Bà giáo già 25 năm dạy học miễn phí, dùng lương hưu để chăm sóc những đứa trẻ nghèo như con ruột

Hà Nam, Theo Trí Thức Trẻ 06:43 21/11/2017

Suốt 25 năm qua, cô giáo Thanh đã mở lớp dạy học miễn phí cho lũ trẻ nghèo, khuyết tật trong xóm. Cả đời hết lòng vì nghiệp gieo chữ, niềm vui duy nhất của người phụ nữ không chồng, không con ấy là được nhìn thấy những đứa học trò của mình đọc được cái chữ.

Lớp học ở góc sân đầy nắng cho lũ trò nghèo

"O tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ, ơ thì mọc râu…", những tiếng đánh vần ê a cứ đều đặn vang lên hằng ngày trong góc sân của ngôi nhà nhỏ ở thôn 8, xã Tiên Thọ (huyện Tiên Phước, Quảng Nam).

Không học phí, thậm chí cô giáo Nguyễn Thị Thanh (65 tuổi) còn dùng tiền lương hưu để lo ăn uống và mua đồ dùng học tập cho học sinh suốt 25 năm qua. Và thật cảm động hơn khi hầu hết các em học sinh của cô đều là những đứa trẻ nghèo, khuyết tật hoặc chậm tiến.

Bà giáo già 25 năm dạy học miễn phí, dùng lương hưu để chăm sóc những đứa trẻ nghèo như con ruột - Ảnh 1.

Lớp học của cô Thanh chỉ có một tấm bảng đã phai màu, vài bộ bàn ghế in hằn nhiều vết ố nằm gói gọn dưới mái che được "chắp vá" thêm vài tấm nilon để làm "la phông" tránh cái nóng gắt.

Bà giáo già 25 năm dạy học miễn phí, dùng lương hưu để chăm sóc những đứa trẻ nghèo như con ruột - Ảnh 2.

Cô Thanh ân cần chỉ cho em Luân viết từng nét chữ.

Cũng như hàng chục đứa trẻ tại lớp học đặc biệt này, em Nguyễn Thành Luân (7 tuổi) được cô Thanh dẫn về kèm cặp từng con chữ để em theo kịp bạn bè cùng trang lứa. Nhà nghèo, cha bị tai nạn mất khả năng lao động, một mình mẹ lặn lội làm thuê từ sáng đến tối để nuôi gia đình, thua thiệt bạn bè nhiều thứ, lại ít được cha mẹ quan tâm nên Luân học hành rất chậm tiến. Được cô Thanh dạy dỗ suốt 3 tháng qua, bây giờ Luân không chỉ biết đánh vần mà còn biết làm toán.

Lớp học miễn phí của cô giáo Nguyễn Thị Thanh. Thực hiện: Hà Nam

Vừa được cô Thanh cầm tay tập viết tỉ mỉ từng nét chữ, em Luân ngây thơ nói: "Năm nay con học lớp 1, được học ở đây con rất vui vì được cô Thanh vừa dạy chữ, vừa cho ăn cơm với bánh kẹo và sách vở nữa. Con sẽ cố học giỏi để sau này có tiền chữa bệnh cho ba…".

Mở lớp dạy học, tận tình giảng dạy, giúp đỡ các em nhưng cô Thanh không lấy bất cứ một khoản tiền nào. Hiện cô Thanh dạy 3 lớp 1, 2 và 3 vào các buổi trong tuần...

Tranh thủ giờ giải lao, vừa nấu vài gói mì tôm cho những đứa học trò cưng của mình ăn, cô Thanh vừa tâm sự, năm 1980 cô ra trường và được phân công về huyện Trà My (Quảng Nam) để dạy học. Đến năm 1984, cô được chuyển công tác về Trường Tiểu học Trần Ngọc Sương ở gần nhà (nay là Trường Tiểu học Tiên Thọ).

