Bạn "lỡ khai" gì khi nói mớ?

A. Thư, Theo Người Lao Động 11:20 14/10/2017

Nhiều người lo sợ nói mớ lúc ngủ có thể vô tình tiết lộ về một người yêu, thậm chí "tự thú" mình đã gây ra một vụ án nghiêm trọng.

Nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi tiến sĩ - bác sĩ Isabelle Arnulf, công tác tại Đơn vị Bệnh lý giấc ngủ, Bệnh viện Pitié Sal pêtrière và Đại học Sorbonne (Pháp), đã theo dõi giấc ngủ của 232 người tình nguyện cả nam và nữ.

Trong đó có 129 người mắc rối loạn giấc ngủ nhẹ, 87 người rối loạn giấc ngủ nặng, 1 người mắc chứng ngưng thở khi ngủ và 15 người hoàn toàn khỏe mạnh.

Bạn lỡ khai gì khi nói mớ? - Ảnh 1.

Rắc rối lớn nhất người nói mớ gặp phải là người thân luôn khó chịu với họ - Ảnh: THE GUARDIAN

Họ đã thu thập được 882 đoạn phát âm và nhận thấy 59% lời nói không thể hiểu được (tiếng la hét, lầm bầm vô nghĩa, cười thành tiếng), còn lại khoảng 3.349 từ/cụm từ có thể hiểu. Khá bất ngờ, trong số các từ hiểu được, thường gặp nhất là từ "không" (chiếm 21,4%).

Tiếp sau đó, những câu hỏi và các mệnh đề "không ăn đâu vào đâu" chiếm ưu thế ở nhóm bị rối loạn giấc ngủ, còn những người khỏe mạnh thì… chửi thề và phát ra những từ tục tĩu.

Nghiên cứu cũng cho thấy những người nói mớ khi ngủ thực sự gặp khó khăn trong cuộc sống. Họ làm bạn đời/bạn cùng phòng khó chịu nên thường bị đánh thức một cách thô bạo, thậm chí bị lăng mạ, đặc biệt là người đang sống trong môi trường tập thể. Nhiều người hốc hác và rối loạn giấc ngủ nặng nề thêm vì những khó khăn này.

Bình luận về nghiên cứu trên tờ The Guardian, Tiến sĩ Nerina Ramlakhan - nhà trị liệu về giấc ngủ và là tác giả của cuốn Fast Asleep, Wide Awake - cho rằng hiện tượng nói mớ có thể liên quan đến việc hệ thống thần kinh bị quá tải, sử dụng quá nhiều thiết bị công nghệ trước khi đi ngủ hoặc quá nhiều caffeine. Tình trạng nói tục trong giấc ngủ cũng dễ gặp hơn ở những người cầu toàn, khắt khe với bản thân, tức họ đã cố kìm nén những từ ngữ đó trong ngày để rồi lỡ miệng trong giấc ngủ.

Nhiều người sợ hãi rằng lời nói không kiểm soát lúc ngủ có thể vô tình tiết lộ về một người yêu, thậm chí "tự thú" mình đã gây ra một vụ án nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều đó khó lòng xảy ra.

Giáo sư Jim Horne, cựu giám đốc trung tâm nghiên cứu giấc ngủ của Đại học Loughborough, cho rằng âm thanh trong giấc ngủ chỉ phản ánh một tâm trạng rối bời. Thứ duy nhất có nghĩa là việc nói mớ phản ánh sự lo lắng, căng thẳng. Bạn nên quan tâm đến việc tìm ra thứ gì khiến họ lo lắng và giúp đỡ, thay vì cố ngồi phân tích lời nói, bởi lẽ đôi khi nó hoàn toàn lung tung và chẳng ăn nhập gì.

Các nghiên cứu về giấc ngủ khác cho thấy đa số các trường hợp nói mớ không đáng lo ngại, nó chỉ thỉnh thoảng xảy ra. Nhưng nếu bạn được người nhà cho biết là nói mớ quá thường xuyên, bạn nên đi kiểm tra vì có thể có một vấn đề y khoa nào đó chưa được chẩn đoán, ví dụ rối loạn giấc ngủ, suy nhược, rối loạn lo âu, stress…

Các thông tin trên vừa được công bố trên tạp chí khoa học Oxford Academic Journal.

Theo Guardian, Sputnik, Oxford Acdemy Journal