Ai sẽ là người bồi thường cho các nạn nhân trong vụ tai nạn 13 người tử vong ở Lai Châu?

Hoàng Hải, Theo Thời đại 15:32 16/09/2018

Theo quan điểm của luật sư Thơm, hành vi của lái xe bồn đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người.

Ai sẽ là người bồi thường cho các nạn nhân trong vụ tai nạn 13 người tử vong ở Lai Châu? - Ảnh 1.

Hai chiếc xe biến dạng sau vụ tai nạn.

Vụ tai nạn giao thông thảm khốc làm 13 người tử vong tại thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đã khiến nhiều người thân của gia đình các nạn nhân đau đớn, xót xa.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi ai sẽ là người chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật về vụ tai nạn này, ai sẽ là người bồi thường cho các nạn nhân xấu số?

Để giải đáp câu hỏi trên, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Luật sư Thơm cho hay, nguyên nhân xảy ra tai nạn trên là do xe bồn chạy quá tốc độ đâm vào xe khách 16 chỗ đi cùng chiều phía trước và đã có lỗi vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008.

Hành vi của lái xe bồn vi phạm Luật Giao thông đường bộ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người. Tội danh và hình phạt được quy định tại Khoản 3, Điều 260 BLHS 2015.

"Tuy nhiên, do lái bồn đã tử vong, căn cứ Khoản 7, Điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật...", luật sư Thơm nói.

Ai sẽ là người bồi thường cho các nạn nhân trong vụ tai nạn 13 người tử vong ở Lai Châu? - Ảnh 2.

Thời điểm thi thể các nạn nhân được đưa lên bờ.

Chia sẻ về việc ai sẽ là người bồi thường cho các nạn nhân xấu số trong vụ tai nạn, luật sư Thơm nêu quan điểm: Trường hợp lái xe bồn là lái xe thuê được trả lương thì chủ sở hữu xe bồn phải liên đới bồi thường trách nhiệm dân sự cho gia đình các nạn nhân, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Theo báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, xe bồn trộn bê tông biển số 24C-06376, nhãn hiệu HINO, sản xuất năm 2012 tại Trung Quốc.

Chủ xe theo giấy đăng ký là Công ty TNHH MTV vận tải H.S (địa chỉ tại TP.Lào Cai, tỉnh Lào Cai). Phương tiện được kiểm định lần gần nhất là ngày 4/5/2018 tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 24-01D Lào Cai và có hạn kiểm định đến 3/5/2019.

Như vậy, nếu Công ty TNHH MTV vận tải H.S là chủ xe và thuê lái xe, trả lương thì đơn vị này phải liên đới bồi thường trách nhiệm dân sự cho các nạn nhân.

"Trong trường hợp này, nếu lái xe bồn được công ty thuê lái, trả lương thì lái xe không phải là người chiếm hữu, sử dụng ô tô đó mà công ty vẫn đang chiếm hữu, sử dụng. Do đó công ty phải có trách nhiệm bồi thường...", luật sư Thơm bày tỏ.

Còn trong trường hợp tài xế xe bồn là chủ xe thì người này phải bồi thường trách nhiệm dân sự cho gia đình các nạn nhân. Tuy nhiên, trong trường hợp này nếu tài xế là chủ xe và đã tử vong thì việc bồi thường sẽ rất khó.

Điều 157 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015. Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự

Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau:

1. Không có sự việc phạm tội.

7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.

Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới.

3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày