Ám ảnh vì "1987" - Bộ phim khiến cả Tổng thống Hàn Quốc rơi lệ

Nguyên Khánh, Theo Trí Thức Trẻ 00:04 28/03/2018

Xuất sắc toàn diện cả về mặt kịch bản lẫn diễn xuất, cộng với cái nhìn khách quan đa chiều, "1987: When the Day Comes" đã làm Tổng thống đương nhiệm Moon Jae In, người từng tham gia ủng hộ phong trào dân chủ thập niên 80, cực kì xúc động.

"Làm vậy anh có thể thay đổi được thế giới không? Ngày đó sẽ không đến đâu. Đừng mơ mộng nữa, hãy tỉnh lại đi!".

Yeon Hee bật khóc khi nhớ lại những lời hằn học mà mình từng nói với Lee Han Yeol. Cô lặng lẽ chứng kiến dòng người đông đúc thuộc đủ mọi tầng lớp: từ công nhân, thợ thuyền, tài xế taxi cho tới sinh viên, doanh nhân trí thức... đang đổ ra đường. Tất cả khoác vai nhau như anh em một nhà, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu đấu tranh. Cờ xí, biểu ngữ tung bay ngợp trời. Cả đất nước 40 triệu dân đã đoàn kết lại, giấc mơ mà Lee Han Yeol tin tưởng theo đuổi cuối cùng đã trở thành sự thật.

Ám ảnh vì 1987 - Bộ phim khiến cả Tổng thống Hàn Quốc rơi lệ - Ảnh 1.

"1987: When the Day Comes"

Những ký ức, nỗi đau về chế độ cai trị độc tài của tổng thống Chun Doo Hwan và phong trào dân chủ thập niên 80 chưa bao giờ thôi nguôi ngoai trong lòng người dân xứ sở kimchi. Đề tài nhức nhối ấy từng được nhắc đến ở hàng loạt tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc như Peppermint Candy (1999), The Attorney (2013), A Taxi Driver (2017),... 1987: When the Day Comes, bộ phim do đạo diễn Jang Joon Hwan thực hiện, cũng khai thác nội dung tương tự nhưng dưới góc nhìn toàn diện, trần trụi và ám ảnh hơn rất nhiều. Tổng thống đương nhiệm Moon Jae In đã rơi lệ trong lúc xem tác phẩm này. Lời phát biểu của ông tại buổi công chiếu thậm chí còn khiến nam tài tử Kang Dong Won đứng cạnh không cầm nổi nước mắt.

Ám ảnh vì 1987 - Bộ phim khiến cả Tổng thống Hàn Quốc rơi lệ - Ảnh 2.

Kang Dong Won bật khóc trước phần chia sẻ của Tổng thống Moon Jae In

Dựa trên sự kiện có thật gây chấn động ngôn luận Hàn Quốc, 1987 mở đầu bằng cái chết đầy uẩn khúc của cậu sinh viên 21 tuổi Park Jong Chul sau khi trải qua buổi thẩm vấn với lực lượng cảnh sát. Ban đầu, chính quyền muốn xử lý nhanh gọn bằng cách âm thầm hỏa táng thi thể cậu ta. Tuy nhiên, tin tức về cái chết của Park Jong Chul đã nhanh chóng bị cánh báo chí nắm được. Trước áp lực mạnh mẽ từ phía truyền thông, Bộ trưởng Bộ Cảnh sát Park Cheo Won (Kim Yun Seok), người chịu trách nhiệm cao nhất, buộc phải tổ chức họp báo và tuyên bố cậu sinh viên bị chết vì nhồi máu cơ tim do quá sợ hãi.

Lời giải thích hết sức khiên cưỡng đó chẳng thể nào thuyết phục được đám đông đang sục sôi giận dữ. Một nhóm trí thức gồm các công tố viên, phóng viên, nhà hoạt động dân chủ,... quyết tâm lao vào điều tra nhằm phanh phui chân tướng khủng khiếp: sinh viên Park Jong Chul đã bị tra khảo bằng nhục hình tới chết. Nỗ lực của họ đã khơi mào cho cuộc Vận động Dân chủ Tháng Sáu huyền thoại, đưa lịch sử Hàn Quốc hiện đại bước sang một trang mới.

