Alfonso Cuarón và tấm chân tình gửi tới những người đàn bà cô độc trong "Roma"

Ngọc King, Theo Helino 10:29 25/02/2019

Dựa trên những ký ức tuổi thơ, đạo diễn tài hoa người Mexico Alfonso Cuarón đã đem đến tấm chân dung về những người phụ nữ bé mọn trong "Roma". Đây không phải lần đầu ông kể về phụ nữ, với sự trân trọng và tinh tế đủ để họ tự nói lên câu chuyện của mình.

"Bất kể họ nói với chúng ta điều gì, đàn bà chúng ta luôn luôn đơn độc". 

Người mẹ 4 con trung lưu Sofía (Marina de Tavira) đã nói với cô giúp việc Cleo (Yalitza Aparicio) trong bộ phim của đạo diễn Alfonso Cuarón. Tác phẩm được ra mắt trên Netflix là một trong những ứng cử viên hàng đầu tại Oscar năm nay với 10 đề cử, tôn vinh gương mặt những phụ nữ vô danh như Cleo. Nhìn lại sự nghiệp điện ảnh của Alfonso Cuarón, không khó để bắt gặp những phiên bản của Cleo thấp thoáng trong các tác phẩm của ông. Bốn tác phẩm lớn mà Cuarón được biết tới là Roma, Gravity, Children of Men, và Y Tu Mamá También đều xoay quanh hình tượng những phụ nữ đơn độc – mà bằng cách này hay cách khác – đang đối mặt với những khó khăn bủa vây lấy họ.

Alfonso Cuarón và tấm chân tình gửi tới những người đàn bà cô độc trong Roma - Ảnh 1.

Từ tuổi thơ bất hạnh tới sự thiếu vắng tính nam trong Roma

Lấy bối cảnh thập niên 70 tại Mexico City trên nền trắng đen, Roma bắt đầu bằng cảnh ông bác sĩ Antonio – dựa trên hình mẫu người cha của Alfonso – lái chiếc xe Ford Galaxie vương giả vào phần sân chật hẹp, bánh xe đè lên một đống phân chó chưa dọn. Cái sân nhỏ tới mức Antonio phải lách người qua phần cánh cửa thì mới chui ra ngoài được.

Alfonso Cuarón và tấm chân tình gửi tới những người đàn bà cô độc trong Roma - Ảnh 2.

Không lâu sau đó, chúng ta nghe thấy Antonio khục khặc với vợ, hờ hững với con. Sofía cố gắng dỗ dành ông chồng, dù tâm can bà biết rằng chồng mình đã ngoại tình. Ngày hôm sau tâm trạng Antonio còn tồi tệ hơn. Ông ta đùng đùng bỏ đi, giẫm lên đám phân chó. Sofía khóc lóc, quay sang chửi bới Cleo đang đứng đó. Cleo trở vào nhà, hót đống phân và lau dọn cái sân.

Hầu hết bộ phim trở về sau là hình ảnh của gia đình gồm 3 người phụ nữ và 4 đứa trẻ mà không có sự xuất hiện của người đàn ông. Antonio đã bỏ nhà ra đi. Gã người tình Fermín của Cleo cũng bỏ rơi cô. Sự thiếu vắng nam giới trong Roma bắt rễ từ tuổi thơ của chính Alfonso Cuarón, khi cha ông cũng đã bỏ mẹ con ông mà đi.

Alfonso Cuarón và tấm chân tình gửi tới những người đàn bà cô độc trong Roma - Ảnh 3.

Hồi còn nhỏ, gia đình của Cuarón cũng đã đổi từ chiếc ô tô cũ nát Valiant sang một chiếc Galaxie đắt tiền và cùng lúc đó là sự tan vỡ của cha mẹ ông. Chiếc Galaxie đã trở thành biểu tượng của tính nam quyền sặc mùi chủ nghĩa vật chất, như cái cách Antonio cố gắng không để chiếc xe bị chạm vào hai bên mép tường trong khi nó choán hết cả lối vào và khiến người lái phải loay hoay mãi mới chui ra được.

Cái chết của những đứa trẻ

Alfonso Cuarón và tấm chân tình gửi tới những người đàn bà cô độc trong Roma - Ảnh 4.

Từ chuyện mang thai, mất con cho tới bệnh hoạn vì tình (dục), Alfonso Cuarón đã dành ra rất nhiều trang trong sự nghiệp của mình khắc họa chân dung muôn mặt của phụ nữ theo một cách đẹp đẽ và ám ảnh. Trong Y Tu Mamá También (2001), một người phụ nữ tên là Luisa (Maribel Verdú) đã có chuyến du lịch hoang dại với hai cậu trai trẻ Tenoch và Julio (Diego Luna, Gael García Bernal). Điều khiến bộ phim thoát khỏi cái mác một "rác phẩm" gợi dục về chuyện tình "chơi ba" (threesome) là việc Luisa biết mình bị ung thư giai đoạn cuối, cô coi chuyến đi như một sự trốn chạy thực tại và giữ cho riêng mình. Sự thật cuối phim đã thay đổi tất cả cái nhìn của người xem dù chúng ta có đánh giá Luisa như thế nào trước đó.

Alfonso Cuarón và tấm chân tình gửi tới những người đàn bà cô độc trong Roma - Ảnh 5.

