Ám ảnh và huyễn hoặc, “Veronica” gây ám ảnh với chiếc bàn cầu cơ quen thuộc

Hiếu Chấy, Theo Trí Thức Trẻ 00:10 25/03/2018

Sử dụng yếu tố kinh dị thành công để khắc họa sự ám ảnh trong suy nghĩ trẻ em, “Veronica” không phải là một bộ phim ma ám thông thường!

Được biết đến nhiều nhất qua tác phẩm phim kinh dị [REC] được đánh giá cao thuộc hàng "cực phẩm kinh dị" của Tây Ban Nha, đạo diễn Paco Plaza đã quay trở lại trong năm vừa rồi với tác phẩm tiếp theo của mình mang tên Veronica (Bàn Cầu Cơ), được trình chiếu trên hệ thống Netflix.

Ám ảnh và huyễn hoặc, “Veronica” gây ám ảnh với chiếc bàn cầu cơ quen thuộc - Ảnh 1.

Veronica lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về một cô bé người Tây Ban Nha bị quỷ ám. Ở tuổi 15, Veronica phải một mình chăm lo cho 3 đứa em nhỏ trong một căn hộ chật chội vì mẹ vắng nhà, bố mất sớm. Mong muốn được gặp lại cha, Veronica cùng vài người bạn đã sử dụng bàn cầu cơ để tìm kiếm một cơ hội, nhưng từ lúc đó, cô bé đã bị "vong theo". Cùng một lúc vật lộn với cuộc sống mệt mỏi, những thay đổi tuổi mới lớn và những thế lực xấu xa đang giằng xé, câu chuyện của Veronica thực sự khiến người xem muốn tiếp tục theo dõi.

Ám ảnh và huyễn hoặc, “Veronica” gây ám ảnh với chiếc bàn cầu cơ quen thuộc - Ảnh 2.

Bộ phim ngay sau khi ra mắt đại chúng đã nhận được phản hồi khá tích cực nhờ vào nội dung cuốn hút và diễn xuất của dàn diễn viên nhí rất tốt. Nữ diễn viên chính Sandra Escacena là một gương mặt mới trẻ tuổi nhưng mỗi lần xuất hiện đều trong trẻo, ám ảnh và gai góc đến ngạc nhiên.

Ám ảnh và huyễn hoặc, “Veronica” gây ám ảnh với chiếc bàn cầu cơ quen thuộc - Ảnh 3.

Làm một bộ phim kinh dị không còn là điều gì đặc biệt, mà hòa trộn được nhiều yếu tố nhân văn trong một bộ phim kinh dị mới thực sự khiến tác phẩm trở nên xuất chúng. Get Out đã làm được điều này trong năm 2017, và tiếp sau đó chính là Veronica.

Điều tài năng của đạo diễn Pero Plaza trong lần quay trở lại lần này chính là ông đã xuất sắc "nâng cấp" một câu chuyện ma ám đơn giản trở thành một tác phẩm của những phức tạp trong tâm lý mang theo phong cách "coming-of-age" (tuổi mới lớn), cùng lúc đó lại sở hữu đầy đủ mọi yếu tố cấu thành nên một bộ phim đáng sợ. Cho dù trong cả những phút giây hỗn loạn nhất, thứ người xem nhìn thấy ở nhân vật chính không phải là một nhân vật đang "mua vui" cho chúng ta, mà tưởng như một cô bạn đã đi cùng mình một thời gian rất dài, đủ để gắn kết.

Ám ảnh và huyễn hoặc, “Veronica” gây ám ảnh với chiếc bàn cầu cơ quen thuộc - Ảnh 4.

Điều thực sự ám ảnh của Veronica chính là cách bộ phim sử dụng yếu tố ma ám đơn thuần chỉ để khai thác những nghi hoặc về giới tính, gánh nặng về gia đình và cái chết đối với những đứa trẻ. Bộ phim biết cách hù dọa khán giả với những màn jump-scare (cảnh dọa nạt gây giật mình), nhưng đồng thời là cả qua những liên tưởng và sợ hãi của nhân vật. Veronica đặc biệt nhấn mạnh và xoáy sâu vào những tổn thương, mệt mỏi về tinh thần mà trẻ em phải hứng chịu trong một gia đình thiếu đi sự ấm áp của cha mẹ. Con quỷ trong phim dường như là một bóng hình cải trang của nỗi sợ tuổi trưởng thành không mong muốn.

Không dễ để có thể nắm bắt được toàn bộ những gì Veronica muốn gửi gắm nếu bạn chỉ xem bộ phim qua loa một lần. Cảm giác lúc ban đầu sẽ luôn là một tác phẩm lớp lang, được xây dựng đầy tính toán và bài bản. Mỗi thước phim của Veronica tựa như một cái rùng mình đầy cảnh giác, vì những gì chúng ta nhìn thấy không phải là thứ gì giản đơn.

Ám ảnh và huyễn hoặc, “Veronica” gây ám ảnh với chiếc bàn cầu cơ quen thuộc - Ảnh 5.

Thế nhưng, Veronica không phải là một bộ phim quá nặng nề về suy nghĩ và khía cạnh nhân văn của mình. Ngược lại, đây chỉ là những nét vẽ cuối cùng làm nên một bộ phim ấn tượng cả về nghệ thuật lẫn nội dung.

Trailer của "Veronica" (Bàn Cầu Cơ)

Kinh dị, bất ngờ và ám ảnh, Veronica là một cuộc dạo chơi thú vị cho những người hâm mộ điện ảnh đến từ nước Tây Ban Nha. Phim được ra mắt vào năm 2017 tại Liên hoan phim Quốc tế Toronto và đã được ra mắt trên hệ thống Netflix từ ngày 26 tháng 2 vừa qua.