Ám ảnh vì 1987 - Bộ phim khiến cả Tổng thống Hàn Quốc rơi lệ - Ảnh 3.

1987 được phân thành 4 tuyến truyện độc lập với thế lực chính phủ độc tài mà đại diện là Bộ trưởng Park làm hạt nhân trung tâm. Bọn họ phải tìm mọi cách che đậy sự tắc trách, bê bối ở cấp dưới lẫn trấn an, xoa dịu dư luận. Đối lập họ là ba nhóm người khác nhau đang cố gắng đưa vụ việc ra ánh sáng công lý: công tố viên Choi (Ha Jung Woo) - bác sĩ Oh (Lee Hyun Kyun) - kí giả Yoon Sang Sam (Lee Hee Joon); quản giáo Han (Yoo Hae Jin) - quản lí nhà giam Ahn (Choi Kwang Il); chàng sinh viên yêu nước Lee Han Yeol (Kang Dong Won) và cô cháu gái quản giáo Yeon Hee (Kim Tae Ri).

Ám ảnh vì 1987 - Bộ phim khiến cả Tổng thống Hàn Quốc rơi lệ - Ảnh 4.

Thuộc dạng định hướng câu chuyện (story driven), mỗi tuyến truyện nhỏ trong 1987 như các mảnh ghép nhằm hoàn thiện bức tranh to lớn, tái hiện lại thời kì đấu tranh dân chủ oanh liệt, đầy máu và nước mắt của người dân Hàn Quốc dưới cái nhìn đa chiều hơn bao giờ hết. Đó là vị bác sĩ nội khoa Oh từng tiếp xúc với Park Jong Chul lúc cậu lâm chung quyết giữ vững y đức, không giấu giếm về tình trạng bệnh nhân; là công tố viên Choi luôn muốn đảm bảo tính nghiêm minh cho hệ thống pháp luật; hay giáo sư pháp y Hwang kịch liệt từ chối đặt bút thay đổi kết quả khám nghiệm tử thi từ "ngạt nước, chấn thương vùng cổ" sang "nhồi máu cơ tim";...

Ám ảnh vì 1987 - Bộ phim khiến cả Tổng thống Hàn Quốc rơi lệ - Ảnh 5.

Mặc dù thừa nhận việc sáng tạo thêm những tình tiết hư cấu, nhưng xét tổng thể, 1987 đã lồng ghép vào khoảng hai tiếng thời lượng vô số tư liệu lịch sử thực tế. Hầu hết các nhân vật xuất hiện trong phim đều có thật ngoài đời. 1987 có thể khiến nhiều khán giả phải sửng sốt vì tính xác thực của nó. Rất nhiều câu thoại, phân cảnh được dựa trên chính lời khai, hồi tưởng của người trong cuộc, đơn cử như lúc bác sĩ Oh trả lời phỏng vấn báo chí hoặc trường đoạn biểu tình hoành tráng tại trường đại học Yonsei. Ở những phân cảnh cuối cùng, các nhà làm phim thậm chí còn lồng ghép những đoạn băng tư liệu lịch sử, trong đó có sự kiện về người anh hùng Lee Han Yeol, đưa tính bi tráng của phim đạt tới đỉnh cao, trọn vẹn.

