7 tựa phim siêu anh hùng “lỗ sấp mặt” trong lịch sử phòng vé Mỹ

Kaiser, Theo Trí Thức Trẻ 16:00 26/06/2018

"Superman IV", "Zoom", "Super"... là những sản phẩm điện ảnh thuộc thể loại siêu anh hùng (superhero) nhưng không khiến đại chúng mặn mà cho lắm.

Black PantherAvengers: Infinity War sau khi ra mắt đã thu về lợi nhuận khổng lồ, biến Marvel Studios trở thành một trong những xưởng phim thành công nhất Hollywood. Song, đó chỉ là câu chuyện của những kẻ thắng trận trong cuộc chiến mang tên "Doanh thu phòng vé". Phim siêu anh hùng vốn là mảnh đất màu mỡ mà hầu hết "tay chơi" trong giới điện ảnh đều muốn chạm tay vào. Dù vậy, những tựa phim dưới đây lại xui rủi trở thành "thảm họa phòng vé", là ví dụ của câu từ hai bàn tay trắng gây dựng nên món nợ khổng lồ.

1. Superman IV: A Quest for Peace (1987)

Kinh phí: 17 triệu USD

Doanh thu: 36,7 triệu USD

7 tựa phim siêu anh hùng “lỗ sấp mặt” trong lịch sử phòng vé Mỹ - Ảnh 1.

Ít có tín đồ điện ảnh nào có thể ngờ được rằng phần thứ tư của một trong những thương hiệu ăn khách nhất mọi thời đại lại là một trong những thảm họa đáng xấu hổ nhất của Hollywood. So với hai phần đầu tiên được tán dương cả về hình ảnh lẫn nội dung, phần thứ ba dừng ở mức chấp nhận được, bộ phim thứ tư về Superman có Christopher Reeves thủ vai chính lại bị đánh giá là ngờ nghệch, đầy sạn. Một trong những chi tiết ngớ ngẩn nhất của phim là khi nàng phóng viên bị Nuclear Man bắt lên không trung, cô ta vẫn...thở được như ở Trái đất.

Vào thời điểm ngừng chiếu rạp, phần bốn chỉ thu về 15,6 triệu USD, trong khi chỉ riêng phần một đã là 134 triệu USD. Tại thị trường quốc tế, tác phẩm khá khẩm hơn chút đỉnh với tổng thu là 36,7 triệu USD.

2. Blankman (1994)

Kinh phí: Không xác định

Doanh thu: 7 triệu USD

7 tựa phim siêu anh hùng “lỗ sấp mặt” trong lịch sử phòng vé Mỹ - Ảnh 2.

Cũng trọc đầu như "Thánh Phồng" Saitama/ One-Punch Man, song nhân vật chính Darryl Walker (Damon Wayans) lại không thể đấm nổi... một con ruồi. Với hình thể yếu đuối đối lập với trái tim chính nghĩa cao đẹp, Darryl đã tự may phục trang, tự làm đồ nghề, trở thành người hùng dù không sở hữu bất cứ siêu năng lực nào.

Điều đáng tiếc là trong phim có một thứ còn yếu đuối hơn cả nhân vật chính, đó là...kịch bản. Thay vì sáng tạo nên một chiếc phim giải trí thuần túy, tác phẩm lại bị nhồi nhét quá nhiều tư tưởng giáo điều, sáo rỗng. Bản thân Wayans cũng là một diễn viên hài độc thoại có tiếng, nhưng có vẻ anh không thể truyền tải sự duyên dáng trên sân khấu lên màn ảnh được.

3. The Crow: City of Angels (1996)

Kinh phí: 13 triệu USD

Doanh thu: 17,9 triệu USD

7 tựa phim siêu anh hùng “lỗ sấp mặt” trong lịch sử phòng vé Mỹ - Ảnh 3.

Ra mắt năm 1995, phần phim đầu tiên của "Người Quạ" là một cú hit lớn tại phòng vé Bắc Mỹ. Song, đây cũng là bộ phim gây ra tai nạn dẫn đến tử vong cho diễn viên chính Brandon Lee là con trai của Lý Tiểu Long, buộc phía sản xuất phải thay người mới cho phần hai. Người được lựa chọn thay thế là Vincent Perez, và hầu hết các bài bình luận dành cho phần tiếp theo đều chê bai lối diễn nhạt nhòa của anh chàng này.

7 tựa phim siêu anh hùng “lỗ sấp mặt” trong lịch sử phòng vé Mỹ - Ảnh 4.

Vì tiếng tăm của phần tiền nhiệm, The Crow: City of Angels có cơ hội xếp đầu bảng trong tuần đầu tiên ra mắt. Những tuần tiếp theo là sự tụt dốc không phanh vì chất lượng kịch bản của phim quá nghèo nàn, dẫn đến việc tác phẩm chỉ gom về chưa đủ 18 triệu USD.

4. Steel (1997)

Kinh phí: 16 triệu USD

Doanh thu: 1.7 triệu USD

7 tựa phim siêu anh hùng “lỗ sấp mặt” trong lịch sử phòng vé Mỹ - Ảnh 5.