Thú vị là bộ phim cũng có đề cập tới nhân vật người giúp việc - hình ảnh đã trở thành một phần trong tiềm thức tuổi thơ của Cuarón cũng như là đối tượng chính trong câu chuyện của Roma.

Ba tác phẩm gần đây nhất của vị đạo diễn đều ít nhiều xoay quanh những đứa trẻ đã chết. Bi kịch này thường được các nhà làm phim sử dụng như một động cơ cho nhân vật chính thực hiện các hành vi mang tính đột phá. Trong khi đó, Cuarón lại nhắc đến những đứa trẻ đã chết như một ẩn dụ về sự tuyệt vọng. Với Roma, đó là đứa trẻ bị chết ngạt trong bụng mà Cleo đã ôm ghì lấy khóc lên đầy ai oán và đớn đau trên giường đẻ. Với Gravity, việc mất đi đứa con đã khiến nữ chính suýt chút nữa từ bỏ tất cả. Trong Children of Men, tiếng than khóc của người cha mất con chính là tiếng khóc của cả xã hội vô sinh tuyệt tự khi đứa trẻ cuối cùng được sinh ra đã bị giết bởi đám đông ngu dốt.

Chân dung những người phụ nữ cô độc

Ở giữa nỗi đau, những người đàn bà một thân một mình lại càng trở nên nổi bật. Hầu hết thời lượng của Gravity xoay quanh hành trình tự giải cứu bản thân của nữ tiến sĩ Ryan Stone (Sandra Bullock) khi các thành viên trong đội bay của cô đều tử nạn. Bị trói buộc trong bộ đồ phi hành gia, lơ lửng trong khoảng không vô tận của vũ trụ, sự cô độc và nhỏ bé của Ryan Stone bóp nghẹt trái tim người xem.

Alfonso Cuarón và tấm chân tình gửi tới những người đàn bà cô độc trong Roma - Ảnh 6.

Children of Men trong khi đó, lại tái hiện hành trình của đức mẹ đồng trinh Mary trong dáng hình cô gái da màu Kee (Clare-Hope Ashitey). Nhân loại khởi sinh từ châu Phi, vì thế hãy để thế giới hồi sinh lần nữa từ chính nơi nó bắt đầu. Kee đã phải chiến đấu với thế giới hoang tàn, ngay cả khi có sự giúp đỡ của những người đồng hành thì cuối cùng đến khi bộ phim khép lại, cô vẫn lẻ loi ngồi trên chiếc thuyền với đứa trẻ ẵm trong tay.

Sự đơn độc của những người phụ nữ lại càng trở nên rõ ràng hơn trong Roma với chân dung cần mẫn và lặng thinh của Cleo như một lớp những người phụ nữ bản địa làm nghề vú em cho các gia đình da trắng giàu có. Không có gia đình, không có người đàn ông bên cạnh, Cleo cô độc mang thai, rồi sinh con, rồi mất con. Bà chủ nhà Sofía (Marina de Tavira) thì lại cô độc theo một cách khác, trong căn nhà mà người chồng đã bỏ theo người phụ nữ khác. Sofía nén đau thương và giấu sự thật khỏi những đứa con. Dù đến từ hai tầng lớp, hai người đàn bà vẫn tìm thấy niềm xót xa chung trong sự cô độc của nhau.

Trong tất cả các bộ phim của mình, Cuarón đã sử dụng rất nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng. Với Children of Men, cô gái Kee tượng trưng cho người phụ nữ là cái nôi của mọi sự sống. Trong Gravity, Ryan đã tái sinh khi thoát ra khỏi chiếc tàu, cởi bỏ bộ đồ phi hành gia và ngoi lên mặt nước. Đại dương trong Y Tu Mamá También và Roma thì lại đóng vai trò như một sự thanh tẩy. Luisa ở lại bãi biển khi hai bạn tình trẻ rời đi. Cleo cứu mạng những đứa trẻ của bà chủ Sofía sau khi cô ấy mất đi đứa con. Có một sự liên hệ tinh tế lặp đi lặp lại trong cả hai bộ phim giữa các yếu tố như nước, sự sinh nở, đại dương và du lịch – cho phép người phụ nữ được sống như chính mình.

Alfonso Cuarón và tấm chân tình gửi tới những người đàn bà cô độc trong Roma - Ảnh 7.

Với 11 đề cử Oscar, 3 giải Quả Cầu Vàng, Alfonso Cuarón là một trong những nhà làm phim nổi tiếng nhất Mexico, cùng với Guillermo del Toro và Alejandro González Iñárritu đã tạo nên ba trụ cột có ảnh hưởng sâu rộng tới điện ảnh Hollywood. Roma của Cuarón cũng như The Shape of Water của Guillermo del Toro năm ngoái, đang là ứng cử viên hàng đầu cho hạng mục Best Picture của Oscar.

Nếu như Guillermo del Toro tìm đến một thế giới kỳ ảo của những Labyrinth, của tình yêu người – cá, Iñárritu miệt mài tìm cái đẹp trong thứ ngôn ngữ điện ảnh phá vỡ cấu trúc tường thuật truyền thống, thì Alfonso Cuarón thích nói về những người phụ nữ đi tìm tiếng nói của chính mình. Họ không cần phải lớn tiếng, họ không cần phải dời non lấp biển. Họ chỉ cần là họ mà thôi.

Trailer "Roma"