Nếu so sánh với những tác phẩm cùng đề tài, 1987 ấn tượng hơn hẳn bởi mức độ đen tối, khắc nghiệt xuyên suốt bộ phim. Hình ảnh đám cảnh sát máu lạnh tha hồ lộng hành, tra tấn, ép buộc phạm nhân chấp nhận thỏa hiệp, hay lực lượng trấn áp bạo động dùng dùi cui đánh đập tàn nhẫn, bắt bớ sinh viên tham gia diễu hành sẽ gây không ít ám ảnh cho khán giả. Đặc biệt, khoảnh khắc gia đình nhà Park Jong Chul rải tro cốt con mình xuống dòng sông trong tiết trời đông lạnh giá, tro không cuốn theo gió mà tụ lại khúc sông đóng băng, mãi không chịu trôi đi mang tính ẩn dụ cực kì day dứt, xót xa.

Ám ảnh vì 1987 - Bộ phim khiến cả Tổng thống Hàn Quốc rơi lệ - Ảnh 6.

Quy tụ dàn cast đình đám từng nắm giữ hàng loạt giải thưởng điện ảnh danh giá, rất khó lòng để bạn có thể soi lỗi trước kỹ thuật nhập vai điêu luyện của đội ngũ diễn viên 1987. Ngoài những tên tuổi đóng chính được nhắc đến phía trên, tác phẩm còn tập hợp nhiều diễn viên gạo cội đảm nhận các màn cameo ngắn như Sol Kyung Gu, Kim Eui Sung, Ko Chang Seok,... Dù chỉ đảm nhận vai diễn khách mới, vẫn có hai gương mặt trong số họ đã tỏa sáng rực rỡ ở 1987 nhờ vào phần hóa thân đầy xuất thần.

Mang trên mình tước hiệu cao quý, chịu trách nhiệm quản lý an ninh trật tự Đại Hàn Dân Quốc, ngạc nhiên thay, tay Bộ trưởng Cảnh sát Park Cheo Won lại hành động chẳng khác gì bọn xã hội đen tàn bạo. Lão sẵn sàng áp dụng mọi biện pháp từ hối lộ, nhục hình tới dí súng đe dọa thẳng thừng nhằm đạt được mục tiêu mong muốn. Tuy nhiên, ẩn sau vẻ ngoài lạnh lùng, đáng sợ ấy lại ẩn giấu một bi kịch quá khứ thương tâm. Ảnh Đế năm 2008 Kim Yun Seok sẽ khiến người xem vừa rùng mình giận dữ, vừa đồng cảm với cảnh ngộ của gã đàn ông tràn ngập nội tâm này.

Ám ảnh vì 1987 - Bộ phim khiến cả Tổng thống Hàn Quốc rơi lệ - Ảnh 7.

Trái ngược hẳn các tuyến nhân vật kia, nhân vật nữ sinh Yeon Hee do Kim Tae Ri đảm nhận đại diện cho góc nhìn từ bên thứ ba – người đứng ngoài cuộc. Giữ quan điểm trung lập, cố gắng tránh xa rắc rối phiền phức, Yeon Hee dần tiếp nhận tư tưởng dân chủ thông qua người chú làm quản giáo và chàng sinh viên yêu nước điển trai Lee Han Yeol. Những phút giây nhẹ nhàng, thầm lặng giữa cặp đôi trẻ giúp bầu không khí 1987 phần nào đỡ căng thẳng, ngột ngạt hơn. Quá trình chuyển biến tâm lý ở Yeon Hee diễn ra hết sức hợp lí, khiến tác phẩm bùng nổ cảm xúc đến phút cuối cùng.

Ám ảnh vì 1987 - Bộ phim khiến cả Tổng thống Hàn Quốc rơi lệ - Ảnh 8.

"Tôi đã khóc suốt bộ phim và rất xúc động. Suốt mọi cuộc đấu tranh, điều luôn đau đáu trong lòng những người tham gia là câu hỏi: Liệu thế giới có thực sự thay đổi qua chiến dịch này hay không? Cá nhân tôi tin 1987 chính là câu trả lời cho câu hỏi đó. Bộ phim chứng minh rằng khi tất cả chúng ta đoàn kết sức mạnh thành một khối, thế giới này sẽ thay đổi", Tổng thống Moon Jae In đã chia sẻ như vậy sau khi thưởng thức 1987.