"Ác mộng" của cô dâu ngoại ở xứ Hàn

Hoài Linh, Theo Vietnamnet 16:31 04/10/2017

Lễ hội Chuseok (Tết Trung thu) năm nay ở Hàn Quốc kéo dài kỷ lục, suốt 10 ngày kể từ 30/9. Với những cô dâu ngoại sống ở Hàn Quốc, lễ hội càng dài thì gánh nặng họ phải chịu càng lớn.

Tại Hàn Quốc, Trung thu không chỉ đơn thuần là một ngày tết mà nó còn là ngày các thành viên trong gia đình cùng sum họp, tề tựu đông đủ. Trong lễ hội nhiều ý nghĩa này, họ sẽ quây quần bên nhau cùng ăn uống và tận hưởng thành quả của vụ thu hoạch duy nhất trong năm.

Ác mộng của cô dâu ngoại ở xứ Hàn - Ảnh 1.

Ảnh: EPA

Tuy nhiên, nhiều phụ nữ nước ngoài cưới chồng và sống ở Hàn Quốc cho hay, Tết Trung thu đồng nghĩa với "căng thẳng", phần lớn do khác biệt về văn hóa và rào cản ngôn ngữ, báo Straits Times cho hay.

"Hồi còn ở Campuchia, tôi mong ngóng tới các lễ hội cổ truyền. Đó là lúc mọi người mặc quần áo đẹp, chuẩn bị những món ăn hấp dẫn và lên chùa cùng gia đình", cô Nagre, 34 tuổi, hiện sống ở Seoul sau khi kết hôn với ông chồng người Hàn Quốc hồi năm 2007, cho hay.

"Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, lễ hội là quãng thời gian đáng sợ và vô cùng căng thẳng. Đôi lúc, tôi cảm giác như mình là một cái máy. Tôi mặc tạp dề cả ngày để chuẩn bị đồ ăn và rửa bát đĩa", Nagre, hiện sống với bố mẹ chồng, kể. Chồng Nagre là con cả, vì thế cô là con dâu trưởng, người có trách nhiệm với phần lớn các công việc của gia đình.

Ác mộng của cô dâu ngoại ở xứ Hàn - Ảnh 2.

Ảnh: Korean Air

Mọi chuyện còn tệ hơn khi cô không biết nói tiếng Hàn. Nagre cho hay: "Khi mới tới đây và không nói được tiếng Hàn, tôi không biết phải làm gì và vô cùng lo lắng rằng mình sẽ mắc lỗi. Tôi và cả nhà giao tiếp bằng ngôn ngữ hình thể".

Tại một xã hội mà tư tưởng truyền thống về giới tính vẫn còn thấm đẫm, những người phụ nữ Hàn lúc nào cũng căng thẳng vào mỗi dịp lễ tết, đoàn tụ gia đình.

Theo công ty nghiên cứu thị trường M-Brain Trend Monitor với 1.000 nam và nữ trong độ tuổi từ 19 tới 59, thì có 88% cho rằng Tết Trung thu là thời điểm phụ nữ rất vất vả. 69% cho rằng đó là ngày lao động khổ sai với phụ nữ.

Với đa phần phụ nữ ngoại quốc chưa quen với văn hóa trọng nam ở Hàn Quốc, lễ tết là một gánh nặng với họ. "Ở Campuchia, phụ nữ và đàn ông cùng chuẩn bị đồ ăn. Trong khi đó, ở Hàn Quốc, đàn ông hầu như không bao giờ giúp phụ nữ làm việc gia đình", Nagre kể.

Với Nena, một phụ nữ Philippines 44 tuổi, sống cùng người chồng Hàn Quốc và hai con trong độ tuổi thiếu niên, phần thách thức nhất với cô trong lễ Chuseok là chuẩn bị đồ ăn cho "charye" (nghi thức cổ truyền với việc chuẩn bị rất nhiều món ăn để tưởng nhớ tổ tiên).

"Chúng tôi đi mua sắm và bắt đầu chuẩn bị ít nhất là một tuần trước khi Tết Trung thu bắt đầu. Trước đây, tôi thường bị la mắng vì không biết làm gì cho đúng", Nena kể.

Theo dữ liệu của Chính phủ Hàn Quốc, tính đến cuối năm 2016, có 152.000 phụ nữ ngoại quốc kết hôn với chồng người Hàn Quốc và đi theo chồng. Trong số này, phần lớn là người châu Á.

Đa phần các cô dâu ngoại đều cho hay, Tết Trung thu "không vui" chút nào.