500 anh em chuẩn bị ngắm mưa sao băng Thiên Cầm đạt cực đại vào đêm nay và đêm mai nhé

J.D, Theo Helino 13:46 21/04/2019

Trận mưa này cũng khá là đáng để mong chờ đấy.

Chuẩn bị nào 500 anh em yêu thiên văn. Ngay trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, chúng ta sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng một trong những "cực phẩm" thiên văn mỗi năm. Đó là mưa sao băng

Cụ thể, "cực phẩm" lần này có tên là mưa sao băng Lyrid (hay Thiên Cầm). Trận mưa đã bắt đầu từ ngày 16/4 rồi, nhưng đêm 21 và 22, rạng sáng 23/4 mới là thời điểm đạt cực đỉnh.

500 anh em chuẩn bị ngắm mưa sao băng Thiên Cầm đạt cực đại vào đêm nay và đêm mai nhé - Ảnh 1.

Theo trang Space.com, những người ở phía Bắc Bán Cầu sẽ ở vị trí thuận lợi nhất để ngắm sao. Để dễ quan sát hơn, chúng ta chỉ cần tìm một địa điểm thật tối, tránh xa ánh đèn thành phố, ngước mắt lên trời trong vòng 20 - 30 phút là có thể thấy được rồi.

Dù vậy thì cũng phải thú thật rằng trận mưa sao băng này không thực sự quá nổi bật. Lyrids chỉ là mưa sao băng tầm trung, hình thành từ các hạt bụi để lại bởi sao chổi C/1861 G1 Thatcher. Thời điểm mưa sao băng bắt đầu cực đại lại khá sát với lúc trăng tròn, nên ánh sao có thể bị lu mờ.

Đổi lại thì chúng ta cũng khá may mắn vì đây là những thời điểm trời khá quang đãng. Bạn vẫn có thể thấy được sao băng, với mật độ rơi vào khoảng 20 vệt/h.

500 anh em chuẩn bị ngắm mưa sao băng Thiên Cầm đạt cực đại vào đêm nay và đêm mai nhé - Ảnh 2.

Được biết, mưa sao băng Thiên Cầm đã tồn tại từ cách đây 2700 năm. Nó xuất hiện lần đầu trong ghi chép của Tả Khâu Minh - một nhà văn đương đại thời Khổng Tử - từ năm 687 TCN.

Ở các nền văn hóa khác - như tộc Boorong thổ dân bản địa của Úc - trận mưa này cũng được ghi nhận. Người dân của bộ tộc này giờ chỉ tồn tại rải rác trên nước Úc, nhưng các tài liệu lịch sử cho thấy họ xem mưa sao băng Lyrids là những vết cào của chim malleefowl (một loài chim bản địa) khi xây tổ.

Tham khảo: IFl Science