60% trẻ em sau này lớn lên sẽ làm những việc chưa từng tồn tại

Nam Giao, Theo 15:30 16/04/2018

“Con chị dạo này học gì rồi? Có chỗ nào học hiệu quả hơn không? Cần cho con học thêm gì nữa nhỉ?” câu hội thoại quen thuộc khi “hội phụ huynh” gặp nhau. Khi nền giáo dục nặng thành tích trong bối cảnh kinh tế - xã hội phát triển nhanh thì người học đã quá tải trong khi những thứ cần học dường như vẫn còn chưa đủ.

Trong tương lai không xa, “60% trẻ em sau này lớn lên sẽ làm những việc chưa từng tồn tại...” - Con số này có gợi ra trong chúng ta lo ngại nào khi giáo dục trong mắt nhiều người vẫn là chạy theo kỳ vọng thành tích của bố mẹ? Và khi đó, thế giới đã tiến những bước rất dài...

60% trẻ em sau này lớn lên sẽ làm những việc chưa từng tồn tại - Ảnh 1.

Câu chuyện tại một trường học cấp 2 tại Israel, lúc đó là hơn 7h tối, tầng hầm của ngôi trường có vẻ ngoài cũ kỹ vẫn sáng đèn. Xuyên qua lối đi hẹp vào trong, là một thế giới khác, sáng bừng và nhộn nhịp như một xưởng cơ khí thu nhỏ. Và làm chủ ở đó, là những gương mặt trẻ măng. Gần 50 em đang say sưa với mô hình thiết kế robot, những bài tập lập trình. Một nữ sinh tầm 13 tuổi mắt đeo kính bảo hộ, tay cầm cưa cắt gọt một chi tiết máy. Khi được hỏi thăm: “Lẽ ra giờ này các em đã được về ăn tối chứ?”. Em bảo: “Chẳng ai bắt bọn em phải ở đây cả, bọn em thích thì làm thôi…”. Còn ở Việt Nam, tầm đó, 7h tối, chính là giờ hàng trăm ngàn đứa trẻ lao vội vào trung tâm học thêm, sau một ngày dài ngầy ngật ở trường. Chắc không mấy em thực sự trả lời được câu hỏi, vì sao em phải ở đây lúc này… Và khi nào các em mới có được cái “căn hầm sáng tạo” của riêng mình?

60% trẻ em sau này lớn lên sẽ làm những việc chưa từng tồn tại - Ảnh 2.

Và như một kết quả tự nhiên, thế giới biết đến Israel với sự bùng nổ các công ty khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu công nghệ cao, là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, được ví như một “thung lũng silicon” của thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ nước. Đó là những thành tựu của một hệ tư tưởng giáo dục: “Người Isarel tin rằng điểm số tốt nghĩa là trường học tốt, trường học tốt sẽ có tấm bằng đẹp, tấm bằng đẹp sẽ có công việc tốt, nhưng công việc tốt khác với người có sự nghiệp thành công.” Từ đó, họ gieo vào trẻ những đam mê học tập, nơi đó trẻ biết ước mơ, khát khao làm những điều trẻ thích ngay từ khi còn rất nhỏ.

Còn chúng ta, khi nào chúng ta có thể nói câu chuyện xuất khẩu nhân lực chất lượng cao, chứ không phải lao động chân tay sang nước ngoài?

60% trẻ em sau này lớn lên sẽ làm những việc chưa từng tồn tại - Ảnh 3.

Nói về giáo dục, trước hết hãy thử nhìn vào một câu chuyện khác, gần gũi và đời thường hơn, đó là thói quen hay niềm tin vào “tuyến trên” ở tất cả các lĩnh vực y tế, giáo dục… hay cao hơn, là “nạn chảy máu đô la” của người Việt cũng trong những lĩnh vực này. Lời giải thích rất nôm na rằng ở tuyến trên, hay ở nước ngoài, chuyên gia, bác sĩ và “máy móc, công nghệ” đều tốt hơn.

Nói đến chuyện “máy móc, công nghệ”, hãy nhìn vào hệ thống đào tạo nhân lực trong lĩnh vực y tế, cũng dễ thấy khoảng cách. Ở Mỹ để trở thành một bác sĩ phẫu thuật, người học phải có khoảng 300 giờ thực hành với tử thi, và đó là một điều rất tốn thời gian, công sức và tiền bạc. Tuy nhiên, hiện tại, việc này càng dễ dàng hơn nhờ công nghệ thực tế ảo: đeo kính VR, các bác sĩ tập sự dễ dàng hình dung ra một cơ thể người sống động để thực tập các thao tác giải phẫu. Còn Vương Quốc Anh đã đưa ra một nghiên cứu trên 250 ngàn ca khác nhau và cho biết: trước khi vào phòng mổ thật, nếu các bác sĩ được thực tập trước các thao tác cho ca mổ, 97% động tác của họ sẽ chính xác hơn.

60% trẻ em sau này lớn lên sẽ làm những việc chưa từng tồn tại - Ảnh 4.

