7 lưu ý bắt buộc phải nhớ khi làm bài thi Toán tuyển sinh lớp 10

Bikipmuathi.vn, Theo Trí Thức Trẻ 15:12 07/06/2016

Cùng nhắc lại một lần nữa những lưu ý và "mẹo" cần nhớ cho buổi thi Toán vào lớp 10 ngày mai nhé!

Ngày mai, hơn 75.000 thí sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Theo lịch tuyển sinh, Toán sẽ là môn thi thứ 2, diễn ra vào chiều ngày mai (8/6). Bài thi môn Toán sẽ kéo dài trong 120 phút. 

Để giúp các bạn có thể hoàn thành tốt nhất phần thi môn Toán, Bikipmuathi.vn sẽ cùng thầy Trần Quốc Anh -  tác giả của rất nhiều cuốn sách ôn luyện Toán cấp 3 đồng thời là giám đốc của một trung tâm dạy học có tiếng tại Hà Nội nhắc lại 7 lưu ý bắt buộc phải nhớ khi làm bài thi vào lớp 10:

7 lưu ý bắt buộc phải nhớ khi làm bài thi Toán tuyển sinh lớp 10 - Ảnh 1.

 Thầy Trần Quốc Anh Llà tác giả và đồng tác giả của hơn 10 đầu sách tham khảo nổi tiếng trong nước dành cho học sinh cấp 2 và cấp 3. Thầy cũng thường tham gia giảng dạy đội tuyển toán cho nhiều trường chuyên tại Hà Nội. 

1. Bài đầu tiên trong đề thi thường là rút gọn biểu thức. Với bài toán này, quan trọng nhất là điều kiện. Nếu đề đã cho rồi thì ta phải nhắc lại, còn chưa cho thì ta phải đi tìm. Với những câu hỏi phụ trong bài toán rút gọn, lưu ý khi làm xong các em phải kết hợp điều kiện. (Nhiều bạn hay quên bước này).

2. Tiếp theo là phần giải bài toán bằng cách lập phương trình hoặc hệ phương trình. Việc đầu tiên cần làm là đọc kĩ đề, nếu đề bài yêu cầu "giải bài toán sau bằng cách lập phương trình" thì ta chỉ được đặt một ẩn (bạn nào đặt 2 ẩn rồi giải hệ sẽ không được tính điểm).

Tiếp theo, cần nhớ ẩn phụ phải đi kèm với đơn vị và điều kiện của ẩn. Sau đó là đổi đơn vị (nếu cần). Ví dụ: 30 phút = ½ giờ. Cuối cùng vẫn là bước kết hợp điều kiện và kết luận.

7 lưu ý bắt buộc phải nhớ khi làm bài thi Toán tuyển sinh lớp 10 - Ảnh 2.

 Chi tiết lịch thi vào lớp 10 ở Hà Nội.

3. Dạng toán tiếp theo là giải hệ phương trình, thường là hệ phương trình quy về hệ bậc nhất hai ẩn (bằng cách đặt ẩn phụ). Phần này đáp số thường là các số nguyên. Vì vậy bạn nào làm ra phân số thì nên kiểm tra lại kĩ. Lưu ý sau khi giải xong, các em cần thử lại (lấy nghiệm tìm được thay vào hệ ban đầu) sẽ biết được ngay mình làm đúng hay sai.

4. Một phần cũng rất quan trọng đó là phương trình bậc hai và Parabol kèm câu hỏi phụ. Các em cần ôn tập lại những ứng dụng của định lí Viét, những bài toán về tương giao giữa đường thẳng và Parabol. Lưu ý điều kiện có nghiệm của mỗi bài toán và kết hợp điều kiện ở cuối bài.

5. Phần Hình học, ý đầu thường là chứng minh tứ giác nội tiếp. Để làm nhanh, hãy quan sát từ những dấu hiệu đơn giản nhất trước (có 2 góc đối nào cùng vuông không, sau đó thử xem có 2 đỉnh liên tiếp nào nhìn đoạn còn lại dưới 1 góc vuông không,…). Hướng dễ chưa được ta mới thử sang những hướng khó hơn.

Ý thứ hai của bài hình thường là chứng minh hệ thức về cạnh trong tam giác, hoặc tính số đo với những dữ kiện cho trước (thường dùng tam giác đồng dạng, hệ thức lượng trong tam giác vuông, hoặc khó hơn là áp dụng định lí Talet, tính chất tỉ lệ thức, tính chất dãy tỉ số bằng nhau…).

7 lưu ý bắt buộc phải nhớ khi làm bài thi Toán tuyển sinh lớp 10 - Ảnh 3.

Với ý thứ ba (được coi là câu điểm 9), thông thường sẽ xoay quanh vấn đề về góc trong đường tròn. Muốn làm tốt câu này, trước tiên các em nên nhìn lại những ý trước, quan sát xem có kết quả nào (vừa chứng minh được ở trên) có thể áp dụng được hay không. Và hãy lưu ý, những tứ giác nội tiếp sẽ sinh ra nhiều góc bằng nhau, bù nhau. Những tam giác vuông, tam giác cân, những đường đặc biệt (trung tuyến, phân giác, đường cao) sẽ tạo ra nhiều mối quan hệ cần thiết. Kết nối chúng với nhau, hướng tới điều phải chứng minh, các em sẽ thu được lời giải.

6. Trước khi đến với hai câu cuối (đại khó, hình khó mỗi câu 0,5 điểm) thì các em cần kiểm tra lại thật kĩ kết quả cũng như cách làm những ý trên. Muốn trên 9 thì phải nắm chắc điểm 9 trong tay đã.

7 lưu ý bắt buộc phải nhớ khi làm bài thi Toán tuyển sinh lớp 10 - Ảnh 4.

 Thầy Trần Quốc Anh 

8. Câu đại khó (được coi là câu điểm 10) thường là giải phương trình, hệ phương trình hoặc bất đẳng thức và cực trị. Tuy nhiên, trong 5 năm gần đây thì đề của Hà Nội đều rơi vào câu bất đẳng thức và cực trị. Do tính phân loại tốt của dạng toán này nên có lẽ năm nay vẫn sẽ như vậy. 

Với câu này, các em cần nhớ được các bất đẳng thức phụ (hay các bổ đề) thông dụng như AM-GM (Côsi) hay Bunhiacopxki, Mincopxki… Sau đó là tập cách quan sát, suy nghĩ. Hãy tự đặt câu hỏi là nhìn vào bài toán ta nghĩ tới bổ đề nào? Với bổ đề đó, ta sẽ áp dụng ra sao? (thường giả thiết hoặc kết luận sẽ cho một vế và các em phải suy ra vế còn lại). Và hãy để ý tới dấu bằng của bài toán, đây là chìa khóa quan trọng của lời giải.

Sau khi kết thúc buổi thi chiều mai (8/6), Bikipmuathi.vn sẽ cùng thầy Trần Quốc Anh thực hiện livestream để trực tiếp hướng dẫn giải đề môn Toán cũng như giải đáp những thắc mắc của các bạn.

Buổi livestream sẽ diễn ra vào lúc 18h00 trên Fanpage Kenh14.vn tại địa chỉ: https://www.facebook.com/K14vn/?fref=ts.

Cùng đón chờ nhé!

Chúc các bạn sẽ đạt kết quả thật tốt trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10!