Áp lực của "Gái ế" trong xã hội Trung Quốc: Kết hôn có thật sự cần thiết khi bản thân người phụ nữ tự chủ và độc lập tài chính

Ame, Theo Helino 02:31 05/01/2020

200 triệu người Trung Quốc độc thân, tại sao ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc bắt đầu tránh xa hôn nhân?

Ở nhiều đất nước phát triển nhất Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,... độ tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ là 29, 30 tuổi, muộn hơn những người phụ nữ ngày xưa kết hôn theo truyền thống Châu Á và muộn hơn so với phương Tây (độ tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ Mỹ là 26).

Nhiều học giả và chuyên gia chú ý rằng đằng sau hiện tượng kết hôn muộn, phụ nữ Châu Á có xu hướng kết hôn muộn hơn trước đây hoặc thậm chí không kết hôn. Trong bối cảnh này, cụm từ "Thặng nữ" đã ra đời. Năm 2009, khi nhà báo người Mỹ Roseann Lake đến Trung Quốc lần đầu đã rất ngạc nhiên khi nghe đến cụm từ "Thặng nữ". Trong suy nghĩ của cô, những "Thặng nữ" này là những người phụ nữ tài giỏi, có học thức và tự lập. Tại sao lại sử dụng từ "thặng" (nghĩa là dư thừa) để nói về họ chỉ vì họ đã lớn tuổi mà chưa kết hôn?

Từ đó, Roseann đã phỏng vấn hàng trăm người phụ nữ "dư thừa" trong suốt 5 năm. Cô phát hiện ra rằng, những "Thặng nữ" có một lối sống riêng biệt. Ở Trung Quốc, những người phụ nữ này đang từng bước thoát khỏi những khuôn mẫu, họ là lực lượng to lớn đưa Trung Quốc đến một tương lai mới.

Hiện tại có 200 triệu người độc thân ở Trung Quốc, tỷ lệ đàn ông không kết hôn cao hơn nhiều so với phụ nữ.

Một nhãn hiệu mỹ phẩm nổi tiếng đã thực hiện một cuộc khảo sát liên quan đến áp lực tuổi tác của phụ nữ. Hầu hết người dân Trung Quốc tin rằng độ tuổi 27 là thời kỳ hoàng kim của người phụ nữ và có đến 60% phụ nữ Trung Quốc luôn xem tuổi tác là một nỗi lo thường trực trong lòng. Hơn 1 nửa phụ nữ Trung Quốc dưới 30 tuổi cho biết sự kỳ vọng của bố mẹ là áp lực lớn của họ.

Áp lực của Gái ế trong xã hội Trung Quốc: Kết hôn có thật sự cần thiết khi bản thân người phụ nữ tự chủ và độc lập tài chính - Ảnh 1.

Rất nhiều phụ nữ Trung Quốc phải bật khóc khi đối mặt với áp lực kết hôn từ xã hội và chính gia đình của mình.

Quyển sách "Thặng nữ: Sự trỗi dậy của bất bình đẳng giới ở Trung Quốc" của tác giả Hồng Lý Đạt (Leta Hong Fincher) đã chỉ ra rằng, phụ nữ độc thân ở Trung Quốc đang ở trong một bước ngoặt và rất nhiều người trong số đó đang nỗ lực đấu tranh chống lại sự kỳ thị của xã hội và chấp nhận một cuộc sống đơn thân như thế này.

Chính phủ Trung Quốc cũng đang cố gắng "thúc giục" phụ nữ độc thân lập gia đình để bù lại sự mất cân bằng giới tính do chính sách một con gây ra. Trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC, nữ tác giả Hồng Lý Đạt chia sẻ: "Đây là nhóm phụ nữ trẻ tuổi có sức mạnh, có sự tự tin. Toàn bộ xã hội Trung Quốc đều đang cố ý "ép hôn" họ. Nữ giới Trung Quốc hiện nay được hưởng một nền giáo dục tốt hơn bao giờ hết, những người "bài xích" hôn nhân cũng ngày càng nhiều hơn".

Áp lực của Gái ế trong xã hội Trung Quốc: Kết hôn có thật sự cần thiết khi bản thân người phụ nữ tự chủ và độc lập tài chính - Ảnh 2.

Tác giả Hồng Lý Đạt (Leta Hong Fincher).

Chủ tịch Markus Strobel của nhãn hiệu mỹ phẩm Nhật Bản SK-II đã từng đề cập đến việc hoàn thành một phim tài liệu về "Thặng nữ" ở Trung Quốc là một phần của chiến dịch truyền cảm hứng cho phụ nữ toàn cầu và trao quyền cho họ tự nắm giữ vận mệnh của chính mình.

Theo quan điểm truyền thống của người Trung Quốc, phụ nữ có chồng có con mới là một người toàn vẹn và không kết hôn chắc chắn là một người con bất hiếu. Ông Markus Strobel cho biết, đoạn video thể hiện các vấn đề mà nhiều phụ nữ Trung Quốc dũng cảm, giỏi giang đang phải đối mặt. Phải kết hôn trước 27 tuổi tạo ra một áp lực tinh thần cực kỳ lớn đè lên họ và họ cũng không muốn bị gọi là "Thặng nữ".

