6 thiên hà “trầm lặng” bỗng thành những chuẩn tinh sáng nhất vũ trụ

Kiều Anh, Theo VOV 17:02 22/09/2019

Các nhà thiên văn học phát hiện ra 1 hiện tượng bí ẩn khi 6 thiên hà “trầm lặng” thành những chuẩn tinh sáng nhất vũ trụ chỉ trong vài tháng ngắn ngủi.

So với vòng đời ngắn ngủi của con người, chúng ta thường nghĩ rằng những sự kiện có quy mô thuộc thiên hà như thế này xảy ra vô cùng chậm trong một khoảng thời gian rất dài. Những điều đó không phải lúc nào cũng đúng.

6 thiên hà “trầm lặng” bỗng thành những chuẩn tinh sáng nhất vũ trụ - Ảnh 1.

Thiên hà Sombrero là một ví dụ về thiên hà loại LINER. Ảnh: NASA

Với một tiến trình đáng kinh ngạc, 6 thiên hà này trải qua sự một sự biến đổi lớn lao chỉ trong vài tháng. Chúng từ những thiên hà khá bình yên nay đã trở thành những chuẩn tinh (quasar) sáng nhất vũ trụ, hoạt động dữ dội, tỏa ra một lượng phóng xạ khổng lồ vào không gian.

Hiện tượng này không chỉ vô cùng đặc biệt mà còn giúp lý giải những cuộc tranh luận trong một thời gian dài về việc cái gì đã tạo ra ánh sáng của một số loại thiên hà nhất định. Trên thực tế, chúng còn có thể cho chúng ta biết thêm về loại hoạt động trước đó của nhân thiên hà.

Theo trang Science Alert, 6 thiên hà trên ban đầu là những thiên hà loại LINER (low-ionisation nuclear emission-line region - các vùng vạch phát xạ hạt nhân ion hóa thấp). Chiếm khoảng 1/3 trong số những thiên hà được biết tới, các thiên hà loại LINER sáng hơn những thiên hà với các hố đen siêu nặng "đang ngủ" ở trung tâm nhưng không sáng như các thiên hà hoạt động mạnh, còn được gọi là thiên hà Seyfert với những hố đen siêu nặng sẵn sàng nuốt chửng các vật thể khác trong vũ trụ.

Cho tới nay, các thiên hà chuẩn tinh là những thiên hà hoạt động sáng nhất và chúng cũng là những vật thể sáng nhất của vũ trụ. Bức xạ ánh sáng và âm thanh chúng ta nhìn thấy được tạo nên bởi các vật chất quanh hố đen còn được gọi là đĩa bồi tụ.

Có nhiều ý kiến được đưa ra về việc chính xác thì cái gì đã tạo nên ánh sáng trong các thiên hà LINER. Một số nhà thiên văn học tin rằng nó được tạo ra bởi các hố đen trong khi số khác nhận định đó có thể là kết quả của việc rất nhiều vì sao được sinh ra.

Tuy nhiên, khi một nhóm các nhà thiên văn học, dẫn đầu là Sara Frederick thuộc Đại học Maryland sau khi thu thập dữ liệu trong vòng 9 tháng tại Cơ sở Tạm thời Zwicky, họ đã phát hiện ra 6 thiên hà LINER đang hoạt động có điều gì đó bất thường.

"Quan sát 1 trong số 6 vật thể này, ban đầu chúng tôi nghĩ rằng mình đã quan sát được sự kiện gián đoạn thủy triều, điều xảy ra khi một ngôi sao tiến quá gần đến một hố đen siêu nặng và sau đó bị ‘xé toạc’", Frederick cho biết.

"Nhưng sau đó chúng tôi phát hiện ra rằng hố đen ‘đang ngủ’ trước đó đang trải qua một sự thay đổi, dẫn đến việc hình thành chuẩn tinh vô cùng sáng. Quan sát sự thay đổi của 6 thiên hà này, tất cả đều là những thiên hà LINER khá ‘yên tĩnh’ đã giúp chúng tôi xác định được một lớp hạt nhân thiên hà hoạt động hoàn toàn mới".

"Sự thay đổi của 6 thiên hà này rất đột ngột và mạnh mẽ. Điều đó cho chúng tôi thấy rằng có điều gì đó khác biệt đang xảy ra bên trong chúng", Frederick phân tích thêm.

Nhà thiên văn học này cũng khẳng định: "Chúng tôi muốn biết lượng khí và bụi khổng lồ này có thể bắt đầu đột ngột rơi vào một hố đen như thế nào. Bởi vì chúng tôi đã bắt gặp sự chuyển đổi khi nó đang diễn ra nên điều đó sẽ mở ra nhiều cơ hội để so sánh hạt nhân thiên hà trông như thế nào trước và sau khi sự chuyển đổi này diễn ra".