Ăn kiêng theo chế độ Keto nhưng bạn có biết nó ra đời như thế nào không?

Pea, Theo Helino 15:50 22/11/2017

Cùng tìm hiểu về chế độ ăn Keto đang giúp rất nhiều người "biến hình" thành công này nhé!

Chế độ ăn Keto (Ketogenic diet) đã trở nên phổ biến từ thập niên 20, 30 như một liệu pháp thay thế cho phương pháp ăn chay truyền thống, được áp dụng cho hỗ trợ điều trị động kinh.

Tuy nhiên cuối cùng, chế độ ăn này đã không được xem trọng do sự ra đời của các liệu pháp chống co giật mới. Mặc dù hầu hết trường hợp động kinh đều có thể được kiểm soát tốt bằng thuốc; song vẫn chỉ chữa khỏi được khoảng 20% - 30% số ca. Đối với các trường hợp còn lại, đặc biệt là trẻ bị động kinh, chế độ Keto mới bắt đầu được giới thiệu lại như một liệu pháp chữa trị.

Ăn kiêng theo chế độ Keto nhưng bạn có biết nó ra đời như thế nào không? - Ảnh 1.

Vai trò của nhịn ăn trong điều trị bệnh đã được con người biết đến từ hàng ngàn năm trước, bằng chứng là sự xuất hiện của nó trong các nghiên cứu chi tiết của các thầy thuốc Ấn Độ và Hy Lạp cổ đại. Nghiên cứu đầu tiên nằm trong bộ sách y học Hippus Corpus mang tên “On the Sacred Disease” đã chỉ ra vai trò của sự thay đổi chế độ ăn đối với kiểm soát bệnh động kinh. Một tác giả khác trong cuốn "Epidemics" cũng đã miêu tả trường hợp một người đàn ông khỏi bệnh động kinh nhờ nhịn ăn hoặc uống.

Nghiên cứu hiện đại đầu tiên về công dụng của nhịn ăn trong điều trị động kinh đã được tiến hành tại Pháp năm 1911. Thời điểm đó, Kali bromua (KBr) được sử dụng để điều trị chứng động kinh, tuy nhiên chất này lại làm chậm thần kinh của bệnh nhân. Trong khi đó, 2 trong tổng số 20 bệnh nhân thử nghiệm chế độ ăn chay kết hợp với nhịn ăn đã cho thấy những cải thiện đáng kể, dù hầu hết họ đều không tuân thủ hoàn toàn chế độ này. Ăn chay thực sự đã cho thấy hiệu quả đáng kể so với việc dùng Kali bromua.

Cũng trong đầu thế kỷ 20, một người Mỹ tên là Bernarr Macfadden đã phổ biến ý tưởng tuyệt thực như một giải pháp phục hồi sức khỏe. Sinh viên của ông, Hugh Conklin, tiếp tục giới thiệu tuyệt thực để điều trị động kinh. Ông cho rằng các cơn co giật xảy ra do một loại độc tố tiết ra từ ruột và gợi ý người bệnh nên nhịn ăn trong 18 - 25 ngày để độc tan hết.

Các bệnh nhân của ông sau đó đã áp dụng chế độ tuyệt thực - chỉ uống nước (water diet). Kết quả đã có 90% trẻ em và 50% người lớn khỏi bệnh. Các phân tích nghiên cứu sau đó cũng đã chỉ ra rằng, trên thực tế có 20% bệnh nhân của ông đã thoát khỏi động kinh hoàn toàn, 50% được chứng minh có chuyển biến tốt.

Vào năm 1916, tuyệt thực đã được xem như một liệu pháp chính trong điều trị bệnh động kinh. Một bác sĩ khác là McMurray đã thông báo trên tạp chí New York Medical rằng ông đã chữa trị thành công cho các bệnh nhân của mình bằng cách thuốc kết hợp với một chế độ ăn kiêng không tinh bột và đường bắt đầu từ năm 1912.

9 năm sau (1921), nhà nghiên cứu nội tiết Rollin Woodyatt đã chỉ ra 3 loại hợp chất hòa tan trong nước bao gồm: axeton, β-hydroxybutyrate và acetoacetate (cùng được gọi là cơ quan xeton) được tạo ra bởi gan khi cơ thể tuân theo chế độ ăn giàu chất béo và ít carbohydrate. Russell Wilder trên chuyên trang Mayo Clinic đã gọi đây là "chế độ ăn Ketogenic" (Keto) và dùng nó như một phương pháp điều trị bệnh động kinh trong cùng năm.

Năm 1971, Peter Huttenlocher đã phát minh ra một chế độ ăn Keto mới (Keto MCT), trong đó 60% calo đến từ MCT oil (triglycerides chuỗi trung bình) thường có trong dầu dừa, cho phép bổ sung thêm nhiều protein và carbohydrate hơn so với chế độ ăn Keto truyền thống. Điều này đồng nghĩa với việc cha mẹ có thể chuẩn bị cho trẻ bị động kinh những bữa ăn với thực đơn phong phú hơn. Nhờ đó, nhiều bệnh viện cũng đã áp dụng chế độ ăn MCT này thay cho chế độ ăn Keto truyền thống trong khi một số khác kết hợp cả hai.

Đến năm 2007, chế độ ăn Keto nói chung đã được áp dụng tại 75 trung tâm trên 45 quốc gia. Chế độ này vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu để xác minh công dụng chữa trị các rối loạn khác ngoài động kinh.