Vài con số trên đã đủ sức nặng lý giải cho niềm tin của công chúng vào đội ngũ chuyên môn cũng như kỹ thuật, công nghệ là niềm tin có cơ sở. Và công nghệ đang thay đổi cuộc sống, đặc biệt là giáo dục, là điều không thể phủ nhận.

Công nghệ cũng sắp xếp lại thị trường lao động tương lai. Theo viện nghiên cứu toàn cầu của tập đoàn tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới Kindsley, năm 2030, máy tính sẽ thay thế 60% công việc hiện tại, tức là 800 triệu người sẽ mất việc. Thế giới đang làm gì để chuẩn bị cho sự thay đổi này?

Tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, trong ngay năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống (11/2009), Barack Obama đã đưa ra sáng kiến giáo dục “Educate to Innovate” (tạm dịch: Giáo dục để đột phá). Với sáng kiến này, nước Mỹ đã bỏ ra 700 triệu USD và đào tạo 100.000 giáo viên có khả năng thực hành giảng dạy tích hợp STEM.

Và đến năm cuối cùng của nhiệm kỳ của ông (2016) ông đưa ra một sáng kiến tương tự tiếp theo tên là “Computer Science for All”, (tạm dịch: khoa học máy tính cho mọi người), mục tiêu tương tự, ngân sách được nâng lên là 4 tỷ USD.

Người Mỹ đang chi trả rất nhiều để đón đầu sự thay đổi. Dù so sánh là khập khiễng, nhưng chúng ta đang chuẩn bị được gì trước xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động tất cả lĩnh vực trong cuộc sống?

60% trẻ em sau này lớn lên sẽ làm những việc chưa từng tồn tại - Ảnh 5.

STEM – nội dung và phương pháp giáo dục mà nước Mỹ đã chi rất nhiều tiền bạc, công sức để theo đuổi, là chữ viết tắt tiếng Anh của bốn từ: Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học), giáo dục STEM đề cao phong cách học tập sáng tạo. Bằng cách tích hợp linh hoạt 4 lĩnh vực trên, STEM đặt trẻ vào vai trò của một nhà phát minh.

Hình dung một cách dễ hiểu, khi một đứa trẻ quan sát một con chuồn chuồn, nếu được hướng dẫn với STEM, đứa trẻ sẽ không chỉ dừng lại ở việc biết gọi tên sự vật. Xa hơn, trẻ sẽ được tìm hiểu nguyên lý giúp chuồn chuồn có thể giữ thăng bằng và bay giỏi với đôi cánh mỏng (khoa học), học cách phân tích tỉ lệ hoàn hảo của cơ thể chuồn chuồn (toán học), khám phá cách thức con người áp dụng thuật mô phỏng để chế tạo máy bay (kỹ thuật)… Và tất cả được hỗ trợ sinh động bởi các thiết bị thông minh (công nghệ).

Tại Việt Nam, từ năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Hội Đồng Anh triển khai chương trình thí điểm giáo dục STEM cho một số trường trung học thuộc các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định. Đây là những bước đi quan trọng nhằm phát triển một chương trình giáo dục theo định hướng STEM mang tầm quốc gia.

Ở nhiều trường học tại TP. HCM cũng đã đẩy mạnh việc dạy học theo dự án hoặc theo chủ đề tích hợp các môn khoa học tự nhiên. Tại các cuộc thi khoa học kỹ thuật và dạy học sáng tạo của TP.HCM, rất nhiều sản phẩm, dự án đã vận dụng kiến thức tích hợp các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán.

60% trẻ em sau này lớn lên sẽ làm những việc chưa từng tồn tại - Ảnh 7.

Dù giáo dục STEM còn mới mẻ nhưng nhiều trường tiểu học, THCS đã chú trọng tạo sân chơi, phát triển câu lạc bộ ươm mầm trí tuệ, sáng tạo khoa học kỹ thuật, trong đó có chương trình Robotics… Được hòa mình vào những sân chơi trí tuệ này, học sinh không chỉ đam mê mà còn hào hứng, thể hiện ý tưởng sáng tạo riêng biệt, tạo ra những sản phẩm gắn với cuộc sống. Thiết kế theo hướng tích hợp các kỹ năng, kiến thức của 4 môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM), chương trình Robotics đã trang bị cho học sinh kiến thức về khoa học tự nhiên, nguyên lý cơ bản của các loại hình robot.

Vậy là sau 4 năm kể từ khi STEM lần đầu tiên được đề cập trong giáo dục Việt Nam, sự phát triển của nội dung và phương pháp học này đã có tín hiệu “thành hình”

60% trẻ em sau này lớn lên sẽ làm những việc chưa từng tồn tại - Ảnh 8.


STEM là chìa khóa cho đổi mới giáo dục. Nhưng cũng là câu hỏi lớn về khả năng đáp ứng của nền giáo dục hiện tại. Trong một buổi hội thảo về giáo dục STEM, đại diện lãnh đạo giáo dục đã nêu lên những trăn trở “Điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng đến đâu? Trình độ và mức sẵn sàng thích ứng của đội ngũ nhân lực ngành giáo dục? Cơ chế và đãi ngộ tạo điều kiện để giáo viên có đủ thời gian, tâm trí cho việc đầu tư vào cải cách?”

Một khi chưa đồng bộ, việc triển khai STEM sẽ còn những khúc mắc. Nếu điều kiện vật chất lẫn tư duy người hướng dẫn STEM không hướng vào thực chất, STEM sẽ dễ bị biến thành những phần biểu diễn robot máy móc, hay những màn thi công lại những bài tập khoa học, hơn là đặt người học vào thực tế, khơi dậy tính sáng tạo cho học sinh.

Việt Nam đã đầu tư 20% ngân sách cho giáo dục. Tuy nhiên, đứng trước những bước đổi mới với STEM nói riêng và áp dụng công nghệ vào giáo dục nói chung, chỉ riêng nhà trường sẽ khó lòng đảm đương nhiệm vụ lớn một cách toàn diện.

Và để thúc đẩy quá trình đưa STEM vào đời sống học đường một cách hiệu quả, ngành giáo dục rất cần sự chung tay của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ. Samsung là một ví dụ điển hình cho việc đầu tư dài hạn vào các dự án trách nhiệm xã hội gắn với giáo dục tại Việt Nam, và một bước xa hơn nữa, Samsung sẽ cùng với Lego Education góp phần phát triển giáo dục STEM.

Trong 1 tháng vừa qua, chuỗi sự kiện “Cùng bạn kiến tạo tương lai”, truyền cảm hứng về STEM tại TP.HCM: Thảo luận với các nhà giáo dục tại TP.HCM về thách thức của giáo dục tích hợp STEM, đưa học sinh phổ thông khám phá giảng đường thông minh tại trường Y, cùng các nghệ sĩ trẻ tổ chức tour trải nghiệm ứng dụng di động tìm hiểu thông tin khoa học cho hơn 10.000 sinh viên, học sinh, đưa đại diện sang Mỹ tranh tài trong cuộc thi “First Lego League” lớn nhất thế giới… diễn ra dưới sự đồng hành của Samsung. Chuỗi sự kiện đã gây chú ý với tuổi teen Sài Thành và những người quan tâm đến các sự kiện giáo dục tại TP.HCM.

Những câu chuyện đổi thay thần kỳ nhờ cách mạng giáo dục STEM như câu chuyện tại Chi-lê, Estonia… được kể tại hội thảo cũng là những gợi ý giá trị đối với những người làm công tác giáo dục. Bởi phải có tầm nhìn tương lai đủ rộng thì việc áp dụng STEM mới có thể vững chắc, không rơi vào bệnh hình thức. Thực hành STEM cho hiệu quả là trách nhiệm tất yếu của những người làm giáo dục chứ không chỉ là lựa chọn.

Mở rộng ra khỏi câu chuyện STEM, điều SAMSUNG muốn hướng tới là tạo ra được một chuỗi không gian truyền cảm hứng giáo dục từ công nghệ cho thế hệ trẻ, hướng đến xây dựng những giá trị giáo dục nhân văn. Trước đó, cam kết này của SAMSUNG đã được chứng minh qua chuỗi các không gian học tập thông minh được Samsung đầu tư: Dự án Thư Viện Thông minh tại các tỉnh thành, Dự án Phòng học thông minh cho trường đại học tại TP.HCM…

Mối quan tâm đến giáo dục của SAMSUNG không chỉ dừng ở việc đầu tư vào cơ sở vật chất, sâu hơn, còn cần phải tác động đến phương pháp, cảm hứng giáo dục. Một cột mốc mới là Công ty Điện tử Samsung Vina và Lego Education vừa chính thức công bố hợp tác chiến lược trong việc thực hiện các dự án giáo dục STEM năm 2018. Trọng tâm chiến lược là tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm STEM cho hơn 5000 học sinh tại TP.HCM: Học sinh trải nghiệm phòng học thông minh, phát triển ứng dụng di động kích thích tìm hiểu thông tin khoa học, tạo cơ hội đưa học sinh Việt qua Mỹ thi đấu giải Lego toàn cầu, dạy lập trình cho học sinh tiểu học, tổ chức cuộc thi Robotacon…

60% trẻ em sau này lớn lên sẽ làm những việc chưa từng tồn tại - Ảnh 11.

Đổi mới giáo dục không thể chỉ là những hoạt động kinh viện bó gọn trong sách vở giáo trình, đã đến lúc nó đòi hỏi một hệ sinh thái nguồn lực đủ mạnh, trong đó một trong những đối tác quan trọng nhất phải là các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vừa là đầu ra cho nguồn lực lao động, vừa là nguồn cung ứng vốn lẫn công nghệ tiềm năng, sẵn sàng đầu tư những “bàn đạp”, kiến tạo những “đường băng” cho giấc mơ chinh phục tri thức của người học bay cao.