Nơi quê nhà, chứng kiến nhiều đứa trẻ khuyết tật không có điều kiện để đến lớp. Rồi nhiều học trò chậm tiến của mình cũng đang phải chật vật với con chữ khiến cô lo lắng về tương lai của các em. Và rồi, cô quyết định dành số tiền lương ít ỏi để mua một tấm bảng và vài bộ bàn ghế cũ, sau đó đến từng nhà vận động phụ huynh đưa con em đến để mình dạy học miễn phí.

Bà giáo già 25 năm dạy học miễn phí, dùng lương hưu để chăm sóc những đứa trẻ nghèo như con ruột - Ảnh 5.

Hễ học sinh thấy đói là cô Thanh lại lụi hụi đi nấu mì tôm cho "các con" ăn có sức để học tiếp...

Bà giáo già 25 năm dạy học miễn phí, dùng lương hưu để chăm sóc những đứa trẻ nghèo như con ruột - Ảnh 6.

Cô yêu thương, chăm sóc học trò như những đứa con ruột thịt của mình vậy!

Bà giáo già 25 năm dạy học miễn phí, dùng lương hưu để chăm sóc những đứa trẻ nghèo như con ruột - Ảnh 7.

Những em nhỏ ở xóm nghèo yêu quý cô Thanh như một người mẹ, người bà của mình.

Ban đầu, chỉ có vài ba học sinh khuyết tật, chậm tiến được bố mẹ dẫn đến nhờ cô kèm cặp. Dần dần, học sinh nghèo tìm đến cô ngày càng nhiều. Cứ thế, hằng ngày sau một buổi trên trường, buổi còn lại cô dạy cho các em học sinh đặc biệt ở nhà mình.

"Lúc đầu, tôi chủ yếu dạy cho vài em bị khuyết tật. Về sau, phụ huynh dẫn học sinh đến xin vào học ngày càng đông, có thời điểm hơn cả trăm em. Nhà thì chật, đồ dùng dạy học hạn chế nhưng thấy hoàn cảnh em nào cũng khó khăn, không cầm lòng được nên tôi nhận hết…", cô Thanh trải lòng.

Bà giáo già 25 năm dạy học miễn phí, dùng lương hưu để chăm sóc những đứa trẻ nghèo như con ruột - Ảnh 8.

Dù đã nghỉ hưu nhưng cô Thanh vẫn còn nặng tình với sự nghiệp dạy chữ cho lũ trò nhỏ lắm.

Dù đông học sinh nhưng cô Thanh luôn tận tình uốn nắn từng nét chữ, dạy cách đánh vần phù hợp với từng em, từng lứa tuổi. Em nào học kém thì cô giảng lại bài vở đã được học trên lớp. Em nào học tốt cô giảng thêm những bài đọc, phép toán nâng cao. Còn với những học sinh khuyết tật, cô có giáo án riêng. Thậm chí có những em cô phải kiên trì suốt 4 năm ròng rã mới tập viết được cái chữ.

"Về hưu, xa trường nhưng tôi không thể xa học trò được"

Suốt 25 năm miệt mài dạy từng con chữ cho học trò nên cô hiểu hoàn cảnh của từng em. Có nhiều trẻ khuyết tật, không chịu đi học, cô lặn lội đến nhà để dỗ dành. Rồi nhiều em mồ côi, không thể tự đến lớp, cô lại tất tả đón đưa tận nhà.

Đặc biệt, nhiều em có cha mẹ đi làm tối mới về, cô giữ ở lại cho ăn cơm cùng mình. Đối với những học trò có hoàn cảnh khó khăn, cô còn mua tặng cả sách vở, bút thước và quần áo để các em yên tâm đến lớp.

Bà giáo già 25 năm dạy học miễn phí, dùng lương hưu để chăm sóc những đứa trẻ nghèo như con ruột - Ảnh 9.

Với cô, được giảng dạy, được nhìn các em học sinh trưởng thành từng ngày đã là một niềm vui lớn...

