Ai cũng muốn trở thành người tử tế, nhưng cứ hỏi nhau sẽ phải bắt đầu từ đâu?

Skye, Theo Trí Thức Trẻ 11:37 05/12/2016

Tử tế không phải điều gì lớn lao hay một phép nhiệm màu có trong các bài học đạo đức; người ta tìm thấy tử tế trong những điều bé nhỏ nhất của cuộc sống.

Giữa con đường đông người qua lại, một vụ cướp giật đôi khi cũng chỉ đáng vài cái ngoái nhìn; chẳng mấy ai buồn đuổi theo, thậm chí là đỡ người bị nạn dậy. Người ta chỉ tắc lưỡi rồi đi tiếp: "Chuyện có của riêng ai".

Thế rồi ai cũng buồn; một nỗi buồn hoang hoải và tự hỏi rằng "sao chẳng ai sống tử tế vậy?", mà không ngẫm lại mình.

Tử tế thời này, liệu có khó thế chăng?

Ai cũng muốn trở thành người tử tế, nhưng cứ hỏi nhau sẽ phải bắt đầu từ đâu? - Ảnh 1.

Cậu bé Hoài Lâm đã đứng lại khoanh tay xin lỗi sau khi đâm vào xe taxi.

Hành động văn minh không đợi tuổi

Chúng ta chẳng chờ phải lớn lên để biết cư xử văn minh, sống có trách nhiệm và biết nhận lỗi sai là gì. 

7 tuổi, em Nguyễn Hoài Lâm đi xe đạp đâm vào taxi biết đứng lại nhận lỗi. Không ai trách một cậu bé ở tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" đó, nhưng em đã khoanh tay xin phép rất lễ phép.

16 tuổi, cậu nam sinh lớp 11 trường Trần Nguyên Hãn, Hải Phòng biết để lại lời nhắn xin lỗi và bắt đền vì làm vỡ kính xe ô tô của một người đi đường. Em có thể bỏ đi như bao người khác nhưng không, Nguyễn Thế Tùng đã biết nhận trách nhiệm về mình.

Cách hành xử của con cái là tấm gương phản chiếu sự dạy dỗ của cha mẹ. Nếu như những đứa trẻ nào cũng được dạy dỗ như vậy từ nhỏ thì sẽ không còn bao cái nhìn thờ ơ, vô cảm trên đường.

Sống tử tế từ những hành động nhỏ nhất

Ai cũng muốn trở thành người tử tế, nhưng cứ hỏi nhau sẽ phải bắt đầu từ đâu? - Ảnh 2.

Lời nhắn để lại của cậu nam sinh lớp 11 sau khi làm vỡ gương xe ô tô.

Chúng ta thường chờ đến khi mình giàu để biết san sẻ với người nghèo, chờ đến khi mình to lớn mới dám bênh vực kẻ yếu và chờ đến khi bị bóc mẽ, mới dám thừa nhận mình sai...

Một lời xin lỗi liệu có đắt đỏ như thế không? Sự trung thực cho đi sẽ được đáp lại bằng thái độ bao dung. Như Hoài Lâm hay Tùng, một lời xin lỗi của em có thể không khiến chiếc gương kia lành lại, hay vết xước trên xe ô tô mất đi nhưng quan trọng hơn, nó đã giúp hàn gắn những giá trị con người tưởng chừng như vụn vỡ trong cuộc sống này.

Như hiệu ứng cánh bướm, "con bướm đập cánh ở Brasil có thể gây ra cơn bão lớn ở Texas", lòng tốt và sự tử tế cũng có tính lan tỏa. Từ những việc tử tế nhỏ nhất được vun vén, cả xã hội sẽ lại đầy tràn những lòng tốt và tình thương yêu.