Shaquille O'Neal là dân nhà nghề trong giới bóng rổ, song về mặt diễn xuất thì anh chỉ ở mức nghiệp dư. Trong tựa phim dựa trên nhân vật cùng tên của DC comics, nhà sản xuất lại buộc phải chọn O’Neal, vì thời điểm này hiếm có diễn viên nào sở hữu chiều cao và cơ bắp sát với nguyên tác như anh.

Kết quả của lựa chọn này có thể xem là thảm họa của thảm họa. Hầu hết các lời phê bình đều mỉa mai rằng lối diễn của O’Neal y hệt biệt danh vị anh hùng mà anh thủ vai - Đơ như sắt thép! Cũng chính vai này đã mang đến cho phim một giải Mâm Xôi Vàng cho Diễn viên chính tệ nhất.

Về mặt doanh thu, Steel khi vừa ra mắt lại "lội ngược" xuống hạng thứ 16, thu về vỏn vẹn 1,7 triệu USD rồi "dẹp tiệm" luôn ngay trong tuần đầu.

5. Punisher: Warzone (2008)

Kinh phí: 35 triệu USD

Doanh thu: 10,1 triệu USD

7 tựa phim siêu anh hùng “lỗ sấp mặt” trong lịch sử phòng vé Mỹ - Ảnh 6.

Công bằng mà nói, phần phim điện ảnh đầu tiên chuyển thể nhân vật "Kẻ Trừng Phạt" của nhà Marvel cũng không nổi bật cho lắm, và cũng chỉ thu về có 33 triệu USD. Nhưng Punisher vẫn là một nhân vật được yêu thích bậc nhất thế giới truyện tranh, nên giới làm phim tiếp tục đặt niềm tin làm tiếp phần reboot vào năm 2008. Trong phần này, Ray Stevenson thay thế Thomas Jane trong vai gã phản anh hùng Frank Castle/ The Punisher.

Bản thân bộ phim không thuộc Vũ trụ Điện ảnh Marvel, kinh phí sản xuất lại nghèo nàn hơn. Đây chính là những nhân tố ảnh hưởng xấu đến doanh thu phòng vé. Không những thế, một tác phẩm quá bạo lực như thế này lại được ra mắt vào… Giáng sinh, càng đẩy Punisher: Warzone vào vũng lầy không lối thoát.

6. Zoom (2016)

Kinh phí: 75,6 triệu USD

Doanh thu: 12,5 triệu USD

7 tựa phim siêu anh hùng “lỗ sấp mặt” trong lịch sử phòng vé Mỹ - Ảnh 7.

Hãy nghĩ đến thương hiệu X-Men nổi tiếng, nhưng nhà sản xuất quyết định thay dàn diễn viên gồm toàn trẻ nhỏ, các em trai tuổi teen có ngoại hình không bắt mắt, cùng một cốt truyện "có vẻ" thân thiện với trẻ nhỏ hơn - và đó chính là Zoom.

Trong phim, Tim Allen vào vai một siêu anh hùng đã giải nghệ, bất đắc dĩ phải rèn luyện một nhóm thiếu niên có siêu năng lực để trở thành người kế nhiệm mình. Nhìn chung, kịch bản của phim là sự xào nấu trắng trợn thương hiệu X-Men, khác biệt nằm ở mang kỹ xảo rẻ tiền hơn, hài "chợ" hơn. Zoom khi ra mắt đã nhận ngay số điểm 3% thảm hại trên Rotten Tomatoes, đồng thời doanh thu còn không bằng được ⅓ kinh phí đã bỏ ra.

7. Super (2011)

Kinh phí: 2,5 triệu USD

Doanh thu: 422.618 USD

7 tựa phim siêu anh hùng “lỗ sấp mặt” trong lịch sử phòng vé Mỹ - Ảnh 8.

Bạn có thắc mắc trước khi cầm trịch Guardians of the Galaxy, đạo diễn James Gunn làm gì cho kế sinh nhai? Ừ thì, anh ấy vẫn… làm phim siêu anh hùng, nhưng theo trường phái "dị" hơn. Trong bộ phim hài đen (black comedy - kiểu phim hài mang tiếng cười chua cay, châm biếm) ra mắt năm 2011 của Gunn, Rainn Wilson vào vai Frank Darbo, một người đàn ông mang nhiều bất ổn tâm lý một ngày nọ quyết định khoác áo siêu anh hùng đi hành hiệp. Tự nhận là Crimson Bolt, nhưng Frank không có khả năng điều khiển sấm chớp, mà chỉ kịp sắm cho mình một cây côn đủ để đập "nổ đom đóm" kẻ địch. Lý do thực sự khi làm người hùng của Frank cũng không phải vì hòa bình thế giới, mà chỉ là muốn giành lại cô vợ từ tay một gã xã hội đen sừng sỏ.

7 tựa phim siêu anh hùng “lỗ sấp mặt” trong lịch sử phòng vé Mỹ - Ảnh 9.

Super đủ điên, đủ hài cho tín đồ điện ảnh mong chờ sự đột phá, nhưng lại là món ăn không vừa miệng với khán giả đại chúng. Cứ mỗi lần Crimson Bolt dùng cái chùy đập đầu người ta, điểm số và doanh thu tiềm năng của phim càng giảm thảm hại.