Australia: Giáo viên cũng trở thành nạn nhân của bắt nạt học đường

Nguyễn Minh, Theo TTXVN 19:07 20/04/2019

Theo phóng viên TTXVN tại Australia, 80% số giáo viên trong các trường phổ thông ở Australia đã từng bị học sinh hoặc phụ huynh bắt nạt hoặc quấy rối trong vòng một năm qua và hơn 85% cho rằng đây là một vấn nạn.

Thực trạng đáng báo động trên được nêu ra trong một báo cáo nghiên cứu mới đây của Tiến sĩ xã hội học Paulina Billett thuộc Đại học La Trobe, Australia.

Australia: Giáo viên cũng trở thành nạn nhân của bắt nạt học đường - Ảnh 1.

Một lớp học tại trường trung học St Johns ở Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc khảo sát được tiến hành trên 560 người, trong đó có hơn 80% là giáo viên và số còn lại là hiệu trưởng và phó hiệu trưởng các trường tiểu học và trung học trên khắp Australia, với hơn 85% là nữ. Theo kết quả khảo sát, gây gổ bằng lời nói là hình thức bắt nạt và quấy rối phổ biến nhất đối với giáo viên tiểu học, chủ yếu là từ phụ huynh và đối với giáo viên trung học là từ học sinh, nhưng theo cách tương tự nhau. Trong đó, la mắng và chửi thề là "hành vi số một” mà các giáo viên gặp phải từ cả học sinh và phụ huynh.

Điều đáng báo động là 10% số giáo viên được hỏi cho biết đã bị một học sinh đánh hoặc đấm và gần 13% nói tài sản cá nhân của họ bị đập phá hay làm hỏng. Gần 60% số giáo viên còn lại cho biết đã trải qua ít nhất một vụ bắt nạt hoặc quấy rối do phụ huynh học sinh gây ra. Kết quả khảo sát cũng cho thấy việc bắt nạt và quấy rối không chỉ làm gián đoạn hoạt động của toàn bộ lớp học và ảnh hưởng đến kết quả học tập và tinh thần của các học sinh khác, mà còn ảnh hưởng đến các giáo viên.

Tiến sĩ Billett nói bà không chỉ ngạc nhiên về mức độ bắt nạt và quấy rối đối với giáo viên, mà còn rất lo lắng về tác động tiêu cực của vấn nạn này, gây ra các vấn đề sức khỏe tâm thần và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của các giáo viên. Bà cho biết nhiều người từng cảm thấy mệt mỏi vì công việc, chán nản và bất lực trước các hành vi của học sinh, thâm chí còn mắc phải các triệu chứng của bệnh rối loạn tinh thần sau chấn thương (PTSD).

Để giải quyết vấn nạn trên, tiến sĩ Billett và các giáo viên tham gia khảo sát đều đồng ý cần phải có những hướng dẫn rõ ràng về những hành vi bị coi là bắt nạt hoặc quấy rối từ học sinh và phụ huynh. Đặc biệt, cần ban hành bộ quy tắc ứng xử bắt buộc đối với phụ huynh và học sinh được áp dụng trên tất cả các trường học ở Australia. Bộ quy tắc ứng xử này cần nêu rõ trách nhiệm cho hành vi bắt nạt hoặc quấy rối và cảnh báo về các hậu quả nếu vi phạm quy tắc ứng xử. Báo cáo của Tiến sĩ Billett đề nghị rà soát lại các chính sách và biện pháp đối phó với nạn bắt nạt và quấy rối nhằm vào giáo viên ở cấp liên bang và tiểu bang.

Các giáo viên cũng đề nghị cần có một chính sách không khoan nhượng đối với các hành vi bắt nạt và quấy rối của học sinh và phụ huynh, cùng với các hình phạt thích đáng cho bất kỳ vi phạm nào.