"Bad Genius": Đừng nghĩ học hành là chuyện trẻ con, gia đình quan trọng lắm, nếu không, Bank đã chẳng lạc lối như thế!

Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 22/09/2017

Không ai khác, Bank chính là nhân vật được khán giả bàn tán và suy nghĩ nhiều nhất sau khi xem "Bad Genius".

Câu chuyện về hai đứa trẻ thiên tài, học sinh giỏi của trường nhưng rốt cuộc lại trở thành tội phạm quay cóp xuyên quốc gia trong Bad Genius (Thiên tài bất hảo) đã để lại nhiều suy nghĩ cho khán giả.

Đặc biệt, người ta nói về Bank nhiều hơn cả. Bởi sự thay đổi đến bất ngờ của nhân vật này ở cuối phim. Có người bênh vực, có người đồng cảm, cũng có người lên án. Ngay cả lý do khiến Bank trở nên "biến chất" cũng được mổ xẻ và phân tích thành dăm bảy trường hợp. Bài viết này nằm trong số đó và đi theo hướng bênh vực Bank. Vì tôi tin chắc rằng nếu Bank có một gia đình tốt như Lynn thì mọi chuyện đã khác.

Những đứa trẻ học hành với nỗi cô đơn

So với những người xung quanh, tôi có một sự cảm thông sâu sắc với Bank ngay từ khi thấy cậu dắt chiếc xe máy vào nhà, để chiếc điện thoại đang phát nhạc cổ điển lên bàn và giặt đồ thay mẹ trong đêm tối chập choạng. Không phải vì hoàn cảnh của tôi cũng khó khăn như Bank. Mà đồng cảm ở chỗ, chúng tôi, những học sinh giỏi, lại luôn cảm thấy chơi vơi trong chính căn nhà mình.

Bad Genius: Đừng nghĩ học hành là chuyện trẻ con, gia đình quan trọng lắm, nếu không, Bank đã chẳng lạc lối như thế! - Ảnh 1.

Tôi may mắn hơn Bank khi không phải vừa đi học đến tối mịt, vừa về nhà đã phải vừa học bài vừa lo chuyện nhà cửa. Tôi không được sống cùng bố mẹ, ông bà nội là người nuôi tôi từ những ngày chưa được 3 tuổi. Đến khi tôi bắt đầu đi học thì ông bà cũng già đi nhiều. Mọi thứ từ việc đi mua bút, thước, sách vở trước ngày đi học tôi đều phải tự làm.

Tôi còn nhớ ngày đầu tiên đi học, được cô khen viết chữ đẹp cùng con 10 điểm to tướng, hí hửng đem về khoe ông bà thì nhận lại được một câu đại loại là "viết chữ đẹp có ý nghĩa gì đâu con, quan trọng là học cho giỏi, bác sĩ cũng viết chữ xấu òm mà". Tất nhiên tôi biết ông tôi không có ý xấu nhưng với tất cả những sự ngây thơ khi đó, mọi niềm vui trong tôi đổ vỡ.

Từ đó trở đi, dù tôi có học giỏi đến mấy, viết chữ đẹp đến mấy, nhiều giải thưởng đến mấy thì cũng chỉ có một mình tôi vui với tôi. Nhỡ có tháng nào bị tụt hạng, cũng chả ai trách mắng. Chính những cảm xúc đó khiến tôi nhận ra sợi dây liên kết chặt chẽ giữa mình và Bank - những đứa trẻ học hành với nỗi cô đơn.

Bad Genius: Đừng nghĩ học hành là chuyện trẻ con, gia đình quan trọng lắm, nếu không, Bank đã chẳng lạc lối như thế! - Ảnh 2.

Ừ thì học là học cho mình, cho tương lai của mình, có cô đơn thì đã làm sao!? Nhưng mà nhìn sang bạn bè được bố mẹ khen thưởng, thậm chí là trách mắng khi có tháng nào học kém, những đứa như bọn tôi làm sao không thấy chạnh lòng. Bank hay Lynn cũng vậy, cùng là thiên tài giống nhau, gia cảnh cùng thuộc dạng không được dư dả, hoàn toàn là một thế giới khác biệt với Grace và Pat. Cùng là những đứa trẻ học với cái gánh nặng thay đổi tương lai.

Lynn và Bank đều khuyết một người thân trong cuộc sống hằng ngày, Lynn sống với bố còn Bank sống với mẹ. Bố Lynn là giáo viên cấp II, ông làm mọi cách vì mong muốn đi du học của Lynn, kể cả phải đóng một số tiền rất lớn để con được học ở trường mới. Bank sống với mẹ, chủ tiệm giặt ủi. Mẹ Bank là một phụ nữ lầm lũi, thậm chí còn không được nhìn thấy mặt, bà chính là mục tiêu để Bank phải học thật giỏi, có được học bổng sang nước ngoài du học đổi đời, có tiền sửa tiệm cho mẹ.

Đi học đến tối mịt về nhà, chắc chắn là rất mệt nhưng thấy mẹ lui cui giặt đồ cho khách, cậu vẫn muốn giúp mẹ. Nhìn cách Bank thở dài bước vào nhà, đặt chiếc điện thoại lên bàn, mở loa ngoài để phát một bản nhạc cổ điển giúp tăng trí nhớ rồi ngồi xuống giặt đồ, không khó để nhận ra cậu đã quen với việc này. Thế giới của Bank tưởng như chỉ tồn tại 2 thứ: mẹ và học vì mẹ.

Bad Genius: Đừng nghĩ học hành là chuyện trẻ con, gia đình quan trọng lắm, nếu không, Bank đã chẳng lạc lối như thế! - Ảnh 3.

Nếu một đứa trẻ không nhận ra tại sao chúng phải đi học, hoặc đi học với một nhiệm vụ sai lệch thì thật đáng thương. Bank, tôi hay cả Lynn đều như thế. Chúng tôi đi học vì thành tích, vì ai đó, để đổi đời chứ không đơn thuần là đến trường để khám phá cuộc sống hay tiếp nhận kiến thức.

Đừng nghĩ chuyện học hành chỉ là của bọn trẻ con, trách nhiệm của cha mẹ nhiều lắm!

Giống nhau như vậy nhưng thực ra cả hai cũng rất khác nhau. Khi Lynn bị nhà trường phạt vì làm bài cho bạn vì tiền, bố Lynn bị mời lên nói chuyện. Phụ huynh nào cũng vậy, cảm giác lúc đó chắc chắn là xấu hổ và thất vọng với con mình. Khi về đến nhà, ông tra hỏi Lynn ngọn ngành, càng tá hoả khi biết Lynn đã kiếm tiền bằng cách gian lận thi cử suốt một thời gian. Ông cởi chiếc áo Lynn đã mua tặng mình ra trả lại con, bắt con mang tiền trả lại cho bạn. Những việc đó chắc chắn sẽ làm Lynn buồn nhưng cũng giúp cô bé nhận ra rằng bên cạnh vẫn có người ngăn mình làm sai.

Bad Genius: Đừng nghĩ học hành là chuyện trẻ con, gia đình quan trọng lắm, nếu không, Bank đã chẳng lạc lối như thế! - Ảnh 4.

Sở dĩ lúc đó Lynn vẫn tiếp tục sai phạm vì cô vẫn chưa chấp nhận sự sai trái trong hành động và suy nghĩ của mình, bằng sự háo thắng của tuổi trẻ, bằng cái nhìn vào cuộc đời với suy nghĩ còn non nớt. Cô đã đầu têu một kế hoạch kinh khủng hơn dựa trên chính sai lầm kia, lôi kéo cả một người đứng ở chiến tuyến khác về phe mình. Về mặt "lãnh đạo", Lynn hoàn toàn xuất sắc.

Nhưng ai cũng hiểu rõ, đến cuối cùng Lynn vẫn quay đầu, là vì chính người bạn kia. Khi Bank bị bắt ở Hội đồng thi bên Úc, Lynn vẫn nghĩ cậu sẽ khai cô ra nên đã định bụng sẽ chạy sang cùng chịu tội. Nhưng khi vừa đẩy cửa vào thì Bank đã ra hiệu cho Lynn bỏ đi, để một mình cậu chịu. Lynn lúc đó đã nghĩ rằng Bank thật cao thượng. Chính điều đó đã làm Lynn cảm thấy tội lỗi và cắn rứt.

Bad Genius: Đừng nghĩ học hành là chuyện trẻ con, gia đình quan trọng lắm, nếu không, Bank đã chẳng lạc lối như thế! - Ảnh 5.

Khi vừa về đến sân bay, nhìn người cha già ra đón mình, hỏi một câu "Bạn trai đâu rồi" mà không hề biết con gái mình vừa trở về từ một kế hoạch dối trá cho chính cô đầu têu, Lynn bật khóc. Cô hiểu ra một điều đơn giản rằng, kể cả khi mình có thực sự nói dối bố rằng mình và bạn trai bỏ sang Úc để đi chơi thì bố cô vẫn sẵn sàng tha thứ. Thậm chí là đến cuối phim, khi Lynn quyết định nói ra sự thật với Hội đồng thi, bố cô vẫn ở bên cạnh, nắm tay và trấn an. Chỉ một câu nói "Đừng lo, có chuyện gì thì chúng ta sẽ cùng vượt qua", một câu nói sẽ tiếp cho con mình rất nhiều sức mạnh và sự sáng suốt, nhưng dường như Bank chưa bao giờ được nghe.

