6 điều cần lưu ý để có buổi phỏng vấn thực tập sinh hiệu quả

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 08:00 25/02/2020

Để ứng tuyển làm thực tập sinh của một công ty mà bạn hằng mơ ước thì không thể không chuẩn bị thật kĩ càng. Đầu tư thời gian trước cuộc phỏng vấn thực tập sinh của bạn không chỉ có nghĩa là bạn có sự chuẩn bị tốt hơn mà còn khiến bạn cảm thấy tự tin hơn, giúp bạn dễ dàng vượt qua cuộc phỏng vấn.

6 điều cần lưu ý để có buổi phỏng vấn thực tập sinh hiệu quả - Ảnh 1.

Dưới đây là một số lưu ý giúp bạn có buổi phỏng vấn thực tập sinh hiệu quả.

Không có sự chuẩn bị là chuẩn bị trước cho sự thất bại

Trước buổi phỏng vấn, bạn hãy dành thời gian để chuẩn bị những điều liên quan đến việc thực tập như tìm hiểu những điểm chính về doanh nghiệp bạn muốn thực tập, những yêu cầu về thực tập sinh của vị trí đang tuyển. Dành thời gian suy nghĩ về những câu hỏi có khả năng bạn sẽ được hỏi và cả những câu hỏi bạn muốn hỏi người phỏng vấn. Mang theo một bản sao CV của bạn khi đến phỏng vấn đề phòng trường hợp có nhiều người cùng tham gia phỏng vấn. Và cuối cùng, hãy kiểm tra lại các chi tiết như thời gian, địa điểm, trang phục cho ngày phỏng vấn. Đừng để mình vội vàng và lúng túng khi đến phỏng vấn thực tập sinh.

Tạo ấn tượng đầu tiên tốt với người phỏng vấn

Buổi phỏng vấn thực tập sinh là cơ hội để bạn tiếp thị bản thân, bởi vậy, ấn tượng đầu tiên là rất quan trọng. Khi bắt đầu buổi phỏng vấn, bạn có thể tạo ấn tượng đầu tiên tuyệt vời bằng cách tự tin và nhanh chóng hòa nhập với không khí bằng cử chỉ giao tiếp hoặc hành vi phi ngôn ngữ của bạn. Chẳng hạn như bắt tay, dáng ngồi và duy trì giao tiếp bằng mắt trong suốt cuộc phỏng vấn… Bạn cần làm điều này ngay từ vài phút đầu tiên để phát triển mối quan hệ với người phỏng vấn.

Ứng viên có phong thái tự nhiên và cởi mở sẽ tạo ấn tượng tốt với người phỏng vấn. Dẫu bạn chỉ là một thực tập sinh chưa có kinh nghiệm nhưng điều này sẽ tạo ra cái nhìn tích cực hơn khi nhà tuyển dụng đánh giá bạn. Một ấn tượng đầu tiên tốt sẽ tạo tiền đề cho một cuộc phỏng vấn thành công.

Nhấn mạnh các kỹ năng và thành quả của bạn

6 điều cần lưu ý để có buổi phỏng vấn thực tập sinh hiệu quả - Ảnh 2.

Khi ứng tuyển thực tập sinh, tất nhiên, bạn có thể sẽ không có quá nhiều điều để nói về chuyên môn và kinh nghiệm của mình. Mẹo nhỏ ở đây là hãy tập trung vào các kỹ năng và thành tích của bạn.

Ví dụ các kỹ năng ngôn ngữ và máy tính của bạn, hay thành tích ở trường trung học/đại học, các hoạt động tình nguyện và ngoại khóa… Bên cạnh đó, các kĩ năng mềm của thực tập sinh cũng cần được đề cập như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tổ chức, phân tích và giải quyết vấn đề mạnh mẽ… Hãy lấy dẫn chứng cho các ưu điểm về kĩ năng này bằng các ví dụ cụ thể ở trường hoặc kết quả học tập.

Người phỏng vấn sẽ có thể hỏi bạn về cách xử lý một tình huống cụ thể như thế nào để kiểm tra những kỹ năng của bạn. Lúc này, việc chuẩn bị sẵn câu trả lời nháp ở nhà sẽ là tài liệu tham khảo nhanh giúp bạn không bị lúng túng trước các câu hỏi tình huống đó. Trong trường hợp này, người phỏng vấn muốn tìm hiểu về cách suy nghĩ và khả năng giải quyết vấn đề của bạn.

Hiểu câu hỏi trước khi trả lời

Khi người phỏng vấn đặt câu hỏi, bạn có thể hỏi họ để làm rõ hoặc lặp lại câu hỏi. Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng CareerLink Việt Nam chia sẻ, bạn nên biết những gì người phỏng vấn đang tìm kiếm trước để đưa ra câu trả lời đúng. Đừng vội vàng trả lời ngay hoặc im lặng suy nghĩ quá lâu, nếu không hiểu rõ hoặc không chắc chắn về vấn đề mà người phỏng vấn đang nhắc tới, hãy hỏi lại ngay.

Theo sự dẫn dắt của người phỏng vấn

Hãy đảm bảo rằng bạn đã trả lời toàn bộ câu hỏi trước khi chuyển sang câu hỏi tiếp theo. Bạn có thể hỏi lại người phỏng vấn để xem bạn đã trả lời câu hỏi của họ hay có muốn biết thêm thông tin nào khác hay không.

Sự tự tin sẽ được thể hiện ra khi bạn thoải mái và nghe theo sự dẫn dắt của người phỏng vấn. Họ sẽ có những đánh giá cao với thực tập sinh tự tin và sẵn sàng trao đổi về công việc.

Nhấn mạnh vào sự tích cực

6 điều cần lưu ý để có buổi phỏng vấn thực tập sinh hiệu quả - Ảnh 3.

Bạn có thể được yêu cầu đưa ra một danh sách các điểm mạnh và điểm yếu của bạn. Hãy nhớ tập trung vào sự tích cực và không làm quá mọi thứ. Khi đề cập đến điểm mạnh, bạn không nên nói quá nhiều và tâng bốc bản thân, hãy nhắc đến một điểm mạnh mà bạn nghĩ sẽ có ích cho thời gian làm thực tập sinh tại đây.

Khi được hỏi về các điểm yếu, hãy đề cập đến những điều bạn có thể cải thiện trong lĩnh vực này. Ví dụ như bạn thiếu kinh nghiệm, cần được thực tập và hướng dẫn để có thể có những kinh nghiệm thực tế.

Phỏng vấn thực tập sinh cũng quan trọng như bất kì ứng viên xin làm việc chính thức nào. Đây là bước đệm đầu tiên và quan trọng để bạn bắt đầu bản thân ở một vai trò mới. Hãy cân nhắc về những lưu ý trên đây để có buổi phỏng vấn thực tập hiệu quả nhất.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày