiện môi trường phức tạp, người chụp cần có một chút mắt nhìn tinh tế để nhận ra các góc độc đáo và bấm máy. Bố cục đối xứng là một trong những cách kinh điển nhất nhưng không bao giờ nhàm chán và lỗi thời, lại dễ chọn góc kể cả ở điều kiện tấp nập người qua lại như sân bay Nội Bài.


3. Ngoại cảnh hẹp, phức tạp, chiều sâu trung bình

Trong trường hợp ngoại cảnh phức tạp nhưng không đủ yếu tố phù hợp cho bố cục đối xứng, hãy áp dụng mẹo đồng nhất khung hình và chọn màu tổng thể. Cố gắng cho những vị trí đường nét vật thể như cạnh bàn, cạnh tủ sách, kệ cafe... song song với 2 viền ảnh để tạo sự đồng nhất với mắt nhìn. Cuối cùng, chỉ nên chọn môi trường toát lên một màu tổng thể ngay từ cái nhìn đầu tiên (chẳng hạn như tông cam/đỏ ở 3 bức ảnh trên) để dễ bề chỉnh màu cũng như làm nổi cảm xúc truyền tải trong ảnh.


4. Ngoại cảnh ổn định, nhưng phức tạp về màu sắc

Vi vu Thái Lan sống ảo bằng iPhone thay vì máy ảnh: Mách bạn 4 mẹo chụp ảnh căng đét không lo lỗ vốn! - Ảnh 10.

Trong trường hợp điều kiện môi trường khá ổn định, ít yếu tố phức tạp như người qua lại đông đúc nhưng không thể chọn ra màu sắc tổng quát như mẹo 3 phía trên, hãy bỏ túi một vài kiến thức về các phối màu phù hợp. Chẳng hạn, đỏ - xanh lá - xanh biển là bộ tổ hợp 3 màu rất quen thuộc, khiến tổng thể bức ảnh nổi bật lên theo cách nịnh mắt nhưng không hề tầm thường như những khi chụp vội.

Trong những trường hợp khác, nếu cảm thấy chủ thể mình chọn khá bình thường và không có gì nổi bật, hãy thử filter chỉnh ảnh "color pop" - chỉ làm nổi duy nhất 1 màu trong toàn bức ảnh, còn lại các màu khác bị triệt tiêu trở về hiện trạng đơn sắc. Với mẹo nhỏ mà có võ này, kể cả khi không có hiệu ứng xóa phông ảo diệu, bức ảnh của bạn trông sẽ đặc biệt hơn rất nhiều mà không cần mất công căn chỉnh, biến hóa cao siêu như chuyên gia. Một trong những ứng dụng nổi tiếng nhất có sẵn filter "color pop" chính là Adobe Photoshop Express bản mobile, miễn phí 100%.


Các nhược điểm còn tồn tại: Nói đi cũng phải nói lại, bên cạnh việc không thể xóa phông một cách đúng nghĩa thì smartphone còn chịu một số nhược điểm cố hữu khác như ảnh quá nhiễu khi chụp thiếu sáng; không thể chụp thu phóng xa, xóa phông đúng nghĩa theo tiêu cự như máy ảnh.

Vi vu Thái Lan sống ảo bằng iPhone thay vì máy ảnh: Mách bạn 4 mẹo chụp ảnh căng đét không lo lỗ vốn! - Ảnh 13.

Thử sử dụng tính năng "Portrait Mode" mô phỏng xóa phông trên iPhone X, kết quả tạo ra khá thất vọng với chủ thể phức tạp như viền một chai thủy tinh hoặc các góc cạnh mỏng. Chi tiết này đã khiến hệ thống của Apple bối rối, chưa đủ tinh vi để tính toán chính xác về độ xóa phông.

Vi vu Thái Lan sống ảo bằng iPhone thay vì máy ảnh: Mách bạn 4 mẹo chụp ảnh căng đét không lo lỗ vốn! - Ảnh 14.

Khả năng thay đổi tiêu cự dựa vào ống kính thứ 2 trong cụm camera kép là có thể, nhưng tất nhiên không tạo ra được hiệu ứng quang học chụp xa và xóa phông rõ ràng vốn có như trên máy ảnh. Bức ảnh trên lấy nét vào cạnh bàn ngoài hiên nhà, nhưng bức tường gạch làm hậu cảnh phía sau vẫn gần như rất rõ ràng đủ nét. Đây là một trong những điểm yếu mang đậm dấu ấn thiệt thòi nhất khi chụp ảnh trên smartphone do với máy ảnh.

Nhiễu ảnh cũng là tình trạng dễ thấy khi chụp ảnh smartphone bởi trình độ xử lý của cảm biến điện thoại nhỏ bé chưa thể so bì với những gì có được trên máy ảnh.


Lời kết

Tựu chung lại, mặc dù vẫn còn mang nhiều dấu hiệu bị "dìm" để so bì được với những gì có được trên một chiếc máy ảnh thực thụ, nhưng smartphone nói chung vẫn có thể thỏa mãn được nhu cầu chụp ảnh nghiêm túc nếu thật sự biết cách thích nghi. Ngoài ra, ưu điểm lớn nhất nằm ở khả năng linh động, ứng biến dễ dàng và kích thước gọn nhẹ bỏ túi, chắc chắn sẽ dễ chịu hơn nhiều đối với những ai thích bay nhảy du lịch nhiều nơi. 

Câu trả lời và quyết định cuối cùng nằm ở chính bản thân mỗi người trong chúng ta: Bạn sẽ có đủ sức mang theo một chùm máy ảnh với ống kính nặng vài cân, bạn làm nghề nghệ thuật nghiêm túc, hay bạn sẽ là một tín đồ ưa xê dịch và mong muốn sự gọn nhẹ hết sức có thể, "đa di năng" đúng chất sinh ra dành cho smartphone?