Hãy nhìn hình ảnh người mẹ lầm lũi của cậu đến trường kí tên vào tờ đơn buộc thôi học, nhìn cách bà ấy khóc nhưng sau đó vẫn nhận số tiền con trai đưa để sửa lại cửa tiệm, chúng ta mới hiểu Bank đáng thương đến thế nào. Cậu cũng có người mẹ tần tảo làm việc để lo cho mình đi học, nhưng người mẹ ấy dường như đã quá mệt mỏi với cuộc sống mà chấp nhận bước ra khỏi sự nghiệp học hành của con mình. Bà không chỉ vô tình tạo ra một áp lực cực lớn trên vai đứa con trai còn chưa kịp vào đời về gánh nặng kiếm tiền, trả ơn mà còn không làm tròn trách nhiệm là điểm tựa và bến bờ cho con quay đầu.

Bad Genius: Đừng nghĩ học hành là chuyện trẻ con, gia đình quan trọng lắm, nếu không, Bank đã chẳng lạc lối như thế! - Ảnh 6.

Nếu là bố Lynn, không đời nào có chuyện ông chấp nhận số tiền ấy. Ông sẽ bắt con khai nhận mọi chuyện, trả lại tiền nhưng luôn luôn ở bên cạnh và cầm tay con đi đến cuối đường, kể cả có phải bị người ta bỉ bai. Nhưng chắc chắn bản thân ông hiểu rằng việc mình nhận sai với chuyện mình làm chẳng có gì là xấu hổ, và ông đã khiến con mình hiểu ra điều đó.

Ngược lại, Bank có nghe mẹ mình mắng chửi hay khuyên răn không, chúng ta đều không biết. Nhưng có lẽ là không. Và chính sự im lặng kia đã khiến Bank càng ngày càng rơi sâu xuống đáy vực của sự lạc lõng. Lạc lõng trong chính ngôi nhà với người mẹ mình yêu thương, lạc lõng trên bước đường học tập mà lý ra mẹ phải là người luôn ở bên quan sát.

Đến cuối cùng, Bank đã biến chất, trở thành một nạn nhân của đồng tiền và nguyên do không phải vì cậu quá nghèo, mà là không có ai chỉ cậu đi đúng hướng. Hai hình ảnh đối lập về gia đình tưởng giống nhau hoá ra lại khác nhau đến đau lòng đã một lần nữa chỉ ra trách nhiệm của cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái lớn lao ra sao.

Bad Genius: Đừng nghĩ học hành là chuyện trẻ con, gia đình quan trọng lắm, nếu không, Bank đã chẳng lạc lối như thế! - Ảnh 7.

Đẻ con ra, cho ăn cho mặc, đóng tiền đi học chưa phải đã tròn trách nhiệm. Thuở còn cắp sách, đứa trẻ nào cũng chỉ là một đứa trẻ. Để chúng cảm thấy áp lực từ học hành đã là sai, huống chi còn đặt lên vai chúng cái áp lực đổi đời. Không chỉ đổi đời cho con mà còn đổi luôn đời của cha, của mẹ, trách nhiệm đó lớn lắm, đừng bắt một đứa trẻ còn chưa trưởng thành phải thực hiện.

Tưởng tượng mình là Bank, tôi cảm giác được thứ cậu ấy thèm khát nhất đã phải chôn xuống tận đáy lòng từ rất lâu. Không phải là nhà sang, xe đẹp hay cuộc sống phủ phê tiền bạc. Thứ mà Bank cần chỉ đơn giản là những cuộc đối thoại dài hơn với mẹ mình, những đêm hè nóng nực cùng mẹ giặt đồ cho khách, một câu hỏi thăm vào ngày thi cử, tiếng mở cửa khi con đi học về, hay là một vài câu trách mắng khi con lỡ làm sai.

Bởi cuộc đời là một chuỗi những sai lầm mà nếu không mắc phải ta sẽ không thể lớn khôn. Nhưng quan trọng hơn hết chính là ta phải biết mình sai ở đâu, bám vào đâu để dũng cảm quay đầu. Tội cho Bank vì cậu đã phải gồng mình làm một người lớn quá sớm, lạc lối quá sớm ở những ngày đáng ra hãy còn rất vô tư.