Bà giáo già 25 năm dạy học miễn phí, dùng lương hưu để chăm sóc những đứa trẻ nghèo như con ruột - Ảnh 10.

"Về hưu, xa trường nhưng tôi không thể xa học trò được", cô Thanh bộc bạch.

Tiếng lành đồn xa, năm 1997, có một đoàn từ thiện muốn xây 2 lớp học cho học sinh khuyết tật ở xã Tiên Thọ nhưng với điều kiện phải do chính cô Thanh đứng lớp. Mừng quá, cô liền gật đầu đồng ý bởi lâu nay cô luôn khắc khoải vì lớp học ở nhà mình quá nhỏ bé, trong khi học sinh thì ngày một đông.

Cứ thế, hằng ngày sau thời gian dạy trên trường, cô lại tranh thủ đến 2 lớp này để gieo chữ. Thế nhưng, niềm vui chẳng được bao lâu, năm 2002, 2 lớp học này phải giải tán vì địa phương thực hiện cơ chế cho các cháu khuyết tật tái hòa nhập cộng đồng. Thế rồi, do không theo kịp với những đứa trẻ bình thường, nhiều em khuyết tật lại được phụ huynh đưa đến nhà "năn nỉ" nhờ cô Thanh kèm cặp. Cô đành nhận lời và mở lại "lớp dạy học không công".

Bà giáo già 25 năm dạy học miễn phí, dùng lương hưu để chăm sóc những đứa trẻ nghèo như con ruột - Ảnh 11.

Cả đời tận tâm vì nghề giáo, có lẽ cũng chính vì thế mà đến bây giờ cô Thanh vẫn không có chồng con, hiện cô đang sống với mẹ già 87 tuổi.

Nhìn những đứa trẻ vui sướng khi hoàn thành một con chữ hay giải được một bài toán, tôi càng thấy trân trọng hơn những việc làm của cô Thanh.

Kể từ đó, cô Thanh vẫn ngày đêm miệt mài soạn giáo án, rèn từng con chữ cho hết thế hệ học trò này qua thế hệ khác. Đến nay, khi đã về hưu, cô lại dành hết thời gian cho lớp học này mà không lấy một đồng nào.

Cảm động hơn khi biết, đầu năm 2016, cô bị tai nạn giao thông phải nằm viện một tháng, do chân bị trái bị tổn thương nặng nên bác sỹ khuyên phải hạn chế cử động. Thế nhưng, vì quá nhớ học trò nên khi vừa được về nhà, với cái chân trái không lành lặn, cô vẫn mở lại lớp gần 2 năm nay.

Bà giáo già 25 năm dạy học miễn phí, dùng lương hưu để chăm sóc những đứa trẻ nghèo như con ruột - Ảnh 13.

Sau giờ dạy, cô Thanh lại tiếp tục với những công việc bình dị thường ngày. Cuộc sống đơn sơ, bình yên của "người lái đò thầm lặng" cứ thế trôi qua với bao nghĩa tình ấm áp, đáng trân quý.

Gắn bó với "lớp học ấm áp" này suốt 25 năm, bây giờ dù tuổi đã cao nhưng cái tâm, cái tình không cho phép cô Thanh dừng lại. Nhìn những đứa học trò nhỏ của mình đang bi bô tập đánh vần, cô Thanh cười phúc hậu chia sẻ: "Những đứa học trò này là đứa con tinh thần và là niềm vui duy nhất của cuộc đời tôi. Tôi thương các em như chính con cháu ruột của mình vậy. Tôi sẽ giúp các em theo đuổi con chữ cho đến khi nào tay không cầm được phấn nữa mới thôi… ".

Ông Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Tiên Thọ cho biết: "Hai mươi mấy năm nay, cô Thanh đã giúp đỡ rất nhiều trẻ em khuyết tật, nghèo khó ở địa phương bằng một cái tâm trong sáng. Cô có đóng góp rất lớn cho công tác khuyến học của xã và đã được tỉnh Quảng Nam tặng bằng khen Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cùng huy hiệu Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày