7 điều không nên làm khi “chiến tranh” với bạn cùng phòng

Quỳnh Trang, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 10/09/2016

Dù có hòa hợp đến đâu, bạn và họ cũng không thể tránh khỏi những phút giây xung đột không đáng có và dưới đây là những điều bạn nên tránh khi “chiến tranh” với bạn cùng phòng.

Có một điều bạn nên hiểu rằng, bạn cùng phòng có thể không phải là bạn tốt nhất với bạn, nhưng bạn cùng phòng sẽ là bạn bè, là gia đình của bạn vì họ ở bên bạn nhiều nhất trong quãng đời sinh viên. Nhưng dù có hòa hợp đến đâu, bạn và họ cũng không thể tránh khỏi những phút giây xung đột không đáng có và dưới đây là những điều bạn nên tránh khi "chiến tranh" với bạn cùng phòng.

7 điều không nên làm khi “chiến tranh” với bạn cùng phòng - Ảnh 1.

Đổ lỗi mà không rõ nguyên nhân

Bạn có thể đổ lỗi rằng, bạn ấy không chịu dọn phòng vì bạn ấy thật lười biếng, nhưng có thể bạn không biết rằng bạn ấy đang bị ốm. Có thể bạn ấy liên tục rủ bạn bè đến phòng chơi là vì bạn ấy rất nhớ nhà. Có lẽ, bạn ấy không nhận ra rằng để quần áo bừa bộn dưới sàn sẽ làm bạn phát cáu. Hiện tượng đôi khi không phản ánh đúng bản chất. Vì vậy, hãy trò chuyện một cách thân mật thay vì mỉa mai hoặc lên án gay gắt những việc làm của bạn ấy.

Viết giấy chỉ trích bạn

Bạn có thể nghĩ rằng, bạn có thể để lại lời nhắn cho bạn ấy, hai bạn có thể nói chuyện mà không cần mặt đối mặt với nhau. Tuy nhiên, đây là một cách giải quyết thụ động và có phần hèn nhát. Trên thực tế, trò chuyện gián tiếp có thể gây hiểu lầm giữa đôi bên và khiến đối phương phải suy nghĩ rất nhiều. Hãy vui vẻ mở lời: "Này, chúng ta nói chuyện một lát được không?" Chắc chắn lời nói và thái độ tích cực của bạn sẽ giúp giải quyết nhanh gọn vấn đề.

Lặp lại những hành động gây khó chịu

Việc lặp lại những hành vi gây khó chịu của bạn bè mình chỉ làm leo thang những căng thẳng giữa hai bạn. Ví dụ như quyết định không nấu ăn để "góp ý" rằng bạn cùng phòng của mình quá lười nấu nướng chỉ đẩy các bạn vào một trận chiến. Bạn cùng phòng sẽ hiểu ra ý của bạn, nhưng việc này sẽ không đảm bảo rằng bạn ấy không tái phạm nữa.

Trả đũa

Nếu thói quen hay hành vi của bạn cùng phòng thực sự làm bạn khó chịu và phát cáu, chắc chắn bạn đã từng nghĩ đến việc trả đũa bạn ấy. Tuy nhiên, hành động lúc cáu giận và điên tiết chỉ khiến bạn hối hận sau này khi đã nguôi giận và hiểu rõ sự tình.

7 điều không nên làm khi “chiến tranh” với bạn cùng phòng - Ảnh 2.

Chiến tranh lạnh

Điều này có thể xuất hiện khi bạn giận dỗi với nửa kia, nhưng với một người bạn cùng phòng, nó có vẻ thật trẻ con. Bạn cùng phòng có thể không phải là bạn thân của bạn, có thể không hiểu được tính cách hay thói quen của bạn nên họ sẽ cảm thấy khó hiểu cho hành vi lầm lì của bạn. Cách duy nhất để thay đổi được điều này? Hãy nói chuyện thẳng thắn với bạn ấy.

Phàn nàn với những người bạn chung

Trước tiên, đây sẽ là sự lãng phí thời gian của bạn. Dù sao người bạn chung cũng sẽ kể chuyện này với bạn cùng phòng của bạn. Tiếp đó, bạn sẽ làm bạn cùng phòng cảm thấy xấu hổ hoặc bị xúc phạm khi thói quen, hành vi xấu xí của mình bị nhiều người khác biết được. Điều này sẽ là nguyên nhân khiến họ giận dỗi bạn và các bạn thậm chí sẽ không thể tiếp tục chung sống nữa.

Nghĩ rằng bạn không làm gì sai, bạn hoàn hảo

Trong khi bạn đang phàn nàn với tất cả mọi người về thói xấu và hành động của bạn cùng phòng của mình, bạn đã dành thời gian để nhìn lại mình chưa? Bạn đã có thói quen sống hay những hành vi đúng mực chưa? Có lẽ bạn cùng phòng của bạn cũng có một số lời phàn nàn về bạn, nhưng đã không nói ra. Nghiêm túc nhận ra và phê bình bản thân là dấu hiệu của sự trưởng thành. Vì vậy, hãy dành ra một phút để nhìn lại mình trước khi chỉ trích người khác bạn nhé.