Khi đoạn video quảng bá dưới dạng phim tài liệu của nhãn hiệu SK-II được tung ra, đông đảo phụ nữ Trung Quốc hưởng ứng nhiệt tình. Một cô gái Bắc Kinh chia sẻ: "Tôi là một cô gái độc thân và tôi cần xem video quảng bá này, chỉ để nói với bản thân mình rằng tôi không cô đơn và tôi không sai lầm vì lựa chọn của mình. Một người có thể hạnh phúc mà không cần người đàn ông nào cả, và chúng ta không nên khổ sở khi chọn sai người ở bên cạnh".

Một người khác cũng chia sẻ ý kiến: "Tuổi tác chỉ là một con số, không nên biến nó thành dấu mốc trong đời. Với các chị em chưa gặp được một nửa của mình, đừng từ bỏ hy vọng và hãy lắng nghe con tim mình. Dù là bố mẹ thì cũng chỉ có bản thân bạn biết điều gì là phù hợp với mình. Và nếu bạn không thì được thì đừng đau buồn, hãy ăn mừng cho cuộc đời bạn".

Áp lực của Gái ế trong xã hội Trung Quốc: Kết hôn có thật sự cần thiết khi bản thân người phụ nữ tự chủ và độc lập tài chính - Ảnh 3.

Hình ảnh từ phim tài liệu Marriage Market Takeover của nhãn hàng SK-II năm 2016.

Đối mặt với áp lực của xã hội, hai nguồn sức mạnh giúp người phụ nữ tự chủ hơn chính là giáo dục và việc làm. Theo thống kê, trình độ học vấn của phụ nữ càng cao thì tuổi kết hôn càng muộn và sinh con càng ít.

Trình độ học vấn của phụ nữ Đông Á đã được cải thiện đáng kể trong 30 năm qua, tỷ lệ biết đọc biết viết gần như ngang bằng với nam giới. Ở Hàn Quốc, hiện nay nữ thạc sĩ đã chiếm 1 nửa số thạc sĩ ở quốc gia này.

Theo kết quả khảo sát năm 2003 tại Bắc Kinh, một nửa phụ nữ có thu nhập hàng tháng từ 5.000 đến 10.000 NDT (17 triệu đến 34 triệu VND) đã quyết định không kết hôn. Họ cho rằng mình không cần kết hôn vì có thể độc lập tài chính.

Ngoài ra, sự ảnh hưởng của giáo dục ở Trung Quốc đến tình trạng hôn nhân của phụ nữ có thể nhiều hơn phương Tây. Ở Mỹ, đàn ông tự hào khi được hẹn hò với người phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn, họ sẽ nghĩ: "Cô ấy xinh đẹp như thế, thông minh như thế mà lại chọn tôi!". Tuy nhiên, ở Trung Quốc có sự khác biệt đáng kể, người đàn ông vẫn còn bảo thủ, không muốn hạ mình cưới một người có trình độ cao hơn.

Một nhân viên ngân hàng 35 tuổi đã nói rằng, đàn ông Trung Quốc muốn vợ mình có vị giống như sữa chua, phải là "sữa chua nguyên vị", "không tinh chế" và không có chủ kiến riêng. Họ thích như vậy vì sẽ dễ dàng kiểm soát đối phương.

Trong 20 năm qua, tỷ lệ ly hôn của những người ngoài 50 tuổi đã tăng hơn 33%. Nhiều phụ nữ không còn sợ phải sống một mình, họ cũng không sợ áp lực xã hội đối với phái nữ độc thân lớn tuổi. Họ chọn sống cuộc sống mà bản thân muốn.

Sự biến mất của các giá trị truyền thống đã mang lại cho phụ nữ nhiều cơ hội tiếp cận giáo dục và tự chủ hơn, khuyến khích họ bước ra khỏi nhà và đến các công ty làm việc. Có được công việc khiến sự tự chủ tăng lên, họ có nhiều lựa chọn hơn bao gồm cả việc không lấy chồng.

Một cuộc nghiên cứu dài 5 năm trên 1000 người độc thân và 3000 người đã kết hôn tại Mỹ đã cho thấy, những người độc thân đã trải qua sự phát triển bản thân nhiều hơn. Họ sẵn sàng trải nghiệm và thử thách bản thân, họ tự chủ và tự quyết hơn.

Nhà báo người Mỹ Roseann Lake đang làm việc tại Bắc Kinh sau nhiều năm tìm hiểu về "Thặng nữ" ở Trung Quốc đã đúc kết được rằng: "Họ là những người hiểu rõ bản thân đang muốn gì, biết rõ những gì có thể khiến mình hạnh phúc". Họ tôn trọng sự tự do mà mình đang sở hữu, vì theo đuổi những thứ đó mà đồng ý đối mặt với mọi áp lực và sự chỉ trích.

Nguồn: Zhihu